Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ hai, ngày 1 tháng 5 năm 2023 | 10:0

Nông sản Việt lo cạnh tranh: Đánh giá đúng để khai thác thế mạnh và lợi thế tại thị trường tỷ dân

Hiện, nhiều mặt hàng nông sản có thế mạnh của Việt Nam đang bị cạnh tranh và sẽ bị cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn tại Trung Quốc. Lý do, Trung Quốc chủ động trồng và chế biến các mặt hàng này với sản lượng lớn.

Các doanh nghiệp xuất khẩu chuối sang Trung Quốc chủ động đáp ứng đầy đủ các điều kiện để xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường biển. Trong ảnh: Đóng gói chuối xuất khẩu tại nông trại chuối KDA.

Nhiều nông sản Việt Nam có thế mạnh được Trung Quốc trồng với quy mô lớn

Ông Nguyễn Duy Phú, Trưởng chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Quảng Châu  (Trung Quốc), cho biết, hàng nông sản Việt Nam sang Trung Quốc đang bị cạnh tranh ngày càng gay gắt với các sản phẩm cùng loại.

Bởi hiện nay, Trung Quốc đã và đang đẩy mạnh sản xuất, trồng trọt các sản phẩm cùng loại mà Việt Nam có ưu thế như thanh long, cà phê, cao su, sầu riêng, chanh leo…

Chỉ riêng tại tỉnh Quảng Đông, có một số sản phẩm có sản lượng cụ thể: vải thiều là 1,5 triệu tấn/năm, nhãn là 1 triệu tấn/năm, chuối là 4,8 triệu tấn/năm, thanh long là 380.000 tấn/năm, xoài là trên 200.000 tấn/năm, chanh leo là 220.000 tấn/năm. Diện tích và sản lượng các loại trên của Quảng Đông hoặc lớn hơn Việt Nam, hoặc đang tăng trưởng mạnh.

Tuy vậy, ông Nguyễn Tuấn Anh - phụ trách chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Vân Nam - cho hay các sản phẩm nông, thủy sản của hai nước có khác biệt về thu hoạch, thời tiết, nên Trung Quốc vẫn có nhu cầu cao nhập khẩu sản phẩm của Việt Nam.

Vân Nam là cửa ngõ chuyển nông sản, thủy hải sản. Hằng năm chi nhánh thương vụ thường xuyên quảng bá nông sản Việt Nam, kết nối nhu cầu giữa hai bên.

Nhờ vậy, năm 2022 quy mô thương mại của riêng tỉnh Vân Nam với Việt Nam chiếm tới 5% kim ngạch thương mại biên giới Việt Nam với Trung Quốc.

Khai thác lợi thế từ hàng hóa có tính bổ sung, thúc đẩy giao thương trực tiếp

Bà Triệu Thúy Nga, Trưởng đại diện Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trùng Khánh, cũng cho hay, thương mại hai bên có tính bổ sung nhau. Cộng thêm những ưu thế thuận lợi trong vận tải, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Trùng Khánh, nên sẽ tạo cơ hội thúc đẩy giao thương.

Bà Nga thông tin thêm, để thúc đẩy đưa sản phẩm hàng hóa, hàng nông sản vào thị trường Trùng Khánh, các doanh nghiệp có thể nghiên cứu hợp tác với chợ đầu mối lớn. Bao gồm chợ đầu mối nông sản Shuangfu chuyên kinh doanh nông, thủy sản với lượng giao dịch 6-10 triệu tấn/năm có tổng giá trị 30-50 tỉ CNY (4-7 tỉ USD).

Hai là chợ đầu mối San Ke nằm phía đông Trùng Khánh với lượng giao dịch khoảng 5 triệu tấn/năm có tổng giá trị đạt khoảng 30 tỉ CNY (trên 4 tỉ USD).

Bà Nga cho biết thêm, phía Trung Quốc rất mong muốn được gặp gỡ, làm việc với doanh nghiệp Việt Nam, tìm đầu mối cung ứng trực tiếp tránh được các khâu trung gian, giảm chi phí giá thành. Do đó, doanh nghiệp có nhu cầu có thể đến khảo sát để trao đổi hợp tác.

Trung Quốc cũng dự kiến sẽ tổ chức đoàn sang Việt Nam trong quý 2 và quý 3 năm nay để tìm kiếm đối tác, nhà cung ứng trực tiếp.

Đối với xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, quy định về đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài (Lệnh 248) yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài hoàn thiện hồ sơ gia hạn trên Hệ thống thương mại một cửa (CIFER) dẫn đến thời gian gần đây. Một số doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam (đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản) chưa kịp đăng ký gia hạn doanh nghiệp trên Hệ thống CIFER của Hải quan Trung Quốc khiến hoạt động xuất khẩu của một số doanh nghiệp bị gián đoạn.

Trung Quốc đẩy mạnh trồng các loại nông sản có thế mạnh của Việt Nam khiến nông sản xuất khẩu của Việt Nam có thể gặp khó, cạnh tranh trực tiếp. (Ảnh hàng nông sản Việt Nam giao thương với Trung Quốc).

Theo ông Nguyễn Đình Đại, Giám đốc Sở Công Thương Lạng Sơn, sắp tới vào vụ thu hoạch trái cây tươi vào tháng 6 và tháng 7, địa phương mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng nhằm đẩy nhanh tiêu thụ hàng hóa xuất khẩu qua tỉnh Lạng Sơn và hỗ trợ các vấn đề phát sinh để có biện pháp xử lý các vấn đề phát sinh.

Ông Đại đề xuất Bộ Công Thương, tiếp tục chỉ đạo phát huy vai trò của Thương vụ, cung cấp thông tin nhu cầu thị trường, các mô hình hải quan, cơ sở hạ tầng của phía bạn; kết hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký kết nghị định thư về kiểm dịch thực vật; xúc tiến sang thị trường Trung Quốc các ngành hàng có lợi thế; quan tâm và nâng cao hiệu suất thông quan qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên lưu ý thị trường Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính, không phải cái gì thị trường Trung Quốc cũng chấp nhận, không phải hàng hóa nào, tiêu chuẩn nào người Trung Quốc cũng chấp nhận. Hơn nữa, theo Bộ trưởng các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc khá tương đồng với Việt Nam, do đó hàng hóa của Việt Nam cũng đối diện với sự cạnh tranh.

"Khi Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế sau Covid-19 thì vừa là thời cơ, vừa là thách thức rất lớn đối với chúng ta. Như vậy, chúng ta phải nhận diện trúng, đánh giá đúng tình hình thị trường Trung Quốc hiện nay, để khai thác thế mạnh và lợi thế đối với thị trường này", Bộ trưởng Công Thương nhấn mạnh.

Cũng theo ông Diên, địa chính trị trên thế giới vẫn diễn biến khó lường, nhu cầu tại Trung Quốc chưa thực sự khôi phục, trong khi đó dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Đây là những yếu tố tác động đến thương mại giữa hai nước.

Doanh nghiệp cần chủ động kết hợp với các đối tác nhập khẩu

Trong thời gian tới, để hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc khôi phục và phát triển bền vững, ông Huy khuyến nghị các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông sản, thực phẩm cần chú ý nghiên cứu và khẩn trương hoàn tất thủ tục đăng ký trước khi xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang thị trường Trung Quốc.

Phối hợp với đối tác Trung Quốc đa dạng hóa tuyến xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới, tránh tập trung vào một vài cửa khẩu biên giới nhất định hoặc tận dụng tuyến vận tải biển, vận tải đường sắt liên vận Việt Nam – Trung Quốc, hạn chế tối thiểu nguy cơ gây ùn tắc tại các cửa khẩu trong mùa cao điểm.

Chế biến thủy sản phục vụ nhu cầu xuất khẩu.

Nghiên cứu kỹ thông tin, tín hiệu và các quy định, tiêu chuẩn của thị trường, tuân thủ đầy đủ các điều kiện về đăng ký doanh nghiệp, các tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc...

Tăng cường tham dự các chương trình hội chợ, triển lãm quốc tế do các địa phương, cơ quan trung ương hai nước phối hợp tổ chức nhằm tăng cường kết nối trực tiếp sau thời gian hạn chế kéo dài của dịch bệnh.

“Tới đây, Bộ Công Thương cũng sẽ tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại quy mô tại thị trường Trung Quốc, trong đó, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi sẽ có một số hoạt động hướng tới cả thị trường truyền thống (cụ thể là Quảng Tây) và thị trường mới nằm sâu trong nội địa Trung Quốc (Sơn Đông, Hà Bắc). Vì vậy, các doanh nghiệp nên tham gia tích cực để mở rộng thị trường”, ông Huy khuyến nghị.

Đồng thời duy trì chú trọng việc nghiên cứu kỹ nhu cầu, xu thế phát triển của thị trường, tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản, xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu,...

Ông Quân cũng cho rằng các doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động kết hợp với các đối tác nhập khẩu trong việc xây dựng, quảng bá hình ảnh doanh nghiệp và các sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp mình bên cạnh việc nắm vững và đáp ứng tốt các yêu cầu về kiểm dịch, chất lượng của thị trường Trung Quốc.

Chủ động xây dựng kênh trao đổi trực tiếp với các thương vụ trên cơ sở nắm rõ nhu cầu xuất khẩu của doanh nghiệp địa phương. Đồng thời, có sự phối hợp hiệu quả với các Thương vụ trong quá trình kết nối doanh nghiệp nhập khẩu nước ngoài với doanh nghiệp xuất khẩu tại địa phương.

Nghiên cứu kỹ các ấn phẩm hoặc cẩm nang mặt hàng, ngành hàng do Bộ Công Thương xây dựng để có cái nhìn tổng quát về thị trường, từ đó xây dựng định hướng xuất khẩu dựa trên nhu cầu thực tế của địa phương./.

 

Thanh Tâm (t/h)
Ý kiến bạn đọc
Top