Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 11 tháng 3 năm 2024 | 20:19

Nông sản “hô biến”, nỗi lo nhập nhèm thương hiệu

Mặc dù đã và đang đạt được những con số ấn tượng về kim ngạch xuất khẩu, nhưng có 80% sản lượng nông sản xuất khẩu chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều sản phẩm được xuất khẩu và bán ở thị trường nước ngoài dưới thương hiệu không phải của doanh nghiệp Việt Nam.

Số lượng sản phẩm nông sản của Việt Nam đã xây dựng được thương hiệu và được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu còn hạn chế. 

Nỗi lo nhập nhèm thương hiệu

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên, thời gian qua, nhiều loại hoa quả Việt đã bị các thương lái làm giả thương hiệu, nhập khẩu theo đường tiểu ngạch nhưng lại gắn mác hoa quả Việt. Chẳng hạn, các thương lái đã nhập dâu tây Trung Quốc theo đường tiểu ngạch và gắn mác dâu tây Đà Lạt, Mộc Châu…, rồi bán với giá chỉ bằng một nửa so với giá thông thường.

Nhiều loại nông sản sản xuất trong nước nhưng lại bị “hô biến” thành sản phẩm nhập khẩu hoặc nhập khẩu theo đường tiểu ngạch song được gắn mác sản phẩm Việt. Tình trạng này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho người dân, HTX sản xuất chân chính, mà còn ảnh hưởng tới uy tín thương hiệu nông sản của Việt Nam ngay tại thị trường trong nước.

Tình trạng nhãn hiệu nông sản của DN này bị DN khác đăng ký ở nước ngoài cũng là vấn đề đáng lo ngại. Bài học đắt giá chính là thương hiệu gạo ST25 của Sóc Trăng, khi thương hiệu này bị 4 DN đăng ký bản quyền ở Mỹ.

Thực tế trong thời gian qua, có rất nhiều DN hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tuy nhiên, không ít DN chưa chú trọng đến việc gắn nhãn hiệu được bảo hộ lên hàng hóa, bao bì hàng hóa nên đã xảy ra tình trạng trùng nhãn hiệu, hoặc lợi dụng các nhãn hiệu uy tín để thu lợi bất chính.

Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) Lê Duy Anh dẫn chứng thêm, đã có nhiều thương hiệu nông sản Việt bị lấy mất ở thị trường nước ngoài; đơn cử như: nước mắm Phú Quốc bị các công ty tại Thái Lan sử dụng trên các sản phẩm nước mắm của họ xuất khẩu sang Mỹ, Úc và châu Âu; nước mắm Phan Thiết bị đăng ký tại Mỹ; cà phê Buôn Ma Thuột bị đăng ký tại Trung Quốc; cà phê Đắk Lắk bị đăng ký tại Pháp...

Nỗi lo nông sản mất thương hiệu

Các chuyên gia về lĩnh vực nông nghiệp cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến nông sản Việt bị mất thương hiệu ngay tại thị trường trong nước là do việc quản lý thương hiệu còn lỏng lẻo, quy trình sản xuất của HTX còn manh mún, nhỏ lẻ.

Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Tiệp cho biết, nông sản Việt Nam vẫn chưa có một thương hiệu mạnh được người tiêu dùng biết đến rộng rãi. Nhiều DN, HTX chưa quan tâm tới logo, nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ, nên dễ bị thương lái giả mạo thương hiệu...

Để không xảy ra tình trạng tương tự, các DN, người sản xuất phải bảo vệ thương hiệu của mình ở cả thị trường trong nước và quốc tế. Đây cũng là giải pháp đầu tiên được chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy nêu ra. Theo ông Hoàng Trọng Thủy, việc cần làm trước tiên hiện nay là phải thay đổi nhận thức cho các chủ thể, “trong thời đại cạnh tranh về thương hiệu, chỉ những hàng hóa có thương hiệu mới có giá trị cao”.

Các bộ, ngành cần phát triển những vùng nguyên liệu sản xuất để tạo điều kiện thuận lợi trong việc xây dựng mã vùng, mã số. Mỗi địa phương cũng nên chọn một vài sản phẩm đặc trưng của mình để hỗ trợ xây dựng, bởi nếu chỉ có hô hào mà thiếu đi hỗ trợ thì DN cũng khó bắt tay với chủ thể sản xuất xây dựng thương hiệu.

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cũng cho rằng, lực lượng quản lý thị trường cần kiên quyết đấu tranh chống lại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để gìn giữ giá trị cho người sản xuất chân chính.

Để bảo vệ và phát triển thương hiệu nông sản, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, các địa phương cần xây dựng và vận hành hệ thống quốc gia về kiểm soát chất lượng nông sản một cách chặt chẽ, khoa học, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế; bảo đảm sản phẩm khi lưu thông trên thị trường trong nước và quốc tế có chất lượng ổn định, có thể truy xuất được nguồn gốc.

“Chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền để các HTX, DN, nông dân có ý thức gây dựng, giữ gìn thương hiệu cho đặc sản của địa phương mình. Đồng thời, cần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, HTX, DN tham gia trực tiếp vào công tác xây dựng thương hiệu nông sản; hình thành vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh hàng hóa, quy mô lớn, tạo ra sản phẩm chất lượng...” - Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Nhiều nông sản chất lượng cao của Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu bảo hộ tại trong nước và quốc tế.

“Giấy thông hành” cho nông sản

Nhắc đến canh tác hữu cơ tại TP Hà Nội, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) là một trong những cái tên nổi bật. Từ năm 2015, HTX này đã tiên phong liên kết với các nông hộ để phát triển mô hình lúa gạo chất lượng cao.

Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú Trịnh Thị Nguyệt cho biết, sau khi được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Gạo hữu cơ Đồng Phú”, sản phẩm của HTX được nhiều người tiêu dùng biết đến, tiêu thụ khá thuận lợi, giá bán gấp 2,5 - 3 lần so với trước đây. Nhờ có thương hiệu, HTX đã xuất khẩu được sản phẩm sang thị trường Mỹ.

Lúa gạo cũng là ngành hàng hưởng lợi lớn nhất từ việc xây dựng thương hiệu và bảo hộ quốc tế. Năm 2023 là năm đầu tiên, lúa gạo Việt Nam đạt con số kỷ lục trong 34 năm xuất khẩu, với sản lượng hơn 8 triệu tấn và trị giá gần 4,8 tỷ USD.

“Thương hiệu gạo Việt Nam mang đến cơ hội lớn cho các DN tiếp cận thị trường ngoài nước. Trong năm 2023, chúng tôi tăng trưởng khoảng 40% cả về lượng, doanh thu và giá. Gạo của chúng tôi cũng đã từng bước tiến vào được siêu thị Cosco của Canada” - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vinaseed Trần Kim Liên chia sẻ.

Thực tế cho thấy, không chỉ lúa gạo, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam, nhờ có nhãn hiệu, thương hiệu đã tiếp cận được những thị trường khó tính trên thế giới. Minh chứng là nông sản Việt hiện đã có mặt tại hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tính riêng trong năm 2023, Việt Nam có 6 mặt hàng nông sản đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD gồm: rau quả (5,69 tỷ USD), gạo (4,78 tỷ USD), hạt điều (3,63 tỷ USD), cà phê (4,18 tỷ USD), tôm (3,38 tỷ USD), gỗ và sản phẩm gỗ (13,37 tỷ USD).

Vấn đề cấp bách phải làm ngay

Mặc dù đã và đang đạt được những con số ấn tượng về kim ngạch xuất khẩu, nhưng có 80% sản lượng nông sản xuất khẩu chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều sản phẩm được xuất khẩu và bán ở thị trường nước ngoài dưới thương hiệu không phải của doanh nghiệp Việt Nam.

Thực tế, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định thương mại Việt Nam - EU (EVFTA)... đã giúp doanh nghiệp khai thác được thêm những lợi thế tuyệt đối với một số mặt hàng nông sản mới như mặt hàng gạo, đặc biệt là gạo chất lượng cao và gạo thơm, được minh chứng qua sự tăng trưởng vượt bậc về kim ngạch xuất khẩu đối với một số thị trường tại EU gấp 2 hoặc 3 lần so với trước đây.

Hay như đối với mặt hàng rau củ quả, cũng có sự tăng trưởng đáng khích với kim ngạch xuất khẩu hơn 200 triệu USD vào năm 2022, giúp Việt Nam trở thành nhà cung cấp thứ 59 trên thế giới về mặt hàng này đối với thị trường EU.

Vì vậy, để thúc đẩy phát triển các mặt hàng nông sản với giá trị cao, bền vững, chiếm vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế, nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng bảo hộ cho thương hiệu nông sản Việt được cho là một trong những vấn đề cấp bách.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Trong đó, mỗi loại sản phẩm cần xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định, minh bạch, giám sát được, không chỉ qua tích tụ đất đai mà bằng liên kết các nông hộ, liên kết chặt chẽ vùng trồng với doanh nghiệp là cơ sở quan trọng để đảm bảo sản lượng, chất lượng, xây dựng thương hiệu.

Song song với đó, cần tổ chức tốt việc đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài, nghiên cứu giống, cấp chỉ dẫn địa lý và đẩy mạnh chế biến, chế biến sâu tạo giá trị gia tăng nhằm góp phần từng bước xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt.

“Kinh nghiệm thực tiễn của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, để thành công trong việc thúc đẩy tiêu thụ đặc sản địa phương tại các thị trường xuất khẩu, cần chú trọng đến việc gây dựng, bảo vệ và gìn giữ thương hiệu. Do đó, ngoài việc quy hoạch phát triển các vùng nông sản chất lượng cao thì cần đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm nông sản Việt Nam trên thị trường, đặc biệt là thị trường nước ngoài...”, vị chuyên gia này chia sẻ.

Còn theo Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - Đặng Phúc Nguyên, nông sản Việt muốn chiếm lĩnh thị trường trong nước và tham gia sân chơi quốc tế cần phải coi trọng bản quyền và sở hữu trí tuệ. Nhà nước cần tăng cường định hướng doanh nghiệp, Hợp tác xã xây dựng và quảng bá thương hiệu trong nước cũng như quốc tế thông qua việc ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu, góp phần thực hiện thành công mục tiêu xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam.

Có đến 80% nông sản Việt XK dưới cái tên của DN nước ngoài. (Ảnh: Nguyễn Thanh)

Cùng với các vấn đề đã nêu, một số ý kiến cũng cho rằng, để xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt, trước tiên, cần phải thay đổi nhận thức cho các chủ thể, bởi, trong thời đại cạnh tranh về thương hiệu, chỉ những hàng hóa có thương hiệu mới có giá trị cao.

Bên cạnh đó, các bộ ngành cũng cần phát triển những vùng nguyên liệu sản xuất để tạo điều kiện thuận lợi trong việc xây dựng mã vùng, mã số. Mỗi địa phương cũng nên chọn một vài sản phẩm đặc trưng của mình để hỗ trợ xây dựng, bởi nếu chỉ có hô hào mà thiếu đi hỗ trợ thì doanh nghiệp cũng khó bắt tay với chủ thể sản xuất xây dựng thương hiệu.

Được biết, liên quan đến vấn đề xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt, Chính phủ đã phê duyệt và triển khai nhiều chương trình như: Chiến lược xây dựng thương hiệu thực phẩm Việt Nam, Chương trình thương hiệu quốc gia (Vietnam Value), Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030, Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050... mục đích của các chương trình này nhằm xây dựng, quảng bá nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý và tên gọi xuất xứ hàng hóa của Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước, để sản phẩm hàng hóa của Việt Nam phát huy giá trị, nâng cao sức cạnh tranh./.

 

Thanh Tâm (t/h theo Kinhtedothi, Diendandoanhnghiep...)
Ý kiến bạn đọc
Top