Ngoài cá ngừ, còn có nhiều mặt hàng cá biển có nhu cầu và doanh số bán tăng mạnh trong nửa đầu năm nay. Trong đó, cá chẽm có tăng trưởng xuất khẩu 27% đạt trên 36 triệu USD, cá chỉ vàng tăng 14% đạt trên 29 triệu USD, cá thu tăng 6%, cá minh thái tăng 8% đạt 38 triệu USD, cá cam tăng 96%. Một số loài cá nước ngọt có nhu cầu nhập khẩu tăng bao gồm: cá diêu hồng tăng 32%, cá rô tăng 18%, lươn tăng 93%.
Thị trường EU ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu cao nhất 40%
Xuất khẩu thủy sản sang Top 2 thị trường lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc – Hồng Kông (Trung Quốc) đều ghi nhận tăng trưởng cao trong tháng 6, cụ thể, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ tăng 14%, sang thị trường Trung Quốc – Hồng Kông (Trung Quốc) tăng 18%.
Kinh tế Mỹ năm nay có những tín hiệu lạc quan. Lạm phát tại Mỹ đã giảm nhanh từ 9% xuống còn 3% trong năm nay, Mỹ sẽ sớm có động thái cắt giảm lãi suất trong năm nay để kích cầu tiêu dùng, do đó sẽ có cơ hội tốt cho các nhà xuất khẩu. Nửa đầu năm, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Mỹ đạt 733 triệu USD tăng 9%. Trong khi đó, xuất khẩu sang Trung Quốc - Hồng Kông (Trung Quốc) nửa đầu năm tăng 7% đạt 766 triệu USD.
Xuất khẩu sang Nhật Bản trong tháng 6 chỉ tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ. Tính tới hết tháng 6/2024, xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản đạt 705 triệu USD, giảm nhẹ 1% so với nửa đầu năm 2023. Đồng Yên Nhật mất giá 12% so với đồng USD và là đồng tiền mất giá nhiều nhất trong các ngoại tệ mạnh là một yếu tố khiến nhập khẩu của nước này giảm. Ngoài ra, những bất lợi do Trung Quốc cấm nhập khẩu thủy sản Nhật Bản cũng góp phần khiến cho nhập khẩu của Nhật Bản chững lại.
Riêng xuất khẩu thị trường EU có mức tăng trưởng cao nhất (+40%) trong tháng 6. Lũy kế nửa đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản sang EU 513 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường EU đang có xu hướng ổn định dần dần. Giá cả thị trường và tiêu dùng đang ổn định, đồng thời lạm phát thủy sản tiếp tục giảm xuống mức 2,1% trong tháng 5. Kể từ tháng 3, lạm phát thậm chí còn giảm đáng kể hơn đối với thủy sản đông lạnh, với tỷ lệ lạm phát âm 0,9% trong tháng 5. Dự báo nhu cầu và nhập khẩu thủy sản của EU sẽ tăng trờ lại sau kỳ nghỉ hè ở châu Âu.
VASEP kỳ vọng năm nay tình hình xuất khẩu sẽ ổn định đúng chu kỳ thông thường, tăng tốc vào quý III và quý IV, theo đó, kim ngạch xuất khẩu sẽ cao hơn khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2023, đạt trên 5,5 tỷ USD, đưa kết quả xuất khẩu cả năm 2024 tới gần 10 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2023.
Trung Quốc tăng nhập, xuất khẩu tôm hùm tăng mạnh
Riêng với mặt hàng tôm hùm, hiện Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất đối với sản phẩm này của Việt Nam, chiếm đến 98 - 99%. Theo các chuyên gia, việc Trung Quốc ồ ạt gom mua tôm hùm Việt khiến xuất khẩu mặt hàng này nửa năm 2024 tăng gấp 57 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước đó, thời điểm tháng 10/2023, Trung Quốc đã ngừng nhập khẩu tôm hùm bông của Việt Nam vì quy định liên quan đến Luật Bảo vệ Động vật hoang dã của nước này. Để xuất khẩu tôm hùm bông sang Trung Quốc, các doanh nghiệp phải chứng minh là tôm giống không được đánh bắt trực tiếp từ biển, minh chứng quá trình nuôi rõ ràng, không sử dụng giống khai thác từ tự nhiên, nghĩa là con giống phải là thế hệ F2; đơn vị nhập khẩu phải có giấy phép...
Ngày 20/1/2024, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam đã dẫn đầu đoàn công tác của Bộ sang làm việc với chính quyền nhân dân tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) về hợp tác giao thương phát triển nông nghiệp. Trong các nội dung làm việc liên quan, hai bên cũng thống nhất phối hợp xử lý vướng mắc trong xuất nhập khẩu cá tầm, tôm hùm bông theo cơ chế đặc biệt và sẽ đưa vào Nghị định thư giữa hai nước. Trong khi chờ đợi ký Nghị định thư, Trung Quốc sẽ xem xét, tạo cơ chế đặc biệt để các cơ sở đăng ký xuất khẩu tôm hùm sang nước này.
Tại Việt Nam, hiện nhiều địa phương có thể mạnh nuôi tôm hùm, sản lượng ước khoảng 4.000 tấn/năm. Riêng tôm hùm bông có giá trị kinh tế cao, cho doanh thu khoảng 2.000 tỷ đồng.
Riêng thị trường Trung Quốc, hiện Việt Nam có 46 cơ sở bao gói được xuất khẩu tôm hùm vào thị trường này. Hiện nay, xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc đang có chiều hướng thuận lợi nhưng về lâu dài, cần phải hướng đến việc xuất khẩu chính ngạch. Muốn vậy, cần phải xây dựng các chuỗi liên kết từ khâu sản xuất, thu mua đến xuất khẩu, gắn với truy xuất nguồn gốc minh bạch.