Từ khi sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, giá thu mua tăng theo ngày. Nhiều người dân ở Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ bị cuốn theo cơn “bão” giá nên chặt phá các loại cây trồng khác chuyển sang trồng sầu riêng. Điều này gây lo ngại về nhiều mặt, cả kinh tế và xã hội.
Nguy cơ dư thừa sản phẩm
Thời gian qua, tại các địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, cây sầu riêng có hiện tượng phát triển nóng, đặc biệt là mở rộng diện tích ở các vùng có điều kiện đất đai, sinh thái không phù hợp; phá cây cà phê, hồ tiêu trong vườn trồng xen sầu riêng; chuyển đổi đất lúa để trồng sầu riêng…
Đơn cử, tại Bình Phước, ở các địa phương như Phước Long, Phú Riềng, Bù Đăng, có hàng trăm hộ dân phá bỏ hàng ngàn hecta các loại cây trồng do bị cuốn theo sầu riêng.
Theo Cục Thống kê tỉnh Bình Phước, diện tích trồng cây sầu riêng tại địa phương này năm 2022 đạt 4.802ha, tăng 1.364ha so với năm 2021. Diện tích cây ăn trái các loại trên địa bàn hiện có 13.901ha.
Theo đề án phát triển bền vững cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và năm 2030, Bộ Nông nghiệp và PTNT định hướng, cả nước phát triển khoảng 65.000 - 75.000ha sầu riêng, với sản lượng 830.000 - 950.000 tấn. Tuy nhiên, đến nay, diện tích sầu riêng vượt khoảng 35.000ha so với định hướng.
Bộ Nông nghiệp và PTNT cảnh báo về tình trạng diện tích vườn sầu riêng mở rộng quá mức.
Trao đổi về vấn đề này, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, việc tăng diện tích một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát, theo phong trào, không theo định hướng, khuyến cáo của các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn sẽ dẫn đến hậu quả khó lường, cung vượt quá cầu, dư thừa, dội chợ và nghiêm trọng hơn là tại các vùng không phù hợp như vùng nhiễm mặn, nhiễm phèn, vùng không chủ động được tưới - tiêu sẽ gây hệ lụy nghiêm trọng về năng suất và chất lượng sầu riêng của Việt Nam.
Theo đó, người dân đã nhiều năm trồng lúa, khi chuyển sang cây sầu riêng sẽ không có đủ kinh nghiệm, mua giống không đảm bảo, vùng đất không thích hợp cho loại cây này thì hiệu quả sẽ không như kỳ vọng. Đặc biệt, đối với sầu riêng trồng xen sẽ không được Trung Quốc xem xét cấp mã số vùng trồng, người thiệt đơn, thiệt kép là bà con nông dân.
Viễn cảnh cung vượt cầu không phải là vô căn cứ. Bởi nhìn nhận thực tế, giá sầu riêng thời gian qua tăng vọt là do lượng sầu riêng xuất khẩu còn nhỏ giọt. Bởi hiện tại, trong tổng 80.000 ha sầu riêng, chỉ có 5% diện tích được cấp mã vùng trồng xuất khẩu chính ngạch Trung Quốc.
Ngày 30/11/2022, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có Chỉ thị về việc phát triển bền vững sản xuất cây sầu riêng, chanh leo. Cục Trồng trọt đề nghị các tỉnh, thành phố chỉ đạo các ban, ngành, các huyện, thành phố, thị xã, các doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ trồng sầu riêng nghiêm túc thực hiện Chỉ thị này.
Tập trung nâng cao chất lượng
Cùng xuất khẩu như Việt Nam, trước áp lực cạnh tranh ngày càng tăng tại thị trường Trung Quốc, năm nay, Thái Lan nâng cao tiêu chuẩn chất lượng sầu riêng xuất khẩu. Theo đó, chất khô tối thiểu phải đạt 35%, thay vì 32% như năm ngoái. Như vậy, Thái Lan quyết định tự nâng tiêu chuẩn chất lượng sầu riêng xuất khẩu sang thị trường đông dân nhất thế giới nhằm giữ thị phần. Đây được xem là động thái của Thái Lan để giữ chân người tiêu dùng Trung Quốc.
Trong khi đó, ở nước ta, chỉ tăng diện tích trồng chứ chưa chú trọng chất lượng. Hiện chỉ có 20% sản lượng sầu riêng sang thị trường Trung Quốc; diện tích được cấp mã số vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu còn rất khiêm tốn.
Những bài học nhãn tiền cho thấy, nếu không kiểm soát chặt từ khâu trồng trọt, gắn với chất lượng, chế biến sâu thông qua liên kết sản xuất quy mô lớn giữa hợp tác xã với doanh nghiệp, thời gian tới, trái sầu riêng có nguy cơ rơi vào tình trạng “được mùa, mất giá”.
Do đó, các cơ quan, ban ngành cần tập trung tuyên truyền, phổ biến, nhằm từng bước thay đổi thói quen, nhận thức sản xuất theo phong trào, theo số đông; việc phát triển cây trồng nói chung và sầu riêng nói riêng cần theo định hướng thị trường, theo định hướng của các cơ quan quản lý.
Thay vì tăng diện tích, sản lượng cần tập trung tổ chức lại sản xuất, liên kết sản xuất, chuẩn hóa quy trình sản xuất từ khi canh tác, thu hoạch đến chế biến, vận chuyển, phân phối nhằm nâng cao giá trị gia tăng.
Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông, Cục Bảo vệ thực vật, cho biết: Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa phê duyệt thêm 163 mã số vùng trồng và 67 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam. Tính tổng cộng ba đợt kiểm tra, xét duyệt, Việt Nam hiện có 246 mã số vùng trồng (khoảng 12.000ha) và 97 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng đáp ứng đầy đủ yêu cầu xuất khẩu chính ngạch theo nghị định thư của phía Trung Quốc.
Cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo người dân và các địa phương không nên mở rộng diện tích mà cần tập trung duy trì mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, nâng cao hơn nữa chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm.
“Thay vì tìm cách tăng diện tích và sản lượng, ngành hàng sầu riêng nên xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng, chuẩn hóa quy trình sản xuất từ lúc canh tác, thu hoạch đến chế biến, vận chuyển, phân phối”, ông Nguyễn Quang Hiếu nhấn mạnh.
Trước thực trạng trên, Cục Trồng trọt đã vào cuộc và đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành phố tập trung định hướng, tích hợp phát triển cây ăn quả trong quy hoạch; đề xuất cơ chế, chính sách; thu hút doanh nghiệp đầu tư cơ sở chế biến liên kết với nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác xây dựng vùng trồng cây ăn quả tập trung; xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói; áp dụng quy trình công nghệ canh tác tiên tiến, an toàn.
Sớm ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, trong đó cần định hướng rõ các vùng lợi thế, vùng phù hợp đối với các cây trồng chuyển đổi, trong đó lưu ý với cây sầu riêng; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa.
Ngành công nghiệp và kỹ thuật số đang phát triển mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các dự án hạ tầng quy mô lớn và môi trường pháp lý thuận lợi. Sự chuyển đổi sang hướng sản xuất giá trị gia tăng cao, cùng với khả năng logistics và trung tâm dữ liệu mở rộng, đang nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nuôi dưỡng sắc đẹp không nhất thiết phải áp dụng những phương pháp cầu kỳ, tốn kém nhiều thời gian và chi phí. Bổ sung dưỡng chất từ sữa đậu nành tiện lợi là phương pháp làm đẹp được nhiều phụ nữ hiện đại lựa chọn, không chỉ giúp đơn giản hóa quá trình chăm sóc sắc đẹp mà còn xây dựng nền tảng sức khỏe vững chắc.
Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…
Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.