Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 22 tháng 11 năm 2022 | 10:2

Phó thủ tướng chỉ đạo nghiên cứu phản ánh vấn đề xuất khẩu thịt heo

Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp cùng các cơ quan nghiên cứu phản ánh liên quan đến vấn đề xuất khẩu thịt heo.

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ ngành liên quan truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Văn Thành về việc phối hợp nghiên cứu vấn đề xuất khẩu thịt heo. 

Heo được xuất bán tại Bắc Giang - Ảnh: C.TUỆ

Phó thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan nghiên cứu nội dung báo chí phản ánh. 

Cụ thể, giá heo hơi trong nước ở nhiều địa phương đã xuống thấp dưới 60.000 đồng/kg, thậm chí những ngày gần đây rớt xuống còn 50.000 đồng/kg.

Nguồn cung trong nước đang dư thừa và có nhiều ý kiến đề xuất Chính phủ nên nới lỏng các rào cản để được bán heo qua biên giới.

Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động triển khai các giải pháp phù hợp nhằm phát triển chăn nuôi bền vững, đáp ứng nhu cầu thực phẩm, nhất là trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán, đảm bảo quyền lợi cho người chăn nuôi.

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đến tháng 10-2022, tổng đàn heo cả nước khoảng 28,6 triệu con, sản lượng ước đạt 3,23 triệu tấn thịt heo. 

Cục Chăn nuôi nhận định với đà tăng trưởng như hiện nay, nếu không gặp bất lợi về dịch bệnh thì nguồn cung thịt heo từ nay đến cuối năm, dịp Tết được đảm bảo. 

Trong chỉ thị ngày 8/11 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh động vật các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2033, hiện cả nước có trên 1.150 ổ dịch bệnh dịch tả heo châu Phi tại 51 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy trên 53.000 con heo.

Kết quả giám sát chủ động cho thấy các loại mầm bệnh còn lưu hành với tỉ lệ tương đối cao ở nhiều địa phương. 

Tổng đàn gia súc, gia cầm cũng rất cao, việc tái đàn tăng mạnh, trong khi chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỉ trọng lớn, chăn nuôi an toàn sinh học còn rất hạn chế. 

Nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật gia tăng mạnh... điều này dẫn tới nguy cơ xảy ra dịch bệnh trong các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các tỉnh tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển, kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật.  

Đặc biệt, tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép ra, vào Việt Nam.

Theo tuoitre.vn

 

Ý kiến bạn đọc
Top