Hai bên thống nhất kết thúc thảo luận kỹ thuật, chuyển sang thực hiện các thủ tục pháp lý, cho phép nhập khẩu chanh dây của Việt Nam.
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, ngày 28/8, tại Washington D.C, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Mỹ, Thứ trưởng Hoàng Trung và đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có buổi làm việc với Thứ trưởng Hafemeister và đại diện các cơ quan hữu quan thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ.
Dây chuyền sản xuất Chanh leo tại Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)
Chuyến thăm của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung nhằm đẩy nhanh công tác mở cửa thị trường đối với một số loại trái cây mà Việt Nam có lợi thế xuất khẩu; tăng cường hợp tác giữa hai Bộ trong lĩnh vực bảo vệ thực vật; thúc đẩy hợp tác kỹ thuật và đầu tư trong sản xuất nông nghiệp bền vững, giảm phát thải.
Tại các buổi làm việc, hai bên cùng bày tỏ sự vui mừng khi quả đào/xuân đào của Mỹ được phép xuất khẩu qua thị trường Việt Nam; đồng thời đã đạt được những bước tiến quan trọng trong tiếp cận thị trường đối với một số loại trái cây khác của hai nước.
Cụ thể, hai bên đã thống nhất về yêu cầu kỹ thuật đối với quả chanh dây của Việt Nam và tiến thêm một bước trong quy trình xem xét đối với quả quýt của Mỹ.
Hai bên thống nhất kết thúc thảo luận kỹ thuật, chuyển sang thực hiện các thủ tục pháp lý, cho phép nhập khẩu chanh leo của Việt Nam; Khởi động quy trình xem xét đối với sản phẩm mới của Việt Nam, gồm chanh không hạt, ổi, mít; Thống nhất danh sách dịch hại và các bước tiếp theo trong quy trình xem xét đối với quả quýt, mận, chanh vàng, lựu và một số sản phẩm khác để làm giống cây trồng của phía Mỹ.
Thứ trưởng Hafemeister cho biết Mỹ chưa từng có quan hệ hợp tác chặt chẽ như vậy với bất kỳ đối tác nào tại khu vực, đồng thời cam kết sẽ củng cố hơn nữa quan hệ hợp tác kỹ thuật, nâng cao năng lực của cơ quan quản lý hai nước trong kiểm soát dịch, phân tích nguy cơ và nghiên cứu phát triển, áp dụng các sáng kiến mới, cải tiến giống cây trồng.
Để hỗ trợ việc duy trì đà tăng trưởng và thị phần của nông lâm thủy sản Việt Nam, Thứ trưởng Hoàng Trung bày tỏ mong muốn Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ có tiếng nói thích hợp trong quá trình tham vấn liên quan đến các vụ việc về phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm nông lâm thủy sản của Việt Nam, cụ thể là đối với gỗ, tôm nước ấm và mật ong.
Phía bạn ghi nhận vai trò thương mại của những mặt hàng đối với việc ổn định sinh kế cho người nông dân và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam.
Liên quan đến việc áp dụng các biện pháp mới trong lĩnh vực kiểm dịch động thực vật, hai Thứ trưởng đã trao đổi trên tinh thần hợp tác, cởi mở về hệ thống pháp quy hiện có; thống nhất với nguyên tắc chung về việc tuân thủ cam kết quốc tế thương mại đa phương mà hai bên là thành viên, phù hợp với pháp luật trong nước nhưng vẫn cập nhật kịp thời các xu thế mới trong thương mại, sản xuất và quản lý dịch bệnh đối với động thực vật.
Phía Mỹ cũng cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện các dự án trong quản lý phân bón, thuốc bảo vệ sinh học và sản xuất lúa gạo tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Hai bên cũng đã chia sẻ quan điểm về phát triển nền sản xuất nông nghiệp xanh, có trách nhiệm với môi trường, chung tay đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu, từ đó khẳng định sẽ tăng cường hợp tác và tương trợ lẫn nhau trong việc thực hiện các sáng kiến toàn cầu về nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, thân thiện với môi trường.
Về biện pháp xử lý bổ sung và cải tiến quy trình kiểm dịch thực vật, phía Mỹ ghi nhận các đề xuất của Việt Nam về đa dạng hóa các biện pháp kiểm dịch thực vật nhằm giảm chi phí, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại hai nước và khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, triển khai hoạt động khảo nghiệm cần thiết để đưa ra ý kiến cuối cùng.
Hai bên cũng đã nhất trí triển khai biện pháp phun khử trùng hàng khô trong container tại cảng nhập khẩu. Mỹ cũng cam kết hỗ trợ Việt Nam để chuyển đổi sang sử dụng chứng thư kiểm dịch thực vật điện tử (ePhyto).
Thứ trưởng Hoàng Trung và đoàn công tác đã có buổi đối thoại cởi mở với Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN.
Tại đây, Thứ trưởng Hoàng Trung đã chứng kiến lễ ký kết MOU hợp tác giữa Cargill US và Công ty Khai Anh Bình Thuận (Việt Nam) để nhập khẩu 500.000 tấn ngô và bột bã ngô phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước.
Đây là một trong những hoạt động thiết thực nhằm hài hòa cán cân thương mại song phương Việt Nam-Mỹ, đồng thời giúp đa dạng hóa thị trường nhập khẩu nguồn nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam.
Nuôi dưỡng sắc đẹp không nhất thiết phải áp dụng những phương pháp cầu kỳ, tốn kém nhiều thời gian và chi phí. Bổ sung dưỡng chất từ sữa đậu nành tiện lợi là phương pháp làm đẹp được nhiều phụ nữ hiện đại lựa chọn, không chỉ giúp đơn giản hóa quá trình chăm sóc sắc đẹp mà còn xây dựng nền tảng sức khỏe vững chắc.
Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…
Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.