Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 2 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 5 tháng 10 năm 2023 | 16:5

Quản lý tốt mã số vùng trồng: Chìa khóa để xuất khẩu bền vững

Xây dựng và quản lý tốt vùng trồng là giải pháp ưu tiên số 1 để tạo nên những vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu bền vững.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng vi phạm các quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm có chiều hướng gia tăng, gây ảnh hưởng đến uy tín ngành nông nghiệp nước nhà.

Vi phạm mã số vùng trồng

Theo ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT), tính đến nay, cả nước có 6.883 mã số vùng trồng xuất khẩu đã được cấp cho 25 sản phẩm (phân bố tại 54/63 tỉnh, thành phố) xuất sang 11 thị trường. Trong đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có số lượng mã số vùng trồng lớn nhất với 3.975 mã (chiếm 57%) đang hoạt động. Riêng Đồng Tháp có 2.469 mã số vùng trồng được cấp, lớn nhất nước.

Tuy nhiên, theo số liệu từ Cục Bảo vệ thực vật, tỷ lệ giám sát mã số sau khi cấp đối với vùng trồng là 40,8%; cơ sở đóng gói là 17%. Con số này quá thấp so với yêu cầu thực tế cần phải giám sát hàng năm.

Từ những con số trên thấy việc mở rộng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói là tín hiệu đáng mừng đối với ngành Nông nghiệp, thế nhưng, niềm vui chưa được bao lâu, việc mở rộng mã số vùng trồng đã bộc lộ nhiều yếu kém trong công tác quản lý.

Cụ thể, Cục Bảo vệ thực vật vừa nhận thêm thông báo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc về trường hợp phát hiện một số lô hàng bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật trên chuối, xoài, mít, sầu riêng và thanh long của Việt Nam xuất sang thị trường Trung Quốc. Được biết, từ đầu năm đến nay, phía Trung Quốc đã 6 lần gửi tới Việt Nam thông báo vi phạm về mã số vùng trồng, với 439 trường hợp vi phạm…

Phân tích nguyên nhân của những tồn tại trên, ông Huỳnh Tấn Đạt cho biết, công tác giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói tại các tỉnh, thành đã được quan tâm hơn nhưng chưa có nhiều thay đổi rõ nét. Hầu hết các tỉnh, thành mới chỉ quan tâm đến hướng dẫn thiết lập và cấp mới mà chưa tập trung nguồn lực cho giám sát các mã số sau khi được phê duyệt.

Có thể nói, nếu tình trạng vi phạm này kéo dài, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đối với các ngành hàng xuất khẩu, làm mất uy tín của nông sản Việt, thậm chí có thể đánh mất thị trường đã phải mất rất nhiều công sức, thời gian và nguồn lực để mở cửa.

Trước tình trạng trên, ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, cảnh báo: “Với diện tích sầu riêng hiện nay, nếu bị Trung Quốc ngừng nhập khẩu, thì chúng ta bán đi đâu? Kể cả thanh long, xoài cũng vậy. Khi đó chúng ta yêu cầu đàm phán lại thì phải mất 3-5 năm nữa. Với 10 loại trái cây chủ lực của Việt Nam đều có mặt ở Trung Quốc, chỉ cần dừng xuất khẩu một loại thôi đã không ổn, sẽ dẫn tới hệ lụy nghiêm trọng”.

Đồng quan điểm, Phó trưởng ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn) Hoàng Khánh Duy cho biết, Trung Quốc ngày càng nâng cao yêu cầu đối với chất lượng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt, đối với hoạt động kiểm soát sinh vật gây hại trên các mặt hàng này.

“Trong quá trình kiểm hóa, khi phát hiện một trường hợp có sinh vật gây hại trên mặt hàng, phía bạn xử lý rất nặng, yêu cầu toàn bộ lô hàng phải quay đầu về Việt Nam, đôi khi còn dừng nhập khẩu mặt hàng này trong một thời gian dài, như tiền lệ đã có ở mặt hàng quả ớt…”, ông Duy thông tin thêm.

Cần xem mã số vùng trồng như tài sản quý cần gìn giữ

Việc siết chặt quản lý mã số vùng trồng là giải pháp cần thiết để bảo đảm chất lượng nông sản xuất khẩu, nâng cao uy tín của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Để thực hiện tốt biện pháp này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Việc xây dựng và quản lý tốt vùng trồng được xem là giải pháp ưu tiên số 1 để tạo nên vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu bền vững.

Do vậy, thời gian tới, các cơ quan chức năng có liên quan, các địa phương cần quan tâm, lưu ý hơn khi cấp và quản lý mã số vùng trồng, tuân thủ theo các yêu cầu của nghị định thư, cũng như đáp ứng các quy định của nhà nhập khẩu…

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp và PTNT các địa phương cần tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói trên địa bàn.

Theo ông Nguyễn Vĩnh Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long, các cơ quan chức năng địa phương cần tổ chức tập huấn cho nông dân và cán bộ nông nghiệp của xã nắm được các quy định của xây dựng mã số vùng trồng cũng như cơ sở đóng gói. Thứ hai là, tiếp tục triển khai thiết lập các hồ sơ.

Đối với tình trạng cố tình vi phạm hoặc vi phạm nhiều lần, chế tài cần nghiêm khắc với tình trạng này. Theo đó,  đề nghị địa phương thông báo tạm dừng và thực hiện thủ tục thu hồi mã số vi phạm, thông báo kịp thời để đảm bảo các chủ mã số vùng trồng này không thực hiện các hoạt động xuất khẩu. 

Bên cạnh đó, nông dân, doanh nghiệp cũng cần nâng cao tính tự giác, cần xem mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói tài sản quý cần gìn giữ, người dân phải nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc sản xuất nông sản an toàn, chất lượng.

Nhằm kiểm soát hiệu quả mã số vùng trồng ,Thứ trưởng Hoàng Trung cho biết, hiện nay, Bộ đang đề xuất với Chính phủ xây dựng 2 nghị định, trong đó có 1 nghị định về quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói rau quả, trái cây phục vụ xuất khẩu; một nghị định quy định xử phạt hành chính đối với những hành vi vi phạm các quy định về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.

“Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ áp dụng các biện pháp mạnh nhằm siết chặt công tác quản lý, để tới đây, tất cả các mặt hàng nông sản nếu được thu mua từ những khu vực có mã số vùng trồng đều phải bảo đảm chất lượng, không bị nhiễm vi sinh vật gây hại, không vi phạm về an toàn thực phẩm và được chuẩn hóa về bao bì mẫu mã”, Thứ trưởng Trung nhấn mạnh.

Trên thực tế, xây dựng và quản lý tốt vùng trồng là giải pháp ưu tiên số 1 để tạo nên những vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu bền vững. Điều này là rất quan trọng đối với mục tiêu xuất khẩu các mặt hàng nông sản Việt Nam sang Trung Quốc nói riêng, các thị trường khác nói chung. Do đó, tới đây, các biện pháp của Bộ Nông nghiệp và PTNT cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ để sớm mang lại hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
Top