Chỉ trong 15 ngày, giá cau từ 85.000 đồng/kg, giảm xuống còn 30.000 đồng/kg. Giá cả biến động từng ngày, khiến người trồng cau ở Quảng Ngãi thấp thỏm.
Thương lái ở Quảng Ngãi thu mua cau, xuất bán sang Trung Quốc. Ảnh: Viên Nguyễn
Giá một kg cau tươi vào giữa tháng 10.2024 vẫn còn 85.000 đồng, nhưng đến nay chỉ còn khoảng 30.000 đồng và tăng giảm thất thường. Theo ghi nhận của phóng viên, giá cau hôm qua là 30.000 đồng/kg, nhưng hôm nay tăng lên 40.000 đồng/kg. Trước đó vài ngày giảm xuống còn 25.000 đồng/kg, khiến người trồng cau ở Quảng Ngãi thấp thỏm theo giá cau.
Nguyên nhân giá cau giảm chỉ sau 15 ngày là do thị trường Trung Quốc giảm thu mua. Tuy giá cau giảm sâu, nhưng năm 2024 là năm người trồng cau ở Quảng Ngãi thu lãi lớn nhất từ trước đến nay, khi giá cau duy trì mức kỷ lục hơn 4 tháng, với giá liên tục tăng cao, từ 45.000 đồng tăng vọt lên 85.000 đồng.
Thông thường, giá cau dao động từ 8.000 - 10.000 đồng/kg là người trồng cau đã có lãi. Bởi vậy, với giá cau tươi như hiện nay, lợi nhuận mang lại khó có loại cây ăn quả nào ở Quảng Ngãi sánh kịp.
Chia sẻ với phóng viên, bà Phạm Thị Truyền (59 tuổi), ở xã Hành Minh, huyện Nghĩa Hành, cho biết: “Gia đình tôi có khoảng 200 cây cau đang cho trái, đã bán được hơn 1,4 tấn cau, với giá theo từng thời điểm từ 65.000 - 70.000 đồng/kg, mang lại nguồn thu khá cho gia đình”.
Cau ở Quảng Ngãi thường được các thương lái tới tận vườn mua nhỏ lẻ rồi chở về các lò sấy, hoặc đại lý cau để bán cho thương lái Trung Quốc. Tuy nhiên, các lò thu mua với giá chập chờn, thay đổi theo ngày. “Giá cau ‘nhảy múa’, tăng giảm thất thường. Sáng nào, tôi cũng phải gọi điện cho các cơ sở thu mua cau để hỏi giá, mới dám đi mua cau của nông dân”- ông Trần Văn Tuấn - ở xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành nói.
Toàn tỉnh Quảng Ngãi có khoảng 2.000 hecta cau, tập trung nhiều nhất ở huyện miền núi Sơn Tây. Năm nay, giá cau lập đỉnh, nông dân trồng cau thu lãi lớn. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp tỉnh này không khuyến khích nông dân phá bỏ các loại cây trồng khác để mở rộng diện tích cau, bởi thị trường tiêu thụ chính của quả cau là Trung Quốc, vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Theo truyền thông Trung Quốc, năm nay, sản lượng cau tươi ở đảo Hải Nam - vùng nguyên liệu chiếm hơn 90% diện tích trồng cau ở Trung Quốc giảm mạnh, nguyên nhân do bệnh vàng lá trên cây cau. Ngoài ra, bão Yagi đã làm nhiều vườn cau ngã đổ, ước tính sản lượng cau ở đảo năm nay giảm tới 40%.
Giá cau tăng, nhiều nông dân Quảng Ngãi bắt đầu mở rộng diện tích trồng cau, tuy nhiên, chưa có thống kê chính xác diện tích cau tăng là bao nhiêu, bởi nông dân trồng cau rải rác khắp nơi.
Chia sẻ thông tin với phóng viên Báo Lao Động, ông Nguyễn Quang Trung - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh - cho biết, toàn tỉnh có hơn 2.000 hecta cau. Nếu giá ổn định và có đầu ra sẽ giúp người trồng cau có thu nhập. Song, “thị trường rất khó đoán.
Ngành nông nghiệp tỉnh này không khuyến khích nông dân phá bỏ các loại cây trồng khác để ồ ạt trồng cau. Khuyến cáo nông dân trồng cau xen kẽ với các loại cây trồng phù hợp, hoặc trồng ở bờ rào… Đa dạng hóa cây trồng giúp nông dân có nguồn thu nhập ổn định hơn.
Nuôi dưỡng sắc đẹp không nhất thiết phải áp dụng những phương pháp cầu kỳ, tốn kém nhiều thời gian và chi phí. Bổ sung dưỡng chất từ sữa đậu nành tiện lợi là phương pháp làm đẹp được nhiều phụ nữ hiện đại lựa chọn, không chỉ giúp đơn giản hóa quá trình chăm sóc sắc đẹp mà còn xây dựng nền tảng sức khỏe vững chắc.