Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 1 tháng 6 năm 2023 | 10:8

Quy định sản xuất nông sản không gây suy thoái rừng của EU: Cơ hội để tái cấu trúc các mặt hàng nông sản

Chiều tối ngày 31/5, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã chủ trì cuộc họp với các Hiệp hội ngành hàng về Quy định mới của EU về phòng, chống phá rừng, suy thoái rừng.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam cho hay: Cà phê là mặt hàng xuất khẩu sang EU với số lượng lớn và ổn định hiện chiếm khoảng 42% sản lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam hằng năm. Vì vậy, để ổn định và không biến động thị phần xuất khẩu cà phê sang EU, ngành cà phê Việt Nam cần phải tuân thủ theo quy định chống phá rừng, suy thoái rừng đã được Hội đồng châu Âu thông qua và có hiệu lực từ ngày 16/5/2023.

Qua đó, quy định mới sẽ đưa ra các yêu cầu bắt buộc mới vào năm 2024. Thời gian chính thức thực hiện dự luật cấm nhập khẩu các mặt hàng liên quan đến nạn phá rừng của các quốc gia châu Âu không còn nhiều, do đó Việt Nam phải đẩy mạnh việc phổ biến và thực thi quy định trên.

Cụ thể, EU sẽ cấm nhập khẩu những mặt hàng nông sản gồm: Cà phê, dầu cọ, đậu nành, gỗ, gia súc, ca cao, cao su và một số sản phẩm phái sinh được sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng kể từ sau ngày 31/12/2020 từ các quốc gia vào EU. Hiện tiêu thụ, mua cà phê Việt Nam xuất khẩu hầu hết là những tập đoàn lớn: Nestle, JDE, Newman, Louis Dreyfus... 

Trong khi đó, hiện Việt Nam có khoảng 1,3 triệu nông hộ trồng cà phê, diện tích phần lớn chỉ từ 0,5 ha trở xuống tại 11 tỉnh trồng cà phê. Số diện tích này thực tế là hợp pháp, không phải trồng trên đất do phá rừng, suy thoái rừng nhưng thực tế việc chứng minh nguồn gốc theo quy định không phải là chuyện dễ dàng. Bà Quỳnh Chi đề xuất Bộ NN-PTNT, cơ quan chuyên môn và các công ty cung cấp dữ liệu hỗ trợ kỹ thuật để xây dựng cơ sở dữ liệu về giám sát bảo vệ rừng, dữ liệu rừng trồng.

Toàn cảnh cuộc họp 

Theo ông Võ Hoàng An, Hiệp hội Cao su Việt Nam: Cây cao su trồng phải 7 năm mới cho thu hoạch mủ. Nên toàn bộ diện tích cao su đã và đang cho thu hoạch hiện nay thì đều trồng trước ngày quy định về chống mất rừng và suy thoái rừng của EU là từ 31-12-2020. Hiện tổng diện tích cao su của cả nước 930.000 ha.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Quy định của EU về chống phá rừng, suy thoái rừng đối với sản xuất nông sản, trong đó có cà phê, đây chính là cơ hội để chúng ta cấu trúc lại các mặt hàng nông sản, đặc biệt là cà phê để phát triển bền vững. Yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, minh bạch hóa nguồn gốc sản phẩm nông sản là đòi hỏi tất yếu từ thị trường, trong đó có thị trường EU.

 Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng yêu cầu Vụ Hợp tác Quốc tế sớm trình Bộ trưởng Khung hành động để thực hiện quy định này của EU. Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các cơ quan tham mưu Bộ điều chỉnh khung hành động, lấy ý kiến của các hiệp hội, ngành hàng để sớm có chương trình triển khai phù hợp với quy định mới của châu Âu. Trong Khung hành động cần phải nhấn mạnh đẩy mạnh truyền thông để các cơ quan chức năng và nông dân hiểu rõ quy định của EU về chống phá rừng, suy thoái rừng khi sản xuất nông sản, trong đó có cà phê. Đặc biệt, trong Khung hành động phải phân định rõ ràng trách nhiệm của Bộ NN-PTNT, chính quyền các cấp và người dân để thực hiện quy định của EU. “Chúng ta phải tự thay đổi mình để tạo dựng thương hiệu, chất lượng sản phẩm nông sản, trong đó có sản phẩm cà phê nói riêng”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Sản phẩm sản xuất trên đất chặt phá rừng sẽ không được phép vào thị trường châu Âu. Ảnh: UNDP

Có thể nói, việc EU sẽ cấm nhập khẩu những mặt hàng nông sản gồm: Cà phê, dầu cọ, đậu nành, gỗ, gia súc, ca cao, cao su và một số sản phẩm phái sinh được sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng kể từ sau ngày 31-12-2020  thể hiện trách nhiệm của EU đối với vấn đề môi trường toàn cầu.

Tuy nhiên, các hiệp hội, doanh nghiệp cho rằng quy định mới này sẽ tạo ra những thách thức nhất định nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam gia tăng thị phần.

Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột cho rằng, Liên minh châu Âu (EU) đưa ra Dự luật về sản phẩm không phá rừng là muốn thể hiện trách nhiệm đối với vấn đề bảo vệ môi trường chung của toàn cầu, họ muốn sử dụng những sản phẩm có trách nhiệm, không phá hủy môi trường. Có thể nói đây là tính trách nhiệm chung của toàn cầu chứ không nên nghĩ đây là một rào cản kỹ thuật gây khó đối với ngành cà phê Việt Nam. Đắk Lắk không lo ngại về câu chuyện cà phê gây mất rừng, tuy nhiên chúng ta phải chứng minh sản phẩm cà phê của Đắk Lắk không phải từ phá rừng bằng văn bản và hình ảnh.

Để Việt Nam - Đắk Lắk chủ động trong việc đáp ứng các quy định mới của EU thì ngành nông nghiệp và chính quyền ở các vùng nguyên liệu (cấp huyện) phải phổ biến rộng rãi, rõ ràng các quy định này, không chỉ riêng cho cây cà phê mà tất cả những sản phẩm nông nghiệp có liên quan. Những quy định này sẽ giúp người sản xuất chú trọng đến việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm và sản xuất theo hướng bền vững gắn với hệ sinh thái trên vườn cây.

Đồng quan điểm với ông Minh, ông Nguyễn Xuân Lợi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển An Thái chia sẻ thêm: Với các quốc gia khác thì EUDR là thách thức vì những diện tích cà phê chồng lấn đất rừng khi điều tra có thể bị rủi ro. Ở Việt Nam nói chung, Đắk Lắk nói riêng, các khu vực quy hoạch trồng cà phê ổn định từ lâu, hầu như không có diện tích mới.

Đây cũng là cơ hội để phát triển ngành cà phê một cách bền vững, nâng cao chất lượng và tăng sản phẩm chế biến sâu. Các doanh nghiệp đã tính toán, chủ động ứng phó nhanh, chú trọng cập nhật thông tin về thị trường xuất khẩu một cách hiệu quả. Hiện nay, cơ quan chức năng cần có cam kết và thực hiện các giải pháp để bảo đảm khi có biến động thị trường cà phê thì cũng không vi phạm quy định của EU. Cùng với đó, công tác truyền thông phải thật tốt ở tất cả các kênh thông tin, nhất là hoạt động đào tạo, tập huấn cho các doanh nghiệp xuất khẩu; đồng thời, tuyên truyền để cảnh báo cho người dân nếu vi phạm sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột.

 

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
Top