Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 2 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 8 tháng 12 năm 2023 | 10:5

Sản phẩm OCOP “chạy đua” chuẩn bị cung ứng hàng Tết

Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng cũng như thêm cơ hội quảng bá các sản phẩm OCOP, các chủ thể sản xuất hàng OCOP các địa phương đã và đang đẩy mạnh sản xuất, tích trữ hàng hóa cho dịp Tết.

Sản phẩm rượu sâm Báo của cơ sở sản xuất An Tâm (Vĩnh Lộc) đổi mới mẫu mã sản phẩm đáp ứng thị hiếu người dùng.

Thanh Hóa: Đẩy mạnh sản xuất, tích trữ hàng hóa cho dịp Tết

Tính đến hết tháng 11/2023, tỉnh Thanh Hóa có 452 sản phẩm OCOP đã được công nhận. Trong đó, chiếm số lượng đông đảo là nông sản, thực phẩm chế biến, hàng thủ công mỹ nghệ... thích hợp để làm quà biếu và tiêu dùng trong dịp Tết. Vì vậy, cuối năm là thời điểm các chủ thể đẩy mạnh sản xuất, thay đổi về mẫu mã để làm hài lòng khách hàng, người tiêu dùng.

Đến huyện Vĩnh Lộc, không khí sản xuất các sản phẩm OCOP đã rất nhộn nhịp. Các chủ thể sản xuất đã và đang chuẩn bị những công đoạn cho sản xuất sản phẩm quy mô lớn. Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Lộc Đặng Thị Bắc, cho biết: "Huyện hiện có 20 sản phẩm OCOP, trong đó có nhiều sản phẩm OCOP đặc trưng, thế mạnh, được người tiêu dùng ưa chuộng làm quà biếu dịp lễ, tết như rượu sâm Báo An Tâm, nem dê, kẹo lạc, kẹo vừng Hà Ly, trà túi lọc kim ngân hoa Đức Nguyên... Chính vì vậy, ngay từ tháng 10 âm lịch, các chủ thể đã sẵn sàng “chạy đua” để bảo đảm cung ứng sản phẩm số lượng lớn, chất lượng cao cho thị trường.

Tại cơ sở rượu sâm Báo An Tâm, không khí sản xuất những ngày cuối năm khá nhộn nhịp. Nhiều công nhân tất bật lọc rượu, ngâm rượu, đóng gói, dán nhãn sản phẩm... để kịp cung ứng ra thị trường. Dự kiến, 2 tháng cuối năm âm lịch cơ sở sản xuất khoảng 2.000 đến 3.000 chai rượu các loại để cung ứng cho thị trường. Chủ cơ sở sản xuất rượu An Tâm Đỗ Quang Dũng cho biết: Dự kiến dịp cuối năm và Tết Nguyên đán cơ sở sẽ cung cấp cho thị trường khoảng 1.300 đến 1.900 lít rượu sâm Báo. Do nhu cầu của thị trường dịp tết đã chuyển dịch sang sử dụng rượu sâm Báo dưới dạng quà tặng, vật phẩm cúng lễ nên cơ sở chú trọng đến đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, cải tiến bao bì, nhãn mác để sản phẩm đẹp mắt, hấp dẫn, tiện dụng hơn. Hiện nay, chúng tôi đã có nhiều mẫu mã chai lọ đựng rượu, với dung tích phù hợp với nhu cầu sử dụng nhằm làm hài lòng khách hàng.

Đã thành truyền thống, cuối năm là dịp thị trường có nhu cầu lớn về các sản phẩm đồ khô trong đó có miến dong. Chính vì vậy, 5 cơ sở sản xuất miến dong OCOP của tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ sản xuất để cung ứng cho thị trường. Dịp này, đến xã Ngọc Liên (Ngọc Lặc) - địa phương có sản phẩm OCOP miến dong Hương Ngọc, dễ dàng cảm nhận được không khí khẩn trương sản xuất. Được biết, đây là thời gian cây dong riềng thu hoạch, cũng là thời điểm người dân trong xã bắt tay vào vụ sản xuất chính. Ông Đỗ Viết Chuyên, thành viên tổ hội nghề nghiệp sản xuất, chế biến miến dong Hương Ngọc, cho biết: "Gia đình tôi có hơn 20 năm gắn bó với nghề làm miến dong truyền thống. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, gia đình đã đầu tư máy đảo rửa, nghiền bột và cán sợi để tăng công suất làm miến bảo đảm cung ứng đủ cho những đơn hàng được đặt trước. Theo ước tính, mùa làm miến năm nay, gia đình cung cấp cho thị trường khoảng 4 tấn sản phẩm, thu nhập khoảng 360 triệu đồng. Hiện đang những ngày chính vụ sản xuất, gia đình phải thuê 10 lao động thời vụ với thu nhập 140 nghìn đồng/ngày để sản xuất, vận chuyển miến đến các cơ sở tiêu thụ, kinh doanh trong tỉnh và cung cấp đi một số tỉnh ngoài".

Để cung ứng một lượng lớn sản phẩm miến dong cho thị trường dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, thời điểm này khoảng 50 hộ dân trên địa bàn xã Ngọc Liên đang chạy đua với thời gian để hoàn thành các đơn hàng. Tất cả các khoảng đất trống trước sân, vườn, người dân thiết kế giàn cao để làm nơi phơi miến. Mỗi hộ đều có những bí quyết riêng để làm nên sợi miến mềm dẻo, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhờ đó, sản phẩm miến dong của bà con nơi đây gây dựng được niềm tin với người tiêu dùng và trở thành đặc sản của địa phương.

Năm 2023 tiếp tục là năm kinh tế gặp nhiều khó khăn, tác động không nhỏ tới sản xuất, kinh doanh đối với các chủ thể OCOP khi giá các loại nguyên liệu sản xuất đều tăng, giá vận chuyển cao hơn, trong khi đó thị trường tiêu thụ có vẻ trầm hơn các năm trước. Do đó, hầu hết các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP đều dè chừng, theo dõi tín hiệu của thị trường để sản xuất, tích trữ hàng hóa.

Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM Thanh Hóa Bùi Công Anh cho biết: "Để hỗ trợ các chủ thể, từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tổ chức thêm các sự kiện trưng bày, triển lãm, giới thiệu sản phẩm để tìm kiếm cơ hội tiếp cận thị trường. Cùng với đó, văn phòng phối hợp với một số ngành chức năng tăng cường kiểm tra đối với các chủ thể OCOP về chất lượng sản phẩm, nhất là thực hiện các quy định về an toàn, vệ sinh thực phẩm để bảo vệ người tiêu dùng và giữ thương hiệu OCOP tỉnh Thanh Hóa.

Hà Nội: Đẩy mạnh xây dựng, quảng bá sản phẩm OCOP

Năm 2023, huyện Ứng Hòa có 23 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 5 sản phẩm tiềm năng đạt 4 sao, hoàn thiện hồ sơ trình thành phố đánh giá, phân hạng, vượt 8,3% chỉ tiêu với tổng số 70 sản phẩm được công nhận OCOP...

Sau khi được thành phố công nhận OCOP, sản phẩm gạo Japonica giống Nhật Bản JO2 có sức tiêu thụ mạnh hơn.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Phạm Văn Hoạch, từ năm 2019 đến hết năm 2022, huyện đã được UBND thành phố đánh giá, công nhận 44 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có 13 sản phẩm OCOP 4 sao, gồm: Gạo Japonica giống Nhật Bản JO2 (gạo chất lượng Khu Cháy); bưởi Diễn; nụ trầm Từ Bi Hương, nụ trám Từ Bi Hương, nụ quế Từ Bi Hương, hương vòng của hộ kinh doanh Nguyễn Thu Phương, xã Quảng Phú Cầu; đàn tỳ bà gỗ hương khảm trai, đàn bầu gỗ mun khảm trai, đàn nguyệt gỗ mun khảm trai, đàn tranh gỗ mun khảm trai, đàn nhị gỗ hương, đàn đáy gỗ hương, đàn tam gỗ hương của hộ kinh doanh sản xuất nhạc cụ Cường Anh, xã Đông Lỗ và 31 sản phẩm 3 sao.

Năm 2023, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Ứng Hòa đã tổ chức, đánh giá 28 sản phẩm (đánh giá mới 26 sản phẩm, 2 sản phẩm đánh giá lại) trong đó có 23 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 5 sản phẩm tiềm năng đạt OCOP 4 sao đã hoàn thiện hồ sơ trình thành phố đánh giá, phân hạng, vượt 8,3% chỉ tiêu năm 2023 với tổng số 70 sản phẩm được công nhận OCOP...

Sản phẩm hương của hộ kinh doanh Nguyễn Thu Phương, xã Quảng Phú Cầu với chất lượng tốt đã được chứng nhận OCOP 4 sao.

Sau khi được thành phố công nhận, một số sản phẩm có tốc độ phát triển mạnh như: Gạo Japonica giống Nhật Bản JO2 với sản lượng tiêu thụ tăng hơn 2.000 tấn so với năm được công nhận (năm 2019 tiêu thụ 3.000 tấn, năm 2022 tiêu thụ trên 5.000 tấn). Sản phẩm chả vịt với sản lượng tiêu thụ tăng hơn 3 lần/tháng so với năm được công nhận (năm 2021 sản lượng tiêu thụ 600kg/tháng, năm 2023 hơn 2.000kg/tháng). Nhiều sản phẩm khác có tốc độ tiêu thụ tăng bình quân đạt 30% so với trước khi được công nhận.

Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết (xã Phương Tú) Cao Thị Thuỷ cho biết: "Để nâng cao chất lượng cho hạt gạo, hợp tác xã đầu tư hệ thống sấy thóc với công suất 300 tấn/ngày. Ngoài ra, hợp tác xã còn phát triển hệ thống xay, xát gạo theo dây chuyền hiện đại, sản phẩm đủ tiêu chuẩn vào các kênh siêu thị, cửa hàng phân phối, tiến tới mục tiêu xa hơn là xuất khẩu. Đến nay, trung bình mỗi vụ, hợp tác xã tiêu thụ hơn 7.000 tấn gạo trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ… Khả năng cung ứng cho thị trường của hợp tác xã khoảng 100 tấn gạo/tháng.

Mặt khác, để quản lý, giám sát sản phẩm OCOP trên địa bàn, UBND huyện chỉ đạo Phòng Kinh tế hằng năm phối hợp Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới thành phố, Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm... tổ chức kiểm tra, giám sát các chủ thể đã được cấp giấy chứng nhận việc tuân thủ quy định về chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP trên địa bàn. Theo đó, cơ bản các chủ thể bảo đảm theo quy định của pháp luật. Nhờ quản lý chặt chẽ về chất lượng, sản phẩm OCOP của Ứng Hòa đang đứng vững trên thị trường.

Để sản phẩm OCOP của địa phương được nhiều người tiêu dùng biết đến, Ứng Hòa triển khai nhiều chương trình hỗ trợ các chủ thể trong giới thiệu, quảng bá, kết nối, tiêu thụ sản phẩm tại nhiều sự kiện trong và ngoài thành phố. Huyện còn hỗ trợ hơn 100 triệu đồng xây dựng thí điểm 2 cửa hàng kinh doanh, giới thiệu sản phẩm thế mạnh của huyện đã có nhãn hiệu, truy xuất được nguồn gốc tại Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết, xã Phương Tú và Siêu thị Hiền Lương, xã Hoà Xá để trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP.

Đặc biệt, tháng 7-2023, UBND huyện phối hợp với Trung tâm xúc tiến Đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội tổ chức thành công Festival nông sản thành phố Hà Nội lần thứ 2 tại Ứng Hòa...

Tiếp đó, từ ngày 8 đến 11-12, huyện sẽ tổ chức Chương trình triển lãm, thương mại và giới thiệu sản phẩm OCOP làng nghề 2023, chào mừng huyện đón nhận đạt chuẩn nông thôn mới và Huân chương Lao động hạng Nhì… Với quy mô khoảng 100 gian hàng, hơn 1.000 dòng sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến, sản phẩm OCOP tiêu biểu của huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội và 25 tỉnh, thành phố trong cả nước, Chương trình được thiết kế đẹp mắt, không gian mở với nhiều mô hình, tiểu cảnh nông nghiệp, nông thôn tiêu biểu, gắn kết du lịch nông nghiệp, mang đậm dấu ấn địa phương.

Trong các ngày diễn ra chương trình, nhiều hoạt động bên lề cũng được tổ chức nhằm thu hút khách tham quan như trải nghiệm làm sản phẩm OCOP tại chỗ, hoạt động giao lưu, trình diễn văn hóa địa phương; giới thiệu ẩm thực quà quê, trò chơi dân gian, gắn kết cộng đồng của các nghệ nhân, nhân dân địa phương...

Bắc Ninh: OCOP đòn bẩy quan trọng để phát triển kinh tế khu vực nông thôn

UBND thị xã Quế Võ vừa  phối hợp với các sở, ngành liên quan đánh giá, phân hạng cho 21 sản phẩm OCOP của 8 chủ thể tham gia năm 2023.

Các đại biểu đánh giá, phân hạng các tiêu chí về sản phẩm OCOP.

Các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP năm 2023 của thị xã Quế Võ gồm: 4 sản phẩm: Bình gốm hoạ tích vinh quy bái tổ, Bình gốm hoạ tích bách điểu triều phụng,  Bình gốm hoạ cảnh hoa sen, Bộ tượng tam đa thuộc cơ sở sản xuất gốm mỹ nghệ Nguyễn Văn Chiến - Thôn Găng, xã Đào Viên; 2 sản phẩm: Hoa cúc Mộ Đạo, Hoa đồng tiền Mộ Đạo thuộc HTX Mộ Đạo; 2 sản phẩm: Tinh bột củ sen, Trà túi lọc củ sen, thuộc HTX Sen Vàng Tự Phát; 4 sản phẩm: Bình rượu quan họ; Niêu kho cá, Vại muối dưa của mẹ, Tranh gốm quà tặng, thuộc hộ kinh doanh Nguyễn Đức Thịnh, xã Phù Lãng; 2 sản phẩm: Rượu trắng Hương lúa; Rượu thảo dược Hương lúa, thuộc hộ kinh doanh Phạm Văn Ngải, phường Phù Lương; Tượng con voi, thuộc hộ kinh doanh Nguyễn Văn Hồng, xã Phù Lãng; Mật ong hoa nhãn, thuộc hộ kinh doanh Nguyễn Thị Thơ, xã Châu Phong và 5 sản phẩm: Đông trùng hạ thảo Plusr; Đông trùng hạ thảo Sumchoice; Đông trùng hạ thảo Siro Sumchoice; Nước Đông trùng hạ thảo Sumchoice; Đông trùng hạ thảo sấy đối lưu 60gthuộc Công ty CP Phát triển và Đầu tư CNC Việt Nam, phường Phương Liễu.

Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của thị xã tiến hành dánh giá, phân hạng theo Bộ tiêu chí năm 2023 với 3 phần: sản phẩm và sức mạnh cộng đồng; khả năng tiếp thị ; chất lượng sản phẩm. Kết quả đánh giá, cả 21 sản phẩm đều có tổng điểm trung bình đạt từ 50 đến 69 điểm, đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

Xác định OCOP chính là đòn bẩy quan trọng để phát triển kinh tế khu vực nông thôn, thị xã Quế Võ đã và đang có nhiều giải pháp hiệu quả nhằm phát triển bền vững những sản phẩm này. Ngay từ đầu năm, các cơ quan chuyên môn của thị xã hướng dẫn các địa phương tích cực triển khai, thực hiện các bước của chương trình OCOP, từ việc khơi gợi ý tưởng, sơ bộ đánh giá, thẩm định và đăng ký sản phẩm…nên chất lượng 21 sản phẩm của 8 chủ thể tham gia đều đáp ứng bộ tiêu chí. Trước đó, Quế Võ có 12 sản phẩm OCOP được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên. Trong đó, các sản phẩm 4 sao chiếm gần 50%.

Ninh Bình: Xây dựng sản phẩm OCOP bảo tồn và phát huy gia trị các sản phẩm truyền thống

Nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị sản phẩm truyền thống trên địa bàn, thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân cư khu vực nông thôn, thời gian qua, huyện Gia Viễn đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm xúc tiến quảng bá, tư vấn, định hướng các chủ thể xây dựng sản phẩm OCOP.

Lãnh đạo huyện Gia Viễn và các sở, ngành của tỉnh tham quan, nghe giới thiệu về sản phẩm OCOP ruốc cá tại xã Gia Minh.

Chỉ tính riêng trong năm 2023, huyện đã xét duyệt, đánh giá, phân hạng và công nhận thêm 16 sản phẩm. Bao gồm: Xúc xích Cường Cúc, Mọc nấm hương Cường Cúc (thị trấn Me); Tâm sen sấy Đoàn Thoa, Hạt sen sấy Đoàn Thoa (xã Gia Trấn); Rượu nếp cái Ông Kim; Rượu nếp cau Ông Kim (xã Gia Sinh); Bánh đa Điềm Giang (xã Gia Thắng); Nón lá Gia Vượng (xã Gia Vượng); Ruốc cá chép Đức Tính, Ruốc cá trắm Đức Tính (xã Gia Minh); Mắm tép gia truyền Bà Tư (xã Gia Trung); Bộ sản phẩm thêu ren Sơn Lâm (khăn, túi) (xã Gia Lập); Mật ong nội hoa nhãn Tuệ Huệ (thị trấn Me); Na dai Ba Non (xã Gia Hòa); Cá nướng rơm Đại Hữu (xã Gia Phương); Cá trắm đen Vân Long (xã Gia Vân).

Như vậy, đến nay, toàn huyện có 26 sản phẩm OCOP từ 3 đến 4 sao. Địa phương đang tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình tham gia các Hội chợ, triển lãm để có cơ hội quảng bá sản phẩm; học hỏi, giao lưu trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh. Đến nay, sản phẩm OCOP của huyện đã được giới thiệu ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước và trực tiếp phục vụ phát triển du lịch của địa phương./.

 

Thanh Tâm (T/h)
Ý kiến bạn đọc
Top