Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 4 tháng 12 năm 2024  
Thứ ba, ngày 3 tháng 12 năm 2024 | 14:1

Sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghệ Việt Nam hút khách châu Âu

Rất nhiều khách tham quan Hội chợ thủ công mỹ nghệ quốc tế AF-L'ARTIGIANO IN FIERA năm 2024 quan tâm, chia sẻ và mua sản phẩm của Việt Nam.

Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - về những kết quả ban đầu đối với Khu gian hàng quốc gia Việt Nam tại Hội chợ thủ công mỹ nghệ quốc tế AF-L'ARTIGIANO IN FIERA năm 2024.

Các sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghệ Việt Nam hút khách châu Âu

Hội chợ thủ công mỹ nghệ quốc tế AF-L'ARTIGIANO IN FIERA năm 2024 diễn ra tại Trung tâm triển lãm ở thành phố Milan, thủ phủ vùng Lombardy, Trung tâm kinh tế - văn hóa lớn nhất Italia, trong các ngày từ 30/11 - 8/12. Hội chợ có sự tham dự của gần 2.800 doanh nghiệp đến từ 90 quốc gia trên thế giới, trong đó có các doanh nghiệp Việt Nam. Hội chợ lớn nhất thế giới về thủ công mỹ nghệ dự kiến đón hơn 1 triệu khách thăm quan trong 10 ngày.

Nhằm thúc đẩy quảng bá, giới thiệu, kết nối và phát triển các kênh phân phối sản phẩm OCOP trên thị trường nước ngoài, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Khu gian hàng quốc gia Việt Nam tại Hội chợ thủ công mỹ nghệ quốc tế AF-L'ARTIGIANO IN FIERA năm 2024. Chương trình nằm trong chuỗi các nhiệm vụ thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương giao Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp chủ trì thực hiện.

Với chủ đề “Sản phẩm OCOP Việt Nam: Hội tụ giá trị - Lan tỏa văn hóa”, Khu gian hàng quốc gia Việt Nam tại hội chợ được bố trí trong bầu không khí ấm cúng, trang trọng và mang đậm các giá trị, hình ảnh văn hóa Việt Nam.

Ông Nguyễn Minh Tiến chia sẻ, Khu gian hàng quốc gia Việt Nam với diện tích gần 100m2 có sự tham gia của 8 doanh nghiệp tiêu biểu, trực tiếp tham gia trưng bày, giới thiệu nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc sắc, tinh xảo của Việt Nam như sản phẩm lụa, sơn mài, sản phẩm gốm, đồ thủ công mỹ nghệ bằng sừng, giấy, gỗ, da bò; các sản phẩm thủ công mỹ nghệ sử dụng chất liệu thân thiện với môi trường, tái chế như xơ mướp, vải jean; sản phẩm OCOP là thực phẩm, đồ uống như trà, cà phê, trái cây sấy, tỏi đen, tinh bột nghệ, hạt điều, sản phẩm từ nước dừa, bún miến gạo...

Khu gian hàng quốc gia Việt Nam, kết hợp với phục vụ trải nghiệm và thử nếm sản phẩm, cùng với các hoạt động trình chiếu hình ảnh, video quảng bá về sản phẩm OCOP gắn với văn hóa đặc trưng vùng miền, du lịch nông thôn tiêu biểu của Việt Nam, giúp quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP Việt Nam, sản phẩm thủ công mỹ nghệ tiêu biểu có lợi thế xuất khẩu, sản phẩm làng nghề tiêu biểu của Việt Nam tới đông đảo khách hàng khu vực châu Âu.

Cũng theo ông Nguyễn Minh Tiến, việc tham gia hội chợ cũng hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã và chủ thể OCOP quảng bá hình ảnh văn hóa du lịch, ẩm thực, giới thiệu, tìm kiếm và phát triển mạng lưới khách hàng quan tâm tới các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP, thực phẩm đặc trưng, tiềm năng của Việt Nam tại thị trường Italia nói riêng và châu Âu nói chung, góp phần quảng bá, giới thiệu văn hóa, ẩm thực và hình ảnh của Việt Nam ra thị trường quốc tế. Rất nhiều khách tham quan hội chợ quan tâm, chia sẻ và mua sản phẩm của Việt Nam.

Đặc biệt, được sự phối hợp hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Italia, đoàn doanh nghiệp Việt Nam đã kết hợp tổ chức đi thăm quan thực tế, học tập kinh nghiệm từ một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, thực phẩm tiêu biểu tại Milan, Rome và một số vùng lân cận tại Italia.

Làm việc với Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ tại Italia, Công ty Gestione Fiere (Ban tổ chức hội chợ) để tìm hiểu về thực trạng và nhu cầu thị trường đối với các sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghệ, thực phẩm của Việt Nam, nhằm thúc đẩy cơ hội hợp tác thương mại tại thị trường châu Âu.

Trong khuôn khổ hội chợ, Đại sứ quán Việt Nam tại Italia đã phối hợp với đoàn công tác tổ chức buổi tọa đàm về Hợp tác Thủ công mỹ nghệ Việt Nam - Italia với sự tham gia của ông Beppe Pisani, Chủ tịch Liên đoàn thủ công và doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực thời trang vùng Lombardy; ông Jean Blanchaert, nghệ nhân, nhà tổ chức quản lý phòng triển lãm trưng bày nghệ thuật về thủy tinh và gốm sứ; ông Walter Cavrenghi, Tổng thư ký Phòng Thương mại Italia - Việt Nam (CCIV), cùng đại diện một số tổ chức thủ công và các doanh nghiệp thủ công Italia.

Thông qua buổi tọa đàm, các diễn giả hai bên đã nêu lên thế mạnh của ngành thủ công mỗi nước và cùng nhau trao đổi xu hướng tiêu dùng, xu hướng thẩm mỹ, nhằm phát triển bền vững ngành thủ công mỹ nghệ hai bên.

Bên cạnh đó, Đại sứ quán đã thu xếp cho Đoàn công tác gặp Liên đoàn Thủ công mỹ nghệ thành phố Vicenza và tham quan một số xưởng gốm, xưởng sản xuất thủ công mỹ nghệ của người dân bản địa.

Thông qua các hoạt động trên, hình ảnh sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP của Việt Nam được quảng bá rộng rãi đến bạn bè Italia và quốc tế, tạo cầu nối xúc tiến thương mại, trao đổi hợp tác kinh doanh và đầu tư lẫn nhau.

Hội chợ thủ công mỹ nghệ quốc tế AF-L'ARTIGIANO IN FIERA tổ chức hằng năm vào dịp mua sắm trước Giáng Sinh và năm mới, được nhiều nước và doanh nghiệp đánh giá cao. Đặc biệt, với nền tảng kỹ thuật số với hơn 1 triệu thành viên đăng ký, hội chợ cho phép các doanh nghiệp quảng bá và bán sản phẩm của mình trong suốt cả năm, quảng cáo và duy trì mối quan hệ thường xuyên với các khách hàng truyền thống và tiềm năng.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Italia là một trong những thị trường lớn nhất trong Liên minh châu Âu (EU) về hàng thủ công mỹ nghệ, với tổng kim ngạch buôn bán hàng năm lên tới hơn 20 tỷ euro (khoảng 21,05 tỷ USD).

Ngày hội lớn nhất của các doanh nghiệp ngành thủ công mỹ nghệ thế giới được tổ chức từ năm 1996, là nơi lý tưởng để các nghệ nhân từ khắp nơi trên thế giới có thể giới thiệu sản phẩm và những nét đặc sắc của quốc gia mình. Các doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia hội chợ từ những năm 2000 để giới thiệu với bạn bè quốc tế các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam.

 

Theo congthuong.vn
Ý kiến bạn đọc
  • Thu hơn trăm tỷ đồng một năm từ trồng quýt

    Thu hơn trăm tỷ đồng một năm từ trồng quýt

    Huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai hiện có trên 800 ha quýt, trong đó có trên 500 ha quýt đang cho thu hoạch, phần lớn diện tích là giống quýt sen. Dự kiến sản lượng quýt của địa phương năm nay đạt trên 6.000 tấn, trung bình đạt 12 tấn/ha, thu về khoảng 140 tỷ đồng.

  • Nuôi tôm công nghệ cao lợi nhuận mỗi ha từ 700 - 800 triệu đồng/vụ

    Nuôi tôm công nghệ cao lợi nhuận mỗi ha từ 700 - 800 triệu đồng/vụ

    Nuôi tôm công nghệ cao là mô hình nuôi thủy sản đang được ưu tiên phát triển ở khu vực ven biển của tỉnh Bến Tre. Thực tế cho thấy, nếu mô hình này được đầu tư đúng mức, áp dụng tốt các kỹ thuật vào sản xuất thì cho hiệu quả kinh tế rất cao.

  • Hiệu quả kinh tế cao từ nghề nuôi cá nước lạnh ở Lào Cai

    Hiệu quả kinh tế cao từ nghề nuôi cá nước lạnh ở Lào Cai

    Tại các tỉnh miền núi do điều kiện tự nhiên, khí hậu phù hợp những năm qua người dân đã phát triển mạnh nghề nuôi các loại cá nước lạnh như cá hồi, cá tầm. Hiện giá các loại cá này đang ở mức khá cao từ 200.000 - 250.000 đồng/kg tùy loại, đem lại thu nhập tốt cho người nuôi.

  • Thọ Xuân đón nhận Bằng công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao

    Thọ Xuân đón nhận Bằng công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao

    Ghi nhận thành quả mà huyện Thọ Xuân đã đạt được trong việc thực hiện phong trào chung sức xây dựng NTM. Mới đây, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức lễ đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì và công bố huyện Thọ Xuân đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023.

  • Đưa sản phẩm OCOP phát triển xứng tầm

    Đưa sản phẩm OCOP phát triển xứng tầm

    Để nâng cao hơn nữa hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, các sản phẩm OCOP của các hợp tác xã và làng nghề tập trung thúc đẩy quảng bá, giới thiệu, kết nối và phát triển các kênh phân phối sản phẩm OCOP trên thị trường nước ngoài.

  • Long An: Điểm sáng du lịch nông thôn gắn với sản phẩm OCOP

    Long An: Điểm sáng du lịch nông thôn gắn với sản phẩm OCOP

    Trong khuôn khổ Tuần Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Long An lần thứ 2 năm 2024, Hội nghị “Liên kết, xúc tiến du lịch nông thôn và sản phẩm OCOP giữa Long An với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long” đã được tổ chức vào ngày 28/11 đến ngày 4/12, trên địa bàn tỉnh Long An.

Top