Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 25 tháng 3 năm 2024 | 15:10

Sản xuất bền vững, nhìn từ vụ hoa Tết

Chợ hoa Tết luôn là điểm đến của người dân trên khắp mọi miền đất nước, họ đến để lựa chọn loại hoa trang trí cho gia đình.

Tuy nhiên, đâu đó tại không ít chợ hoa dịp Tết Giáp Thìn - 2024 vừa rồi xuất hiện cảnh tượng thương lái cố tình phá hủy hàng hóa để không phải bán rẻ.

Cân đối cung - cầu, đảm bảo giá trị cho người sản xuất và góp phần phát triển bền vững nghề sản xuất hoa vẫn là bài toán cần tìm lời giải đáp.

Khi đánh cược với thị trường

Những năm gần đây, đến ngày 30 Tết, ở nhiều nơi xuất hiện tình trạng người bán hàng đập bỏ nhiều chậu hoa, chặt cành nhiều cây cảnh vì đã giảm giá nhưng không có người mua hoặc người mua vẫn trả giá thấp hơn nữa. Hành động này vừa gây lãng phí, vừa phản cảm, tạo ra nhiều rác thải khiến công nhân môi trường phải vất vả hơn trong việc dọn dẹp.

Cụ thể, theo các tiểu thương, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này.

Thứ nhất, hoa Tết là sản phẩm đặc thù, khi có thời gian tiêu thụ ngắn, chỉ  trong vòng dăm, ba ngày Tết. Do vậy, hoa bị đập hay phá bỏ là loại chỉ chơi trong thời gian ngắn, chờ đến dịp khác mới bán thì chúng cũng đã úa tàn.

Để không còn lo hoa Tết bị ế ẩm người dân cần chú trọng thị trường.

Thứ hai, chúng tôi nhập về bán chứ không trồng hoa, nếu mang về thì để vào đâu, ai chăm sóc cho? Lại còn chi phí vận chuyển số hoa ế ấy nữa, làm kinh doanh sao có thể ngớ ngẩn trả mấy triệu đồng thuê ô tô chở rác về nhà?

Thứ ba, đập bỏ những chậu hoa, cành hoa không bán được chính là cách chúng tôi bảo vệ đường làm ăn của mình. Rất nhiều người mua hàng thiếu lòng trắc ẩn, dù biết giá 300 nghìn đồng một chậu hoa đã hợp lý lắm rồi nhưng vẫn cố tình chờ đến chiều 30 Tết mới ra ép giá còn 50 nghìn đồng.

Một số chuyên gia cho rằng, đã là hàng hóa, hoa Tết cũng phải chấp nhận sự chi phối của quy luật cung - cầu của thị trường. Tình trạng tồn hàng hoa, cây cảnh ở các chợ hoa Tết năm nay không thể đỗ lỗi cho kinh tế khó khăn, cho người mua so đo thắt chặt chi tiêu. Một khi đã kinh doanh, buôn bán sản phẩm, người bán cần dự trù, tính trước tình huống không bán được.

Đáng chú ý, hiện nay, người nông dân sản xuất hoa, cây cảnh  tại nước ta chủ yếu tự phán đoán thị trường theo cách mù mờ không rõ đầu ra; khiến vòng lặp “cung vượt cầu” diễn ra thường xuyên, đây có thể gọi là đánh cược “năm ăn, năm thua” với thị trường. Điều này dẫn đến tình trạng được mùa nhưng mất giá.

Sản xuất dựa theo tín hiệu của thị trường

Năm nay, do kinh tế trong năm 2023 còn khó khăn nên người dân có xu thế ăn Tết tiết kiệm. Do vậy, nông dân trồng hoa Tết ở ĐBSCL đã chủ động điều chỉnh số lượng gieo trồng dựa theo tín hiệu thị trường.

Cụ thể, nhận thấy thị trường hoa Tết năm 2024 ảm đạm, các nhà vườn tại Làng nghề trồng hoa Phó Thọ - Bà Bộ quận Bình Thủy, TP Cần Thơ không dám mạo hiểm trồng số lượng lớn. Bên cạnh đó, bà con cũng linh hoạt lựa chọn trồng các chậu hoa có kích cỡ nhỏ, giá bình dân hơn để phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng.

Tương tự, một số chủ hoa tại tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, năm nay, nhận định sức mua khó khăn trong bối cảnh kinh tế phục hồi chậm, người dân tiết kiệm chi tiêu sau ảnh hưởng đại dịch Covid-19, các vựa trồng hoa giảm số lượng, tập trung nâng cao chất lượng hoa.

Từ thực tế trên, để những năm tiếp theo không tái diễn cảnh chặt bỏ, đập phá đào, mai, cây cảnh,... người sản xuất, kinh doanh cần phải có chiến lược cụ thể. Cùng với đó, người nông dân nên chủ động điều chỉnh số lượng gieo trồng dựa theo tín hiệu thị trường, đa dạng sản phẩm, đảm bảo chất lượng, giá cả ổn định để phù hợp với nhiều đối tượng. Quan trọng nhất là phải bán đúng giá sản phẩm, phục vụ nhiều phân khúc thị trường với đối tượng khách hàng phong phú.

Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu hoa

PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả cho hay, tính tới hết năm 2023, tổng diện tích trồng hoa cả nước ước đạt 36.000ha, tăng gần 2.000ha so với năm 2022. Các loài hoa được sản xuất nhiều gồm hoa lan, hoa hồng, hoa cúc, hoa đồng tiền và hoa lay ơn…; vùng trồng tập trung tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.

Năm 2023, giá trị sản xuất và tiêu thụ các loại hoa, cây cảnh của nước ta ước đạt 45.000 tỷ đồng; thu nhập bình quân/ha canh tác 350 triệu đồng/năm. Kim ngạch xuất khẩu hoa năm 2023 ước đạt xấp xỉ 80 triệu USD, tăng 19,4% so với năm 2022.

PGS.TS Đặng Văn Đông cũng thẳng thắn nhìn nhận, nghề sản xuất hoa, cây cảnh ở nước ta cơ bản vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ; nhiều địa phương chưa quan tâm quy hoạch phát triển hoa, cây cảnh; chưa có sự liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ; kỹ thuật canh tác và công nghệ sau thu hoạch còn lạc hậu so với các quốc gia trồng hoa tiên tiến. Một số vùng chuyên canh hoa còn sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, gây ảnh hưởng tới môi trường, sinh thái và sức khoẻ cộng đồng...

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Làm vườn Việt Nam - TS. Phan Huy Thông cho rằng, dư địa để xuất khẩu sản phẩm hoa, cây cảnh ra thị trường quốc tế còn rất lớn. Một vấn đề đặt ra, bên cạnh việc đầy đủ các thủ tục hải quan, sau quá trình lưu hành còn phải chứng minh được không vi phạm bản quyền giống tạo ra sản phẩm đó, thậm chí một loại hoa, cây cảnh được du nhập vào nước ta để sản xuất cho nhu cầu cho tiêu dùng trong nước vẫn có thể bị khiếu nại vi phạm bản quyền.

“Kể cả với những dòng hoa, cây cảnh truyền thống của địa phương cũng dễ bị mất quyền sở hữu giống ngay trên “sân nhà” vì hầu hết các địa phương chưa quan tâm tới công tác công bố lưu hành giống, dẫn đến thua thiệt là khó tránh khỏi”, ông Thông nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, cho rằng, hoa trồng tại Việt Nam ngày càng được nhiều nước ưa chuộng nhưng chất lượng chưa đồng đều. Do đó, để có được vị thế riêng và dễ dàng trong xuất khẩu, nhà vườn và các doanh nghiệp phải chuyển từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang ứng dụng công nghệ cao.

Đồng thời, cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu hoa thông qua các triển lãm, hội chợ về hoa cây cảnh trong nước và quốc tế. Trong thời gian tới, xuất khẩu hoa nên mở rộng đến các thị trường đã có ở châu Á để tận dụng ưu thế về khoảng cách địa lý, chi phí vận chuyển thấp, dễ bảo quản.

 

Chí Thanh
Ý kiến bạn đọc
Top