Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 30 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 8 tháng 4 năm 2024 | 12:16

Sản xuất trách nhiệm gắn với xuất khẩu bền vững

Sầu riêng là ngành hàng đóng góp lớn vào kỳ tích xuất khẩu rau quả năm 2023 và quý I/2024 của ngành Nông nghiệp và PTNT.

Tuy nhiên, thời gian qua, sầu riêng Việt Nam liên tục bị đưa ra cảnh báo về vi phạm an toàn thực phẩm khiến nhà vườn và doanh nghiệp lo lắng. Nếu điều này tái diễn, sẽ ảnh hưởng đến cả ngành hàng xuất khẩu rau quả.

30 lô sầu riêng xuất khẩu nhiễm cadimi

Theo thống kê năm 2023, xuất khẩu rau quả của ngành Nông nghiệp nước ta ước đạt 5,6 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, sầu riêng có giá trị xuất khẩu cao nhất, chiếm 40% giá trị xuất khẩu ngành rau quả. Đáng quan tâm, nếu năm 2024, Trung Quốc mở cửa thêm mặt hàng sầu riêng đông lạnh thì giá trị xuất khẩu sẽ tăng, góp phần kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam đạt trên 6 tỷ USD. Bên cạnh tín hiệu tích cực về thị trường và giá bán sau khi xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, ngành hàng sầu riêng cũng đối mặt nhiều khiếu nại về chất lượng.

Theo đó, Tổng cục Hải quan Trung Quốc thông tin, 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất sang Trung Quốc bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định an toàn thực phẩm của nước này.

Năm 2023 tổng diện tích sầu riêng cả nước khoảng 127.000ha, sản lượng 1,2 triệu tấn, với giá trị xuất khẩu đạt 2,2 tỷ USD.

Cụ thể, trong tháng 5 và 6/2023, phía Trung Quốc đã phát hiện, cảnh báo 6 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu có nhiễm cadimi vượt ngưỡng quy định.

Bốn tháng sau đó, phía Trung Quốc phát hiện 1 lô hàng sầu riêng vi phạm về dư lượng cadimi. Tuy nhiên, từ tháng 11/2023 đến tháng 1/2024, các vi phạm có xu hướng gia tăng khi Trung Quốc liên tục phát hiện, cảnh báo 23 lô hàng sầu riêng Việt Nam bị nhiễm cadimi vượt ngưỡng quy định. Như vậy, từ tháng 5/2023 đến tháng 1/2024, có 30 lô hàng sầu riêng bị cảnh báo.

Về nguyên nhân dẫn tới việc sầu riêng bị nhiễm kim loại nặng cadimi, đại diện Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, có thể xuất phát từ khâu trồng trọt, do sử dụng phân bón hoặc đất, nguồn nước tưới bị nhiễm cadimi. Thứ hai, trong quá trình sơ chế, làm sạch sau thu hoạch, có thể doanh nghiệp dùng nước rửa nhiễm cadimi hoặc sử dụng hóa chất có cadimi.

Trước đó, tháng 10/2023, Nhật Bản buộc phải tiêu hủy 1,4 tấn sầu riêng nhập khẩu từ Việt Nam. Nguyên nhân là cơ quan kiểm dịch nước này phát hiện sản phẩm tồn dư hoạt chất procymidone với hàm lượng 0,03 ppm, trong khi tiêu chuẩn cho phép là dưới 0,01 ppm.

Chú trọng tiêu chuẩn “sạch và xanh”

Từ câu chuyện Trung Quốc cảnh báo 30 lô sầu riêng xuất khẩu nhiễm cadimi hay Nhật Bản tiêu hủy 2 lô hàng sầu riêng và ớt của Việt Nam để thấy, nguy cơ mất đơn hàng vẫn luôn hiện hữu cho các nhà xuất khẩu nông sản Việt nếu còn “ăn xổi”. Nhất là khi các tiêu chuẩn về “sạch và xanh” ở các thị trường nhập khẩu ngày càng khắt khe, đòi hỏi ngành hàng này có những thích ứng tích cực và đầy đủ hơn để vừa giành đơn hàng vừa tăng lợi thế cạnh tranh.

Hơn thế nữa, nếu ngành hàng liên tục bị cảnh báo vi phạm chất lượng thì sẽ có nguy cơ rút mã số xuất khẩu và mã số vùng trồng, khi đó sẽ ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu sầu riêng Việt Nam nói riêng và toàn ngành rau quả nói chung.

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu doanh nghiệp xuất khẩu nông sản vẫn còn thất tín với nhà nhập khẩu, để xảy ra sự việc đã rồi làm mất uy tín cho nông sản Việt thì về sau khó tránh việc mất đơn hàng. Và bản thân nông hộ nếu vẫn không tuân thủ quy trình để cho nông sản xuất đi bị tồn dư hóa chất thì chính họ tự phá hủy uy tín và cơ hội làm ăn của mình.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Ngô Tường Vy, Tổng giám đốc Công ty xuất - nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre), phân tích: Vấn đề lớn nhất của ngành hàng sầu riêng hiện nay là chưa có bất cứ quy định nào để kiểm soát chất lượng.

“Chúng tôi luôn ao ước, các cơ quan quản lý Nhà nước xây dựng cơ sở dữ liệu lớn quản lý sầu riêng từ mã số vùng trồng, sản lượng, cơ sở đóng gói để minh bạch tất cả thông tin. Cùng với đó là quy định về tiêu chuẩn chất lượng bắt buộc phải thực hiện, có chế tài nếu vi phạm để nhà vườn phải tuân thủ. Khi đó, doanh nghiệp không còn phải “năn nỉ” nông dân giữ chất lượng. Tất cả đều phải tuân thủ nguyên tắc chung về tiêu chuẩn chất lượng để xây dựng thương hiệu quốc gia trái sầu riêng”, bà Vy nói.

Việc sầu riêng xuất khẩu nảy sinh nhiều vấn đề về chất lượng, lý do một phần là do khâu kiểm soát chưa được chặt chẽ, thiếu tính đồng bộ trong quy trình sản xuất. Vì vậy, để giải quyết căn cơ tình trạng này, Nhà nước cần có quy định về tiêu chuẩn chất lượng bắt buộc phải thực hiện đối với mặt hàng rau củ nói chung và sầu riêng nói riêng để bảo vệ những mặt hàng nông sản tỷ USD, bởi đây là bộ mặt và thương hiệu quốc gia nên tất cả đều phải có trách nhiệm.

Cùng với đó, khi bắt tay vào sản xuất, người nông dân cần bám sát quy trình, không vì chạy theo lợi nhuận mà bỏ qua các yếu tố khác, chú trọng liên kết sản xuất và liên kết với doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu, áp dụng đồng bộ các yêu cầu từ lựa chọn giống, bố trí vùng trồng và áp dụng quy trình kỹ thuật chăm sóc phù hợp, đảm bảo năng suất, yêu cầu thị trường về mẫu mã, chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.

Ngoài ra, Cục Bảo vệ thực vật phải tập trung tháo gỡ hàng rào kỹ thuật, mở cửa thị trường cho các loại quả tươi; thực hiện kiểm tra, kiểm dịch thực vật xuất khẩu đối với các loại hàng hóa nông sản xuất khẩu; trong đó, chú trọng các loại quả chủ lực và thị trường trọng tâm như Trung Quốc, Mỹ, EU..., góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu cho nông sản của Việt Nam

PGS. TS. Nguyễn Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, chia sẻ, để xuất khẩu rau quả bền vững, trước hết cần có sản xuất bền vững.

Các doanh nghiệp và người sản xuất cần liên kết chặt chẽ với sự hỗ trợ, hướng dẫn của các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan ở Trung ương và địa phương, nhằm xây dựng và phát triển các chuỗi sản xuất, xuất khẩu, thực hành nông nghiệp tốt (GAP) của từng chủng loại trái cây chủ lực, có lợi thế và định hướng cụ thể cho từng thị trường xuất khẩu. Các đối tác tham gia chuỗi giá trị cần đặc biệt quan tâm tìm hiểu và thực hiện tốt quy định của các nước nhập khẩu, đặc biệt là phải đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, quản lý mã số vùng trồng và kiểm dịch thực vật.

 

Chí Thanh
Ý kiến bạn đọc
Top