+ Giúp cơ thể bổ sung chất chống ôxy hóa. Cà chua chứa nhiều hợp chất thực vật, vốn là các chất chống ôxy hóa tự nhiên. Việc bổ sung nhiều chất chống ôxy hóa từ chế độ ăn uống giúp cơ thể chống lại các gốc tự do có hại - yếu tố đẩy nhanh quá trình lão hóa và gây ra những bệnh nguy hiểm như ung thư và bệnh tim.
Chất chống ôxy hóa có nhiều nhất trong cà chua là lycopene, chất mang lại màu đỏ tươi cho loại trái này. Lưu ý là bạn cần ăn cà chua nguyên vỏ nếu muốn nhận được nhiều lycopene nhất có thể. Theo Tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng Mỹ, tiêu thụ chất béo (lành mạnh) cùng với cà chua sẽ giúp cơ thể hấp thụ lycopene tốt hơn.
+ Dung nạp nhiều kali, phòng ngừa bệnh tim. Ngoài cung cấp các chất chống ôxy hóa có thể ngăn ngừa bệnh tim, cà chua còn dồi dào kali, dưỡng chất được biết là giúp giảm huyết áp. Theo Tạp chí của Ðại học Tim mạch Mỹ, tiêu thụ kali cũng có liên quan đến việc giảm nguy cơ đột quỵ, mắc bệnh tim mạch và bệnh tim mạch vành. Hiệp hội Tim mạch Mỹ cho biết ăn cà chua ở mọi hình thức chế biến - từ nguyên quả co đến nước sốt và nước ép - đều tốt cho sức khỏe tim mạch.
+ Giảm nguy cơ tổn thương da vì tác động của ánh nắng. Theo chuyên gia Elena Paravantes - tác giả Cuốn sách dạy nấu ăn theo chế độ ăn Ðịa Trung Hải cho người mới bắt đầu, cà chua rất giàu carotenoid, một chất chống ôxy hóa đặc biệt giúp bảo vệ làn da khỏi tác hại của ánh nắng. Theo một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Scientific Reports, thường xuyên tiêu thụ cà chua có thể giúp da không bắt nắng, qua đó làm giảm nguy cơ mắc các khối u da do tia UVB gây ra.
+ Cải thiện tâm trạng. Ăn cà chua còn có thể cải thiện tâm trạng về lâu dài. Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Rối loạn cảm xúc cho thấy những người trên 70 tuổi ăn cà chua 2-6 lần/tuần có khả năng ghi nhận các triệu chứng trầm cảm nhẹ hoặc nặng thấp hơn 46% so với những người ăn cà chua ít hơn 1 lần/tuần. Các nhà nghiên cứu cho rằng các chất chống ôxy hóa của cà chua- (gồm cả lycopene) đã mang lại lợi ích cải thiện tâm trạng người dùng.
+ Giúp hấp thụ sắt hiệu quả hơn. Theo chuyên gia dinh dưỡng Blanca Garcia, cà chua là một trong những thực phẩm có thể giúp tăng cường khả năng hấp thụ chất sắt. Ðây là một khoáng chất đóng vai trò chính trong việc tạo ra huyết sắc tố và myoglobin, những prôtêin giúp vận chuyển ôxy đến các cơ và các cơ quan khắp cơ thể.
Còn theo Trung tâm Thông tin Công nghệ Sinh học Quốc gia Mỹ, vitamin C - dưỡng chất có nhiều trong cà chua - có thể làm tăng lượng sắt bạn tiêu thụ bằng cách lưu trữ nó ở dạng mà cơ thể dễ dàng hấp thụ hơn. Một chén cà chua cung cấp gần 27% lượng vitamin C được khuyến nghị tiêu thụ hằng ngày.
+ Giúp vết thương mau lành. Theo Tạp chí Scientific Reports, vitamin C giúp kích thích quá trình tổng hợp collagen trong da. “Vitamin C cần thiết để tạo collagen, một loại prôtêin có trong các mô liên kết giúp chữa lành vết thương. Bổ sung lượng vitamin C ổn định có thể giúp cơ thể hồi phục nhanh hơn khi bạn bị đứt tay, hồi phục sau phẫu thuật hoặc vết thương do tỳ đè do nằm liệt giường” - chuyên gia Garcia giải thích. Trên thực tế, một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Phẫu thuật Quốc tế cho thấy việc bổ sung vitamin C giúp các bệnh nhân nội trú trải qua quá trình chữa lành vết thươngnhanh hơn và tốt hơn.
Tuy vậy, các chuyên gia cho biết cà chua cũng có thể gây ra một số triệu chứng tiêu hóa khó chịu ở một số người có sẵn vấn đề về đường tiêu hóa. Ví dụ, với người bị trào ngược axít, cà chua có thể kích hoạt các triệu chứng của bệnh, gây ợ chua, đầy hơi hoặc khó tiêu. “Cà chua tươi chứa nhiều axít xitric và malic, có xu hướng làm tăng axít bao tử. Việc thường xuyên ăn cà chua tươi sẽ làm tăng sản xuất quá nhiều dịch bao tử, có thể làm trầm trọng thêm chứng trào ngược axít” - chuyên gia thể dục Nataly Komova lý giải. Lời khuyên cho những người bị trào ngược axít là có thể ăn một lượng nhỏ cà chua và theo dõi các triệu chứng của mình.