Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 26 tháng 9 năm 2022 | 15:23

Siết chặt kiểm tra mã số vùng trồng sầu riêng để xuất khẩu bền vững

Mặc dù lô hàng sầu riêng đầu tiên vừa được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc theo Nghị định thư ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT với Tổng cục Hải quan Trung Quốc, tuy nhiên, nhà vườn và doanh nghiệp, hợp tác xã làm ăn chân chính lại đối mặt với rủi ro về tình trạng một số doanh nghiệp mạo danh mã số vùng trồng được phép xuất khẩu để gian lận thương mại.

Giả mạo mã số vùng trồng

Theo Cục Bảo vệ thực vật, sau khi Bộ Nông nghiệp và PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký Nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, dù lô hàng đầu tiên vừa được xuất khẩu, nhưng trên thị trường đã có hợp tác xã, doanh nghiệp phản ánh tình trạng đơn vị giả mạo mã số vùng trồng của những hợp tác xã, doanh nghiệp được phép xuất khẩu chính ngạch để xuất hàng sang Trung Quốc.

Cụ thể, bà Nguyễn Thị Hà, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 7 cho biết, vừa qua, cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn  tiếp nhận 2 container hàng sầu riêng dạng quả tươi của Công ty TNHH An Khang, địa chỉ đăng ký kinh doanh tại 28 Nam Quan Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn.

Theo bà Hà, 2 container hàng này chưa có giấy ủy quyền của vùng trồng được phía Trung Quốc phê duyệt, nên không đủ điều kiện xuất sang Trung Quốc.

 

Sau khi làm sạch, chủ vựa lựa từng trái sầu riêng để đóng thùng xuất khẩu.

 

Mã số vùng trồng của lô hàng sầu riêng này, theo giấy tờ do Công ty An Khang cấp, là VN-ĐLOR-0071. Đối chiếu trên Hệ thống đăng ký do Tổng cục Hải quan Trung Quốc quản lý, vùng trồng này nằm tại xã Ea Yông, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk.

VN-ĐLOR-0071 là một trong số 16 mã số vùng trồng của HTX Cây ăn trái Krông Pắc, địa chỉ thôn Tân Đông, xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk.

Đại diện HTX Cây ăn trái Krông Pắc cho biết, một số đơn vị đã tự ý lấy mã số vùng trồng của HTX để làm thủ tục, hồ sơ nhằm xuất khẩu sản phẩm sầu riêng sang thị trường Trung Quốc.

Bên cạnh đó, khi kiểm tra và xác minh thực tế ở những vườn này, sầu riêng chưa ra trái hoặc đang có trái non chưa đủ ngày để thu hoạch.

Trong Công văn số 05 được HTX gửi đi ngày 8/9/2022, ông Lê Minh Tâm, Giám đốc HTX Cây ăn trái Krông Pắc cho biết, hiện chưa ủy quyền cho đơn vị nào sử dụng mã số vùng trồng xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc.

Tương tự, Công ty CP Thương mại xuất - nhập khẩu Dũng Thái Sơn ở xã Ea Kênh (Krông Pắc - Đắk Lắk) cũng có công văn gửi Cục Bảo vệ thực vật, khẳng định không ủy quyền mã số vùng trồng cho bất kỳ đơn vị nào.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho rằng, việc gian lận mã số vùng trồng không chỉ làm mất uy tín, mà có thể mất cả thị trường. Do đó, trong thời gian tới, chúng ta cần phải nâng diện tích mã số vùng trồng được công nhận. 

Kiểm soát để bảo vệ người làm ăn chân chính

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, Nghị định thư xuất khẩu mặt hàng sầu riêng có được sau “4 năm vất vả, trăn trở” và thậm chí còn có những đánh đổi nhất định trong thương mại song phương.

“Chúng ta hôm nay mang tâm thế của những người sắp vươn xa, mà muốn vươn xa thì phải đi cùng nhau. Song, khi lợi ích không được minh bạch, công khai, thì rất khó vươn xa. Tôi rất kỳ vọng chúng ta làm được nhiều điều lớn hơn”, ông Hoan nói.

Theo quy định của Trung Quốc, mỗi mã số vùng trồng sẽ tương ứng với diện tích sầu riêng nhất định được phép xuất khẩu. Chẳng hạn, với mã số vùng trồng 5ha, thì sẽ cho phép xuất khẩu 100 tấn sầu riêng. Khi có hiện tượng doanh nghiệp lấy cắp mã vùng trồng, số lượng xuất khẩu sẽ vượt nhiều so với quy định. Nếu Hải quan đối tác phát hiện thì mã số vùng trồng sẽ bị xóa, thiệt hại nặng nhất là nông dân.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho biết: “Nếu để xảy ra tình trạng mạo danh, mượn mã số vùng trồng... mà phía bạn phát hiện vi phạm thì sẽ dừng ngay mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đó. Nếu vi phạm nhiều lần, phía bạn sẽ ngừng cả ngành hàng sầu riêng của Việt Nam”.

Đưa ra giải pháp cho vấn nạn này, ông Trung cho biết, Cục đã và đang yêu cầu  vùng trồng, cơ sở đóng gói, các đơn vị liên quan cùng chung tay để thực hiện đúng quy định của Nghị định thư.

Cần khung pháp lý đủ mạnh

Với kinh nghiệm hàng chục năm ở thị trường Trung Quốc, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Ủy viên Ban chấp hành VIDA (Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam), chia sẻ: “Cần đưa việc giả mạo thông tin xuất xứ hàng hóa vào khung pháp lý. Có như vậy, người dân và doanh nghiệp mới tự giác xây dựng mã vùng, mã xưởng”.

Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Thực cho rằng, các cơ quan Nhà nước cần có chế tài xử lý mạnh tay đối với vấn đề giả mạo. Bởi lẽ, việc chuyển đổi số ở Trung Quốc đã thực hiện nhiều năm, các cơ quan như hải quan, thuế, kiểm dịch, doanh nghiệp, ngân hàng, đều liên thông số liệu với nhau. Bất cứ khâu nào cũng có thể phát hiện gian lận.

“Việc kiểm tra ở phía Trung Quốc là rất dễ bởi chuyển đổi số liên thông nhiều ngành. Muốn xử lý là xử lý được ngay. Thậm chí vài tháng sau, họ dò lại, sẽ biết ngay chuyện gian lận”, bà Thực nói.

Ngày 19/9, tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn), Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với các cơ quan chức năng chính thức xuất khẩu lô hàng sầu riêng chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Xe container sầu riêng đầu tiên được làm thủ tục thông quan thuộc Công ty TNHH Thương mại xuất khẩu Dũng Thái Sơn (Đắk Lắk), đối tác nhập khẩu của Trung Quốc là Công ty Chuỗi cung ứng toàn cầu Việt Hải.

Qua đây, bà Thực đề nghị, các cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Hải quan các cửa khẩu, chính quyền địa phương, đơn vị kiểm dịch thực vật, cơ quan quản lý thị trường, cơ quan thuế... cần có giải pháp trong việc phối hợp, kiểm soát chặt chẽ hàng hóa nông sản lưu thông.

“Nếu các cơ quan quản lý ở địa phương có biện pháp quản lý tốt việc này, thì hàng giả mạo mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói sẽ khó có thể thực hiện. Nếu cơ quan kiểm dịch thực vật khi cấp giấy chứng nhận cho lô hàng xuất khẩu có kiểm tra hoặc theo dõi trên hệ thống đăng ký thông tin, sản lượng và thông báo bằng văn bản của các chủ sở hữu mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói ủy quyền cho đơn vị xuất khẩu thì sẽ giúp ngăn chặn việc giả mạo”, bà Thực nhấn mạnh.

Thanh Xuân

 

Ý kiến bạn đọc
  • Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…

  • Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị

    Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị

    Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.

  • Người mua căn hộ đang thích được sở hữu những gì?

    Người mua căn hộ đang thích được sở hữu những gì?

    Hiện tại, các chủ đầu tư gần như đang vượt qua chính mình khi phải cân bằng giữa các yếu tố đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp, sản phẩm phải chinh phục được đối tượng khách hàng là người trẻ.

Top