Tính đến nay tất cả các địa phương của tỉnh Quảng Bình đều có ca mắc sốt xuất huyết, toàn tỉnh ghi nhận hơn 8.000 ca, có 1 trường hợp tử vong. Dự báo dịch sốt xuất huyết tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng.
Sốt xuất huyết tăng đột biến, diễn biến phức tạp
Theo báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Bình, tính đến ngày 27/11, toàn tỉnh có 8.007 ca mắc sốt xuất huyết, ghi nhận 8/8 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh này đều có ca mắc. Cao nhất là huyện Lệ Thủy (2.264 ca), Bố Trạch (1.555 ca); tiếp theo là Quảng Ninh (1.106 ca), thành phố Đồng Hới (945 ca), Quảng Trạch (867 ca), thị xã Ba Đồn (669 ca), Tuyên Hóa (527 ca) và Minh Hóa có số ca mắc SXH thấp nhất toàn tỉnh (74 ca).
Chỉ tính từ đầu tháng 9 đến nay sốt xuất huyết ở Quảng Bình tăng đột biến, ghi nhận hơn 6.000 ca mắc.
Cũng theo CDC Quảng Bình, hiện đang là những tháng cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết. Từ đầu tháng 9 đến nay đã có hơn 6.000 ca mắc sốt xuất huyết, tăng đột biến so với 8 tháng đầu năm 2022 (chỉ ghi nhận gần 2.000 ca).
Chỉ tính riêng ngày 27/11, trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Bình ghi nhận thêm 52 ca mắc sốt xuất huyết. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở Lệ Thủy 25 ca; Quảng Trạch 10 ca; thị xã. Ba Đồn 7 ca; huyện Bố Trạch, thành phố Đồng Hới mỗi địa phương ghi nhận 4 ca; Tuyên Hóa 2 ca; Minh Hóa và Quảng Ninh là 2 địa phương không ghi nhận ca mắc sốt xuất huyết trong ngày.
Theo CDC Quảng Bình, tình hình sốt xuất huyết đang tiếp tục có những diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng, để tích cực phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh… người dân không được chủ quan, nâng cao ý thức phòng chống dịch sốt xuất huyết cũng như các loại dịch bệnh khác.
Khẩn trương tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch
Trước diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết, ngành y tế Quảng Bình đã khẩn trương xây dựng, tăng cường và triển khai các biệt pháp phòng chống dịch: giám sát chặt chẽ, khoanh vùng và xử lý các ổ dịch sốt xuất huyết hiện có và mới phát sinh; chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dịch; tiến hành vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng… phun hóa chất diệt muỗi tại các ổ dịch và khu vực có nguy cơ cao; tăng cường công tác truyền thông...
CDC Quảng Bình đã thực hiện nhiều biện pháp chủ động nhằm phòng, chống dịch sốt xuất huyết.
Bên cạnh sự vào cuộc của nghành y tế, thì người dân cần chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp phòng bệnh như kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng; thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh…
Thường xuyên loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, bẹ lá... Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày và tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Người dân cần chủ động, tích cực tiến hành vệ sinh môi trường sống thường xuyên, diệt lăng quăng… phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Theo bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp - Giám đốc CDC Quảng Bình cho biết, hiện nay, bệnh sốt xuất huyết vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Ở nước ta có 4 tuýp virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết, vì vậy một người có thể bị nhiễm sốt xuất huyết nhiều lần và lần mắc sau thường có nguy cơ nặng hơn lần trước.
Bác sĩ Tiếp khuyến cáo thêm: “Để bảo đảm sức khỏe, người dân cần chủ động đến ngay các cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị khi có các dấu hiệu sốt cao 39-40oC, đột ngột, liên tục; nôn ói, đau bụng nhiều; chảy máu mũi, chảy máu chân răng... tuyệt đối không tự ý điều trị bệnh tại nhà dẫn đến biến chứng nguy hiểm”.