Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 24 tháng 2 năm 2023 | 11:2

Tăng độ phủ thị trường xuất khẩu nông sản và "giữ chân" những thị trường trọng điểm

Bàn về định hướng tăng độ phủ thị trường thời gian tới, các địa phương, cơ quan quản lý nên xây dựng chiến lược phát triển ngành, xây dựng thương hiệu song song với xây dựng vùng sản xuất, vùng nuôi trồng chuyên canh tập trung, quy mô lớn dựa theo tín hiệu thị trường.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đặt mục tiêu phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản từ 54 - 55 tỷ USD năm 2023.

Nhiều DN nông, lâm, thủy sản đang đứng trước áp lực chi phí tăng, sức cạnh tranh trên thế giới giảm sút do sản phẩm phải đội giá, khiến tiêu thụ chậm. Tháng 1 năm nay, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ghi nhận sự sụt giảm tới 23% so với năm 2022. Đặc biệt nhóm các mặt hàng nông sản chính đạt 1,7 tỷ USD cũng giảm tới 13% so với cùng kỳ.

Để cải thiện tình hình trên, vừa qua Bộ Công Thương đã ban hành Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2023 với gần 300 hoạt động xúc tiến thương mại ở trong nước và quốc tế. Theo đó, hàng trăm ngàn lượt doanh nghiệp sẽ được tham gia và hưởng lợi từ các hoạt động này. Tuy nhiên muốn tận dụng cơ hội trên, doanh nghiệp xuất khẩu phải chủ động, linh hoạt ứng phó với tình hình thị trường thế giới.

Doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm, tăng độ phủ thị trường xuất khẩu

Ngô ngọt sau khi được đông lạnh và đảm bảo nhiệt độ -18oC sẽ được đưa vào máy để đóng gói. Sau khi được đóng gói thành những gói nhỏ, ngô sẽ được xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc.

Theo đại diện doanh nghiệp, ngô ngọt là một trong những mặt hàng vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng tới 40% so với cùng kỳ năm 2022. Chính việc đa dạng hóa sản phẩm để tiếp cận nhiều hơn tới khách hàng của mình, doanh nghiệp có thể đảm bảo tốc độ tăng trưởng các mặt hàng xuất khẩu.

Doanh nghiệp có cơ cấu 50 sản phẩm nông sản đã qua chế biến. Vì vậy, sự sụt giảm đơn hàng của các sản phẩm cao cấp như xoài, dâu tây… lại được bù đắp bởi sức tăng của những sản phẩm có giá bình dân hơn.

"Hiện tại chúng tôi đang tập trung xuất khẩu rất nhiều, như chanh dây, dứa, ngô, vải...", ông Đinh Gia Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao, cho biết.

Ngô ngọt sau khi được đông lạnh và đảm bảo nhiệt độ -18oC sẽ được đưa vào máy để đóng gói.

Sau 5 năm, thị trường khu vực Đông Bắc Á có Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc từ thị trường mới tiềm năng, nay lại là thị trường chủ lực, tốc độ tăng trưởng mạnh nhất đạt mức trên 100% trong năm 2022. Như vậy, ngoài việc đa dạng sản phẩm, doanh nghiệp cần chiến lược đa dạng hóa thị trường.

"Từ nghiên cứu thị trường, tìm kiếm đối tác và tìm hiểu quy định về chất lượng sản phẩm của họ thì chúng tôi mất hơn 5 năm, đến nay khi đi vào thị trường Đông Bắc Á, lượng hàng cũng như sự tăng trưởng của thị trường rất ổn định", ông Đinh Gia Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc, Công ty CP Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao, cho biết.

"Tìm thêm những ngách thị trường phù hợp với khả năng cung ứng của doanh nghiệp Việt Nam cũng như còn nhiều dư địa cho các mặt hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam, như thị trường châu Phi, Trung Đông", bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc, Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu, Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương, cho hay.

Xuất khẩu xanh hướng tới tăng trưởng bền vững

Theo thống kê, trong tháng 1 vừa qua, thị trường châu Âu ghi nhận mức giảm 35%, thị trường châu Mỹ giảm 32%, đây vốn 2 thị trường lớn của nông sản Việt Nam, nhưng cũng ghi nhận mức giảm nhiều nhất.

Đi ngược lại với xu hướng giảm, nhiều doanh nghiệp đang phát triển dòng sản phẩm xanh, thúc đẩy xuất khẩu xanh lại có mức tăng khá ấn tượng.

Quế được trồng tại nhà ông Đại (huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) mỗi năm phải đánh giá chuẩn hữu cơ một lần. Nhà ông Đại vài năm nay đã quen với cách canh tác này.

Quế sau khi được tách vỏ sẽ được phơi khô. (Ảnh: TTXVN)

Không thuốc diệt cỏ, không thuốc trừ sâu, vừa giảm chi phí sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ. 2 ha quế nhà ông mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.

"Mình cam kết thì mình phải thực hiện đúng để đảm bảo công ty xuất được, mình cũng tiêu thị được. Khi đầu ra tốt mới đảm bảo thu nhập của mình", ông Trần Quang Đại, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, chia sẻ.

"Đề ra đội ngũ cán bộ trong các thôn kiểm soát lẫn nhau và cuối năm kiểm tra chéo về canh tác nội bộ nông hộ", bà Triệu Thị Minh Thúy, Phụ trách thu mua nguyên liệu, Công ty CP Quế Hồi Việt Nam, cho hay.

Nhờ vậy, trong suốt 6 năm qua, Công ty CP Quế hồi Việt Nam vẫn duy trì chất lượng ổn định. Các sản phẩm quế có chứng nhận hữu cơ, organic xuất khẩu vào thị trường Mỹ vẫn tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

"Mỹ là một trong những thị trường hứa hẹn về các dòng sản phẩm mới như dòng sản phẩm bột để làm bánh, các sản phẩm quế thanh dùng để trang trí trong dịp Noel, dược liệu", anh Nguyễn Bá Mão, Giám đốc sản xuất Công ty CP Quế hồi Việt Nam, cho biết.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ hiện nay đạt khoảng hơn 335 triệu USD/năm, tăng hơn 400% giá trị xuất khẩu hàng hữu cơ hàng năm giai đoạn 2010 - 2016.

"Chúng ta phải nâng cao chất lượng với giá trị thương hiệu hàng nông sản của chúng ta thì sẽ đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng, khi người tiêu dùng ưa chuộng hàng nông sản của chúng ta thì thị trường sẽ rộng mở", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhận định.

Ngoài việc đảm bảo chất lượng chuẩn organic, hiện nay nhiều doanh nghiệp sẵn sàng đa dạng hóa các mẫu mã bao bì sản phẩm để chiều lòng khách hàng của mình.

Trong thời gian tới, liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp phối hợp với hệ thống tham tán thương mại, tham tán nông nghiệp tại nước ngoài để nắm bắt thông tin cũng như yêu cầu xuất khẩu tại thị trường trọng điểm.

Ngay từ những tháng đầu năm, thực hiện Nghị quyết số 01 của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đặt mục tiêu phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản từ 54 - 55 tỷ USD năm 2023.

Việt Nam-Ấn Độ thúc đẩy hợp tác về nông sản và chế biến thực phẩm

Với dân số hơn 1,4 tỷ người, Ấn Độ là thị trường lớn, đầy tiềm năng tiêu thụ đa dạng các sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến của Việt Nam như trái cây, cà phê, chè, hạt tiêu, hạt điều...

Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ đã phối hợp với Cục xúc tiến và tạo thuận lợi đầu tư quốc gia Ấn Độ (Invest India) và Liên đoàn các tổ chức xuất khẩu Ấn Độ (FIEO), hai cơ quan trực thuộc Bộ Công Thương Ấn Độ, tổ chức buổi giao thương kết nối có chủ đề “Cơ hội hợp tác kinh doanh Việt Nam-Ấn Độ đối với mặt hàng nông sản và thực phẩm chế biến.” Tại đây, nhiều ý tưởng hợp tác mới trong lĩnh vực này đã được các chuyên gia trong ngành chỉ ra.

Phát biểu khai mạc chương trình, Đại sứ Nguyễn Thanh Hải cho biết Ấn Độ và Việt Nam là những quốc gia dẫn đầu về nông nghiệp và thực phẩm. Trong khi xuất khẩu nông sản của Ấn Độ trong năm tài chính 2022 tăng trưởng 19,92%, đạt 50,21 tỷ USD thì xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam cùng năm đạt khoảng 53,22 tỷ USD (tăng 9,3% so với năm 2021).

Ngành công nghiệp chế biến thực phẩm ở Ấn Độ chiếm 32% tổng thị trường lương thực Ấn Độ và 14% GDP ngành sản xuất. Ước tính, lĩnh vực chế biến thực phẩm Ấn Độ có tiềm năng thu hút 33 tỷ USD vốn đầu tư trong 10 năm tới.

Với dân số hơn 1,4 tỷ người, Ấn Độ là thị trường lớn, đầy tiềm năng tiêu thụ đa dạng các sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến của Việt Nam như trái cây, cà phê, chè, hạt tiêu, hạt điều, quế, hồi, thảo quả, cao su, bánh kẹo, cá tra, cá basa, các sản phẩm từ ngũ cốc…

Bên cạnh đó, một số mặt hàng nông sản và thực phẩm chế biến của Ấn Độ có khả năng phát triển tại thị trường Việt Nam như thủy sản, gạo tấm, ớt và một số loại gia vị, rau quả.

Theo ông Lê Thanh Hòa, hai quốc gia có những nét tương đồng trong sản xuất nông sản. Mặc dù có thể nhìn thấy tiềm năng rất lớn trong lĩnh vực này tuy nhiên trên thực tế sản lượng và kim ngạch xuất nhập khẩu các mặt hàng này giữa Việt Nam và Ấn Độ vẫn còn hết sức khiêm tốn.

Năm 2021-2022, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 351 triệu USD, chiếm 1,3% tổng giá trị nhập khẩu nông sản của Ấn Độ. Đây là con số hết sức khiêm tốn trong giá trị nhập khẩu của Ấn Độ.

Theo ông Prashant Seth, các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm chế biến đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Ấn Độ. Không chỉ đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, Ấn Độ hiện nay đang mở rộng sản xuất các sản phẩm nông sản và thực phẩm chế biến để định hướng xuất khẩu. Đặc biệt Ấn Độ định hướng phát triển các sản phẩm nông sản hữu cơ, đảm bảo chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất quốc tế và an toàn cho người tiêu dùng.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Đặng Phúc Nguyên, khẳng định sản xuất rau quả Việt Nam đang ngày càng phát triển, các sản phẩm nông sản phát triển theo xu hướng đáp ứng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Theo ông, một trong những hạn chế lớn nhất khiến hoạt động xuất nhập khẩu trái cây giữa hai nước còn hạn chế là bởi mức thuế xuất cao, có những mặt hàng xuất khẩu sang Ấn Độ chịu mức thuế lên tới 70%, và nhiều mặt hàng quả tươi của Việt Nam chưa được thị trường Ấn Độ mở cửa.

Hiện tại, mới chỉ có duy nhất trái thanh long Việt Nam xuất khẩu được sang Ấn Độ. Việt Nam nhập siêu hoa quả từ Ấn Độ với các các mặt hàng chính như hạt mắc ca, quả chà là, táo, lê,… Giữa Việt Nam và Ấn Độ chưa ký kết hiệp định trong lĩnh vực này. Ông Đặng Phúc Nguyên cũng đưa ra đề nghị hai quốc gia mở cửa thị trường rau quả và ký kết các hiệp định thương mại song phương để tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập khẩu nông sản giữa hai nước.

Tại hội nghị, Tham tán Bùi Trung Thướng cho biết lương thực và thực phẩm chế biến đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống, cả Việt Nam và Ấn Độ đều là nước nông nghiệp, đóng góp sản lượng lương thực quan trọng cho thế giới, hai nước còn nhiều tiềm năng để thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực ngành hàng.

Buổi giao thương, giới thiệu thị trường hôm nay giúp các doanh nghiệp hiểu rõ tiềm năng, thế mạnh của mình và các cơ hội đầu tư, kinh doanh tại mỗi nước. Ông Bùi Trung Thướng mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục tham dự các chương trình giao thương, giới thiệu thị trường trong thời gian tới, gần nhất là buổi giao thương với bang Kerala của Ấn Độ vào ngày 8/3 tới về 3 lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản và dịch vụ.

Xét về tổng thể thương mại nông lâm, thủy sản giữa hai nước, Việt Nam đang là nước nhập siêu từ Ấn Độ, cụ thể năm 2021 là 473,8 triệu USD và năm 2022 là 687,73 triệu USD.

Giữ vững thị trường trọng điểm Trung Quốc

Bắt kịp và thích ứng với thị trường Trung Quốc ngay sau khi thị trường này mở cửa trở lại sẽ giúp nông sản, thủy sản Việt không chỉ giữ được đối tác quan trọng này mà còn có chỗ đứng tại thị trường Trung Quốc.

Chế biến chanh leo phục vụ nhu cầu xuất khẩu. Ảnh minh họa.

Hiện, Lạng Sơn duy trì thông quan hàng hóa tại 5 cửa khẩu gồm: Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma, Cốc Nam, Ga Đồng Đăng. Lượng xe thông quan xuất nhập khẩu trong tháng 1/2023 đạt khoảng 1.000 xe/ngày; kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh trong tháng 1/2023 tăng 108,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, mặt hàng nông sản, trái cây xuất khẩu của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm khoảng 80% tổng giá trị kim ngạch hàng hóa xuất khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Điển hình là các trái cây chủ lực như thanh long, xoài, mít, vải, dưa hấu, chuối và các loại nông sản khô như thạch đen, tinh bột sắn...

Theo ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), trong những năm qua, Trung Quốc đã hoàn thiện hệ thống pháp luật, thông qua việc 2 lần sửa đổi Luật An toàn thực phẩm, đồng thời ban hành Lệnh 248, 249 vào năm 2021 và Lệnh 259 năm 2022. Đồng thời, Trung Quốc đã liên tục tăng cường thực thi pháp luật khi chủ trương đưa hoạt động thương mại đi vào chính quy và tăng cường giám sát, thực hiện nghiêm các quy định.

Với riêng tỉnh Quảng Tây (chiếm đến 95% kim ngạch thương mại biên giới giữa Việt Nam – Trung Quốc), ông Sơn khuyến nghị nên chuyển dần xuất khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch. Bởi hơn 90% dưa hấu Trung Quốc nhập khẩu có xuất xứ từ Việt Nam. Tuy nhiên, do chưa ký kết Nghị định thư, giá trị xuất khẩu của mặt hàng trái cây chưa tương xứng với tiềm năng. Đáng chú ý, từ ngày 19/1/2023, ga Kép, huyện Lạng Giang, Bắc Giang đã được Bộ Giao thông vận tải cho phép tạm thời khai thác hoạt động liên vận quốc tế. Điều này sẽ giúp giảm tải cho ga Gia Lâm, cũng như giúp nông sản Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường Trung Quốc.

Bàn về định hướng hợp tác kinh tế với thị trường tỷ dân thời gian tới, đại diện Vụ Thị trường châu Á - châu Phi khuyến cáo các địa phương, cơ quan quản lý nên xây dựng chiến lược phát triển ngành, xây dựng thương hiệu song song với xây dựng vùng sản xuất, vùng nuôi trồng chuyên canh tập trung, quy mô lớn dựa theo tín hiệu thị trường.

“Chúng ta cần tận dụng hiệu quả hơn nữa cơ chế hợp tác giữa hai nước để tháo gỡ khó khăn hàng rào kỹ thuật; đồng thời xây dựng lộ trình, kế hoạch mở cửa thị trường cho mặt hàng xuất khẩu, đánh giá kỹ năng lực sản xuất trong nước và nhu cầu của thị trường Trung Quốc”, ông Sơn chia sẻ.

Với doanh nghiệp, đại diện Bộ Công Thương đề nghị thường xuyên cập nhật và tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc. Cùng với đó, doanh nghiệp phải chú trọng xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu và nghiên cứu kỹ nhu cầu, xu thế phát triển của thị trường.

Một số biện pháp được đưa ra, gồm xây dựng đội ngũ nhân viên thông thạo thị trường, ngôn ngữ, tận dụng tuyến vận tải đường sắt liên vận Việt Nam – Trung Quốc và thúc đẩy khai thác thị trường thông qua hình thức thương mại điện tử.

Để nâng cao kim ngạch xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc, UBND tỉnh Lạng Sơn cũng đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường trao đổi, đàm phán với Tổng cục Hải quan Trung Quốc, sớm ký kết Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với các loại hoa quả còn lại để giảm bớt các thủ tục kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu; mở rộng danh mục các mặt hàng hoa quả, nông sản của Việt Nam được phép xuất khẩu vào Trung Quốc.

Các địa phương có vùng trồng, vùng sản xuất, chế biến xuất khẩu lớn, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cần tăng cường hiệu quả quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu, tuân thủ quy định của thị trường nhập khẩu thông qua các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn nhằm đáp ứng các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và mã số vùng trồng của thị trường xuất khẩu./.

 

Thanh Tâm (T/h)
Ý kiến bạn đọc
  • Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…

  • Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị

    Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị

    Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.

  • Người mua căn hộ đang thích được sở hữu những gì?

    Người mua căn hộ đang thích được sở hữu những gì?

    Hiện tại, các chủ đầu tư gần như đang vượt qua chính mình khi phải cân bằng giữa các yếu tố đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp, sản phẩm phải chinh phục được đối tượng khách hàng là người trẻ.

Top