Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 14 tháng 11 năm 2022 | 21:0

Tạo niềm tin từ thương hiệu nông sản an toàn, bước đột phá để nông nghiệp phát triển bền vững

Thời điểm này, nông nghiệp các địa phương đang đẩy mạnh triển khai vụ đông, tăng cường triển khai kết nối lưu thông sản xuất và tạo các sản phẩm chất lượng, an toàn để có được “thương hiệu”, tạo được “niềm tin” của người tiêu dùng.

Người trồng rau sạch Thanh Tuyền (Phủ Lý, Hà Nam) đang thu hoạch lứa rau cải đưa đi tiêu thụ.

Hà Nam: Rau an toàn, xây dựng “thương hiệu” và tạo “niềm tin” với người tiêu dùng

Năm 2011, nông dân vùng trồng rau Hạ Vỹ, xã Nhân Chính (Lý Nhân) bắt đầu triển khai thực hiện mô hình sản xuất rau an toàn. Qua hơn 10 năm thực hiện, nêu cao ý thức trách nhiệm của người sản xuất, tuân thủ đúng các quy trình kỹ thuật, rau an toàn Hạ Vỹ đã tạo được sự tin tưởng của khách hàng, vào được hệ thống cửa hàng, siêu thị bán nông sản an toàn trong và ngoài tỉnh.

Bà Ngô Thị Kha, 68 tuổi ở thôn 1, Hạ Vỹ đã có nhiều năm gắn bó với nghề trồng rau của quê hương. Bà Kha chia sẻ: Trước kia, nông dân chúng tôi sản xuất rau theo phương pháp truyền thống. Dùng phân tươi, phân hóa học để chăm bón cho rau. Thuốc trừ sâu phun không đúng kỹ thuật. Ra ruộng phát hiện thấy sâu là phun thuốc, nhiều khi phun thuốc không đúng bệnh, không đúng thời điểm, phun quá liều lượng… Từ khi HTXDVNN triển khai mô hình sản xuất rau an toàn, nông dân được tập huấn khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ và thu hoạch…, phương thức sản xuất đã thay đổi hoàn toàn. Phân tươi giờ được ủ cùng men vi sinh đủ thời gian, bảo đảm hoai mục. Trong quá trình sản xuất, nông dân hạn chế dùng phân hóa học, chủ yếu dùng phân bón hữu cơ vi sinh NPK và thuốc bảo vệ thực vật sinh học.

Để phòng trừ sâu bệnh hiệu quả, nông dân thực hiện nguyên tắc “4 đúng”, đó là: Sử dụng đúng thuốc; phun thuốc đúng thời điểm; dùng thuốc đúng liều lượng, nồng độ; phun thuốc đúng cách (đúng kỹ thuật). Thực hiện sản xuất rau an toàn không chỉ sức khỏe người sản xuất, môi trường đồng ruộng được bảo đảm, mà giá trị thu nhập trên diện tích canh tác cũng được nâng lên. Đặc biệt, rau an toàn nhận được sự tin tưởng cao của người tiêu dùng, vì vậy việc tiêu thụ cũng có nhiều thuận lợi. Đến ngày thu hoạch, có người tới thu mua ngay tại đầu bờ.

Được biết, hiện vợ chồng bà Kha đang trồng 2 sào rau an toàn (chủ yếu là rau ngót). Thu nhập từ hai sào rau đạt trên 30 triệu đồng/năm, tạm đủ trang trải cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của hai ông bà. Với những lợi ích thiết thực rau an toàn đem lại, trong quá trình sản xuất, những năm qua, bà Kha luôn tuân thủ đúng mọi quy trình kỹ thuật, giữ chữ “tâm”, chữ “tín” của người sản xuất.

Vụ đông năm 2022, gia đình bà Nguyễn Thị Nhài, thôn 2, Hạ Vỹ trồng hơn một mẫu rau bắp cải và súp lơ. Bà Nhài cho biết: Những năm qua, nông dân chúng tôi luôn thực hiện đúng quy trình kỹ thuật đã được tập huấn trong sản xuất rau an toàn. Khác với trước kia, khi phát hiện sâu bệnh, người bán thuốc bảo vệ thực vật bảo phun thuốc nào, chúng tôi phun thuốc ấy. Có lúc, thuốc phòng trừ sâu bệnh của lúa phun cả cho rau. Giờ thì khác, nhờ được tập huấn kỹ thuật, chúng tôi nhận biết được các loại sâu bệnh; rau bệnh nào sẽ sử dụng thuốc bệnh đó, vừa đỡ tốn kinh tế, hiệu quả phòng trừ sâu bệnh lại cao. Cái được nữa trong sản xuất rau an toàn, đó là người trồng không phải mang đi chợ bán mà có người về thu mua ngay tại ruộng, giá bán cũng cao hơn so với giá rau thường cùng chủng loại trên thị trường. Nhờ đó, trồng rau an toàn đem lại thu nhập cao hơn, đời sống người trồng rau dần được cải thiện và nâng cao.

Nói về vùng sản xuất rau an toàn của địa phương, bà Nguyễn Kim Thanh, Phó Giám đốc HTXDVNN Hạ Vỹ cho biết: Trước kia, diện tích trồng rau màu của Hạ Vỹ là 72,6 ha. Hiện nay, nhiều diện tích đã được chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, diện tích trồng rau màu ở Hạ Vỹ chỉ còn khoảng 25ha. Nhận thức rõ được tầm quan trọng của việc sản xuất rau an toàn đối với sức khỏe của người sản xuất và người tiêu dùng, năm 2011, HTXDVNN Hạ Vỹ bắt đầu triển khai thực hiện mô hình sản xuất rau an toàn trên diện tích 10ha, với gần 90 hộ tham gia. Từ đó đến nay, trong quá trình sản xuất, nông dân vùng trồng rau an toàn Hạ Vỹ luôn tuân thủ đúng các quy trình kỹ thuật. Rau an toàn sản xuất ra bảo đảm được các tiêu chí theo quy định, tạo được uy tín đối với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Ngoài 10 ha sản xuất rau an toàn, hiện HTXDVNN Hạ Vỹ còn triển khai mô hình trồng rau VietGAP 3,5 ha. Sản xuất rau an toàn đem lại rất nhiều lợi ích: Sức khỏe người sản xuất, sức khỏe người tiêu dùng, môi trường đồng ruộng được bảo đảm; thu nhập cao hơn so với sản xuất rau thông thường từ 15-20%. Từ năm 2016 đến nay, 100% diện tích rau an toàn được thương lái (do HTXDVNN Hạ Vỹ ký kết) về thu mua ngay tại đầu bờ, nông dân không còn phải vất vả tìm đầu ra cho sản phẩm. Rau an toàn Hạ Vỹ đã vào được các bếp ăn tập thể, các cửa hàng, siêu thị bán nông sản an toàn trong và ngoài tỉnh. Nông dân trồng rau an toàn ở Hạ Vỹ giờ luôn trách nhiệm, tuân thủ đúng các quy trình kỹ thuật trong sản xuất; duy trì giám sát cộng đồng, kiểm tra chéo… bảo đảm rau sản xuất ra đạt đúng, đủ các tiêu chuẩn theo quy định.

Không chỉ ở Hạ Vỹ, những năm qua, nhiều mô hình sản xuất rau an toàn được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh. Lợi ích của việc trồng rau an toàn đã rõ, tuy nhiên, để có được “thương hiệu”, tạo được “niềm tin” của người tiêu dùng, bản thân người trồng rau an toàn cần nêu cao ý thức trách nhiệm trong việc chấp hành các quy định về quy trình sản xuất, nhất là quy trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, không lạm dụng các loại hóa chất để thúc đẩy nhanh quá trình sinh trưởng của cây trồng. Hiện nay, người tiêu dùng đang hướng đến các sản phẩm sạch, sản phẩm an toàn. Vì vậy, mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn là hướng phát triển hiệu quả, bền vững, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho nông dân, góp phần quan trọng trong bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng.

Bắc Ninh: Điểm sáng mô hình trang trại nông nghiệp hữu cơ khép kín

Nhờ phát triển mô hình nông nghiệp hữu cơ khép kín trồng các loại cây ăn quả kết hợp chăn nuôi, chế biến sản phẩm từ chăn nuôi, trang trại hữu cơ Giang Nam của gia đình chị Vũ Thị Đông tại xã Ngũ Thái (Thuận Thành) có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm, trở thành điểm sáng về phát triển nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường của huyện Thuận Thành.

Các sản phẩm của trang trại Giang Nam được sản xuất theo hướng hữu cơ khép kín.

Với mong muốn tận dụng điều kiện tự nhiên để phát triển kinh tế gia đình theo hướng nông nghiệp sạch, năm 2007, chị Vũ Thị Đông thuê lại hơn 4 ha đất của các hộ dân trong thôn để đầu tư hệ thống VAC theo hướng hữu cơ khép kín kết hợp chăn nuôi với trồng trọt. Bên cạnh diện tích mặt nước, chị xây dựng hệ thống chuồng trại khoảng 900 m2 để nuôi lợn; trồng cây ăn quả, rau củ hữu cơ theo mô hình khép kín. Qua nhiều năm “lăn lộn” với mô hình kinh tế trang trại, trăn trở lớn nhất của chị là vừa phát triển sản xuất vừa không gây ô nhiễm môi trường.

Với sự hỗ trợ kỹ thuật của các cơ quan chuyên môn, trực tiếp là Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao và tinh thần tích cực tìm tòi, sáng tạo, chị Đông đã tìm được lời giải cho “bài toán” phát triển chăn nuôi bền vững. Theo đó, từ năm 2012 đến nay, chị mạnh dạn ứng dụng công nghệ vi sinh hữu hiệu (EM) vào nhiều công đoạn trong quy trình chăn nuôi, tự tạo nguồn thức ăn có chất lượng. Đồng thời, sử dụng chế phẩm EM trộn với mùn cưa và một số thành phần khác tạo thành đệm lót sinh học cho khu chuồng chăn nuôi, hạn chế tối đa lượng chất thải đưa ra môi trường. Nhờ đó, khu trang trại chăn nuôi tổng hợp rộng hơn 4 ha của gia đình với ao cá; khu chuồng nuôi hơn 100 lợn thịt, lợn rừng và hàng nghìn con gà cùng khu giết mổ chế biến tập trung luôn bảo đảm tốt vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. Đặc biệt, năm 2014, sản phẩm thịt lợn, thịt gà của trang trại được tổ chức EMRO Nhật Bản công nhận đạt chuẩn Thực phẩm Hữu cơ an toàn. Các sản phẩm sau khi chế biến đều được đóng gói, dán nhãn mác xuất xứ rõ ràng và được thị trường ưa chuộng, dù giá thành có cao hơn, mang lại doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.

Trao đổi với chúng tôi, chị Đông cho biết: “Do quy trình khép kín từ chăn nuôi đến chế biến sản phẩm và cung cấp cho người tiêu dùng nên chất lượng sản phẩm được kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm, tạo dựng niềm tin và uy tín trên thị trường. Đến nay, các sản phẩm an toàn gồm thịt lợn sạch, pa-tê, xúc xích, giò mang thương hiệu Giang Nam được bày bán tại nhiều siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội và các sàn thương mại điện tử. Cùng với hoạt động sản xuất, thương mại, trang trại còn tổ chức dịch vụ trải nghiệm, du lịch sinh thái cho những người có nhu cầu, cũng là một cách giới thiệu sản phẩm với khách hàng. Đặc biệt, năm 2021, 2 sản phẩm: Xúc xích hữu cơ, Pate hữu cơ của trang trại được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh”.

Cũng theo chị Đông nếu mong muốn cho hiệu quả kinh tế ngay trước mắt, chắc chắn nhiều người sẽ không đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp hữu cơ. Tuy nhiên, theo cách nghĩ của chị chỉ có phát triển nông nghiệp hữu cơ mới mang lại hiệu quả bền vững, lâu dài, đặc biệt việc sản xuất các sản phẩm sạch cho cộng đồng và bảo vệ môi trường là cách kinh doanh bền vững nhất. Trong sản xuất nông nghiệp, cần có sự đầu tư và quy trình chăm sóc cây trồng vật nuôi một cách bài bản, khoa học. Bên cạnh đó, những sản phẩm sạch và bảo đảm chất lượng mới thật sự có chỗ đứng trên thị trường và được người tiêu dùng tin tưởng.

Phát triển trang trại nông nghiệp hữu cơ khép kín đang trở thành hướng đi bền vững, đúng đắn, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh. Với sự phát triển của đời sống kinh tế, khi chất lượng bữa ăn trong mỗi gia đình ngày càng được nâng cao, người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến việc lựa chọn các sản phẩm nông sản an toàn và có chứng nhận hữu cơ thì những mô hình trang trại hữu cơ khép kín như trang trại Giang Nam không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân, mà còn góp phần bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

Hà Nội: Tạo đột phá để nông nghiệp tăng trưởng bền vững

Thời điểm này, ngành Nông nghiệp Thủ đô đang đẩy mạnh thu hoạch lúa mùa, triển khai vụ đông, tăng cường triển khai kết nối lưu thông sản xuất giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố nhằm đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm cho người dân. Cùng với đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã cũng đẩy mạnh thu mua nguyên liệu, tăng khả năng chế biến sản phẩm cho thị trường, nỗ lực bảo đảm tăng trưởng cả năm 2022.

Sơ chế, đóng gói rau sạch bán ra thị trường tại Hợp tác xã Văn Đức (huyện Gia Lâm). Ảnh: Vũ Sinh

Năm 2022, ngành Nông nghiệp Hà Nội đặt mục tiêu tăng trưởng 2,5-3%. Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, ngành Nông nghiệp hoàn toàn có thể đạt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, cuối năm là thời điểm sản xuất vụ đông và nhu cầu về lương thực, thực phẩm của người dân tăng cao, Hà Nội có thể tranh thủ sản xuất vụ đông đối với cây trồng, vật nuôi ngắn ngày; đồng thời, tận dụng lợi thế từ thị trường cuối năm để tạo đà tăng trưởng.

Tại xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ), để chủ động nguồn cung sản phẩm cho thị trường, nông dân chủ động nguồn giống, gieo trồng các loại rau màu ngắn ngày và tăng đàn vật nuôi. Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã nông nghiệp Nam Phương Tiến Nguyễn Văn Lanh chia sẻ, vụ đông thường tăng thu nhập cho nông dân, do vậy, hợp tác xã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, hướng dẫn xã viên, nông dân nuôi trồng theo nhu cầu thị trường dịp cuối năm. “Vụ đông năm 2022-2023, xã Nam Phương Tiến gieo trồng hơn 250ha, bao gồm: Ngô 80ha, lạc 7ha, khoai tây 5ha, khoai lang 20ha, dưa chuột 50ha và rau màu các loại 88ha. Ngay sau khi thu hoạch lúa vụ mùa, hợp tác xã hướng dẫn nông dân trồng cây vụ đông, đến nay, toàn xã trồng được hơn 100ha gồm: Ngô, khoai lang, dưa chuột và rau các loại. Hợp tác xã tiếp tục vận động nhân dân trồng cây màu còn thời vụ, đặc biệt là rau ăn lá có thời gian sinh trưởng ngắn để tăng giá trị thu nhập trên đơn vị canh tác”, ông Nguyễn Văn Lanh cho biết thêm.

Theo thống kê của UBND huyện Chương Mỹ, vụ đông 2022-2023, toàn huyện gieo trồng khoảng hơn 2.150ha với các loại cây trồng, chủ yếu là đậu tương, ngô, khoai tây… cùng 1.300ha rau các loại để cung ứng cho thị trường cuối năm.

Tương tự, thời điểm này huyện Thường Tín cũng tăng cường sản xuất vụ đông, mở rộng diện tích cây trồng ngắn ngày, đặc biệt là rau, đậu; tăng đàn gia cầm, thủy cầm... Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Từ Đức Mạnh, đến nay, các xã, thị trấn trên địa bàn đã triển khai gieo trồng cây vụ đông theo kế hoạch. Toàn huyện gieo trồng hơn 1.290,9ha, trong đó riêng rau các loại hơn 1.000ha. Nguồn rau sạch của Thường Tín chủ yếu xuất bán đi các tỉnh, thành phố dịp cuối năm. Do đó, huyện khuyến khích các hợp tác xã, hộ gia đình mở rộng diện tích rau, đặc biệt là vùng rau an toàn, hữu cơ…

Không chỉ đối với cây trồng, nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp còn tăng sản xuất nguồn giống gia cầm, thủy sản từ những tháng trước để phục vụ thị trường cuối năm. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Thư Phú (huyện Thường Tín) Nguyễn Đình Thắng thông tin, từ tháng 9, hợp tác xã đã chủ động tăng lượng cá giống, gà giống lên gấp đôi so với những lứa đầu năm bởi nhu cầu gia cầm, thủy sản cuối năm sẽ tăng rất cao.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ khẳng định, việc gia tăng sản xuất, chủ động sản xuất theo nhu cầu thị trường trong những tháng cuối năm sẽ tạo đột phá cho sự tăng trưởng của ngành Nông nghiệp; đồng thời bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm cho người dân và cung ứng cho các tỉnh, thành phố lân cận.

Để gia tăng giá trị sản xuất vụ đông, ngành Nông nghiệp Hà Nội khuyến cáo các địa phương tập trung vào sản xuất nguồn giống ngắn ngày, chất lượng cao, đặc biệt là phát triển hệ thống các chuỗi sản xuất.

Theo thống kê của Sở NN& PTNT Hà Nội, vụ đông năm nay, toàn thành phố gieo trồng 29.625,9ha, trong đó, riêng rau các loại là 13.966ha; khai thác tối đa diện tích trồng hoa (2.712ha), tạo giá trị tăng trưởng. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp cũng yêu cầu các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy nhanh công tác tái đàn, áp dụng biện pháp kỹ thuật để nâng cao hiệu quả trong sản xuất, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm và chỉ tiêu tăng trưởng trong lĩnh vực chăn nuôi.

Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa, ngay khi triển khai vụ mùa, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã xây dựng kế hoạch sản xuất vụ đông và yêu cầu các địa phương chủ động xây dựng phương án sản xuất. Cùng với thu hoạch vụ mùa, Hà Nội đẩy mạnh sản xuất vụ đông. Ngành Nông nghiệp khuyến cáo, vụ đông chủ yếu sử dụng giống ngắn ngày, chất lượng cao, giống mới, gieo trồng tập trung, nên các địa phương cần tích cực áp dụng tiến bộ kỹ thuật để đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao.

Song song đó, Hà Nội tăng cường kết nối thị trường nhằm bảo đảm đầu ra cho nông sản, gia tăng giá trị từ lưu thông hàng hóa. Theo đó, ngành Nông nghiệp Hà Nội tập trung vào các chuỗi sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến nông sản. Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, Hà Nội sẽ đẩy mạnh liên kết với các tỉnh nằm trong chuỗi cung ứng nông sản cho Thủ đô, xây dựng kế hoạch liên kết, khảo sát thị trường để có hướng tập trung sản xuất theo nhu cầu, bảo đảm đầu ra cho nông sản; tiếp tục phối hợp với các địa phương mở gian hàng trưng bày, bán hàng nông sản nhằm quảng bá, tăng kết nối và sức tiêu thụ.

Với kế hoạch sản xuất cụ thể, chủ động điều tiết theo thị trường cùng với việc tăng cường kết nối trong quảng bá và tiêu thụ, ngành Nông nghiệp Thủ đô chắc chắn đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra./.

 

Thanh Tâm (T/h)
Ý kiến bạn đọc
  • Techcombank: Lợi nhuận trước thuế quý 1 đạt 7.802 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ

    Techcombank: Lợi nhuận trước thuế quý 1 đạt 7.802 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ

    Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (“Techcombank” hoặc “Ngân hàng”) công bố kết quả kinh doanh quý 1 năm 2024.

  • Cư dân Ocean City “chơi lớn” chào hè bằng cả một mùa lễ hội

    Cư dân Ocean City “chơi lớn” chào hè bằng cả một mùa lễ hội

    Cư dân Ocean City đã chính thức bước vào một mùa hè sôi động và ngập tràn hứng khởi với Lễ hội “Chào mùa hè 2024” - sự kiện khởi đầu cho một mùa lễ hội náo nhiệt, bùng nổ với loạt sự kiện hấp dẫn, độc đáo và mãn nhãn tại “đại đô thị đáng sống bậc nhất hành tinh”.

  • BAC A BANK ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp vay ngắn hạn

    BAC A BANK ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp vay ngắn hạn

    Hỗ trợ Khách hàng doanh nghiệp tận dụng tối đa các cơ hội tăng trưởng bằng nguồn vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh được bổ sung đầy đủ và kịp thời, giúp phản ứng “nhanh” với môi trường hoạt động thường xuyên biến đổi, Ngân hàng TMCP Bắc Á chính thức triển khai chương trình tín dụng ngắn hạn “Nhận vốn ưu đãi - Đón đầu thời cơ” với tổng hạn mức lên tới 5.000 tỷ đồng.

Top