Bà Chu Thị Thu Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT khuyến cáo, người tiêu dùng nên mua thực phẩm của những cơ sở có uy tín, thân quen, không nên mua thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Nhiều vụ thực phẩm không rõ nguồn gốc bị phát hiện xử lý
Đội Quản lý thị trường số 7 (Cục Quảng lý thị trường Hà Nội) vừa phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra về Kinh tế và chức vụ (Công an huyện Thanh Trì) kiểm tra một kho lạnh tại xã Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì.
Lực lượng liên ngành kiểm tra An toàn vệ sinh thực phẩm tại một cơ sở trên địa bàn Hà Nội.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện lô hàng thực phẩm gồm 560kg ức vịt xông khói, do nước ngoài sản xuất. Qua làm việc với chủ hàng tại thời điểm kiểm tra, chủ hàng đã không xuất trình được hóa đơn, chứng từ và giấy tờ kiểm dịch của lô hàng ức vịt trên.
Đoàn kiểm tra đã tạm giữ toàn bộ lô hàng trên để tiếp tục xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó ngày 14/12, Đội Quản lý thị trường số 9 phối hợp với Đội 5 Phòng Cảnh sát môi trường, Công an thành phố Hà Nội đã kiểm tra một phương tiện vận tải đang dừng đỗ trên địa bàn quận Tây Hồ, phát hiện và tạm giữ lô hàng gồm:1 tấn nầm lợn và 0,8 tấn tràng trứng gà, có dấu hiệu là hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Đội Quản lý thị trường số 9 - Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với Đội 5 - Phòng Cảnh sát môi trường - CATP Hà Nội vừa phát hiện và thu giữ khoảng gần 2 tấn nội tạng động vật có dấu hiệu bị phân hủy đang trên đường đi tiêu thụ.
Đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở tại địa chỉ số 483 đường An Dương Vương, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội đang kinh doanh 1 tấn ức vịt đông lạnh và 180kg cánh gà đông lạnh không có hóa đơn chứng từ.
Theo đó, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra đột xuất xe tải BKS 29H -17814 đang dừng đỗ tại trước số nhà 50 ngõ 28 Xuân La, phường Xuân La, quận Tây Hồ. Tại thời điểm kiểm tra, lái xe không xuất trình được bất kì hóa đơn chứng từ liên quan đến nguồn gốc số nầm lợn, trứng non đông lạnh.
Mới đây, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an), đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm" xảy ra tại Công ty cổ phần sữa Hà Lan (trụ sở tại số 335 Trần Cung, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) và các chi nhánh, kho hàng trực thuộc. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hải Dương điều tra theo thẩm quyền.
Quá trình xác minh cho thấy, ông Nguyễn Trung Vương - Tổng Giám đốc Công ty CP sữa Hà Lan đã chỉ đạo trực tiếp nhân viên trong mọi khâu sản xuất và lưu thông sản phẩm, từ mua nguyên liệu, xây dựng quy trình sản xuất, nhận đơn đặt hàng đến lựa chọn sản phẩm và số lượng, đơn giá, thời gian giao hàng, sau đó ban hành lệnh sản xuất, cân nguyên liệu, phụ gia theo công thức có sẵn trong Lệnh sản xuất, rồi phối trộn, đưa vào máy đóng hộp, đóng nắp, dán nhãn, in hạn sử dụng cho đến khâu kiểm tra, đóng thùng carton, đưa về kho thành phẩm rồi vận chuyển đến nơi tiêu thụ.
Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ 25.667 hộp sản phẩm phục vụ công tác xử lý; 2.011 hộp đã bán ra thị trường với trị giá khoảng 320 triệu đồng hiện vẫn chưa thu hồi được. Số hàng này được bán qua nhiều kênh khác nhau, trong đó có các kênh bán hàng thông qua các tổ chức công đoàn, các hội thảo giới thiệu sản phẩm, qua các trang mạng xã hội...
Trong 10 tháng đầu năm 2022 đã kiểm tra 4.331 vụ, xử lý 3.321 vụ việc vi phạm về an toàn thực phẩm
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Chu Thị Thu Hương cho biết, Trong 10 tháng đầu năm 2022, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra 4.331 vụ, xử lý 3.321 vụ việc vi phạm về an toàn thực phẩm, xử phạt vi phạm hành chính hơn 12,63 tỷ đồng, trị giá tang vật thu giữ hơn 16,45 tỷ đồng.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Chu Thị Thu Hương
Dịp Tết Nguyên đán và Mùa Lễ hội xuân 2023 là khoảng thời gian nhân dân tiêu thụ nhiều thực phẩm, Tổng cục đã ban hành Kế hoạch số 10/KH-TCQLTT ngày 07/11/2022 về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2022; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, theo đó yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, ngăn chặn hàng hoá nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung và thực phẩm nói riêng.
Vì vậy, để có thể quản lý hiệu quả đối với cá nhân, tổ chức kinh doanh thực phẩm online, các cơ quan chức năng cần phải có kế hoạch kiểm tra, hậu kiểm đối với sản phẩm thực phẩm được bán ra thị trường nhất là trên môi trường số, thật cụ thể chi tiết. Đồng thời, cần nâng cao mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP để tạo tính răn đe, bảo đảm tính tuân thủ pháp luật, kết hợp với việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật không những cho người bán mà kể cả người mua để người mua trở thành người tiêu dùng khôn ngoan, phát hiện, không tham gia sử dụng và thống báo kịp thời cho cơ quan QLTT nơi gần nhất để xử lý nghiêm theo quy định.
Khó khăn, vướng mắc của lực lượng chức năng trong quá trình kiểm tra, kiểm soát.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Chu Thị Thu Hương cho biết, trong quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường. lực lượng chức năng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc. Chẳng hạn như năm 2022, đất nước đã thích ứng với đại dịch Covid-19 theo tình hình mới, tuy nhiên, hậu quả và những ảnh hưởng của nó cũng làm ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển kinh tế xã hội. Các ngành như du lịch, giải trí, ăn uống… vẫn chưa được phục hồi như trước nên phần nào ảnh hưởng tới hoạt động kiểm tra trong dịp Tháng hành động vì ATTP.
Nhiều cơ sở kinh doanh tuy đã được tập huấn kiến thức ATTP và được cấp giấy xác nhận tuy nhiên việc nắm bắt các quy định về ATTP đôi khi chưa sâu, còn chưa chính xác. Có những cơ sở kinh doanh đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP theo quy định nhưng việc duy trì các điều kiện chưa được thường xuyên, liên tục. Phần lớn các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm là các cơ sở nhỏ lẻ mang tính chất thời vụ, hoạt động không thường xuyên gây khó khăn trong việc quản lý, truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại tuyến cơ sở.
Loại hình kinh doanh thức ăn đường phố đang phát triển, các điều kiện đảm bảo ATTP theo quy định còn hạn chế nên vấn đề quản lý và xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn, đặc biệt ở tuyến cơ sở do hầu hết các cơ sở đều có quy mô nhỏ lẻ, mang tính chất hộ gia đình.
Bản thân người tiêu dùng chưa nâng cao ý thức trong hoạt động mua bán thực phẩm; Ý thức tố giác tội phạm còn e dè đã vô tình tiếp tay cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đúng theo quy định của pháp luật.
Cán bộ quản lý ATTP của ngành Công Thương chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa được đào tạo chuyên môn về lĩnh vực ATTP nhất là cán bộ được giao theo dõi, quản lý thuộc phòng kinh tế, kinh tế hạ tầng của cấp huyện; tại cấp xã chưa có cán bộ theo dõi, phụ trách đối với công tác quản lý ATTP thuộc lĩnh vực quản lý của ngành Công Thương.
Hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình nên việc áp dụng các mô hình chuẩn trong sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm cũng như công tác quản lý và áp dụng các chế tài xử lý vi phạm hành chính gặp nhiều khó khăn.
Đầu tư nguồn lực cho công tác bảo đảm ATTP còn hạn chế và chưa đáp ứng nhu cầu. Cơ sở vật chất, hệ thống xét nghiệm từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện chưa được đầu tư đồng bộ, năng lực kiểm nghiệm chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra ATTP trên địa bàn tỉnh. Việc đảm bảo ATTP có lẽ không chỉ dừng lại trong các đợt thanh, kiểm tra mà sẽ là hoạt động thường xuyên.
Người tiêu dùng nên mua thực phẩm của những cơ sở có uy tín
Bà Chu Thị Thu Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT khuyến cáo, người tiêu dùng nên mua thực phẩm của những cơ sở có uy tín, thân quen, không nên mua thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đối với các thực phẩm chế biến ăn ngay, người tiêu dùng cần biết rõ điều kiện bảo đảm ATTP của cơ sở chế biến. Đối với sản phẩm bao gói sẵn, người tiêu dùng cần lưu ý các thông tin trên bao bì, nhãn hàng hóa, hạn sử dụng, địa chỉ nơi sản xuất, công bố chất lượng. Đối với thực phẩm nhập khẩu người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ nguồn gốc xuất xứ của thực phẩm, nhất là nhãn phụ bằng tiếng Việt phải đầy đủ thông tin bắt buộc theo quy định pháp luật Việt Nam, cơ sở sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu phải rõ ràng.
Ngoài ra, người tiêu dùng nên yêu cầu người bán cung cấp các thông tin về ATTP của cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên thương mại điện tử. Người tiêu dùng cũng nên cảnh giác với các sản phẩm giá rẻ bất thường, các sản phẩm giá quá rẻ so với thị trường có thể tiềm ẩn nguy cơ không bảo đảm chất lượng, hàng giả,...
Trong trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm trong kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng cần nhanh chóng phản ánh tới QLTT, y tế, công an.. để được xử lý kịp thời.
Các lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vận chuyển, kinh doanh thực phẩm bẩn không rõ nguồn gốc, đồng thời cần phải có chế tài xử lý thật nghiêm minh. Bên cạnh đó người tiêu dùng cũng cần phải tự bảo vệ mình bằng việc lựa chọn và mua thực phẩm ở những nơi có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.