Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 14 tháng 1 năm 2024 | 13:38

Thanh Hóa cấp phép môi trường cho trại lợn của Công ty cổ phần Đầu tư nông nghiệp Agri – Vina

Sau 3 tháng hoạt động không phép gây ô nhiễm môi trường, mới đây, Công ty cổ phần Đầu tư nông nghiệp Agri – Vina đã được tỉnh Thanh Hóa cấp phép môi trường cho hoạt động Trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao kết hợp trồng rừng sản xuất tại xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh.

Thông tin từ UBND huyện Lang Chánh cho biết, ngày 10/1/2024, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 07/GP-UBND cấp phép cho Công ty cổ phần Đầu tư nông nghiệp Agri - Vina (gọi tắt là Công ty) được thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường của “Trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao kết hợp trồng rừng sản xuất tại xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh”. Thời hạn Giấy phép là 7 năm (từ 20/01/2024 đến 20/01/2031).

Trại lợn công suất 60.000 con lợn thịt/năm của Công ty Agri – Vina mới được cấp phép môi trường

Theo đó, Công ty này có trách nhiệm chỉ được phép thực hiện các nội dung cấp phép sau khi đã hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường tương ứng. Vận hành thường xuyên, đúng quy trình các công trình xử lý chất thải bảo đảm chất thải sau xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; có biện pháp giảm thiểu mùi hôi, tiếng ồn, độ rung đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; quản lý chất thải theo quy định của pháp luật.

Chịu trách nhiệm trước pháp luật khi chất ô nhiễm, tiếng ồn, độ rung không đạt yêu cầu cho phép tại Giấy phép này và phải dừng ngay việc xả nước thải, mùi, khí thải, phát sinh tiếng ồn, độ rung để thực hiện các biện pháp khắc phục theo quy định của pháp luật.

Quyết định cấp phép môi trường cho thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường của Trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao, kết hợp trồng rừng sản xuất tại xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh

Ngoài ra, phải báo cáo kịp thời về cơ quan cấp giấy phép môi trường, cơ quan chức năng ở địa phương nếu xảy ra các sự cố đối với các công trình xử lý chất thải, sự cố khác dẫn đến ô nhiễm môi trường. Trong quá trình thực hiện, nếu có thay đổi khác với các nội dung quy định tại Giấy phép này phải kịp thời báo cáo đến cơ quan cấp phép.

Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với UBND huyện Lang Chánh và các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra việc thực hiện nội dung cấp phép, yêu cầu bảo vệ môi trường đối với Công ty theo quy định của pháp luật và xử lý nghiêm vi phạm (nếu có). Bên cạnh đó, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và UBND tỉnh về tính chính xác của các số liệu tại Giấy phép; nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với các yêu cầu bảo vệ môi trường, chất lượng chất thải và tiếng ồn của cơ sở được cấp phép ra môi trường.

Trước khi được cấp phép, các công trình bảo vệ môi trường của trại lợn đang trong quá trình hoàn thiện.

Trước đó, ngày 12/10/2023, Tạp chí Kinh tế nông thôn có bài "Trang trại lợn ở Thanh Hóa hoạt động khi chưa được cấp phép môi trường", phản ánh: Mặc dù đang trong quá trình hoàn thiện các công trình bảo vệ môi trường, chưa được cơ quan chức năng cấp phép môi trường, nhưng Công ty CP đầu tư nông nghiệp Agri – Vina đã đưa hàng trăm con lợn vào nuôi thử nghiệm (700 con lợn), gây ô nhiễm môi trường, khiến người dân xã Tân Phúc và thị trấn Lang Chánh, huyện Lang Chánh bức xúc.

Căn cứ hành vi vi phạm của Công ty này, Sở TN&MT Thanh Hóa xử phạt số tiền 70 triệu đồng. Ngoài ra, Công ty này còn bị phạt 25 triệu đồng về hành vi nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường không đúng thời hạn.

Việc Công ty CP đầu tư nông nghiệp Agri -Vina bị xử phạt khi đưa trang trại lợn vào hoạt động mà chưa được cấp phép môi trường là bài học cho nhiều doanh nghiệp, cá nhân khi đầu tư vào lĩnh vực chế biến thủy - hải sản, giết mổ gia súc, gia cầm quy mô công nghiệp và chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô công nghiệp thuộc danh mục loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường...

 

Lê Thức
Ý kiến bạn đọc
Top