Trên vùng núi cao của huyện Tây Giang (Quảng Nam) có một loại cam rừng đặc trưng mà ngay những già làng ở đây cũng không biết nó có tự bao giờ. Những thế hệ thanh niên ở Tây Giang đã và đang nỗ lực xây dựng thương hiệu, đưa trái cam quê hương đến với mọi miền Tổ quốc, hướng tới xuất khẩu.
Tâm huyết với cam rừng
Như thường lệ, khi không khí lạnh tràn về bao phủ những ngọn núi trên dãy Trường Sơn, người Cơ Tu ở xã biên giới Ga Ry bắt đầu thu hoạch cam rừng. Khắp các triền đồi, những cây cam trĩu quả chín vàng rực rỡ như điểm tô cho bức tranh hùng vĩ của núi rừng thêm phần thơ mộng. Bà con Cơ Tu xem cam như sản vật quý của núi rừng, là món quà trân quý gửi tặng cho người vùng xuôi lên.
Khéo léo tách những múi cam mọng nước để “chiêu đãi” khách từ phương xa đến, đoàn viên Bhriu Mênh (thôn Arooi) trầm ngâm kể: Tuổi của những cây cam rừng này gấp 3 - 4 lần tuổi của mình đấy! Từ hồi bé, tôi đã theo bố đi hái cam. Không biết, ông lấy giống ở đâu, người thì bảo do bộ đội miền Bắc mang vào, người thì nói giống cam mang từ Lào sang rồi được người dân trồng ở khắp các vạt nương rẫy…
“Vườn cam do cha ông ta để lại từ xưa đến giờ. Giống có nguồn gốc lâu đời, thích hợp với điều kiện tự nhiên của vùng đất Tây Giang và được bà con dân tộc lưu giữ. Nhà tôi vẫn giữ vườn cam quý bao năm nay. Cam ở đây vừa ngọt, vừa nhiều nước”, anh Bríu Mênh chia sẻ.
Anh Riah Dung thu hái những trái cam tuyết đặc sản của núi rừng Tây Giang.
Anh Riah Dung, Bí thư Đoàn xã Ga Ry, là một trong những thanh niên khởi nghiệp thành công với mô hình phát triển cam bản địa. Tự hào với vườn cam rộng hơn 10 ha, Riah Dung chia sẻ: Mô hình trồng cam này nằm trong dự án “Du lịch sinh thái gắn kết cam bản địa Tây Giang” được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận là ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo cấp tỉnh năm 2019, đem lại nhiều triển vọng cho việc nâng cao giá trị cam bản địa, hướng đến phát triển du lịch sinh thái đặc trưng.
“Là người con của Ga Ry, tôi muốn góp sức giúp bà con quê mình cải thiện đời sống. Bây giờ cam núi Gary đã được đưa vào các cửa hàng thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ. Cây cam đang phát triển khá tốt. Khi cây trưởng thành, tôi sẽ tập trung khai thác du lịch sinh thái để mang lại sự trải nghiệm cho du khách khi đến với núi rừng Tây Giang”, Riah Dung chia sẻ.
Du khách từ khắp nơi đến tham quan, trải nghiệm vườn cam sạch Tây Giang.
Riah Dung cũng không giấu tham vọng về vùng cam Gary Tây Giang rộng lớn, không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu. Bên cạnh những gốc cam già, anh và bà con đã trồng mới tại các thôn Ating, Arooi và một phần thôn Glao. Người có chung chí hướng thoát nghèo từ cây cam được Riah Dung hỗ trợ cây giống miễn phí và hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, tham gia mạng lưới cung ứng của anh.
Giống cam đặc biệt ở Gary
Cam ở vùng biên giới Tây Giang được nuôi dưỡng bởi gió, tuyết sương giữa đại ngàn Trường Sơn nên còn được gọi là cam tuyết. Quả cam núi Gary khi chín có màu vàng đậm, vỏ dày, có mùi thơm rất mạnh và thịt quả mọng nước. Vị cam ngọt thanh xen lẫn chút chua nhẹ và hơi tê nơi đầu lưỡi bởi chứa nhiều tinh dầu. Đặc biệt, cam ở đây được canh tác theo kiểu truyền thống của đồng bào Cơ Tu không hóa chất độc hại, không thuốc trừ sâu hóa học nên được tin dùng và đặt cho cái tên “cam sạch Tây Giang”.
Cam tuyết Tây Giang đã trở thành thức quà săn đón của người tiêu dùng.
Khác với các giống cam khác, mùa cam tuyết ở Tây Giang bắt đầu chín từ cuối tháng 10 đến giáp Tết Âm lịch, cũng là thời điểm thời tiết vùng biên giới bước vào mùa đông lạnh buốt. Trước đây, đường giao thông khó khăn, không mấy ai biết đến, chỉ từ khi đường lên vùng biên giới Việt - Lào dần được hoàn thiện, số phận cây cam núi Tây Giang đã bước sang trang mới. Nhiều chuyến xe tải mang theo hàng chục tấn cam tỏa về thành phố Đà Nẵng, thành phố Tam Kỳ và các thị tứ miền xuôi, được người tiêu dùng đón nhận.
Trở thành thức quà săn đón của người tiêu dùng theo trường phái thực phẩm sạch, hữu cơ, cây cam không còn là loại quả ăn chơi mà trở thành loại quả ăn thiệt, mang lại thu nhập đáng kể cho bà con dưới chân dãy Trường Sơn. Với mỗi gốc cam, người dân thu hoạch được 200 – 300kg quả/mùa, bán tại vườn với giá 30.000 đồng/kg.
Không chỉ được xem là loài cây giảm nghèo cho đồng bào, cam núi Tây Giang còn mang nguồn gen có múi quý trong bảo tồn đa dạng sinh học. Theo kết quả của nhóm chuyên gia Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam và Khoa Sinh học -Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, qua phân tích các chỉ số sinh hóa thấy hàm lượng tinh dầu trong vỏ quả cam Gary Tây Giang khá cao, đạt 10,2%; hàm lượng nước quả đạt 71,8ml/quả, hàm lượng vitamin C đạt 35,91 mg/100g. Quả cam có màu vàng tươi, vị ngọt đậm và rất thơm. Những đặc tính nổi trội về chất lượng quả cho thấy sự khác biệt mang tính bản địa của nguồn gen cam Tây Giang. Ngoài ra, cây cam cho năng suất cao, chống chịu tốt với điều kiện khô hạn, dễ canh tác, vỏ có hàm lượng tinh dầu cao nên có thể khai thác theo hướng ăn hoặc chiếc xuất tinh dầu, làm mứt…, phục vụ tiêu dùng tại chỗ và xuất khẩu.
Chính bởi những đặc điểm quý như vậy mà vài năm gần đây, bên cạnh nỗ lực duy trì các vườn cây tự nhiên sẵn có trong cộng đồng, chính quyền địa phương phối hợp với những nhà khởi nghiệp trẻ Tây Giang bắt tay nghiên cứu, bảo tồn nguồn gen quý theo phương pháp ghép mắt, đảm bảo chất lượng cây trồng “thuần tự nhiên” của cam bản địa. Đồng thời, triển khai các lớp tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn cho người dân, đoàn viên thanh niên cách trồng, chăm sóc theo quy trình VietGAP. Công tác quảng bá sản phẩm cũng được xúc tiến để tiến tới xây dựng thương hiệu. Từ đó, mở rộng quy mô trồng tại các địa phương lân cận, giúp cam Tây Giang trở thành đặc sản, mở hướng phát triển du lịch nông nghiệp bền vững và sinh kế cho thế hệ trẻ Tây Giang.
Nuôi dưỡng sắc đẹp không nhất thiết phải áp dụng những phương pháp cầu kỳ, tốn kém nhiều thời gian và chi phí. Bổ sung dưỡng chất từ sữa đậu nành tiện lợi là phương pháp làm đẹp được nhiều phụ nữ hiện đại lựa chọn, không chỉ giúp đơn giản hóa quá trình chăm sóc sắc đẹp mà còn xây dựng nền tảng sức khỏe vững chắc.
Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…
Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.