Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 3 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 14 tháng 11 năm 2023 | 15:35

Thêm nhiều đặc sản sử dụng thương hiệu “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành"

Nhằm nâng cao giá trị, đưa các sản phẩm nông sản đặc hữu của địa phương hướng ra thị trường thế giới, tỉnh Lâm Đồng đang tích cực hoàn thiện hồ sơ để thêm nhiều loại đặc sản của địa phương vào thương hiệu “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.

Thương hiệu “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng vào năm 2017. Thương hiệu này được áp dụng cho 4 sản phẩm đặc hữu tại TP Đà Lạt và các huyện lân cận, gồm: rau, hoa, cà phê arabica và du lịch canh nông. Hiện đã có 768 tổ chức, cá nhân được cấp quyền sử dụng thương hiệu, trong đó chủ yếu là sản phẩm hoa chiếm hơn 82%, rau gần 14%, cà phê 2% và du lịch canh nông 1,4%.

Hồng ăn quả và các sản phẩm từ quả hồng được sử dụng thương hiệu “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”

Qua 6 năm được cấp chứng nhận nhẫn hiệu, tỉnh Lâm Đồng quyết định mở rộng thêm đối tượng được sử dụng thương hiệu “Đà Lạt-Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, gồm: Hồng ăn quả, dâu tây, atiso; đông trùng hạ thảo tươi, khô; nấm linh chi tươi, khô và sản phẩm của các loại “đặc sản” này, cùng trà ô long.

Ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, tỉnh đang giao cho các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để đăng ký bảo hộ lại nhãn hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.

“Đây là nhóm giai đoạn thứ 2 mà tỉnh quyết định mở rộng một số sản phẩm. Dự kiến đến cuối năm 2023 thì những sản phẩm này sẽ tham gia sử dụng thương hiệu cùng với 4 sản phẩm chủ lực ban đầu. Có như vậy mới khai thác được giá trị đặc sản của Đà Lạt cũng như nâng cao được vị thế sản xuất, khích lệ được các chủ thể, nhất là người nông dân, chủ trang trại tiếp tục ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn để khai thác giá trị, tiềm năng của TP Đà Lạt và vùng phụ cận”, ông S nói.

 

Theo vov.vn
Ý kiến bạn đọc
Top