Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 25 tháng 12 năm 2022 | 10:11

Thị trường hoa, cây cảnh tất bật vào vụ

Thời gian từ nay đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 không còn nhiều, tại các làng trồng hoa, cây cảnh hay những địa phương có những sản vật quý đang tất bật chuẩn bị nguồn hàng, đảm bảo cung cấp cho nhu cầu của người dân trong những ngày Tết.

Không lo thiếu hoa

Sau khi chuẩn bị hoa cho việc trưng bày tại Festival hoa, người dân vựa hoa của huyện Mê Linh (Hà Nội) lại tập trung vào công việc chăm sóc để cung cấp hoa vào dịp Tết Nguyên đán tới đây.

Bà Lê Thị Thủy (Mê Linh) cho biết, hiện nay, nhà vườn đang tập trung vào việc dưỡng cây để hoa phát triển kịp phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán, người tiêu dùng yên tâm không lo thiếu hoa tươi để trưng.

Ông Phạm Đức Tài (chủ vườn hoa Tài Lý, xã Mê Linh) chia sẻ, trong lễ hội hoa vừa qua, nhà vườn cung cấp khoảng 60-70% lượng hoa hồng của gia đình. Số lượng hoa hồng và các loại hoa khác còn lại, chúng tôi đang chăm sóc để kịp thời vụ đưa ra thị trường, phục vụ cho nhu cầu của nhân dân trưng hoa trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

Người dân Mê Linh đang chăm sóc hoa.

Anh Nguyễn Văn Minh đam mê trồng hoa lan từ khi còn đang đi học, vì thế, anh nghiên cứu cách trồng và chăm sóc lan hồ điệp qua sách vở và qua bè bạn. Cách đây 5 năm, anh đầu tư hệ thống nhà lưới để trồng lan hồ điệp, hàng năm cung cấp ra thị trường số lượng tương đối lớn, đem lại nguồn thu lớn cho bản thân và gia đình.

“Chúng tôi chuẩn bị một lượng lớn hoa lan hồ điệp để cung cấp cho thị trường Tết, người yêu hoa lan hồ điệp yên tâm không lo thiếu hoa trong dịp này”, anh Minh nói.

Bên cạnh hoa hồng, loài hoa làm nên tuổi vùng đất Mê Linh, nhiều loài hoa khác như dạ yến thảo, phong ngũ thảo, hoa lan, hoa trạng nguyên... cũng đang được nhà vườn chuẩn bị cho những ngày chào đón năm mới sắp tới.

Quất Tàm Xá đủ cho nhu cầu người chơi

Về Tàm Xá (Đông Anh) những ngày này, người trồng quất ở đây đang tất bật chăm sóc quất chuẩn bị cho phục vụ Tết.

Đang bận tưới quất nhưng chị Nguyễn Thị Toan vẫn ngừng tay để nói chuyện với tôi. Chị Toan cho biết, năm nay, do gặp những trận mưa lớn vào đúng dịp vừa đảo quất xong, hầu hết các vườn quất của Tàm Xá đều bị ngập úng, quất bị chết khoảng 30 - 40%. Rất may, ruộng quất của gia đình tôi ở địa thế cao và tiêu thoát nước kịp thời nên quất không bị hỏng nhiều.

“Mặc dù bị ảnh hưởng nhưng quất ở đây vẫn được chăm sóc rất chu đáo, cây to, sai quả, lá xanh, hội tụ đủ tứ quý cho người chơi lựa chọn. Quất Tàm Xá ngoài những loại bon sai, còn có quất cây dùng cho những gia đình có sân rộng. Có cây quất Tàm Xá trưng vào trong những ngày Tết, may mắn sẽ đến với gia chủ”, chị Toan vui vẻ nói.

Ông Lê Đăng Lại đang sửa tán cho quất Tết.

Cách vườn quất nhà chị Toan không xa là vườn quất của ông Lê Đăng Lại (thôn Đoài). Do đang vào thời điểm chuẩn bị cho vụ quất Tết nên ông Lại thường xuyên phải có mặt ở vườn quất, ngoài ra, ông còn chăm sóc thêm một số gốc đào được trồng thay thế những cây quất bị chết do thời tiết.

Ông Lại cho biết, vườn quất của ông có 150 gốc, hiện đang vào thời điểm chuẩn bị chín, mặc dù quất bị ảnh hưởng nhiều nhưng gia đìnhvẫn còn trên trăm gốc, cây năm nay  vẫn đẹp như mọi năm nhờ được chăm sóc tốt. Hy vọng năm nay, sau 2 năm bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, người trồng quất Tàm Xá sẽ có một cái Tết đầy đủ, no ấm.

Tàm Xá hiện có 218ha đất canh tác nông nghiệp, diện tích được chuyển đổi sang trồng quất cảnh khoảng 85ha. Gần 80% số hộ ở xã Tàm Xá tham gia vào chuỗi giá trị và được hưởng lợi về kinh tế từ cây quất. Quất Tàm Xá đã được UBND TP. Hà Nội cấp nhãn hiệu tập thể và nghề trồng quất nơi đây cũng được công nhận là làng nghề của Thủ đô.

Gà Tiến vua “Đông Tảo” đang chờ khách

Là  loại gia cầm nổi tiếng của Hưng Yên, gà Đông Tảo những năm gần đây chiếm được sở thích và nhu cầu của người tiêu dùng, bởi gà có thịt chất lượng, đẹp mã, phù hợp với người tiêu dùng.

Gần Tết, tôi về xã Đông Tảo (huyện Khoái Châu) để ngắm đàn gà Đông Tảo và chọn mua đôi gà ăn Tết của gia đình ông Lê Hông Thái, thôn Đông Tảo Nam. Ngồi nhấp chén trà mạn hương sen thơm ngát, tôi được ông Thái chia sẻ về nghề chăn nuôi giống gia cầm có tên tuổi và thương hiệu của quê mình.

Ông Thái cho biết, gia đình được ngành Nông nghiệp của tỉnh Hưng Yên và Bộ Nông nghiệp và PTNT lựa chọn làm cơ sở để bảo tồn giene cho giống gà quý của địa phương, do đó, việc chăn nuôi phải đảm bảo đúng nguyên tắc. Gà được ấp nở tại cơ sở của gia đình ông thường xuyên được kiểm tra, do tỷ lệ gà thuần chủng tại đây rất cao.

“Những năm trước, nhu cầu tiêu thụ gà Đông Tảo rất lớn, do đây là giống gà phù hợp làm quà tặng trong những ngày Tết đến, Xuân về. Giá cả thị trường có thời điểm lên đến 250.000 - 300.000 đồng/kg nhưng gà vẫn không đủ để cung cấp cho thị trường. Thương lái từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh thường xuyên về Đông Tảo để lấy gà đi tiêu thụ, thời điểm đó, người chăn nuôi gà ở Đông Tảo thu được khá lớn. Nhưng gần đây, nhu cầu giảm dần do ở các địa phương cũng đã nhân giống và chăn nuôi nên thị trường không còn sôi động như trước đây.

Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng giống gà này trong những ngày Tết vẫn không giảm so với trước đây là bao. Hiện, các hộ chăn nuôi gà Đông Tảo đang chuẩn bị lượng lớn gà để cung cấp cho thị trường vào dịp Tết”, ông Thái cho biết thêm.

Nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm trong thời điểm Tết rất cao, nhất là nhu cầu làm đẹp cho gia đình, nơi công cộng, bên cạnh đó việc thưởng thức những sản vật ngon và quý cũng được nhiều người lựa chọn. Do đó, công việc chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng cho thị trường cũng đang được các địa phương quan tâm.

Một mùa Xuân mới đang về, cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao, trong đó có sự góp sức của những sản phẩm nông nghiệp có giá trị như hoa, quất và gà Đông Tảo ở các địa phương.

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top