Theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và PTNT, với tín hiệu lạc quan và sự chuẩn bị kỹ lưỡng của doanh nghiệp, ngành thủy sản sẽ đón nhận những khởi sắc rõ nét trong năm nay, thị trường ấm lên, kỳ vọng xuất khẩu đạt 9,5 - 10 tỷ USD.
Bật tăng đột phá
Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết, xuất khẩu thủy sản tháng 1/2024 đạt gần 750 triệu USD, tăng 64% so với cùng kỳ năm 2023. Về thị trường, tăng đột phá nhất là Trung Quốc, gấp hơn 3 lần. Tháng 1/2024, Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Nhật Bản. Riêng mặt hàng tôm và cá tra, Trung Quốc là thị trường lớn nhất, khi mà xuất khẩu sang thị trường này tăng gấp gần 4 lần tháng 1/2023. Tháng 1 năm nay cũng là thời điểm các nhà nhập khẩu Trung Quốc tăng mua hàng phục vụ cho Tết Nguyên đán.
Nông dân xã Vĩnh Bình Bắc (Vĩnh Thuận-Kiên Giang) thu hoạch tôm càng xanh. Ảnh: Văn Sĩ
Ngoài Trung Quốc, thủy sản xuất khẩu sang nhiều thị trường khác cũng tăng trưởng đột phá, như: Mỹ tăng 63%, Nhật Bản tăng 43%, châu Âu (EU) tăng 34%...
Ghi nhận từ Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam, đơn hàng tháng 1/2024 tăng hơn 50% so với cùng kỳ. Tồn kho ở các thị trường trọng điểm đã giải tỏa hết, khách hàng từ Mỹ, châu Âu tăng số lượng đơn hàng ngay những ngày đầu năm.
Theo dự báo của VASEP, năm 2024, xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ tăng 10 – 15% so với năm 2023, đặc biệt là trong 6 tháng cuối năm, khi áp lực lạm phát hạ nhiệt, lượng hàng tồn kho tại các nhà nhập khẩu giảm, giá tôm tăng trở lại.
Trong khi đó, ngành cá tra đặt mục tiêu phấn đấu diện tích thả nuôi đạt 5.700ha, sản lượng cá tra thương phẩm đạt khoảng 1,7 triệu tấn, trị giá xuất khẩu đạt 2 tỷ USD.
Tuy nhiên, căng thẳng trên Biển Đỏ đang gây ra không ít khó khăn trong quá trình vận tải hàng hóa xuất khẩu nói chung và hàng thủy sản nói riêng, khi cước vận chuyển tăng cao, dẫn đến giá bán đến tay người tiêu dùng tăng, ảnh hưởng rất lớn đến quyết định mua hàng.
Những chặng đường vượt khó
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP, cho biết, căng thẳng Biển Đỏ đang là vấn đề quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu do chi phí vận chuyển tăng mạnh. Trong vòng 1 tháng qua, tổng cước phí phải trả cho 1 container hàng vận chuyển đi Bờ Tây đã tăng 70%. Hàng đông lạnh xuất khẩu đi châu Âu tăng gần 4 lần. Căng thẳng ở Biển Đỏ cũng khiến thời gian vận chuyển từ châu Á đến châu Âu kéo dài tới 14 ngày, khiến DN xuất khẩu khó chồng khó.
Nhìn vào bức tranh chung của thị trường và của ngành thủy sản năm 2024, đa số các DN thừa nhận còn nhiều thách thức làm chậm khả năng phục hồi sản xuất, xuất khẩu. Một số DN chế biến, xuất khẩu tôm cho biết, đơn hàng đầu năm vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện vì sức mua của thị trường vẫn yếu.
Bà Kim Thu, chuyên gia thị trường tôm của VASEP cho biết, trong giai đoạn từ 2015 đến 2023, sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực, các sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang Hàn Quốc đều ghi nhận tăng trưởng đáng kể. Trong đó, riêng mặt hàng tôm tăng 37%. Tuy nhiên, xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc đang vướng hạn ngạch nhập khẩu. Các DN chịu chi phí không nhỏ để có được hạn ngạch. VASEP đã có kiến nghị gửi Chính phủ và Bộ Công Thương, mong được quan tâm và chỉ đạo việc xem xét bãi bỏ hạn ngạch đối với tôm xuất khẩu vào Hàn Quốc trong khuôn khổ VKFTA tại kỳ rà soát trong năm 2024.
“Trên chặng đường vượt khó trong năm 2024, mặt hàng tôm cần phải tìm cách nâng cao năng lực cạnh tranh, bằng cách lựa chọn giải pháp giúp thúc đẩy hoạt động chế biến để nâng giá trị gia tăng. Sản phẩm tôm chế biến giá trị gia tăng hiện chiếm 40 - 45% tổng giá trị xuất khẩu tôm hàng năm. Trình độ chế biến chung của các DN xuất khẩu tôm cũng đang ở mức cao trên thế giới. Đây là những lợi thế cạnh tranh lớn của các sản phẩm tôm Việt”, bà Thu nhấn mạnh.
Hoàn thiện hệ thống dịch vụ logistics
Theo các chuyên gia, để đạt mục tiêu xuất khẩu thủy sản trong năm 2024, cần tiếp tục tăng thị phần bằng cách tăng cường các hoạt động về quảng bá cũng như các vấn đề về chất lượng an toàn thực phẩm. Các DN trong ngành cũng cho rằng, những động thái tích cực hỗ trợ DN của Chính phủ như chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2%; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và các địa phương… để gỡ “thẻ vàng” IUU... sẽ tạo đà cho sự phục hồi của ngành thủy sản trong quý II, quý III/2024.
Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính ban hành Công điện số 13/CĐ-TTg về việc tăng cường kết nối logistics thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản, nhằm đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống logistics để kết nối, thúc đẩy sản xuất nông sản, phục vụ tốt hơn phát triển nông nghiệp, nông thôn trong tình hình mới.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan: Khẩn trương hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Đề án “Phát triển hệ thống dịch vụ logistics nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” để làm căn cứ tổ chức và triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp phát triển hệ thống logistics nông sản đáp ứng yêu cầu thực tiễn trước mắt và dài hạn.
Đồng thời, phối hợp với các địa phương rà soát, bổ sung quy hoạch các Trung tâm dịch vụ logistics nông sản; phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, năng lực về logistics, chuỗi cung ứng nói chung và chuỗi logistics nông sản nói riêng cho cán bộ quản lý ở trung ương và địa phương, các doanh nghiệp và hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Công điện cũng nhấn mạnh, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam và các Hiệp hội ngành hàng nông nghiệp phải liên kết, hợp tác thiết lập chuỗi logistics nông sản, áp dụng công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới mô hình kinh doanh nhằm giảm chi phí logistics, gia tăng giá trị hàng hóa, thúc đẩy xuất khẩu.
“Xuất khẩu thủy sản được dự báo sẽ hồi phục dần trong năm 2024 và khả quan hơn vào nửa cuối năm. Với sự thích nghi, điều chỉnh bối cảnh thị trường, dự đoán các DN thủy sản sẽ giúp doanh số xuất khẩu của ngành trở lại mức 9,5 - 10 tỷ USD năm 2024”, VASEP dự báo.
Ngành công nghiệp và kỹ thuật số đang phát triển mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các dự án hạ tầng quy mô lớn và môi trường pháp lý thuận lợi. Sự chuyển đổi sang hướng sản xuất giá trị gia tăng cao, cùng với khả năng logistics và trung tâm dữ liệu mở rộng, đang nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nuôi dưỡng sắc đẹp không nhất thiết phải áp dụng những phương pháp cầu kỳ, tốn kém nhiều thời gian và chi phí. Bổ sung dưỡng chất từ sữa đậu nành tiện lợi là phương pháp làm đẹp được nhiều phụ nữ hiện đại lựa chọn, không chỉ giúp đơn giản hóa quá trình chăm sóc sắc đẹp mà còn xây dựng nền tảng sức khỏe vững chắc.
Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…
Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.