Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 26 tháng 12 năm 2022 | 14:36

Thủ phủ hoa, trái cây “độc lạ” miền Tây chuẩn bị hàng Tết

Còn chưa đầy 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão, người trồng hoa, cây ăn quả, cây cảnh vùng ĐBSCL đang tất bật chuẩn bị những công đoạn cuối cùng để cho ra những sản phẩm đẹp nhất, độc, bắt mắt nhất gửi tới người tiêu dùng.

Hơn 2 triệu giỏ hoa phục vụ Tết

Được mệnh danh là thủ phủ hoa của vùng ĐBSCL, với hơn 2.000 chủng loại trong đó, có những loại hoa truyền thống như: Cúc mâm xôi, vạn thọ, thược dược, cúc các loại, dạ yến thảo, dừa cạn, sao nhái… người dân làng hoa Sa Đéc còn trồng nhiều loại khác như: Cẩm tú cầu, dâu tây, bách hợp… Năm 2022, người dân làng hoa Sa Đéc đã trồng khoảng 100 ha hoa, cây cảnh các loại, dự kiến cung ứng ra thị trường hơn 2 triệu giỏ hoa trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão.

Để có chậu hoa đẹp người dân phải chăm chút từng nhành cây, nhánh lá đến nụ hoa (Ảnh: Hữu Tuấn).

Ông Tô Thanh Minh (xã Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc) cho biết, năm nay gia đình trồng khoảng 6.000 chậu hoa cát tường, 1.000 chậu cúc Đà Lạt, năm ngoái hoa trúng giá nên năm nay anh Minh trồng nhiều hơn. Trong khi đó, anh Trần Nguyên Đăng (phường An Hòa, TP Sa Đéc) thông tin, để chuẩn bị cung cấp hoa cho thị trường tết năm nay, anh trồng khoảng 5.000 giỏ hoa cúc mâm xôi và vạn thọ.

Năm nay, ngoài việc trồng hoa các loại phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở đây, người dân còn mạnh dạn trồng thử giống mới cúc pico, cúc hoạ mi, cúc Đài Loan. Ngoài ra, cà tím, dưa leo cũng được người dân trồng làm cảnh chưng tết.

Ông Nguyễn Minh Dũng (phường Tân Quy Đông, TP Sa Đéc) cho hay, năm nay giá phân rơm, nguyên liệu chính để trồng đã tăng cao lên mức 115.000 đồng/bao, tăng 30.000 đồng so với năm ngoái. Bên cạnh đó, thời tiết năm nay cũng không mấy thuận lợi, mưa nhiều khiến cây khó phát triển. Trong khi đó, bà Huỳnh Thị Quyên, xã Tân Khánh Đông thông tin, giá vật tư, cây giống, phân thuốc đều tăng mạnh, chậu trồng hoa cũng tăng, chậu nhỏ tăng lên khoảng 500 đồng/cái, chậu lớn tăng lên tầm 5.000 đến 6.000 đồng/cái, cây giống cũng lên.

Người trồng hoa Sa Đéc chăm chút từng cây tắc (quất) (Ảnh: Hữu Tuấn).

Bà Nguyễn Thị Ngọc, Trưởng phòng Kinh tế TP Sa Đéc, cho biết tính đến nay, tổng diện tích sản xuất hoa cảnh trên toàn TP gần 800 hecta, với hơn 2.300 hộ sản xuất kinh doanh. Trong đó cây trang trí nội thất và cây công trình chiếm khoảng 70%, hoa các loại chiếm khoảng 20%, kiểng cổ bonsai khoảng 10%. Riêng diện tích hoa trồng bán cho dịp Tết Nguyên đán là khoảng 100 hecta. Mặc dù chưa đến thời điểm bán ra thị trường, nhưng giá hoa tết tương đối cao, 1 chậu hoa cúc thường, hoa vạn thọ có giá dao động từ 25.000 đến 30.000 tùy thời điểm, các loại hoa khó trồng và khan hiếm thì có giá cao hơn nhưng vẫn không đủ cung cấp ra thị trường.

Trái cây tạo hình trở thành “đặc sản”

Tại làng hoa Chợ Lách (Bến Tre) trồng khoảng 600 ha hoa, cây cảnh các loại, trong dịp tết năm nay có khoảng 15 triệu sản phẩm, tăng 2 triệu sản phẩm so với năm ngoái. Các loại hoa chủ yếu như cúc mâm xôi, hà lan, vạn thọ, mai vàng, tắc... Đặc biệt, dọc theo QL57, trải dài hàng chục km từ thị trấn Chợ Lách đến xã Hưng Khánh Trung B, đi đến đâu cũng thấy hoa với kiểng.

Cây kiểng nơi đây không đơn thuần là cây xanh tự nhiên để chưng trong dịp Tết, mà còn được các nghệ nhân sáng tạo ra nhiều hình thù lạ mắt, từ các linh vật đến các công trình kiến trúc. Anh Huỳnh Thanh Tâm (thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành) là người đầu tiên sáng tạo vẽ thư pháp trên trái dừa. Mùa Tết mỗi năm, anh Tâm tạo ra hơn 1.000 trái dừa, trong đó dừa tròn (hình dáng tự nhiên) có giá từ 250.000 đồng, dừa hồ lô từ 400.000 đồng/trái trở lên.

Kiểng thú độc lạ tại huyện Chợ Lách, Bến Tre.

Còn ông Nguyễn Văn Trung (64 tuổ, trú xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) là người có nhiều năm sản xuất bưởi hồ lô dịp Tết chia sẻ, mấy năm trước làm bưởi hồ lô dịp Tết lãi lắm. Trái bưởi Năm roi, bưởi da xanh bình thường bán 100.000 đồng/cặp nhưng khi tạo hình hồ lô thì giá lên tới 1,2 hoặc 1,5 triệu đồng/cặp, thậm chí có năm là 2 triệu đồng.

Là thủ phủ của dưa hấu hoàng kim ở miền Tây Nam Bộ, huyện Bình Tân (tỉnh Vĩnh Long) có nhiều nông dân tạo hình thỏi vàng, hồ lô từ những trái dưa hấu, có giá lên đến vài triệu đồng/cặp. Trước kia hầu hết các ruộng trồng dưa hấu hoàng kim đều được tạo hình vì kỹ thuật khá dễ, chỉ cần mua khuôn sẵn, thay khuôn định kỳ là có thể tạo ra trái dưa đẹp, lạ. Sau thời gian dịch bệnh, nhiều nông dân đã không đầu tư sản xuất dưa độc lạ mà chỉ trồng dưa hoàng kim thông thường vì dễ bán hơn. Với vỏ ngoài màu vàng óng đẹp, dưa hoàng kim đã là đặc sản được nhiều người ưa chuộng dịp Tết.

Bưởi hồ lô.

Trong khi đó, tại huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, ông Võ Hồng Quốc (76 tuổi) - chủ vườn trái đào tiên hình hồ lô độc lạ chia sẻ, giá mỗi cặp hoặc mỗi trái đào tiên tạo hình trên dưới 1 triệu đồng tùy chất lượng, mẫu mã (bình quân mỗi trái nặng từ 1,2 - 1,5 kg).

Nhiều năm qua, trái cây tạo hình đã trở thành “đặc sản” của địa phương. Loại sản phẩm này mất nhiều thời gian, tỉ lệ thất thoát cao nhưng bù lại, giá bán hấp dẫn, đã giúp cho nông dân có thu nhập đáng kể. Gần đây, do ảnh hưởng dịch bệnh, sản lượng trái cây tạo hình đã giảm rất lớn. Kinh tế khó khăn, sức mua cũng giảm theo. Dự báo, phải sau dịp sau rằm tháng Chạp, sức mua và giá mới tăng lên.

Hơn 5.000 sản phẩm tạo hình phục vụ khách

Qua thống kê, toàn tỉnh Hậu Giang có hơn 5.000 sản phẩm trái cây tạo hình phục vụ thị trường Tết mỗi năm. Hiện, giá bưởi hồ lô là 750.000 đồng/cặp, đào tiên là 1 triệu đồng/cặp… Từ một trái bưởi chưng tết thông thường, khi tạo ra hình dáng mới thì giá trị tăng lên gấp 10 lần. Một mức hấp dẫn không chỉ với nhà vườn mà còn với cả những ai kinh doanh. Dẫu vậy, đây chỉ là trên lý thuyết, để có được sản phẩm chất lượng, người tạo hình phải chăm chút và tốn không ít công sức, chi phí và thời gian.

Làm nông luôn cần sáng tạo, làm mới mình để không chỉ tiết kiệm sức lao động mà còn để nâng cao chất lượng sản phẩm làm ra. Làm giàu từ sản vật quê hương không khó, quan trọng có chọn đúng hướng đi và kiên trì với nó hay không mà thôi...

Ông Võ Trung Thành, “cha đẻ” của trái cây tạo hình (Báo: HauGiang).

Đến xã Phú Tân, huyện Châu Thành không khó để tìm được nhà ông Võ Trung Thành, “cha đẻ” của trái cây tạo hình. Năm nào cũng vậy, bưởi tạo hình của ông luôn được khách hàng đặt mua từ trước tết mấy tháng, nhiều người liên hệ trễ đành phải đợi năm sau.

Ông Thành chia sẻ, đứa em của tôi làm được khoảng 500 trái bưởi tạo hình ở huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Năm nay, không có trái cây để làm, các địa phương bán giá cao nên tôi không làm. Tết này chắc cháy hàng, đầu năm mưa nên bưởi ra bông, nếu mình làm đợt đó thì hiện đã chín, trái bị vàng mà còn khoảng gần 1 tháng nữa mới thu hoạch mà bây giờ vàng hết. Còn trái ra đợt sau thì vừa, trái xanh, đẹp, thị trường ưa chuộng.

Hơn chục năm kinh nghiệm, ông Thành đã có trong tay kha khá sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng như: bưởi tạo hình hồ lô, bưởi in chữ, bưởi thỏi vàng... Không chỉ làm giàu cho chính bản thân, ông Thành còn cùng bà con địa phương thành lập câu lạc bộ sản xuất trái cây tạo hình, cùng nhau chia sẻ, giúp nhau làm kinh tế. Nhiều thành viên đã thoát nghèo, có của ăn của để sau quá trình cần cù, chịu khó với bưởi tạo hình.

Đồng Tháp đánh thức thương hiệu “Quýt hồng Lai Vung”

Theo kế hoạch, từ ngày 5 đến 8/1/2023, diễn ra Lễ hội Quýt hồng Lai Vung. Sự kiện nhằm tôn vinh một thương hiệu có nguy cơ bị "xóa sổ" vừa được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tổng thể. Quýt hồng có vị ngọt rất khác so với quýt đường, từ khi đơm bông đến khi kết trái kéo dài 11 tháng, bắt đầu từ giữa tháng 11 âm lịch quýt bắt đầu chín, nhưng vẫn chưa ngọt đến khoảng 15 tháng chạp thì quýt mới đủ độ chín và ngọt, đến ngày 20 thì bắt đầu thu hoạch đại trà được các thương lái đến tận vườn để mua.

Để có được trái quýt ngon, ngọt người dân phải chăm sóc 11 tháng (Ảnh: Hữu Tuấn)

Ngày 20/11/2021, quýt hồng Lai Vung chính thức được Cục Sở hữu trí tế cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu. Trước đó, năm 2018, hàng loạt diện tích trồng quýt hồng ở huyện Lai Vung, gặp hiện tượng vàng lá, thối rễ, chết xanh, khiến diện tích trồng ngày càng thu hẹp. Thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lai Vung, năm 2015, diện tích trồng quýt hồng trên địa bàn huyện là hơn 1.100ha, đến năm 2019, giảm còn trên 800ha và đến năm 2021, chỉ còn 275ha.

Hiện tại, có khoảng 200 ha quýt hồng phục vụ tết, sản lượng ước đạt 5.000 tấn, tập trung các xã Long Hậu, Tân Thành, Tân Phước, Hòa Long, Hòa Thành và Vĩnh Thới, dự kiến thời gian tới diện tích trồng quýt hồng đang được tăng thêm. Mỗi ký quýt hồng có giá từ 50.000 đồng trở lên đối với loại đẹp, loại xấu thì giá thấp hơn.

Năm 2021, UBND tỉnh Đồng Tháp đã phê duyệt Đề án Bảo tồn vườn quýt hồng huyện Lai Vung, giai đoạn 2020 – 2024 với diện tích hơn 546ha, tổng vốn thực hiện hơn 73 tỷ đồng. Mục tiêu chung của Đề án là bảo tồn vùng trồng quýt hồng tập trung tại các xã Long Hậu, Tân Phước, Tân Thành và vùng phụ cận thuộc xã Hòa Long.

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top