Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 6 tháng 12 năm 2024 | 10:45

Thúc đẩy giao thương nông nghiệp Việt Nam và Nhật Bản

Sau vài thập kỷ chuyển đổi với sự tham gia của các viện nghiên cứu, doanh nghiệp và chính phủ cùng với sự hợp lực tích cực của người dân, Nhật Bản đã định hình ra những mô hình nông nghiệp sinh thái, hữu cơ theo hướng thuận tự nhiên mà nước nông nghiệp như Việt Nam có thể tham khảo, học hỏi.

Cách làm nông sản sạch của người Nhật

Tỷ trọng nông nghiệp hữu cơ ở Nhật Bản hiện chưa quá 1% diện tích. Tuy nhiên, Chính phủ nước này đang thúc đẩy nông nghiệp xanh theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường với mục tiêu đạt 1 triệu hecta nông nghiệp hữu cơ, chiếm 25% diện tích vào năm 2050.

Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật đang thúc đẩy việc tạo ra các khu vực sản xuất theo phương pháp thuận thiên, hữu cơ trên khắp Nhật Bản với mục tiêu tạo ra 100 đô thị xanh vào năm 2025 và 200 đô thị xanh vào năm 2030.

Sau gần hai giờ bay từ Tokyo đến Kumamo phía Nam nước Nhật, chúng tôi đến tham quan mô hình nông nghiệp sinh thái của ông Sawamura, Giám đốc Công ty Higo Ao Kai. Tại đây, chúng tôi được chứng kiến trực tiếp những gì ông theo đuổi để tạo nên một thương hiệu lớn về nông nghiệp hữu cơ tại Nhật.

Trang trại nông nghiệp hữu cơ tại Ohito (Nhật Bản).

Con đường làm nông nghiệp hữu cơ của ông Sawamura đã trải qua một giai đoạn dài với nhiều khó khăn. Có những giai đoạn tưởng như không vượt qua được, nhưng nhờ sự hợp lực của chính quyền và người tiêu dùng công nhận, ông đã vươn lên và khẳng định thương hiệu của mình.

Công ty Higo Ao Kai là nơi duy nhất trồng cà chua hữu cơ (organic) quanh năm, rất được ưa chuộng nhờ sự khác biệt về chất lượng và mùi vị.

Điều cốt lõi của nông nghiệp tự nhiên là phân bón cho cây, kết hợp các sinh vật bản địa và cây cỏ tại địa phương. Khi thấy công ty môi trường dọn dẹp cỏ ven bờ sông, ông Sawamura đến xin đem về làm phân bón.

Vài năm sau, thấy cơ hội tốt, ông thuê mảnh đất rộng, xin chính quyền địa phương đổ cỏ tại mảnh đất này cho cỏ hoai tự nhiên làm phân bón cho mọi người dân khi có nhu cầu. Những người nông dân yêu thích công việc nông nghiệp thuận thiên quy mô nhỏ thì trực tiếp đến tự lấy phân về.

Ông Sawamura nhận thấy, con người để cho đất bạc màu, xơ cứng ô nhiễm, sức khỏe của mình bị ảnh hưởng từ những thuốc diệt cỏ, phân hóa học bón cho cây, làm cho chất lượng cuộc sống kém đi.

Tuy nhiên, sẽ không ý nghĩa khi những người nông dân không cùng chung hoài bão, tiếp tục sử dụng thuốc diệt cỏ và phân hóa học. Ông Sawamura đã đến từng nhà thuyết phục và cùng một số bạn bè làm nông nghiệp hữu cơ. Mô hình được nhiều người ủng hộ, nhưng sau đó họ bỏ cuộc vì sản lượng không tăng và thời gian thu hoạch lâu hơn.

Đến năm 2001, còn lại 6 gia đình trồng quýt và rau cùng đồng hành, ông thành lập Công ty Higo Ayumi no Kai, chuyên canh tác hữu cơ tận dụng các nguyên liệu địa phương. Sau hàng chục năm phát triển, giờ đây chất lượng nông sản đã bắt kịp ý tưởng, người tiêu dùng đến tận nơi mua nông sản rau quả do hợp tác xã sản xuất.

Hoa trái  cũng như con người, cần được chăm sóc nuôi dưỡng bằng những thức ăn sạch. Ông Sawamura đưa chúng tôi đi xem nơi tự chế biến phân hữu cơ của mình. Phân được làm từ các nguyên liệu tại địa phương như cám gạo, đất đỏ, và các loại bột cá, vỏ sò, tôm, cua… bã cải dầu, lúa xanh và đất ruộng làm một hỗn hợp có mùi thơm nhẹ.

Hiện, 6 công nhân Việt Nam đang làm việc trực tiếp tại Công ty của ông Sawamura. Ông mong rằng, các bạn trẻ sẽ hoc hỏi kinh nghiệm nơi đây để tương lai có thể phát triển mô hình này cho Việt Nam. 

Thúc đẩy giao thương nông sản

Tại Hội thảo “Kết nối chuỗi cung ứng đáp ứng nhu cầu thị trường” mới đây, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973, quan hệ thương mại Việt Nam – Nhật Bản ngày càng phát triển trong nhiều lĩnh vực theo hướng mở rộng hợp tác cả về bề rộng lẫn chiều sâu, trong đó, nông nghiệp Việt Nam cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm của Nhật Bản.

Việt Nam và Nhật Bản đều có tiềm năng và lợi thế riêng để có thể thúc đẩy hợp tác phát triển nông nghiệp. Nhật Bản là nước công nghiệp phát triển, có nền nông nghiệp hiện đại và có nhiều lợi thế trong áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Mặc dù vậy, nông nghiệp Nhật Bản mới chỉ đáp ứng được trên 45% nhu cầu tiêu dùng trong nước và hàng năm vẫn phải nhập khẩu các mặt hàng nông sản. Đây được coi là lợi thế của Việt Nam để mở rộng xuất khẩu nông sản vào Nhật Bản.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki cùng các đại biểu tham quan các gian hàng tại siêu thị Aeon Mall Long Biên. (Ảnh: Thanh Tâm).

Giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào thị trường Nhật Bản chiếm chưa tới 2% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào Nhật Bản. Trong khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA); Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA),… Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này chưa tương xứng với tiềm năng. Việc này đặt ra rất nhiều câu chuyện trong vấn đề kết nối giữa các doanh nghiệp Nhật Bản với các doanh nghiệp Việt Nam cũng như những ưu tiên của doanh nghiệp Nhật Bản trong việc mua hàng hóa của Việt Nam.

“Nông nghiệp là lĩnh vực rất tiềm năng để Việt Nam và Nhật Bản hợp tác cùng nhau. Chúng tôi mong rằng, với kỹ thuật của Nhật Bản, chúng tôi có thể hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng suất, gia tăng giá trị cạnh tranh của nông sản Việt. Việt Nam sẽ trở thành  cường quốc về nông nghiệp. Trong quá trình phát triển đấy, quan hệ giữa Việt Nam – Nhật Bản đóng vai trò quan trọng”, ngài Ito Naoki, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, cho biết.

Cũng theo ngài Ito Naoki, quy mô thị trường Nhật Bản gấp 10 lần Việt Nam, dân số làm nông nghiệp tại Nhật Bản ngày càng ít đi, do đó, việc sản xuất và xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường Nhật Bản tiềm năng là rất lớn. Hy vọng thông qua hội thảo, doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản cùng nhau trao đổi hợp tác về kỹ thuật, xúc tiến bán hàng và hướng tới tương lai.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, Nhật Bản hiện là một trong những thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản quan trọng của Việt Nam. Quan hệ thương mại giữa Việt Nam - Nhật Bản cho thấy, cơ cấu hàng hóa của hai nước phần nhiều mang tính bổ sung và không cạnh tranh. Bên cạnh đó, Nhật Bản là nền kinh tế lớn, nhưng cơ cấu sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này còn hạn chế nên vẫn còn rất nhiều không gian để đẩy mạnh phát triển trong thời gian tới.

“Người Nhật Bản làm nông nghiệp không phải bằng phân bón, bằng thuốc bảo vệ thực vật mà làm bằng trái tim. Hãy tin tôi đi, nếu chúng ta nghĩ đến người tiêu dùng thì người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao. Khi nông sản Việt đặt giá trị lên hàng đầu, đặt người tiêu dùng lên hàng đầu cùng với sự hỗ trợ về kỹ thuật từ phía Nhật Bản thì nông sản Việt sẽ đến được thị trường Nhật Bản nhiều hơn nữa, sẽ đi xa hơn”, ông Lê Minh Hoan nói.

 

Chanh (t/h)
Ý kiến bạn đọc
Top