Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 28 tháng 9 năm 2022 | 14:10

Thúc đẩy hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Mông Cổ

Tại Kỳ họp lần thứ 18, Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Mông Cổ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan đã ký Bản ghi nhớ đầu tiên về Hợp tác nông nghiệp với Bộ trưởng Bộ Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ Khayangaa Bolorchuluun.

Nâng tầm hợp tác kinh tế

Việt Nam và Mông Cổ có truyền thống hữu nghị và hợp tác lâu dài. Mông Cổ là một trong những nước đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (tháng 11/1954), thể hiện sự ủng hộ tích cực đối với Việt Nam từ trong giai đoạn kháng chiến. Việt Nam cũng rất coi trọng quan hệ với Mông Cổ. Chủ tịch Hồ Chí Minh  thăm Mông Cổ tháng 5/1955 trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Người sau khi hòa bình được lập lại ở miền Bắc.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Khayangaa Bolorchuluun ký Biên bản ghi nhớ đầu tiên về Hợp tác Nông nghiệp Việt Nam - Mông Cổ. Ảnh: Anh Tuấn.

Trong 68 năm qua, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước Việt Nam - Mông Cổ không ngừng củng cố và phát triển dù tình hình quốc tế, khu vực có nhiều biến động. Trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp được duy trì thường xuyên, sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau được củng cố, quan hệ giao lưu, hợp tác trên các lĩnh vực được tăng cường và có tiến triển mới.

Việt Nam luôn ghi nhớ những tình cảm, sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu mà nhân dân Mông Cổ đã dành cho Việt Nam trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước trước đây.

Mặc dù bối cảnh tình hình thế giới, khu vực trong thời gian gần đây có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là đại dịch Covid-19, xung đột giữa các nước, hai bên vẫn duy trì các chuyến thăm, tiếp xúc và các cơ chế hợp tác song phương quan trọng, hỗ trợ nhau hiệu quả trong phòng, chống dịch bệnh, cũng như giữ vững đà phát triển tốt đẹp của quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực.   

Việt Nam trước sau như một, luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển chiều sâu, thực chất, hiệu quả hơn nữa trên tất cả các lĩnh vực: thương mại, đầu tư, du lịch, an ninh quốc phòng, giao lưu nhân dân giữa hai nước.

Trong đó, hợp tác về kinh tế, đặc biệt là thương mại và đầu tư còn nhiều dư địa để phát triển. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng gần gấp đôi, từ 41,4 triệu USD (năm 2017) lên 80,1 triệu USD (năm 2021). Đặc biệt, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2021 đạt mức tăng trưởng 37,7% so với năm 2020.

Tuy đạt mức tăng trưởng cao, nhưng quy mô thương mại còn khiêm tốn so với tiềm năng và nhu cầu thực tế của hai nước. Việt Nam có thể đáp ứng nhu cầu của Mông Cổ các mặt hàng nông sản, thủy sản, vật liệu xây dựng, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu, như: gạo, đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến, thủy sản…

Ngược lại, Việt Nam cũng có nhu cầu về các mặt hàng mà Mông Cổ có thế mạnh như than đá, đồng, kim loại, đặc biệt là nguyên phụ liệu dệt may, da giày.

Nhằm củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống và thúc đầy hợp tác kinh tế giữa Việt Nam - Mông Cổ trong bối cảnh mới của thế giới và khu vực, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan, Chủ tịch phân ban Việt Nam trong Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Mông Cổ về hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học kỹ thuật, vừa dẫn đầu Đoàn công tác liên bộ Việt Nam sang Mông Cổ tổ chức Kỳ họp lần thứ 18 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Mông Cổ.

Tại Kỳ họp lần thứ 18 này, hai bên đã thảo luận về định hướng hợp tác trong bối cảnh tình hình mới, đảm bảo hợp tác thực chất, hiệu quả trên các lĩnh vực phù hợp với khả năng và nhu cầu của hai bên, đáp ứng lợi ích và nguyện vọng của nhân dân mỗi nước.

Đây là bước tiến mới để phát triển vững chắc mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Mông Cổ, hướng tới kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao diễn ra năm 2024.

Bản ghi nhớ đầu tiên về hợp tác nông nghiệp

Hợp tác nông nghiệp có vai trò quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam - Mông Cổ, nhất là trong bối cảnh thế giới và khu vực đang phải đối phó với thách thức về an ninh lương thực. Việt Nam - Mông Cổ đều có lợi thế về sản xuất nông nghiệp.

Đây cũng là lĩnh vực mà hai bên có thể bổ sung cho nhau, tận dụng được thế mạnh của nhau. Các mặt hàng nông - lâm - thủy sản của hai bên mang tính bổ trợ, không cạnh tranh lẫn nhau. Việt Nam có thế mạnh về lúa gạo, cây công nghiệp, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, trái cây nhiệt đới. Trong khi Mông Cổ có thế mạnh về chăn nuôi và các sản phẩm từ chăn nuôi.

Bộ trưởng Bộ Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ Khayangaa Bolorchuluun cho biết, Mông Cổ hiện có tổng đàn 67,3 triệu gia súc và 24 triệu con non. Lượng gia súc có thể khai thác thương mại hàng năm trên 20 triệu con.

Mông Cổ có thế mạnh về chăn nuôi đại gia súc, các sản phẩm đồ da và sữa. 

Ngoài thịt, hàng năm Mông Cổ đạt sản lượng 10.000 tấn len cashmere dê, 37.000 tấn len cừu, hơn 1,3 triệu tấm da bò và ngựa. Chăn nuôi của Mông Cổ sử dụng phương thức chăn thả truyền thống có bản chất tự nhiên là hữu cơ.

Do đó, sản phẩm thịt của Mông Cổ rất đặc biệt. Bộ trưởng Khayangaa Bolorchuluun kỳ vọng hợp tác nông nghiệp, đặc biệt là hợp tác trong thương mại và đầu tư giữa Việt Nam - Mông Cổ, sẽ được tăng cường trong thời gian tới.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ: “Thế giới ngày nay đầy biến động do đại dịch Covid-19, xung đột giữa các nước và các bất ổn tiềm ẩn khác, quan hệ giữa các nước cần cách tiếp cận mới. Trong đó, các nước đều cần đa dạng hóa sản phẩm và đa dạng hóa thị trường. Với mối quan hệ truyền thống hữu nghị 68 năm giữa Việt Nam - Mông Cổ, hai nước cần làm nhiều hơn nữa để hợp tác kinh tế phát triển tương xứng”.

Nông nghiệp Việt Nam - Mông Cổ còn nhiều tiềm năng để khai thác thế mạnh và thị trường của mỗi nước. Để thúc đẩy thương mại nói chung và nông nghiệp nói riêng, hai bên cần tháo gỡ rào cản lớn nhất là vận tải và logistics. Về vấn đề này, hai bên đã bàn trong khuôn khổ Ủy ban liên Chính phủ và các cơ chế song phương khác để tìm kiếm giải pháp khai thông con đường nông sản, giống như con đường tơ lụa hình thành cách đây 2.000 năm.           

Trong chuyến thăm làm việc của Đoàn công tác liên bộ Việt Nam với Bộ Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ, Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Khayangaa Bolorchuluun đã ký Bản ghi nhớ đầu tiên về Hợp tác nông nghiệp giữa hai nước. Bản ghi nhớ đầu tiên được kỳ vọng để hợp tác nông nghiệp giữa hai bên thăng hoa trong thời gian tới.

Nông nghiệp chiếm trên 10% GDP hàng năm của Mông Cổ và sử dụng một phần ba lực lượng lao động. Tuy nhiên, địa hình cao, biến động cực đoan về nhiệt độ, mùa đông dài, lượng mưa thấp, tiềm năng hạn chế cho phát triển nông nghiệp. Mùa sinh trưởng chỉ có 95 - 110 ngày. Bởi vì, khí hậu khắc nghiệt của Mông Cổ không phù hợp với hầu hết các loại hình canh tác. Chỉ 1% đất canh tác ở Mông Cổ được trồng trọt. Do đó, ngành nông nghiệp vẫn tập trung nhiều vào chăn nuôi du mục với 75% diện tích đất được sử dụng cho đồng cỏ.

Cây trồng chính ở Mông Cổ gồm: Ngô, lúa mì, đại mạch và khoai tây. Động vật nuôi thương phẩm gồm: Cừu, dê, bò, ngựa, lạc đà và lợn.

 

 

 

Chanh
Ý kiến bạn đọc
Top