Hội nghị Yến sào Quốc tế toàn cầu vừa diễn ra tại Quảng Châu (Quảng Đông, Trung Quốc) với sự tham gia của chính quyền địa phương và Hiệp hội Yến sào Quốc tế cùng hiệp hội yến sào các quốc gia ngành yến, trong đó có Hiệp hội Yến sào Việt Nam.
Năm nay, khác hơn so với mọi năm là yến sào Việt Nam đã chính thức được cấp phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, đánh dấu một bước tiến mới trên thị trường ngành yến quốc tế. Song sản lượng tổ yến của Việt Nam đến với thị trường Trung Quốc còn rất nhỏ giọt. Câu chuyện xuất khẩu tổ yến của các doanh nghiệp Việt Nam sang thị trường Trung Quốc còn gặp nhiều khó khăn.
Làm thế nào để giải bài toán phát triển bền vững cho ngành yến Việt Nam?
Phóng viên Kinh tế nông thôn đã có cuộc trao đổi với ông Lê Thành Đại, Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam về vấn đề này.
Xin ông cho biết quá trình hình thành ngành yến Việt Nam?
Theo lịch sử Việt Nam, từ khi xác lập chủ quyền đối với các quần đảo ở biển Đông, các triều đại phong kiến Việt Nam đã tổ chức các đội quan quân ra trấn giữ và sinh sống trên các đảo này và họ đã phát hiện ra những tổ yến màu trắng ngà bám trên các vách đá. Trong những thời điểm bão giông không liên lạc được với đất liền để cung cấp lương thực thực phẩm ra đảo, họ phải tìm kiếm bất cứ những gì trên đảo có để ăn tạm chống đói. Và lúc này, họ không những phát hiện ra tổ yến có thể ăn được mà còn làm cho họ cảm thấy khỏe hơn. Sau này, khi trở lại đất liền, họ không quên mang theo phẩm vật thiên nhiên này về để nghiên cứu. Từ đó, mọi người mới phát hiện ra giá trị dinh dưỡng tuyệt vời mà tổ yến mang lại không có gì sánh bằng.
Nhưng vì tổ yến chỉ có ngoài đảo và rất quý hiếm, chỉ những đội quân có thuyền buồm mới ra hái được và mang về nộp lên cho quan lớn, cống nạp lên triều đình cho vua và hoàng tộc dùng để bồi dưỡng sức khỏe. Những bữa ăn đó được tổ chức trang trọng và hoành tráng nên được gọi là “yến tiệc”. Từ đó, tổ yến Việt Nam trở thành những cống vật quý giá dành riêng cho hoàng tộc được dùng mà thôi.
Sản phẩm Yến sào Việt Nam trưng bày giới thiệu tại Hội nghị Yến sào Quốc tế toàn cầu diễn ra tại Trung Quốc.
Đầu những năm 2000, tại một số tỉnh ở miền Trung và Nam bộ của Việt Nam bắt đầu xuất hiện những đàn yến từ đảo bay về và trú ngụ tại những ngôi nhà bỏ hoang, rạp hát, chợ, bảo tàng biệt thự, nhà xưởng ven sông... Chúng cho ra những tổ yến trắng ngà dày cộm, mang đến nguồn lợi to lớn cho những chủ nhân ở đây. Từ đó, một số người đã tò mò, nghiên cứu và làm thử những căn nhà cấp 4 và tạo môi trường thích hợp để dẫn dụ chim về và một số người đã thành công.
Từ năm 2004, phong trào tìm hiểu, nghiên cứu và đầu tư xây dựng nhà nuôi chim yến bắt đầu hình thành. Nhiều người sang tận nước bạn Indonesia, Malaysia để học tập mô hình và kỹ thuật dẫn dụ để về áp dụng và truyền đạt lại cho bạn bè, người thân. Sau 10 năm, số lượng nhà yến đã tăng lên đáng kể, nên Nhà nước phải ban hành thông tư hướng dẫn tạm thời để quản lý và hướng dẫn ngành yến phát triển.
Năm 2018, Nhà nước ban hành Luật Chăn nuôi và chính thức công nhận yến sào là một ngành kinh tế trong nông nghiệp; giao Chính phủ ban hành nghị định để hướng dẫn thi hành. Đến nay, ngành yến Việt Nam đã có số lượng gần 30.000 căn nhà yến trải dài trên 42 tỉnh thành từ miền Trung trở vào đến cuối vùng đất Nam Bộ với sản lượng đạt 150-200 tấn tổ/năm.
Hiệp hội Yến sào Việt Nam ra đời khi nào và có vai trò gì trong việc thúc đẩy ngành yến phát triển, thưa ông?
Trước sự phát triển ồ ạt và nhanh chóng của những người đam mê nuôi chim yến, đòi hỏi phải có một tổ chức đứng ra tập hợp, hướng dẫn và liên kết các chủ nhà yến với các doanh nghiệp để hình thành chuỗi cung ứng nguyên liệu và chế biến mang lại giá trị kinh tế cao. Năm 2016, một số chủ nhà yến, những người nghiên cứu kỹ thuật dẫn dụ chim yến, một số doanh nhân kinh doanh thiết bị và chế biến tổ yến đã tự nguyện đứng ra thành lập Ban Vận động xây dựng Hiệp hội Yến sào. Đến năm 2017, Bộ Nội vụ chính thức cho phép thành lập và Đại hội thành lập Hiệp hội Yến sào Việt Nam chính thức được tiến hành vào ngày 9/7 năm này.
Lô sản phẩm Yến sào đầu tiên của Việt Nam chính thức được cấp phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc
Qua 7 năm hoạt động, Hiệp hội Yến sào Việt Nam đã thực sự là chỗ dựa vững chắc cho những người đầu tư dẫn dụ, những doanh nghiệp chế biến và kinh doanh yến sào liên kết hợp tác chặt chẽ và mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, góp phần thúc đẩy ngành yến Việt Nam phát triển.
Hiện nay, yến sào Việt Nam đã chính thức được cấp phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Ngành yến Việt Nam đối mặt với những thách thức nào trên thị trường tỉ dân, thưa ông?
Từ giữa cuối năm 2020 đến nửa đầu năm 2023, tổ yến sơ chế (tổ yến tự nhiên được làm sạch và loại bỏ lông và tạp chất) của Việt Nam đã được xuất khẩu chính ngạch sang Hoa Kỳ, Úc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Trung Quốc. Tại Úc và Hoa Kỳ, đối tượng sử dụng tổ yến đa phần là người gốc Á, trong đó có kiều bào người Việt. Mặc dù, số lượng tổ yến sơ chế được xuất sang các quốc gia này không đáng kể, nhưng cũng đã từng bước giới thiệu được tổ yến Việt Nam đến người tiêu dùng và tạo tiền đề để ngành yến trong nước phát triển và tăng sản lượng xuất khẩu.
Hiệp hội Yến sào Việt Nam, các doanh nghiệp ngành yến tại Hội nghị Yến sào Quốc tế toàn cầu.
Kể từ sau khi Nghị định thư được ký giữa Bộ NN&PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc vào ngày 9/11/2022, các doanh nghiệp có tiềm lực trong nước đã nỗ lực hoàn thành các yêu cầu của Nghị định thư và đạt được hầu hết các tiêu chuẩn quy định. Tính tới tháng 7/2024, Việt Nam đã có 11 doanh nghiệp chính thức được cấp mã code cho phép xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc. Ngoài ra, có hơn 40 doanh nghiệp khác cũng đang trong quá trình đăng ký, bổ sung, và hoàn thiện để được cấp phép xuất khẩu. Tuy nhiên, việc xuất khẩu tổ yến qua thị trường Trung Quốc vẫn gặp nhiều khó khăn và thách thức.
Đến thời điểm hiện tại, có 4 quốc gia được phép xuất khẩu tổ yến sang thị trường Trung Quốc là Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam. Trong đó, Indonesia và Malaysia là hai quốc gia chính xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc áp đảo với sản lượng trong quý 1/2024 lần lượt là 105,4 tấn và 39,3 tấn.
Với kinh nghiệm khai thác, chế biến và xuất khẩu lâu năm đối với mặt hàng tổ yến, sản phẩm tổ yến sơ chế của Malaysia và Indonesia rất phong phú về mẫu mã và chi phí giá thành thấp hơn nên tạo ra sự cạnh tranh gắt gao. Trong khi yến sào Việt Nam từ trước đến nay chưa được chính thức công nhận tại thị trường này, nên phần đông người tiêu dùng Trung Quốc chưa được tiếp cận nhiều với thương hiệu yến sào Việt Nam, ngoại trừ yến đảo Khánh Hòa.
Chim yến làm tổ
Đây là một thách thức cực kỳ to lớn và khó khăn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng và ngành yến Việt Nam nói chung trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài nếu không có sự chia sẻ của các hiệp hội yến sào trong khu vực, đặc biệt là Hội Yến sào Trung Quốc cũng như vai trò quảng bá của Viện Nghiên cứu văn hóa dược phẩm Trung Quốc nhằm thông tin đến công chúng đất nước tỉ dân về chất lượng và giá trị dinh dưỡng của yến sào Việt Nam luôn đáp ứng yêu cầu của Chính phủ Trung Quốc.
Vậy ông nhận định như thế nào về triển vọng của ngành yến Việt Nam trong thời gian tới?
Sự chỉ đạo quyết liệt và triển khai cụ thể của lãnh đạo Bộ NN&PTNT Việt Nam trong thời gian qua cũng như sự hỗ trợ, hợp tác, chia sẻ của Hiệp hội Yến sào Việt Nam đã giúp cho doanh nghiệp xuất khẩu tổ yến nắm vững quy trình chế biến cũng như các quy định bắt buộc về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng chống dịch bệnh. Thể hiện rõ nét nhất là chỉ trong thời gian ngắn, các doanh nghiệp xuất khẩu đã nỗ lực tổ chức sản xuất và hoàn thành các điều kiện kiểm định pháp lý để các lô yến đầu tiên được xuất đi nhanh chóng, tạo sự phấn khích và tin tưởng của các doanh nghiệp Trung Quốc đã bỏ bao nhiêu công sức để đồng hành cùng doanh nghiệp Việt Nam. Kết quả đó cho chúng ta thấy triển vọng của ngành yến Việt Nam trong thời gian tới sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Yến sào Việt Nam nổi tiếng với ít tạp chất, thân dày và hương vị đậm đà, được thị trường đánh giá rất cao.
Thời gian tới, Việt Nam mong muốn được các đối tác hỗ trợ tổ chức diễn đàn giới thiệu giá trị dinh dưỡng của tổ yến Việt Nam; trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong việc sơ chế tổ yến đảm bảo màu sắc, mẫu mã, thời gian bảo quản. Chúng tôi cũng mong muốn được tham gia tổ chức hội thi ẩm thực yến sào quốc tế hàng năm kết hợp với mùa du lịch của mỗi nước; đồng thời được tạo điều kiện để tổ chức các hội nghị tìm kiếm khách hàng thường niên ở các sự kiện lớn của Trung Quốc…
Kỳ vọng với sự hỗ trợ của Chính phủ, Bộ NN&PTNT, sự nỗ lực của Hiệp hội Yến sào Việt Nam, các doanh nghiệp ngành yến cùng sự chia sẻ của các đối tác, ngành yến Việt Nam sẽ có bước tiến dài trên con đường phát triển bền vững trong thời gian tới.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nuôi dưỡng sắc đẹp không nhất thiết phải áp dụng những phương pháp cầu kỳ, tốn kém nhiều thời gian và chi phí. Bổ sung dưỡng chất từ sữa đậu nành tiện lợi là phương pháp làm đẹp được nhiều phụ nữ hiện đại lựa chọn, không chỉ giúp đơn giản hóa quá trình chăm sóc sắc đẹp mà còn xây dựng nền tảng sức khỏe vững chắc.
Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…
Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.