Trào lưu mới trong giới trẻ hiện nay là sử dụng thuốc lá điện tử, tuy nhiên, trong thời gian gần đây nhiều trẻ bị ngộ độc thuốc lá điện tử đến mức co giật, ảo giác phải nhập viện.
Các chuyên gia cảnh báo, các loại thuốc lá thế hệ mới, thuốc lá điện tử đang tấn công giới trẻ gây nên nhiều hệ lụy cho sức khỏe không khác gì thuốc lá thông thường.
Nhiều vụ ngộ độc sau khi sử dụng thuốc lá điện tử
Bệnh viện Nhi Trung ương ngày 9/11 cho biết gần đây bệnh viện đã tiếp nhận một số trường hợp học sinh vào cấp cứu trong trạng thái kích thích, loạn thần, ảo giác hoặc suy hô hấp do ngộ độc các chất trong thuốc lá điện tử.
Trước đó là một trường hợp bệnh nhân nam 12 tuổi là học sinh của một trường THCS ở Hà Nội đã đến khám tại Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương với tình trạng khó thở và co giật.
Nam bệnh nhân bị ngộ độc thuốc lá điện tử tại Tuyên Quang
Tại Tuyên Quang, một người đàn ông 46 tuổi đã hút thuốc lá điện tử của người khác, sau hút điếu thuốc lá điện tử do khách bỏ quên 2 ngày tại cửa hàng nơi làm việc, anh Nguyễn Văn V. (46 tuổi, trú tại thành phố Tuyên Quang) thấy run tay chân, hoa mắt chóng mặt, đứng không vững…Tình trạng càng lúc càng nghiêm trọng, anh được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang. Bác sĩ chẩn đoán ngộ độc khi hút thuốc lá điện tử bơm tinh dầu. Sau 1 ngày điều trị theo phác đồ ngộ độc, bệnh nhân ổn định sức khỏe và xuất viện.
Sáng 29/9/2022, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận bệnh nhân nữ 14 tuổi vào viện trong tình trạng hôn mê, kích thích nhiều, tím tái, đồng tử giãn, nguy cơ suy hô hấp và tử vong cao. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc và phơi nhiễm hoá chất có hại, theo dõi ngộ độc Nicotine. Theo lời kể, bệnh nhân cùng nhóm bạn được cho 1 loại thuốc lá điện tử, sau khi hút thử bệnh nhân co giật, mất ý thức và được đưa đi cấp cứu. Tại Bệnh viện, bệnh nhân được cấp cứu và xử trí truyền dịch, thở oxy… đã qua cơn nguy kịch, tiếp tục được theo dõi và điều trị.
Trước đó, rạng sáng ngày 26/7, Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) cũng đã tiếp nhận nữ sinh 20 tuổi (trú tại Hà Nội), trong tình trạng hôn mê sâu, phù não, suy đa tạng do hút thuốc lá điện tử.
Nhiều hương liệu độc hại có trong thuốc lá điện tử
Bộ Y tế cho biết hiện tại Việt Nam đang xuất hiện nhiều sản phẩm thuốc lá mới. Trong đó, phổ biến nhất là thuốc lá điện tử (rlectronic nicotine delivery - ENDs), thuốc lá nung nóng (heated tobacco product - HTPs), shisha...
Thuốc lá điện tử có nhiều hương liệu độc hại
Theo WHO, để sản xuất các sản phẩm thuốc lá điện tử có khoảng 15.500 loại hương liệu được sử dụng. Trong đó, rất nhiều loại hương liệu độc hại và chưa được đánh giá toàn diện về mức độ gây hại đối với sức khỏe, các sản phẩm này đều có chất nicotine là chất gây nghiện.
Các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha (gọi chung sản phẩm thuốc lá mới) rất có hại cho sức khỏe cả người hút và người xung quanh. Đây còn là nguyên nhân của nhiều trường hợp ngộ độc nicotine, gây các bệnh về tim mạch, hô hấp, tiêu hóa.
Tại Việt Nam, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong giới trẻ đang gia tăng nhanh chóng. Năm 2015 tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử mới chỉ là 0,2% thì đến năm 2019, Điều tra sức khoẻ học sinh toàn cầu của WHO tại 21 tỉnh, thành phố của Việt Nam cho thấy có đến 2,6% học sinh trong độ tuổi từ 13-17 hút thuốc lá điện tử, tỷ lệ này ở học sinh thành thị là 3,4%. Vì suy nghĩ thiên lệch các bạn trẻ cho rằng hút thuốc là cách thức khẳng định sự chín chắn, trưởng thành và thể hiện được cá tính của bản thân, nhưng cũng có bạn vì đua đòi và học theo bạn bè, vì tò mò và cũng có bạn tìm đến thuốc lá như một biện pháp giải bớt căng thẳng, hút dần thành quen và dẫn đến nghiện.
Tại Hà Nội, nghiên cứu mới đây của Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế cho thấy, tỷ lệ thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng, trong đó học sinh lớp 8 - 12 là 8,35%; lớp 10 - 12 là 12,6%; với nữ là 4,8%, nam là 12,4%.
Cẩn trọng với thuốc lá điện tử
Theo PGS.TS. Phan Thu Phương, Giám đốc Trung tâm Hô hấp (BV Bạch Mai), thuốc lá điện tử là các sản phẩm cung cấp nicotine điện tử, có cấu tạo bao gồm bộ phận pin, sạc, bộ phận gia nhiệt, dẫn dòng khí; bộ phận chứa ống đựng dung dịch điện tử. Dung dịch này thường chứa nicotine, chất tạo hương, propylene glycol và glycerin thực vật.
Cẩn trọng khi sử dụng thuốc lá điện tử
Thành phần chính trong thuốc lá điện tử là chất nicotine, đây là chất có khả năng gây nghiện cao. Độ nặng của thuốc lá điện tử dựa trên lượng nicotine trong dung dịch, được biểu thị bằng miligam trên mililit hoặc tính theo phần trăm.
Ngoài ra, trong thuốc lá điện tử còn có: glycerin, propylene glycol và hương liệu để tạo mùi hấp dẫn (có đến 15.500 hương liệu khác nhau). Propylene glycol (mặc dù được coi là an toàn trong thực phẩm nhưng không phải để hít) có thể tạo thành propylene oxide, một chất gây ung thư khi được đun nóng và hóa hơi. Glycerin gốc thực vật: khi được đun nóng và hóa hơi, tạo thành acrolein, gây kích ứng đường hô hấp trên.
Bác sĩ Phương cho biết, chất nicotine trong các sản phẩm thuốc lá điện tử là chất gây nghiện mạnh, làm cho người sử dụng sẽ trở nên phụ thuộc vào các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới này. Đồng thời, việc sử dụng chúng có thể dẫn đến hoặc duy trì việc sử dụng các sản phẩm có chứa nicotine khác, bao gồm cả thuốc lá, cũng như tăng nguy cơ sử dụng rượu, ma túy và các chất gây nghiện khác.
Đặc biệt, nicotine có thể ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ ở lứa tuổi thanh thiếu niên và thậm chí có thể gây tổn thương bào thai (dẫn đến cân nặng sơ sinh thấp, tăng nguy cơ đẻ non. Khói thuốc lá thế hệ mới có chứa các chất gây ung thư, làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi, ung thư thanh quản, đột quỵ, xuất huyết não, ung thư dạ dày… ở người sử dụng chúng.
Các bác sĩ khuyến cáo, người dân, đặc biệt là học sinh không nên sử dụng thuốc lá điện tử để tránh những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ và học tập. Sau khi sử dụng thuốc lá điện tử, thấy có dấu hiệu tiếp xúc chậm, lơ mơ, khó thở, có dấu hiệu ngộ độc hoặc các dấu hiệu bất thường về sức khỏe thì cần đến ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.
Để không có những trường hợp đáng tiếc xảy ra, trước hết gia đình phải quản lý con em mình thật tốt, bên cạnh đó nhà trường cũng là nơi giáo dục và kiểm tra, giám sát các học sinh trong thời gian học tập tại trường để có sự ngăn chặn kịp thời, khi phát hiện học sinh sử dụng thuốc lá điện tử. Đồng thời phải thông báo cho gia đình để có biện pháp quản lý và ngăn chặn con em mình sử dụng thuốc lá điện tử.
Các lực lượng chức năng cần thường xuyên kiểm tra, xử lý ngay những trường hợp nhậu lậu thuốc lá điện tử, dung dịch, hương liệu được núp dưới dạng thực phẩm chức năng hoặc mỹ phẩm, để sản phẩm này không tồn tại và bán trên thị trường một cách tự do.
Dấu hiệu sớm nhận biết trẻ dùng thuốc lá điện tử Trẻ có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe: Trẻ có thể có các biểu hiện hô hấp như ho, hụt hơi, khó thở vì trong thuốc lá điện tử có một số chất có hại cho phổi. Trẻ thay đổi hành vi: Biểu hiện lo âu, cáu gắt, thậm chí trẻ có xu hướng tham gia các hành vi mạo hiểm. Tìm thấy những vật lạ trong nhà: Thuốc lá điện tử đa dạng về kích thước và hình dáng, do vậy có thể xuất hiện dưới dạng ống, USB… Nếu cha mẹ tìm thấy những vật thể có hình dáng bất thường trong nhà, có thể đưa đến bệnh viện để kiểm tra. Xuất hiện mùi lạ: Thuốc lá điện tử thường có mùi hoa quả hấp dẫn trẻ. Những mùi phổ biến là mùi cam, bạc hà, chanh… Nếu cha mẹ ngửi thấy những mùi hương bất thường trong nhà, có thể đó là dấu hiệu của việc trẻ dùng thuốc lá điện tử. Những hành vi hoặc trò chuyện đáng ngờ với bạn bè: Trẻ có xu hướng lén lút sử dụng cùng với bạn bè, do vậy cha mẹ nên để ý khi trẻ có buổi đi chơi đáng ngờ, tham gia chơi cùng nhóm bạn mới, nhắn tin hay trò chuyện bí mật. Để hạn chế tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử hiện nay ở lứa tuổi vị thành niên, vai trò của gia đình, trong đó cha mẹ rất quan trọng. Cha mẹ cần dành thời gian quan tâm, lắng nghe trẻ và giám sát trẻ trên cơ sở tôn trọng, tránh dẫn đến các hành vi chống đối do bị áp đặt. Khi phát hiện những dấu hiệu bất thường, cần liên hệ với bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để được thăm khám và điều trị sớm. Bên cạnh đó, nhà trường cũng cần giáo dục để học sinh nhận thức được các chất gây nghiện và các tác hại do sử dụng chất gây nghiện. Tăng cường các hoạt động ngoại khóa để giải tỏa căng thẳng sau giờ học. |