Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 3 tháng 11 năm 2023 | 10:8

Thương mại điện tử đang là kênh tiêu thụ nông sản phù hợp với xu thế

Thương mại điện tử đã và đang là kênh tiêu thụ nông sản phù hợp với xu thế trong giai đoạn hiện nay, song để thành công cần sự nỗ lực gấp nhiều lần từ các cấp, ngành, địa phương.

Đầu ra thiếu ổn định

Hơn 10 nghìn sản phẩm OCOP được chứng nhận từ 3 sao trở lên hiện nay thì có quá một nửa nằm ở những vùng miền núi, vùng sâu vùng xa. Bởi ở đó, những điều kiện đặc thù về sinh thái, tự nhiên đáp ứng được yêu cầu của sản phẩm đặc sản.

Tuy nhiên, đầu ra cho các sản phẩm này vẫn còn khó khăn. Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, có rất nhiều mặt hàng nông sản, đặc sản của các địa phương trên cả nước được mùa. Nhiều loại sản phẩm có sản lượng lớn, thời gian thu hoạch ngắn dẫn đến tình trạng cung vượt cầu trong ngắn hạn.

Hơn nữa, ở nhiều địa phương trên cả nước, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, miền núi hải đảo, việc tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của bà con nhân dân còn gặp nhiều khó khăn do địa bàn chia cắt, giao thông gặp nhiều khó khăn.

Sản phẩm địa phương tại triển lãm AgroViet 2023.

Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, không theo quy hoạch, sản lượng hàng hóa thấp, chất lượng mẫu mã không đảm bảo cũng là những yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến việc kết nối, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cho bà con nông dân.

Phản ánh của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã cũng cho thấy, việc tiêu thụ sản phẩm địa phương còn gặp nhiều gian nan. Đầu ra thiếu ổn định, việc tiếp cận với các thị trường còn hạn chế. Giá cả liên tục trồi sụt, phụ thuộc nhiều vào các thương lái. Việc phát triển thương hiệu, tìm kiếm các nhà phân phối để quảng bá sản phẩm cũng không dễ dàng.

Thương mại điện tử là xu thế tất yếu, là kênh quảng bá sản phẩm, kéo các khách hàng về với vùng miền. Thời gian qua, đã có nhiều hoạt động phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương với những nền tảng thương mại điện tử lớn như Sendo, Voso, Tiki… đã hỗ trợ hàng nghìn lượt nông dân, hợp tác xã tiếp cận phương thức phân phối hàng hóa trên thương mại điện tử.

Đã có hàng loạt sản phẩm đặc trưng, đặc sản khu vực miền núi như vải thiều Lục Ngạn, cam Cao Phong, chè Shan Tuyết, mật tam hoa Bắc Hà, mật ong bạc hà Hà Giang… được đẩy mạnh tiêu thụ qua kênh thương mại điện tử.

Dù vậy, không ít các hợp tác xã, hộ kinh doanh gặp không ít trở ngại do hạn chế về công nghệ, khả năng tiếp cận, cách thức quảng cáo, chào hàng, quy trình chụp ảnh, đưa ảnh sản phẩm lên gian hàng trên các sàn thương mại…

Không chỉ vậy, ban đầu số lượng các đơn đặt hàng ít nên gặp khó khăn trong vận chuyển, nhất là những sản phẩm hoa quả tươi.

Doanh nghiệp, hợp tác xã cần được hỗ trợ

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định: Kênh phân phối nông sản qua sàn thương mại điện tử ngày càng có nhiều lợi thế cạnh tranh vì người mua, người bán đều trực tiếp giao dịch mà không phải qua quá nhiều khâu trung gian với các khoản chi phí cho nhân công, điểm tập kết hàng.

Bên cạnh đó, với kênh thương mại điện tử, các hợp tác xã, hộ nông dân có thể tiếp cận tệp khách hàng rộng lớn hơn một cách nhanh chóng và dễ dàng. Mặt khác, việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản trên kênh thương mại điện tử đang dần tạo ra thói quen tiêu dùng mới.

TS Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme) cho biết: Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đều tiếp cận việc tiếp thị thông qua các nền tảng số như các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube, Tiktok... Có 50% doanh nghiệp đã tìm hiểu về thương mại điện tử và nhiều doanh nghiệp trong số đó đã sử dụng kênh phân phối hàng hóa là các sàn giao dịch điện tử, tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp khai thác tốt kênh phân phối hàng hóa của mình trên các nền tảng số chưa phải là nhiều.

Chuối Vân Nam (huyện Phúc Thọ), được niêm yết trên trang www.hn.check.net.vn.

Cũng theo TS Mạc Quốc Anh, các sàn thương mại điện tử là kênh phân phối mới nhiều ưu điểm và hiệu quả, có tốc độ phát triển nhanh trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, muốn phát huy đầy đủ hiệu quả của kênh bán hàng này, vẫn cần sự phối hợp hỗ trợ của cơ quan Nhà nước, bộ ngành liên quan.

Nói về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Lê Hoàng Oanh thông tin: Cục đang tiếp tục triển khai hợp tác chặt chẽ với đối tác như: Shopee, Voso, Tiki, Lazada, kết nối đối tác với doanh nghiệp để thực hiện chương trình hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho doanh nghiệp.

Cụ thể là các chương trình đào tạo để mở gian hàng, vận hành thực hiện các đơn hàng, quản lý logistics, quản lý chất lượng sản phẩm trên các nền tảng thương mại điện tử lớn được tổ chức một cách bài bản. Với việc nắm vững những kỹ năng thương mại điện tử, doanh nghiệp, nhà sản xuất hay hợp tác xã nông nghiệp mới có thể chủ động vận hành được kênh bán hàng thương mại điện tử của riêng mình một cách hiệu quả.

Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Lê Hoàng Oanh cho rằng: Chương trình ứng dụng thương mại điện tử quốc gia Go Online hợp tác với các nền tảng thương mại điện tử lớn sẽ cung cấp các giải pháp đồng bộ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, phát triển công nghệ, tối ưu quy trình vận hành sản xuất; tiết kiệm chi phí quản lý kênh bán hàng thương mại điện tử. Qua đó, thúc đẩy doanh số bán hàng, góp phần đẩy mạnh việc phân phối, bán hàng cho các sản phẩm địa phương.

Cần có lộ trình phát triển thương mại điện tử

Theo bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, để đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm địa phương qua các sàn thương mại điện tử, cần có các giải pháp đồng bộ. Trước hết, cần định hướng cho bà con nông dân đưa vào sản xuất các sản phẩm đặc sản, có thế mạnh của địa phương. Tiếp tục ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới và kinh nghiệm trong sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Chủ động, sáng tạo trong chế biến, đóng gói nhằm đa dạng hóa sản phẩm hàng hóa và khắc phục yếu tố mùa vụ.

Đặc biệt, cần có sự vào cuộc của nhiều bên để hỗ trợ hoạt động thương mại điện tử. Như các sàn thương mại điện tử hỗ trợ bà con, huấn luyện cách mở gian hàng, cách livestream sản phẩm, cách viết nội dung về sản phẩm.

Các sản phẩm OCOP của nông dân Quảng Bình thông qua các sàn thương mại điện tử được nhiều người biết đến. 

Về lâu dài, Sở Công Thương các địa phương cần có lộ trình hoạt động đào tạo, phát triển thương mại điện tử phù hợp nhằm trợ giúp bà con trong một thời gian dài liên tục để nâng cao trình độ thương mại điện tử.

Ở góc độ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Thịnh cho rằng nhiều địa phương đã thành công trong ứng dụng thương mại điện tử. Chè Phình Hồ (Hà Giang) là ví dụ thành công điển hình nổi tiếng ở Anh, châu Âu trong khi đây là vùng sâu vùng xa hơn 90% là đồng bào người Dao. Hay vải thiều Bắc Giang xuất khẩu thành công nhờ thương mại điện tử… càng khẳng định thương mại điện tử đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh phương tiện đi lại vùng sâu vùng xa còn khó khăn.

EU, Mỹ là những thị trường tiềm năng cho xuất khẩu xuyên biên giới, nhưng cũng đang đặt ra nhiều tiêu chuẩn khắt khe với sản phẩm nhập khẩu. Do đó, ông Thịnh nhấn mạnh, chất lượng là yêu cầu số 1. Ngoài việc công bố tiêu chuẩn sản xuất hiện nay phù hợp với thương mại quốc tế, các sản phẩm vùng miền cần đẩy mạnh quản trị quy trình sản xuất, kết hợp chất lượng sản phẩm truyền thống vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ngay trong Luật trồng trọt cũng quy định mã vùng trồng, đây là vấn đề quan trọng. Dù muộn nhưng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn đang đề nghị Chính phủ xây dựng Nghị định hướng dẫn. Mã số vùng trồng không chỉ mục tiêu là truy xuất nguồn gốc sản phẩm mà để quản trị, quản lý sản xuất theo hướng bền vững, an toàn. Đồng thời xây dựng các chương trình truy xuất nguồn gốc, trong đó đặc biệt quan tâm tới truy xuất nguồn áp dụng điện tử giúp kiểm soát chất lượng tốt hơn.

Mới đây, Bộ chuẩn bị trình chính phủ đề án trong đó phát triển hệ thống logistics về nông sản, tư vấn cho nông dân sản xuất các sản phẩm tốt hơn, giúp nông dân kết nối được với thị trường bên ngoài.

Cần đáp ứng nhiều quy định

Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp nhận định: Thương mại điện tử là hình thức mới, khó nhưng là xu hướng tất yếu mà các nhà cung ứng Việt Nam cần sớm gia nhập sân chơi này. Đây là cách tốt nhất để các nhà sản xuất, nhà cung ứng có thể bán nông sản trực tiếp cho người tiêu dùng, khi 2/3 người dân Trung Quốc đang có xu hướng mua hàng online. Hy vọng gian hàng nông sản Việt Nam (Sunwah Gelafood) sẽ giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã Việt Nam sớm thích nghi với sân chơi mới này.

Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam muốn đăng ký đưa sản phẩm lên Gian hàng nông sản Việt Nam, phải đáp ứng một số quy định.

Thứ nhất, tuân thủ pháp luật và quy định có liên quan; tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam; có quyền sở hữu trí tuệ và thương hiệu độc lập; sẵn sàng đăng ký nhãn hiệu tại Trung Quốc để quảng bá thương hiệu của mình.

Ông Nguyễn Minh Tiến:" hương mại điện tử là cách tốt nhất để các nhà sản xuất, nhà cung ứng có thể bán nông sản trực tiếp cho người tiêu dùng".

Thứ hai, hoạt động kinh doanh ổn định trong hơn 3 năm, có khả năng cung ứng và có dịch vụ chăm sóc khách hàng tương đối tốt.

Thứ ba, sẵn sàng xuất khẩu sản phẩm sang Trung Quốc theo mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới, phải tuân thủ các quy tắc liên quan của nền tảng thương mại điện tử, sẵn sàng hợp tác với Tập đoàn Sunwah để tối ưu hóa sản phẩm theo quy định của Trung Quốc về hàng hóa nhập khẩu.

bà Qi Ping, Tổng giám đốc, Thành viên HĐQT Sunwah Gelafood các doanh nghiệp Việt Nam cần có các video ngắn giới thiệu về sản phẩm của mình. Trên các nền tảng điện tử tại Trung Quốc, Gian hàng nông sản Việt Nam sẽ phát các video ngắn và livestream bán hàng. Các video chính thống từ vài giây đến vài phút có thể tận dụng triệt để quỹ thời gian rời rạc của khách hàng, để liên tục truyền tải thông tin về nông sản Việt Nam đến nhận thức người xem.

"Các video ngắn là nguồn thông tin hàng ngày được gần 1 tỷ người Trung Quốc ưa chuộng. Hình thức livestream bán hàng tại các kho ngoại quan Trung Quốc sẽ giúp người sản xuất tại Việt Nam có thể bán hàng trực tiếp đến tay khách hàng ở Trung Quốc", bà Qi Ping chia sẻ.

Đại diện Sunwah Gelafood cho biết Tập đoàn sẽ có các hình thức hỗ trợ đào tạo các nhà cung ứng về khâu hậu cần, đóng gói bao bì đến cách thức livestream hiệu quả.

 

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
  • Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…

  • Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị

    Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị

    Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.

  • Người mua căn hộ đang thích được sở hữu những gì?

    Người mua căn hộ đang thích được sở hữu những gì?

    Hiện tại, các chủ đầu tư gần như đang vượt qua chính mình khi phải cân bằng giữa các yếu tố đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp, sản phẩm phải chinh phục được đối tượng khách hàng là người trẻ.

Top