Tham gia vào thị trường tín chỉ carbon là động lực phát triển, đổi mới công nghệ, phát thải thấp, hướng đến nền kinh tế trung hòa carbon và thực hiện cam kết mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định tại COP26 về mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
Việc tiếp cận nguồn tài chính xanh để hiện thực hóa thị trường carbon là cơ hội mà các bên cần nắm bắt, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và tạo giá trị bền vững.
Triển vọng bán tín chỉ carbon rừng
Thị trường carbon (CO2) bắt nguồn từ Nghị định thư Kyoto của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu, thông qua năm 1997. Theo đó, các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu cam kết.
Từ đó, trên thế giới xuất hiện loại hàng hóa mới là các chứng chỉ giảm/hấp thụ phát thải khí nhà kính. Do carbon là khí nhà kính quy đổi tương đương của mọi khí nhà kính nên các giao dịch được gọi chung là mua bán, trao đổi carbon, hình thành nên thị trường carbon hay thị trường tín chỉ carbon.
Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, diện tích rừng hiện có của cả nước là 14,79 triệu hecta, tỉ lệ che phủ rừng hiện đạt 42,02%. Tổ chức Lương - Nông Liên Hợp quốc (FAO) đánh giá, trong khi diện tích rừng trên thế giới suy giảm mạnh, diện tích rừng trồng thấp, thì Việt Nam là một trong 10 quốc gia có diện tích rừng tăng cao nhất, có diện tích rừng trồng lớn nhất thế giới.
Nói về tiềm năng bán tín chỉ carbon rừng tại Việt Nam, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, cho biết, tháng 10/2020, Việt Nam ký kết thỏa thuận chi trả giảm phát thải 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ với Ngân hàng Thế giới (WB). Theo đó, Việt Nam chuyển cho WB 10,3 triệu tấn, với giá 5 USD/tấn và khoảng 95% lượng này sẽ được tính đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Đến nay, các thủ tục về pháp lý, công tác chuẩn bị đã sẵn sàng và WB đã chuyển cho Việt Nam 80% tổng kinh phí, tương đương 41,2 triệu USD. “Đây là thỏa thuận đầu tiên về giảm phát thải được triển khai thành công ở nước ta, mang về nguồn tài chính không nhỏ, đồng thời góp phần tạo dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động này”, ông Bảo cho biết.
Khi thị trường tín chỉ carbon hoạt động, thu nhập của người trồng và bảo vệ rừng sẽ tăng thêm nhờ bán tín chỉ carbon.
Tại Hội nghị lần thứ 26, các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) năm 2021, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT và Giám đốc Tổ chức tăng cường tài chính lâm nghiệp Emergent, cơ quan quản lý hành chính của Liên minh giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính lâm nghiệp (LEAF), đã ký Ý định thư về giảm phát thải. Đây là căn cứ để hai bên đàm phán, ký kết và thực hiện thỏa thuận mua bán giảm phát thải từ rừng cho 11 tỉnh vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Theo Ý định thư này, Việt Nam dự kiến chuyển nhượng cho LEAF/Emergent 5,15 triệu tấn carbon giảm phát thải từ rừng tại vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên giai đoạn 2022-2026 với giá tối thiểu 10 USD/tấn carbon. Toàn bộ lượng tín chỉ chuyển nhượng cho LEAF sẽ được tính vào cam kết đóng góp giảm phát thải của Việt Nam.
“Thỏa thuận mua bán kết quả giảm phát thải chính thức được các bên ký kết, các chủ rừng ở Tây nguyên, Nam Trung Bộ sẽ có thêm nguồn thu nhập đáng kể để cải thiện sinh kế. Các địa phương sẽ có thêm nguồn lực để tái đầu tư cho công tác chăm sóc, bảo vệ rừng”, ông Bảo nói.
Được biết, tín chỉ carbon rừng được tạo ra từ các hoạt động dự án giảm phát thải nhà kính, như giảm mất rừng và suy thoái rừng; tăng cường bể hấp thụ từ hoạt động trồng rừng, trồng lại rừng, tái tạo thảm thực vật và hoạt động tăng cường quản lý rừng. Chủ rừng có thể quy đổi diện tích rừng đang quản lý, bảo vệ ra lượng hấp thụ khí CO2, ra tín chỉ carbon và có thể bán tín chỉ này tại thị trường carbon qua cơ chế giảm phát thải khí nhà kính. Điều đáng mừng, không chỉ ở số tiền cụ thể, mà quan trọng hơn, các địa phương sẽ có được nguồn thu lâu dài hằng năm từ việc bán tín chỉ này.
Hoàn thiện khoảng trống pháp lý
Ông Nguyễn Quốc Trị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, cho biết, thông qua việc bán tín chỉ carbon rừng tại 6 tỉnh Bắc Trung Bộ và ký Ý định thư về giảm phát thải các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, cho thấy tiềm năng rừng của Việt Nam không chỉ mang lại giá trị về gỗ, lâm sản, nước, mà còn tiềm năng dịch vụ hấp thụ và lưu trữ carbon rừng rất lớn.
Theo tính toán, mỗi năm rừng Việt Nam có thể hấp thụ gần 70 triệu tấn carbon và phát thải của lĩnh vực lâm nghiệp (bao gồm khai thác, trồng rừng, thậm chí kể cả cháy rừng, phá rừng…) khoảng 30 triệu tấn carbon.
“Như vậy, mỗi năm còn thu ròng khoảng 40 triệu tấn tín chỉ carbon. Nếu bán với giá carbon tự nguyện là 5 USD/tấn, chúng ta có thể thu được khoảng 200 triệu USD/năm. Đây là con số lớn để giúp mang lại nguồn thu đáng kể cho chủ rừng”, ông Trị nhấn mạnh.
Nguồn thu này sẽ được huy động bổ sung nguồn tài chính để tái đầu tư vào rừng; tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện sinh kế cho các chủ rừng, người dân nông thôn; bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường. Đến nay, ước tính có khoảng 25 triệu người với trên 12 triệu người là đồng bào dân tộc thiểu số đang sống gần rừng hằng ngày thực hiện hoạt động hưởng lợi trực tiếp hoặc gián tiếp từ rừng.
Luật Lâm nghiệp 2017 (hai Điều 61 và 63) quy định dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng là 1 trong 5 loại hình dịch vụ môi trường rừng nhưng đến nay chưa có quy định cụ thể để triển khai. Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo cho biết, thị trường carbon đã được đề cập tại một số văn bản, tuy nhiên vẫn thiếu những quy định cụ thể. Do đó, ưu tiên cấp thiết hiện nay là cần nhận diện những “khoảng trống” pháp lý, từ đó đề xuất sửa đổi, bổ sung thể chế, chính sách tương ứng, phù hợp để hình thành, vận hành thị trường carbon.
Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon là văn bản pháp lý đầu tiên có những quy định lộ trình phát triển thị trường carbon trong nước được xây dựng, thí điểm, tăng cường năng lực từ nay đến hết năm 2027 và sẽ tổ chức vận hành giao dịch tín chỉ carbon chính thức trong năm 2028. Hiện tại, Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng đề án phát triển thị trường carbon trong nước để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Theo ông Bảo, Cục Lâm nghiệp đang xây dựng thông tư hướng dẫn kiểm kê khí nhà kính và đo đạc, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính lĩnh vực sử dụng đất và lâm nghiệp; được Bộ Nông nghiệp và PTNT giao xây dựng đề án đàm phán thỏa thuận mua bán giảm phát thải khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ trình Thủ tướng để tiến hành thương mại tín chỉ carbon rừng với Tổ chức Tăng cường Tài chính Lâm nghiệp.
Cục Lâm nghiệp đã tham mưu Bộ Nông nghiệp và PTNT trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 156/2018/NĐ-CP, trong đó đề xuất bổ sung nội dung về thí điểm chi trả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng, giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh (Luật Lâm nghiệp, Điều 72a).
“Đây là cơ sở pháp lý đầy đủ về giao dịch tín chỉ carbon rừng để Việt Nam có thể bán tín chỉ carbon rừng - điều mà nhiều địa phương, các nhà đầu tư đang rất mong đợi”, ông Bảo thông tin.
Cần tư duy mới về rừng
Đại diện Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính là cam kết lâu dài của Việt Nam tại COP26. Việc WB chi 51,5 triệu USD mua 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng giai đoạn 2018-2024 tại các tỉnh Bắc Trung Bộ là tín hiệu tích cực trong việc thúc đẩy lập sàn giao dịch carbon vào năm 2025, tạo nguồn tài chính cho Việt Nam.
Một phần khoản tiền này sẽ quay lại hỗ trợ các địa phương Bắc Trung Bộ trong việc nghiên cứu, xây dựng chính sách bảo vệ, phát triển rừng, bảo đảm sinh kế cho người dân giữ rừng. Bản chất ký kết giữa WB với Việt Nam trong việc mua 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng không hẳn mang tính thị trường. Đây là khoản hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong bảo vệ, phát triển rừng, giảm phát thải khí nhà kính. WB có một quỹ về hỗ trợ bảo vệ, phát triển rừng tại các quốc gia có diện tích rừng lớn và thay vì đưa tiền tài trợ cho Việt Nam. WB cũng yêu cầu, với lượng hấp thụ carbon khu vực rừng mà tổ chức này đã mua, Việt Nam không được bán cho đối tác khác.
Ông Trần Quang Bảo thông tin: Để xã hội hóa nghề rừng, phát huy giá trị đa dụng của rừng, trong Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, có một số điều quy định cho phép thuê môi trường rừng để trồng dược liệu. Như vậy, thị trường carbon không chỉ hỗ trợ mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế xanh. Những công cụ hỗ trợ giảm phát thải carbon hiện nay ngoài các tiêu chuẩn, quy chuẩn còn có những công cụ kinh tế, thuế.
Về phía chuyên gia, GS Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng nêu quan điểm: Trước đây, rừng tự nhiên cho 400-500m3 gỗ/ha. Cũng là cánh rừng tự nhiên này nhưng đến nay, chỉ cho 150-200m3/gỗ/ha. Điều này cho thấy, chất lượng rừng không cao do nạn chặt phá, đốt rừng lấy gỗ, làm nương rẫy. Để cải thiện chất lượng rừng, Nhà nước cần quan tâm đầu tư; tăng khối lượng gỗ sẽ đồng nghĩa với tăng hấp thụ carbon và nhờ đó, tín chỉ carbon rừng cũng sẽ tăng lên.
Thế giới và Việt Nam đang tập trung theo đuổi mục tiêu phát thải ròng bằng 0, nhiệm vụ cần thiết là các cơ quan Nhà nước sớm có những định hướng thúc đẩy và hỗ trợ đưa ra các giải pháp thật sự hiệu quả trên cơ sở vì cộng đồng và thấu hiểu được các khó khăn của doanh nghiệp nhằm phát triển rừng bền vững. Cần thiết có một tư duy mới về rừng trong bối cảnh phải cân đối giữa sứ mệnh giữ rừng và tạo ra giá trị từ rừng.
Doanh nghiệp cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng
Nhu cầu về trao đổi và mua bán tín chỉ carbon đang ngày càng tăng. Chính phủ đặt mục tiêu năm 2025 thí điểm vận hành thị trường trao đổi tín chỉ carbon và vận hành chính thức từ năm 2028. Ngay bây giờ, doanh nghiệp nên nắm bắt lộ trình ấy để đi cùng nhịp với thị trường trong nước và quốc tế.
Tham gia vào thị trường tín chỉ carbon là động lực phát triển, đổi mới công nghệ, phát thải thấp, hướng đến nền kinh tế trung hòa carbon. Doanh nghiệp, tổ chức và quốc gia tham gia vào thị trường carbon nhận được lợi ích hai chiều: Giảm lượng khí nhà kính, góp phần phát triển bền vững, đồng thời được công nhận bằng tín chỉ carbon. Doanh nghiệp cũng được hưởng lợi từ việc bán tín chỉ carbon và xây dựng hình ảnh thương hiệu đối với người tiêu dùng. Việc tiếp cận nguồn tài chính xanh để hiện thực hóa thị trường carbon là cơ hội mà các bên cần nắm bắt.
Nhu cầu về trao đổi và mua bán tín chỉ carbon đang ngày càng tăng.
Ông Thái Trần, CEO Hanam Group, cho rằng, “cuộc chơi” tín chỉ carbon phải là cuộc chơi cho cả doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), chứ không chỉ dành cho những “người khổng lồ”. Để làm được điều đó, Chính phủ cần phải có chính sách công bằng, chia sẻ cơ hội đồng đều cho những đơn vị đạt được những tiêu chuẩn chung.
Theo quan điểm của ông Mã Thanh Danh, đối với doanh nghiệp SMEs không đủ nguồn lực thì nên bắt đầu từ người lãnh đạo. Chủ doanh nghiệp phải thay đổi quan điểm, dù doanh nghiệp nhỏ nhưng phải nghĩ đến việc bảo vệ môi trường, nghĩ về trách nhiệm xã hội thông qua xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Trước đây cần bộ tiêu chuẩn về quản lý chất lượng sản phẩm (ISO), nhưng trong một sân chơi hướng về nền kinh tế Zero carbon, doanh nghiệp phải tham gia vào vòng tròn khép kín của kinh tế tuần hoàn. Giờ đây doanh nghiệp càng cần quan tâm đến đầu vào, lựa chọn đối tác, bạn hàng, nhất là dựa trên yếu tố phát triển bền vững. Doanh nghiệp cũng phải hòa mình vào trách nhiệm chung thông qua thực hành ESG (bộ ba tiêu chuẩn, gồm: môi trường, xã hội, quản trị) - một trong nhiều yếu tố then chốt để tạo ra và bán được tín chỉ carbon cùng với việc phải có báo cáo phát thải cũng như giảm phát thải.
Bà Trịnh Thị Vân Anh, Quản lý phát triển bền vững ngành hàng may mặc Decathlon Việt Nam, chia sẻ, tín chỉ carbon là thị trường nhiều tiềm năng nhưng mới mẻ với doanh nghiệp. Doanh nghiệp vẫn loay hoay trong việc tìm kiếm và tiếp cận nguồn thông tin chính thống để biết mình phải bắt đầu từ đâu, có nên đầu tư chi phí và công sức cho thị trường carbon hay không. Do đó cần lắm những hướng dẫn, quy định và hành lang pháp lý từ các cơ quan nhà nước.
Ông Hồ Mạnh Dũng, thành viên Tập đoàn Sao Mai chia sẻ, quá trình từ khi tiếp cận đến khi bán được tín chỉ carbon là khá vất đối với doanh nghiệp. Bên cạnh việc đáp ứng bộ tiêu chí khắt khe còn là việc chuẩn bị thủ tục kéo dài, chi phí bỏ ra không nhỏ.
“Chính phủ cần có lộ trình rõ ràng về tín chỉ carbon, là điểm tựa vững chắc để doanh nghiệp thực hiện mục tiêu chung”, ông Dũng nói thêm.
Quy đổi tín chỉ carbon Tín chỉ carbon là giấy phép cho phép mỗi cơ sở sản xuất kinh doanh phát thải khí carbon. Mỗi tín chỉ carbon được xác nhận là 1 tấn carbon dioxide, hoặc 1 tấn khí nhà kính khác quy đổi ra 1 tấn carbon, gọi chung là 1 tấn carbon (viết tắt là CO2). Tín chỉ carbon rừng được xác định từ lượng carbon hoặc CO2 được tạo ra từ hoạt động REDD+. Chủ rừng có thể quy đổi diện tích rừng đang quản lý, bảo vệ ra lượng hấp thụ khí carbon, ra tín chỉ carbon và có thể bán tín chỉ này tại thị trường carbon qua cơ chế giảm phát thải khí nhà kính. |
Nuôi dưỡng sắc đẹp không nhất thiết phải áp dụng những phương pháp cầu kỳ, tốn kém nhiều thời gian và chi phí. Bổ sung dưỡng chất từ sữa đậu nành tiện lợi là phương pháp làm đẹp được nhiều phụ nữ hiện đại lựa chọn, không chỉ giúp đơn giản hóa quá trình chăm sóc sắc đẹp mà còn xây dựng nền tảng sức khỏe vững chắc.
Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…
Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.