Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 7 tháng 10 năm 2022 | 14:32

Thủy sản “chạy nước rút” tháo gỡ thẻ vàng, DN kỳ vọng thị trường mùa lễ hội cuối năm

Các doanh nghiệp kỳ vọng, nhu cầu mặt hàng thủy sản từ các thị trường trọng điểm như Mỹ, EU, Nhật Bản,... sẽ tăng từ tháng 10/2022 để phục vụ mùa lễ hội cuối năm.

Việt Nam khó gỡ thẻ vàng nếu còn tình trạng tàu cá vi phạm về giám sát hành trình.

Nỗ lực tháo gỡ thẻ vàng IUU

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Trưởng Ban Điều hành IUU VASEP, cho biết nếu năm 2011, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 6 tỷ USD thì đến năm 2021 tăng lên gần 9 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường châu Âu (EU) từ 1-1,4 tỷ USD mỗi năm, chiếm 15-17% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đi các thị trường.

Sau khi EC ra cảnh báo thẻ vàng, xuất khẩu thủy sản khai thác của Việt Nam liên tục giảm sau 4 năm. Trong giai đoạn 2017 – 2019, sau 2 năm chịu tác động từ thẻ vàng IUU, xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU giảm 12%, tương đương 183,5 triệu USD. Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu hải sản giảm trên 10%, tương đương giảm 43 triệu USD.

Năm 2020, xuất khẩu sang EU sụt giảm sâu nhất vì tác động kép của thẻ vàng IUU và dịch Covid-19. Đến năm 2021, xuất khẩu các sản phẩm đều tăng trở lại nhờ tác động của Hiệp định EVFTA và dịch Covid-19 làm tăng giá xuất khẩu, tăng nhu cầu nhập khẩu một số mặt hàng, trừ cá tra.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết theo kế hoạch vào cuối tháng 10 này, Đoàn kiểm tra của EC sẽ đến Việt Nam trực tiếp kiểm tra việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU), dự kiến việc kiểm tra rất gắt gao.

 Thế nhưng đến hiện tại, các công việc cần làm vẫn ngổn ngang. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phải trực tiếp xử lý vấn đề này. Thế nhưng thẻ vàng IUU vẫn đeo đuổi và ám ảnh suốt 5 năm qua, chưa biết đến bao giờ mới gỡ được.

“Dư luận cứ đổ hết trách nhiệm lên Bộ, trong khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không có biển, không có tàu. Các địa phương triển khai chống khai thác hải sản bất hợp pháp IUU không phải để đối phó với Bộ. Ngư dân tuân thủ pháp luật không phải để đối phó với Bộ, mà đó chính là quyền lợi của ngư dân. Nếu bị thẻ đỏ, thì sẽ không xuất khẩu được hải sản, lúc đó ngư dân đánh được cá cũng không bán được. Tất cả các địa phương nếu không cùng quyết liệt đồng hành thì đừng mong gỡ thẻ vàng IUU”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cảnh báo.

Nhằm chuẩn bị triển khai công việc nước rút trước khi đón đoàn của EC sang kiểm tra, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết trong những ngày tới, Bộ đội Biên phòng đã nhất trí theo đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lực lượng nay sẽ cùng các cảng cá và các địa phương thực hiện kiểm soát thật chặt chẽ khi tàu xuất bến, đủ điều kiện mới được ra khơi. Đối với các tàu vi phạm vùng biển nước ngoài, sẽ giao cho cả cảnh sát biển xử lý.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT cho hay: "Để đáp ứng được yêu cầu của EC để gỡ thẻ vàng thì vẫn còn nhiều việc phải làm. Theo đó, cần hoàn thiện Nghị định 42/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, trong đó có nội dung về xử phạt nguội; sửa đổi Nghị định 26/2019/NĐ-CP hướng dẫn luật Thủy sản; Nghị định 67/2014/NĐ-CP về chính sách phát triển thủy sản.

Về việc gắn định vị VMS trên tàu, dù hiện chỉ còn tỷ lệ ít chưa gắn định vị, nhưng số này lại là những tàu có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài nên cần phải gắn định vị 100%, đặc biệt là những tàu 15m trở lên. Trong khi EC yêu cầu kể cả tàu nằm bờ cũng phải bật định vị để kiểm soát. Vì vậy, các chủ tàu, các địa phương phải phối hợp thực hiện thật chặt chẽ, nghiêm túc".

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng: "Nếu bị áp dụng thẻ đỏ, lệnh cấm thương mại sẽ được áp dụng hoàn toàn đối với các sản phẩm thủy sản khai thác. Năm 2022, ước tính xuất khẩu thủy sản sang EU đạt trên 1,4 tỷ USD, trong đó hải sản khoảng 420 triệu USD, thủy sản nuôi khoảng 980 triệu USD. Như vậy, nếu thẻ đỏ xảy ra từ 2023 thì thiệt hại xuất khẩu riêng sang EU có thể lên tới 518 triệu USD.

Về lâu dài, nếu thẻ đỏ kéo dài từ 2-3 năm, toàn bộ ngành sẽ bị ảnh hưởng. Cụ thể, ngành khai thác và chế biến hải sản khai thác sẽ giảm ít nhất 30% so với công suất hiện tại, dẫn đến giảm giá trị xuất khẩu, ảnh hưởng việc làm và việc xóa đói giảm nghèo.

Thị trường EU yêu cầu các tiêu chuẩn chất lượng cao nhất đối với sản phẩm nhập khẩu và đưa ra mức giá tốt, điều này đòi hỏi các nhà sản xuất phải liên tục đổi mới và phát triển hệ thống sản xuất của họ để đáp ứng các yêu cầu của thị trường. Tuy nhiên, nếu ngành này mất đi thị trường tiêu chuẩn cao, thì ngành đó cũng mất động lực để nâng cấp chuỗi giá trị của mình. Hơn thế nữa, lệnh cấm sẽ ảnh hưởng đến uy tín của các sản phẩm thủy sản Việt Nam. Các thị trường khác như Mỹ, Nhật Bản… cũng có thể sẽ làm theo quy định IUU của EU".

Nỗ lực về đích đúng hẹn

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tháng 9/2022, xuất khẩu thủy sản ước đạt trên 850 triệu USD, cao hơn 36% so với cùng kỳ năm 2021. Dù vậy, đây là lần đầu tiên sau 7 tháng, xuất khẩu thủy sản rơi xuống mức dưới 900 triệu USD.

Tính chung 9 tháng năm nay, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam chạm mốc 8,5 tỷ USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2021.

Chế biến cá tra phục vụ nhu cầu xuất khẩu.

Theo bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Xúc tiến thương mại VASEP, lạm phát đang tác động giảm nhu cầu nhập khẩu của các thị trường nên xuất khẩu thủy sản sang các thị trường chính đều tăng trưởng chậm lại trong tháng 9.

Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc mang về doanh số cao nhất trong tháng 9 với 153 triệu USD, tăng 97% so với cùng kỳ năm 2021, tuy nhiên vẫn thấp hơn 1,4% so với tháng 7/2022.

Trong khi đó, xuất khẩu sang Mỹ giảm 11% so với cùng kỳ, đạt 140 triệu USD. Xuất khẩu sang EU và Hàn Quốc vẫn giữ được mức tăng lần lượt 31% và 19% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong tháng 9, xuất khẩu các sản phẩm thủy sản chính đều tăng so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, cá tra vẫn giữ mức tăng trưởng cao nhất, tăng 97% đạt 161 triệu USD. Lạm phát làm giảm nhu cầu nhiều sản phẩm thủy sản, nhưng cá tra vẫn là mặt hàng lợi thế vì có giá phù hợp với túi tiền người tiêu dùng bình dân.

Xuất khẩu tôm trong tháng 9 đạt gần 350 triệu USD, tăng 13%, mức tăng thấp nhất trong các sản phẩm chính. Việc thiếu tôm nguyên liệu cộng với nhu cầu tại các thị trường đang chững lại vì lạm phát giá, khiến xuất khẩu tôm giảm so với tháng trước. Trong khi các sản phẩm hải sản như cá ngừ tăng 44%, mực, bạch tuộc tăng 40% và các loại cá biển khác tăng 55% trong tháng 9/2022.

Lũy kế đến hết tháng 9/2022, xuất khẩu tôm mang về gần 3,4 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2021; cá tra cũng thu về gần 2 tỷ USD, tăng 82%; các sản phẩm hải sản đạt gần 3,2 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong 9 tháng, Mỹ vẫn là thị trường chiếm tỷ trọng cao nhất với gần 1,8 tỷ USD, tăng 22%; xuất khẩu sang khối các nước thuộc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đạt gần 2,2 tỷ USD, tăng 41%; xuất khẩu thủy sản sang Liên minh châu Âu (EU) đã vượt 1 tỷ USD, tăng 41% so với cùng kỳ.

Trung Quốc vẫn là thị trường có tăng trưởng cao nhất 76% đạt 1,35 tỷ USD trong 9 tháng qua. Dù Trung Quốc là thị trường khó đoán định, nhưng đây vẫn là thị trường mục tiêu của các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam trong những tháng cuối năm vì nhu cầu đang hồi phục và yếu tố địa lý thuận lợi cũng là lựa chọn của nhiều doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh chi phí vận tải và ách tắc vận chuyển vẫn là vấn đề lớn của thương mại toàn cầu.

VASEP dự báo, đến hết tháng 11, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã có thể hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD như kỳ vọng của toàn ngành cũng như mục tiêu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt ra.

Doanh nghiệp tính kế vượt khó

Những tháng cuối năm, toàn ngành phải tiếp tục đối mặt với các vấn đề về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và áp lực cạnh tranh của đối thủ từ các nước Ấn Độ, Indonesia, đặc biệt là Ecuador về giá. Nguyên nhân do giá thành tôm nguyên liệu trong nước luôn cao hơn các nước từ 20 - 30%.

Đáng lo ngại là dù đã có sức cạnh tranh mạnh hơn Việt Nam, các đối thủ này vẫn chưa dừng lại mục tiêu mở rộng thị trường bằng các kế hoạch mới.

Mới đây, Cơ quan Phát triển Xuất khẩu Sản phẩm thủy sản Ấn Độ (MPEDA) cho biết, nước này đang đặt mục tiêu đa dạng hóa hơn nữa sản lượng thủy sản nuôi trồng trong những năm tới. Trước đó, Ấn Độ cũng đẩy mạnh phát triển các thị trường mới cho ngành tôm. Trong đó, tôm chân trắng vẫn sẽ chiếm phần lớn nhất trong xuất khẩu của nước này.

MPEDA dự kiến, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Ấn Độ sẽ tăng trưởng 15%, đạt 8,8 tỷ USD trong năm 2022/2023 và cán mốc 14 tỷ USD trong năm 2025/2026. Bên cạnh đó, nhiều nông dân Ấn Độ có thể sẽ chuyển dần sang sản xuất tôm sú, vì đây là loại có nguồn gốc trong nước và có giá bán tốt hơn.

Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu.

Indonesia cũng không ngừng gia tăng hợp tác với Nga trong lĩnh vực thủy sản nhằm tăng cường xuất khẩu các sản phẩm sang Nga. Trong Diễn đàn Thủy sản và Triển lãm Toàn cầu lần thứ năm tại Nga, Bộ hàng hải và Nghề cá Indonesia (KKP) đã yêu cầu một thỏa thuận nhằm tăng cường hợp tác thương mại các sản phẩm thủy sản giữa hai nước.

Nếu thỏa thuận này được ký kết tại Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 11/2022, Nga sẽ trở thành một trong những thị trường mục tiêu tiềm năng tiếp theo của Indonesia.

Về tiêu thụ, EU - thị trường chính của Việt Nam có thể sẽ giảm tiêu thụ 7% so với năm ngoái, xuống chỉ còn 9,42 triệu tấn (Hiệp hội Thương nhân và Chế biến Cá EU). Tiêu thụ thủy sản ở 27 nước thành viên EU có thể sẽ giảm xuống dưới 10 triệu tấn vào năm 2022, trong bối cảnh nguồn cung từ Nga gặp vấn đề do xung đột với Ukraine.

Trong đó, tiêu thụ bình quân đầu người trong khối đã giảm từ 23,6kg của năm 2020 xuống 22,6kg vào năm 2021 và dự báo sẽ tiếp tục giảm xuống 21,1kg vào năm 2022.

Ở trong nước, CTCP Thực phẩm Sao Ta (mã FMC) mới đây cho biết, tình hình nuôi tôm không tốt, khiến giá tôm thương phẩm duy trì ở mức khá cao, thêm bất lợi cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Từ tháng 9 đến cuối năm 2022, ban lãnh đạo FMC dự báo kim ngạch xuất khẩu tôm sẽ giảm mạnh so những tháng trước đây.

CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (mã MPC) cũng nhận định nửa cuối năm là giai đoạn khó khăn với thị trường tôm vì lạm phát, dịch bệnh và thời tiết. Năm nay, tình hình dịch bệnh trên tôm diễn biến phức tạp hơn mọi năm, mưa nhiều khiến bà con phải thu hoạch tôm sớm và hạn chế thả giống. Đồng thời, lạm phát cũng khiến thị trường tiêu thụ khó khăn. Do đó, năm 2022, lượng và giá trị xuất khẩu của MPC có thể thấp hơn so với kế hoạch, song lợi nhuận vẫn sẽ đạt.

Giai đoạn 2021 - 2025, MPC sẽ tập trung xây dựng chuỗi giá trị tôm Việt Nam xanh, sạch, bền vững có giá thành cạnh tranh so với Ấn Độ, Indonesia và Ecuador, cùng với đó là nâng cao năng suất chế biến và giảm giá vốn hàng bán. Thời gian tới, Tập đoàn sẽ tiếp tục mục tiêu xây dựng hệ sinh thái bền vững, hướng thiện với chuỗi giá trị tôm có trách nhiệm và đầu cuối.

Đến nay, FMC cũng đã đạt 3/4 chỉ tiêu doanh số và lợi nhuận, ban lãnh đạo cho biết sẽ hoàn thành lời hứa với cổ đông ở đại hội thường niên. Sắp tới, Công ty sẽ tập trung bán thị trường gần để giá bán không tăng ảo do chi phí thuê tàu vận chuyển quá cao (giá thuê container có giảm, nhưng mức giảm chưa như mong muốn). Trong hoàn cảnh tôm nguyên liệu không nhiều và giá cao, FMC tập trung vào khách hàng tiêu thụ sản phẩm tinh chế, bởi đây cũng là thế mạnh của FMC. Sách lược này đã thực thi từ đầu năm 2021, đến nay có kết quả khả quan.

Song song, FMC đã nỗ lực tổ chức nuôi tôm mùa nghịch như mọi năm. Việc này, ngoài ý nghĩa tăng sự chủ động nguyên liệu, tăng sức thuyết phục khách hàng về khả năng kiểm soát cả tiến trình tạo ra sản phẩm của mình, còn có ý nghĩa nếu kết quả nuôi khả quan sẽ góp phần làm giảm giá thành sản phẩm cuối cùng của mình, tăng lợi nhuận chung cả FMC.

Các doanh nghiệp cũng mong rằng, nhu cầu mặt hàng thủy sản từ các thị trường trọng điểm như Mỹ, EU, Nhật Bản,.. sẽ tăng từ tháng 10/2022 để phục vụ mùa lễ hội cuối năm.

Một điểm sáng với toàn ngành là thị trường Trung Quốc đang có dấu hiệu mở cửa trở lại sau chính sách zero Covid. Nhờ đó, nhu cầu có thể tăng nhanh vì người tiêu dùng Trung Quốc đã có sự tín nhiệm các mặt hàng thủy sản của Việt Nam như: tôm, mực, cá tra... Trong 9 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc cũng là thị trường có tăng trưởng cao nhất của Việt Nam với mức tăng 76%, đạt 1,35 tỷ USD.

Đặc biệt, các doanh nghiệp đang xuất khẩu thủy sản bằng đồng USD sẽ càng có thêm lợi thế, bởi đồng NDT đang mất giá và chạm mức thấp nhất trong 28 tháng qua. USD tăng giá cùng với sự gia tăng tích trữ nguồn hàng cho các kỳ nghỉ lễ trong quý IV, dự kiến sẽ thúc đẩy giá cả tại Trung Quốc tăng bất chấp các hạn chế của Covid-19 tại nước này./.

 

Thanh Tâm (T/h)
Ý kiến bạn đọc
Top