Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 1 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 26 tháng 6 năm 2023 | 14:19

Tiêu thụ trái cây chính vụ: Cần đa dạng kênh phân phối

Thời điểm này, nhiều địa phương trong nước đang bước vào thu hoạch chính vụ nhiều loại nông sản, trái cây với sản lượng lớn, tạo áp lực lên thị trường tiêu thụ.

Trước tình hình này, nhiều hình thức quảng bá, xúc tiến thương mại đã được triển khai để mở rộng thị trường, kích cầu tiêu thụ trái cây.

Nguồn cung dồi dào

Thông tin từ Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), sản lượng trái cây cả nước trong quý II ước đạt trên 2,6 triệu tấn. Trong đó, chuối khoảng 460.000 tấn, sầu riêng 300.000 tấn, vải thiều 330.000 tấn, nhãn 110.000 tấn. Ngoài ra, hàng trăm nghìn tấn dứa, xoài, cam, thanh long cũng vào vụ thu hoạch.

Trong khi đó, con số này được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong quý III và quý IV năm nay, dự kiến có gần 7,6 triệu tấn các loại trái cây chính vụ cần tiêu thụ như xoài, chuối, thanh long, dứa, cam, vải, nhãn, sầu riêng, mít, bơ...

Trong đó, các tỉnh phía Bắc như Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương... được mùa vải, nhu cầu tiêu thụ rất cao trong thời gian ngắn. Bắc Giang có hơn 29.000ha vải với sản lượng khoảng 180.000 tấn quả vải; Thanh Hà (Hải Dương) có 3.265ha vải, sản lượng khoảng 40.000 tấn; Sơn La có hơn 84.700ha cây ăn quả các loại, trong đó xoài, nhãn, chuối, mận... có sản lượng lớn.

Nhiều hệ thống siêu thị hỗ trợ tiêu thụ nông sản ở các địa phương.

Mặc dù nguồn cung dồi dào, giá ổn định, tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình kinh tế còn gặp khó khăn, người dân, nhất là công nhân, người lao động ngày càng thắt chặt chi tiêu khi vật giá vẫn còn ở mức cao. Vì vậy, sức mua các loại trái cây suy giảm mạnh. Theo nhiều tiểu thương, năm nay, sức mua các mặt hàng trái cây hè giảm khoảng 30 - 40% so với năm trước.

Các chuyên gia đánh giá, trái cây Việt Nam gần đây có sự gia tăng mạnh về sản lượng, đa dạng về chủng loại, được hầu hết thị trường nhập khẩu đánh giá rất cao nhưng khó đi xa vì không bảo quản được lâu.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, chia sẻ, khó khăn lớn nhất của ngành rau quả chính là khâu sơ chế, bảo quản. Bên cạnh đó, trái cây tươi trong nước cũng đối mặt với nhiều thách thức khi thị trường có nhiều thay đổi, nhất là yêu cầu tiêu chuẩn xuất khẩu rau, trái cây tươi ngày càng khắt khe hơn.

Đa dạng kênh phân phối

Để tránh sự dư thừa sản phẩm sau thu hoạch, nhiều địa phương trên cả nước đã hỗ trợ kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ  nông sản giúp nông dân thoát khỏi vòng  “được mùa, mất giá”.

Điển hình, ngay từ khi chuẩn bị bước vào vụ vải, tỉnh Bắc Giang đã lên kế hoạch chuẩn bị đón tiếp các thương nhân Trung Quốc. Địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất kinh doanh tiêu thụ vải thiều, đặc biệt là nguồn vốn cho lưu thông và nguồn điện cho các cơ sở sản xuất thùng xốp, nước đá, các dịch vụ hỗ trợ cho thu hoạch và tiêu thụ vải thiều.

Thủ đô Hà Nội, với dân số hơn 10 triệu người, là thị trường tiêu thụ chính mà các tỉnh, thành hướng tới. Ngay từ quý I/2023, các tỉnh, thành phố đã triển khai công tác xúc tiến thương mại, kết nối với Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Hà Nội và các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn để giới thiệu và tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng, nông sản, trái cây chính vụ.

Nhiều sản phẩm có thế mạnh của các địa phương đã được các doanh nghiệp phân phối lớn của Hà Nội như Aeon, Central Retail, MM Mega Market, Win Mart... tư vấn hỗ trợ về thiết kế mẫu mã, bao bì, đưa vào kênh phân phối hiện đại tiêu thụ, không chỉ trên thị trường Hà Nội, mà còn mở ra cơ hội vào hệ thống phân phối nước ngoài tại Nhật Bản, Thái Lan...

Đặc biệt, cùng các kênh tiêu thụ chủ yếu thông qua các thương nhân phân phối, chợ đầu mối các tỉnh; các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, nhiều địa phương, doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử lớn trong nước và quốc tế (Voso, Sendo, Tiki, Shopee, Lazada, Postmart, Alibaba, Amazon…); bán trực tuyến trên nền tảng online, mạng xã hội: Facebook, Zalo, Youtube…

Sản xuất theo tín hiệu thị trường để thúc đẩy xuất khẩu

Nhiều chuyên gia cho rằng, những giải pháp trên chỉ là phần ngọn. Điều cốt lõi vẫn là tổ chức lại sản xuất, bởi, nếu cứ sản xuất theo kiểu mù mờ, thiếu thông tin định hướng, dễ dẫn đến tình trạng sản phẩm không đáp ứng được tiêu chuẩn của thị trường,  thiệt thòi nhất là người nông dân.

Do vậy, giải pháp căn cơ nhất hiện nay là sản xuất theo tín hiệu thị trường, đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân. Cần đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất để bắt kịp xu hướng tiêu dùng xanh mà các thị trường khó tính đang đặt ra.

PGS.TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam, cho rằng, doanh nghiệp và nông dân muốn bán hàng ở đâu thì phải theo định hướng và yêu cầu của thị trường đó, chứ không thể giống nhau. Ví dụ, cùng là thanh long, nhưng có thị trường ưa chuộng loại trái nhỏ vì người dân có thói quen ăn một trái; trong khi có thị trường người tiêu dùng có tập quán ăn chung nên cần loại trái lớn.

Vì vậy, muốn bán được hàng với giá trị cao, trước tiên phải thực hiện nghiên cứu thị trường, ghi nhận yêu cầu của nơi nhập khẩu như thế nào để đáp ứng. Về lâu dài, nên ký được hợp đồng trước, rồi bắt tay vào sản xuất, chứ sản xuất xong mới đi tìm thị trường, sẽ rất rủi ro.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT cần tổ chức nhiều tổ khuyến nông cộng đồng ở cấp cơ sở, theo hướng “cầm tay chỉ việc”, giúp nông dân có nguồn thông tin chính thống. Đây cũng là cơ sở để bà con tăng cường khả năng tiếp xúc, kết nối với doanh nghiệp, tạo tiền đề cho việc tái cơ cấu, chuyển đổi vùng nguyên liệu theo hướng xanh, bền vững, đúng với xu hướng tiêu dùng của thế giới.

Ngoài ra, để tránh tình trạng hao hụt sau khi thu hoạch, việc cấp thiết cần làm là phải xây dựng quy trình công nghệ thu hoạch, sơ chế, bảo quản trái cây tươi đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; áp dụng công nghệ xử lý và bảo quản nông sản. Qua đó, giúp bảo quản trái cây lâu hơn để chờ giá, vận chuyển đến các thị trường xuất khẩu có địa lý xa hơn.

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
Top