Bằng nhiều giải pháp, Đắk Nông đang xây dựng các chuỗi ngành hàng nông sản, hướng phát triển nông nghiệp thực sự là một trụ cột của nền kinh tế.
Tiêu thụ nông sản, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, liên kết tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, áp dụng khoa học kỹ thuật nâng cao chất lượng sản phẩm, tổ chức nhiều diễn đàn kết nối doanh nghiệp với nông dân…, đó là những giải pháp mà tỉnh Đắk Nông đang thực hiện để xây dựng các chuỗi ngành hàng nông sản, phát triển nông nghiệp thực sự là một trụ cột của nền kinh tế.
Giữa vườn cà chua đầy cỏ dại xanh mướt nhưng vẫn trĩu quả, chị Nguyễn Thị Loan, ở xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong, đang nhanh tay chọn hái những trái chín đỏ. Chị phấn khởi, từ khi liên kết trồng rau củ hữu cơ cùng hợp tác xã, gia đình chị đã có thu nhập ổn định. “Ngày trước đầu ra rất khó khăn vì rau mang ra chợ giá rất rẻ. Bây giờ đã có HTX lo đầu ra sản phẩm nên các hộ chỉ cần làm ra những sản phẩm tốt nhất sẽ có lợi nhuận và cứ thế phát triển”, chị Loan cho biết.
Ông Đặng Ngọc Hương, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đắk Ha, huyện Đắk Glong cho biết, đơn vị đang liên kết với gần 100 nông dân canh tác trên vùng nguyên liệu hơn 300ha. Sản phẩm rau củ quả hữu cơ làm ra bao nhiêu đều được các bạn hàng từ TP.HCM thu mua. Thành công đó trước hết đến từ việc hợp tác chặt chẽ với nông dân để sản xuất ra những sản phẩm chất lượng
“Điều quan trọng nhất là người dân phải kết hợp được với nhau, từ tuyên truyền vận động để xây dựng được chuỗi liên kết, xây dựng được tập thể đoàn kết mới phát triển mạnh được”, ông Hương nêu kinh nghiệm.
Cùng hướng liên kết chặt chẽ sản xuất nông sản theo chuỗi hàng hóa, HTX Thịnh Phát, ở xã Quảng Sơn, huyện Đăk Glong đã có những đơn hàng ổn định cho các mặt hàng rau củ, đặc biệt là cải thảo. “Hiện nay HTX đang liên kết với DN sản xuất cải thảo để làm món Kim Chi Hàn Quốc, tại nhà máy ở Long An và ở Đức Trọng (Lâm Đồng). Mới đây HTX cũng ký hợp đồng với DN ở Nam Nung nên hàng ngày bà con vẫn giao cải thảo về các địa chỉ trên cũng như phục vụ nhu cầu thu mua tại chỗ”, bà Nguyễn Thị Toản, Giám đốc HTX Thịnh Phát cho biết.
Để thúc đẩy tiêu thụ nông sản, theo ông Lê Anh Sơn, Giám đốc HTX Bình Minh, huyện Cư Jút, chất lượng nông sản là yếu tố hàng đầu để giữ được bạn hàng và mở rộng thị trường. “HTX đang tập trung làm hồ tiêu xuất khẩu sang Ấn Độ, Nhật Bản và Hà Lan. Sản phẩm được các bạn hàng rất trân trọng vì HTX hiểu được cuộc chơi. Hiện HTX đang mở rộng dự án với 525 nông dân và sẽ tăng thêm để làm sao họ sản xuất ra những sản phẩm đúng chuẩn”, ông Sơn nêu định hướng.
Hiện, Đắk Nông đã có 65 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản với khoảng 10.000 hộ dân tham gia. Đây là con số quá nhỏ so với thực tế ngành nông nghiệp tỉnh này. Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Nông thông tin, tỉnh có 4 ngành hàng chủ lực về cây công nghiệp, trong đó cà phê và hồ tiêu có diện tích, sản lượng hàng đầu khu vực Tây Nguyên. Bên cạnh đó là những sản phẩm tiềm năng và lợi thế về cây ăn trái các loại (khoảng 15.000ha gồm sầu riêng, bơ, chanh dây, xoài, mắc ca...), các loại rau, củ… (hơn 15.000ha).
Tìm thị trường cho nông sản, các sở ngành, địa phương ở Đắk Nông đã nhiều lần khảo sát phương thức mua bán tại các chợ đầu mối, các siêu thị lớn ở TP.HCM; tổ chức diễn đàn để các doanh nghiệp cùng nông dân, HTX trao đổi thông tin, tìm tiếng nói chung; mời gọi doanh nghiệp vào đầu tư cơ sở chế biến … Ông Phạm Tuấn Anh, cho biết, tỉnh đang thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể để kết nối nông dân hình thành các vùng nguyên liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước xây dựng các chuỗi hàng nông sản.
“Ngành nông nghiệp Đắk Nông sẽ tiếp tục hình thành các vùng nguyên liệu theo chuỗi ngành hàng, trong năm nay là tập trung ưu tiên cho cà phê vì đây là ngành hàng chủ lực, sau đó sẽ tiến hành với các ngành hàng khác. Mỗi vùng nguyên liệu sẽ hình thành các HTX làm đầu mối để kết nối với các DN bên ngoài. Các HTX là bà đỡ cho nông dân trong các khâu tổ chức sản xuất, kết nối tiêu thụ, kể cả vấn đề tài chính tín dụng…”, ông Phạm Tuấn Anh cho hay.
Đến nay, tỉnh Đắk Nông đã công nhận được 4 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về cà phê, hồ tiêu, lúa nước với quy mô gần 2.500ha; trên 85.000ha các loại cây trồng ứng dụng một phần công nghệ cao; có 60 sản phẩm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP. Tỉnh đã có 3 Liên hiệp HTX, 193 HTX nông nghiệp và hàng trăm tổ hợp tác, trang trại trong lĩnh vực này.
Cùng với việc từng bước đáp ứng những điều kiện để liên kết sản xuất theo chuỗi, Đắk Nông cũng đang hướng đến phát triển nông nghiệp đa giá trị, với những mô hình cà phê, cây ăn trái kết hợp du lịch, trải nghiệm… Đây là những bước đi đúng đắn để phát triển nông nghiệp thực sự là một trong 3 trụ cột kinh tế của tỉnh Đắk Nông theo Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh đã đặt ra cho giai đoạn tới.
Theo VOV.VN
Nuôi dưỡng sắc đẹp không nhất thiết phải áp dụng những phương pháp cầu kỳ, tốn kém nhiều thời gian và chi phí. Bổ sung dưỡng chất từ sữa đậu nành tiện lợi là phương pháp làm đẹp được nhiều phụ nữ hiện đại lựa chọn, không chỉ giúp đơn giản hóa quá trình chăm sóc sắc đẹp mà còn xây dựng nền tảng sức khỏe vững chắc.
Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…
Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.