Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 26 tháng 9 năm 2023 | 10:9

Ứng phó với biến đổi khí hậu: Phải hành động ngay

Các chuyên gia dự đoán, số ca tử vong đáng báo động liên quan đến biến đổi khí hậu dựa theo một số quy luật, đồng thời nhấn mạnh mức độ cần thiết phải hành động ngay.

1 tỷ người có nguy cơ tử vong do biến đổi khí hậu

Các chuyên gia dự đoán số ca tử vong đáng báo động liên quan đến biến đổi khí hậu dựa theo một số quy luật, bao gồm “quy luật 1.000 tấn”.

Bản đánh giá mới công bố trên tạp chí Energies, dựa trên 180 bài viết về tỷ lệ tử vong của người do biến đổi khí hậu, đưa ra một con số đáng lo ngại, Science Alert hôm 30/8 đưa tin. Vào khoảng thế kỷ tới, một tỷ người, thậm chí nhiều hơn, có thể thiệt mạng do thảm họa khí hậu.

Giống như đa số dự đoán, dự đoán này dựa trên một số giả định và quy luật, trong đó có “quy luật 1.000 tấn”. Theo đó, mỗi 1.000 tấn carbon mà nhân loại đốt cháy có thể gián tiếp kết án tử cho một người trong tương lai.

Nếu thế giới đạt mức nhiệt cao hơn 2 độ C so với nhiệt độ trung bình toàn cầu thời tiền công nghiệp - điều có khả năng xảy ra trong những thập kỷ tới - thì sẽ có nhiều sinh mạng mất đi. Tình từ thời điểm hiện tại, cứ mỗi 0,1 độ C nóng lên, thế giới có thể hứng chịu khoảng 100 triệu ca tử vong.

Trong tương lai, biến đổi khí hậu toàn cầu có thể khiến cháy rừng xảy ra thường xuyên hơn, hạn hán kéo dài hơn và bão mạnh hơn. (Ảnh: MellimageShutterstockMontree HanlueNASA)

Tỷ lệ tử vong của con người do biến đổi khí hậu rất khó tính toán, kể cả trong thời hiện đại. Theo Liên Hợp Quốc, hàng năm, các yếu tố môi trường lấy mạng khoảng 13 triệu người, nhưng chưa rõ bao nhiêu trong số đó do biến đổi khí hậu tác động trực tiếp hoặc gián tiếp. Một số chuyên gia cho rằng nhiệt độ bất thường giết chết khoảng 5 triệu người mỗi năm, nhưng số khác lại đưa ra ước tính thấp hơn.

Một trong những lý do khiến việc tính toán trở nên khó khăn là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu rất đa dạng. Mất mùa, hạn hán, lũ lụt, thời tiết khắc nghiệt, cháy rừng và nước biển dâng... đều có thể tác động đến cuộc sống con người theo những cách phức tạp.

Dự đoán số người chết trong tương lai do những thảm họa khí hậu này vốn là việc cực kỳ khó, nhưng chuyên gia năng lượng Joshua Pearce tại Đại học Western Ontario (Canada) và Richard Parncutt tại Đại học Graz (Áo), hai tác giả của bản đánh giá, cho rằng rất đáng để nghiên cứu. Theo hai chuyên gia, việc đo lượng khí thải theo các khía cạnh liên quan đến con người giúp công chúng dễ dàng tiếp nhận số liệu hơn, đồng thời nhấn mạnh mức độ cần thiết phải hành động ngay.

Pearce và Parncutt đã áp dụng quy luật 1.000 tấn cho mỏ than Adani Carmichael ở Australia, nơi dự kiến trở thành mỏ than lớn nhất từ trước đến nay. Họ cho rằng, việc đốt toàn bộ trữ lượng của mỏ than này có thể khiến khoảng 3 triệu người chết sớm trong tương lai.

Về mặt kỹ thuật, quy luật 1.000 tấn không tính đến các vòng lặp phản hồi khí hậu (sự ảnh hưởng của một quá trình khí hậu đến quá trình khác, từ đó tác động ngược trở lại quá trình ban đầu). Điều này có thể khiến trong tương lai, hậu quả môi trường từ khí thải carbon thậm chí còn diễn ra nhanh chóng và tồi tệ hơn. Quy luật 1.000 tấn thực chất cũng không phải một con số cụ thể mà là một phạm vi, nghĩa là khoảng 0,1 - 10 người chết trên 1.000 tấn carbon bị đốt cháy. Điều này đồng nghĩa kịch bản xấu hơn có thể xảy ra.

6 quốc gia dọc sông Mekong cam kết ứng phó biến đổi khí hậu

Mới đây, Tổng Thư ký Cơ quan Tài nguyên Nước quốc gia (ONWR) của Thái Lan Surasee Kittimonthon cho biết 6 quốc gia dọc sông Mekong đã cam kết ứng phó vấn đề biến đổi khí hậu.

Ông Surasee cho biết, ONWR đã đại diện cho Thái Lan tại các cuộc họp của Diễn đàn hợp tác tài nguyên nước Lan Thương-Mekong lần thứ 3 và Hội nghị Nước thế giới lần thứ 18 tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, từ ngày 10-13/9 vừa qua.

Cùng tham dự các cuộc họp còn có quan chức cấp cao của 6 nước thành viên Hợp tác Mekong-Lan Thương (MLC) gồm Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Việt Nam và Thái Lan. Sông Mekong dài 4.880km và là nguồn nuôi sống 326 triệu người ở các quốc gia này.

Theo quan chức Thái Lan, các cuộc họp được tổ chức để trao đổi kiến thức và công nghệ, đánh giá hiệu quả hoạt động của các dự án được quỹ đặc biệt MLC tài trợ.

Nội dung các cuộc họp cũng có phần báo cáo tiến độ trao đổi ý tưởng trong khuôn khổ hợp tác quản lý nước Mekong-Lan Thương giữa các nước thành viên.

Tại các cuộc họp, Thái Lan nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác giữa các nước thành viên trong quản lý tài nguyên nước thông qua mọi cơ chế của xã hội, bao gồm các cơ quan nhà nước, các khu vực xã hội dân sự và tư nhân hay thậm chí cả các tổ chức phụ nữ và thanh niên nhằm giải quyết tác động của biến đổi khí hậu như lũ lụt, hạn hán và nhu cầu về nước ngọt ngày càng gia tăng.

Ông Surasee cho biết Thái Lan đã đề xuất kế hoạch quản lý nước dựa trên kế hoạch tổng thể quốc gia quản lý nước 20 năm nhằm đạt được quản lý nước bền vững theo Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững.

Ngoài ra, các nước thành viên cũng đã nhất trí triển khai giai đoạn đầu của nghiên cứu chung giữa Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) và MLC nhằm mở đường cho việc chia sẻ thông tin tốt hơn về hoạt động của các hồ chứa trên dòng sông Mekong, vấn đề xả nước cũng như các giải pháp giảm thiểu tác động hạn hán hoặc lũ lụt dọc các khu vực ở các nước ở hạ lưu sông.

Ông Surasee thông báo một nhóm chuyên gia chung sẽ được thành lập để tiến hành nghiên cứu. Bên cạnh đó cũng sẽ có một cuộc khảo sát chung Lan Thương-Mekong để nghiên cứu tác động đối với các cộng đồng sống dọc sông.

Mực nước sông Mekong tại tỉnh Nakhon Phanom của Thái Lan. (Ảnh: Ngọc Quang).

Việt Nam tìm cách loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone

Chia sẻ tại hội thảo tham vấn về Kế hoạch quốc gia về quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát, sáng 15/9, ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho biết, giai đoạn 2020-2025 Việt Nam đặt mục tiêu loại trừ 35% mức tiêu thụ các chất HCFC. Đây là chất làm suy giảm ozone sử dụng chủ yếu trong các lĩnh vực điều hòa không khí, sản xuất xốp, thiết bị lạnh.

“Lượng hạn ngạch nhập khẩu các chất HCFC áp dụng cho Việt Nam chỉ còn 2.600 tấn, sẽ giảm dần trong giai đoạn sau đó cho đến khi dừng nhập khẩu các chất HCFC”, ông Quang nói.

Kết quả khảo sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, lượng tiêu thụ HCFC ở Việt Nam giảm mạnh do áp dụng biện pháp quản lý hạn ngạch nhập khẩu. Cụ thể từ mức dưới 3.600 tấn (năm 2019) xuống còn dưới 2.600 tấn/năm (trong giai đoạn từ 2020 đến nay).

Nhiều năm qua, Việt Nam triển khai nỗ lực triển khai các hoạt động đóng góp khôi phục tầng ozone. Một trong số đó là hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất thiết bị lạnh, xốp hay điều hòa không khí, thiết lập trạm trộn hệ nước... chuyển đổi công nghệ sản xuất để không sử dụng các chất HCFC nhằm loại trừ được 35% mức tiêu thụ cơ sở. Nhiều hoạt động xây dựng tiêu chuẩn đánh giá năng lực, chứng nhận kỹ thuật viên lĩnh vực dịch vụ bảo dưỡng điều hòa không khí, tiêu chuẩn quốc gia về sử dụng các chất trợ nở có tính cháy trong sản xuất xốp, hướng dẫn chuyển đổi công nghệ loại trừ HCFC được hỗ trợ. Đây là một phần cam kết của Việt Nam trong nỗ lực thực hiện Nghị định thư Montreal về bảo vệ môi trường.

Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone được thông qua tại Montreal (Canada) vào tháng 9/1987, áp đặt các biện pháp và nghĩa vụ loại trừ hoàn toàn sản xuất, sử dụng các chất làm suy giảm tầng ozone đối với các nước thành viên. Tháng 1/1994 Việt Nam chính thức tham gia nghị định thư Montreal. Hiện có 198 quốc gia tham gia.

Ngày quốc tế bảo vệ tầng ozone (16/9) năm 2023 có thông điệp “Nghị định thư Montreal: Khôi phục tầng ozone và giảm thiểu biến đổi khí hậu”. Nghị định thư Montreal đã đóng góp lớn trong việc hàn gắn lỗ thủng tầng ozone ngăn ngừa những hệ lụy tác động đến sức khỏe con người và các hệ sinh thái trên hành tinh. Đến nay, tầng ozone đang được khôi phục theo đúng lộ trình và dự báo đến năm 2066, Nam Cực sẽ được phục hồi trở lại như năm 1980. Hiện đã có 99% các chất làm suy giảm tầng ozone đã được loại trừ hoàn toàn. Nghị định thư Montreal đã bảo vệ hàng triệu người khỏi bệnh ung thư da, đục thủy tinh thể, bảo vệ hệ sinh thái và làm chậm quá trình biến đổi khí hậu.

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
Top