Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 6 tháng 7 năm 2024  
Thứ hai, ngày 11 tháng 9 năm 2023 | 21:33

Vật tư nông nghiệp: Những vấn đề nổi cộm

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, một vấn đề nổi cộm là nông dân sử dụng vật tư nông nghiệp chưa hợp lý, dẫn đến lãng phí và đẩy giá thành sản xuất lên cao. Bởi vậy, nhiệm vụ trước hết là phải thúc đẩy tăng sản xuất vật tư nông nghiệp trong nước, từ đó giảm giá bán vật tư nông nghiệp tới tay nông dân.

Phun khoáng bằng dây bay. (Ảnh: Dương Đình Tường).

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu vật tư nông nghiệp trong tháng 8/2023 đem về 207 triệu USD, tăng 13,3% so với tháng 8/2022. Lũy kế 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu vật tư nông nghiệp đạt 1,32 tỷ USD, giảm 21,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, nhập khẩu nhóm ngành hàng này trong 8 tháng tiêu tốn 4,72 tỷ USD, giảm 12,8% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, xét về nhóm các mặt hàng vật tư nông nghiệp, đang nhập siêu tới 3,4 tỷ USD.

Nhập gấp đôi xuất

Nhóm vật tư nông nghiệp là các sản phẩm đầu vào của sản xuất nông nghiệp, bao gồm giống cây trồng, giống vật nuôi, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học, chất xử lý, cải tạo môi trường trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản. Trong đó, phân bón là loại vật tư nông nghiệp quan trọng số 1 đối với sản xuất nông nghiệp, bởi chiếm tỷ trọng cao nhất trong giá thành của trồng trọt, trong khi ngành trồng trọt hiện đang chiếm từ 64-68% trong tổng giá trị sản xuất của toàn ngành nông nghiệp.

Theo số liệu của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, trong 7 tháng năm 2023 cả nước xuất khẩu 942.576 tấn phân bón các loại, tương đương 391,05 triệu USD; giảm 15% về khối lượng, giảm 45,8% về kim ngạch và giảm 36,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Phân bón của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Campuchia, chiếm trên 36% tổng khối lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu, tiếp theo là thị trường Malaysia và Hàn Quốc.

Ở chiều ngược lại, trong 7 tháng năm 2023, lượng phân bón nhập khẩu của cả nước đạt gần 2,01 triệu tấn, trị giá trên 674,81 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, nhập khẩu phân bón tăng 2,8% về khối lượng, nhưng giảm 26,3% về kim ngạch.

Như vậy, lượng phân bón nhập khẩu hiện vẫn cao gấp hơn 2 lần so với xuất khẩu. Lý giải về điều này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, nên giá nhập khẩu hầu hết các các mặt hàng vật tư nông nghiệp đồng loạt tăng cao, nhất là giá phân bón, thức ăn chăn nuôi, khiến nhiều nông dân chịu thua lỗ, nhiều người phải “treo ao, treo chuồng”.

Đó là yếu tố khách quan, còn nguyên nhân chủ quan là do Việt Nam chưa chủ động được các yếu tố đầu vào quan trọng cho sản xuất nông nghiệp như giống cây trồng, vật nuôi, nguyên liệu sản xuất, thức ăn chăn nuôi, phân bón, vật tư đã ảnh hướng lớn tới chi phí sản xuất.

“Một vấn đề nổi cộm là nông dân sử dụng vật tư nông nghiệp chưa hợp lý, dẫn đến lãng phí và đẩy giá thành sản xuất lên cao. Ngân hàng Thế giới đánh giá nông dân Việt Nam đang lạm dụng hơn 55% chi phí vật tư đầu vào”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan quan ngại.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, số liệu thống kê, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi phải nhập khẩu 60%; phân bón nhập khẩu tới 42% vì vậy, nhiệm vụ trước hết là phải thúc đẩy tăng sản xuất vật tư nông nghiệp trong nước, từ đó giảm giá bán vật tư nông nghiệp tới tay nông dân.

Bát nháo chất lượng

Hiện đang có một nghịch lý: Trong khi nông dân đang nỗ lực tuân thủ các quy trình canh tác VietGAP, GlobalGAP để nông sản đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe nhất của thế giới, thì vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp lại rất bát nháo. Tình trạng phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng vẫn được bán phổ biến trên thị trường các vùng nông thôn.

Ðội Quản lý thị trường số 3 tỉnh Gia Lai kiểm tra cơ sở kinh doanh phân bón thuốc bảo vệ thực vật tại xã Ia Dơk, huyện Ðức Cơ. (Ảnh THU HIỀN)

Lý giải về nghịch lý này, ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, cho biết phần lớn các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp hoạt động dưới hình thức hộ gia đình, nhiều cơ sở kinh doanh không có bảng biển, địa điểm bán cố định, do đó, việc kiểm tra, xử lý rất khó khăn.

Trong khi đó, chế tài xử phạt các vi phạm về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về vật tư nông nghiệp trong thực tế sản xuất, quản lý chưa nhiều. Nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị và kinh phí phục vụ công tác quản lý vật tư nông nghiệp chưa được quan tâm đúng mức.

"Điều này dẫn đến tình trạng vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng, hết hạn sử dụng, vi phạm nhãn mác, việc sử dụng hóa chất, các chất kích thích sinh trưởng vượt mức cho phép vẫn còn diễn ra, rất khó chấm dứt", ông Phạm Tuấn Anh chia sẻ.

Nhiều chuyên gia, nhà quản lý cũng chỉ ra rằng hiện nay trách nhiệm quản lý vật tư nông nghiệp giữa các cơ quan chưa được quy định rõ ràng, thống nhất trong một văn bản pháp luật cụ thể, mà nằm tản mác ở nhiều văn bản, dẫn đến khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ...

Hiện nay, nạn phân bón giả, thuốc BVTV kém chất lượng đã len lỏi khắp các tỉnh, thành phố, tập trung nhiều ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, khiến nông dân rất lo lắng, hoang mang bởi việc sử dụng các loại sản phẩm chất lượng kém không chỉ gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế, sức khỏe của nhiều người.

Theo lãnh đạo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, phân bón, thuốc BVTV là loại vật tư không thể thiếu trong sản xuất cây trồng.Mỗi năm, hàng triệu nông dân phải bỏ ra một khoản tiền rất lớn để mua phân bón, thuốc BVTV mà chính họ không thể xác định đó là giả hay thật.

Hậu quả do nạn phân bón giả gây ra là rất lớn, làm cho hàng triệu người dân lâm vào cảnh nợ nần chồng chất vì cây trồng bị thiệt hại, năng suất thấp không có tiền thanh toán mua vật tư nông nghiệp. Song hiện nay, trên thị trường vẫn bày bán tràn lan nhiều loại phân bón giả, thuốc BVTV thuộc danh mục cấm. Nhiều doanh nghiệp lợi dụng sự thiếu thông tin của người dân, sự hám lợi của các đại lý, đưa các loại phân bón, thuốc BVTV kém chất lượng vào từng thôn, bản. Việc làm này không chỉ gây thiệt hại cho người nông dân mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp sản xuất chân chính.

Ðể chủ động đấu tranh, xử lý các hành vi, vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV, góp phần bảo vệ lợi ích người nông dân, các ban, ngành liên quan cần chủ động theo dõi, đánh giá đúng tình hình hoạt động buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên từng địa bàn.

Cùng với đó, tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với những doanh nghiệp, cơ sở, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV có dấu hiệu vi phạm, từng có vi phạm hoặc có thông tin, tài liệu về hoạt động vi phạm để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm... Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hướng dẫn nông dân cách phân biệt phân bón, thuốc BVTV là hàng giả, hàng kém chất lượng... đồng thời, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tự nguyện, tự giác thực hiện đầy đủ quy định pháp luật trong sản xuất, kinh doanh; chủ động công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa và niêm yết công khai danh mục, giá bán từng loại sản phẩm mà người nông dân cần được nâng cao nhận thức để sử dụng có trách nhiệm các loại vật tư nông nghiệp. Mỗi người nông dân nên chọn mua sản phẩm tại các cửa hàng vật tư nông nghiệp uy tín để bảo đảm chất lượng.

Doanh nghiệp phân bón nỗ lực đảm bảo nguồn cung chất lượng

Giá nông sản tăng cao, bà con nông dân phấn khởi đang tích cực chuẩn bị sớm cho vụ Thu Đông cũng như chăm sóc cho các vườn cây sau thu hoạch. Điều này dẫn đến nhu cầu về vật tư nông nghiệp tăng cao, đặc biệt là phân bón. Trong thời gian qua, tuy nguồn cung phân bón trong nước khá ổn định, nhưng những câu chuyện đáng ngại về nạn phân bón kém chất lượng, nhất là phân bón nhập khẩu qua đường tiểu ngạch cũng làm bà con nông dân hoang mang và có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng trồng trọt, mùa vụ của bà con.

Nhà máy Đạm Phú Mỹ đang vận hành tối đa công suất. 

Trong tình hình đó, các đơn vị sản xuất và kinh doanh phân bón uy tín trong nước đang nỗ lực để cung ứng tối đa ra thị trường các sản phẩm phân bón chất lượng cao nhất. Điển hình như Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) – đơn vị sản xuất và kinh doanh phân bón Phú Mỹ, cho biết Nhà máy Đạm Phú Mỹ đã đẩy công suất lên tối đa nhằm đáp ứng nhu cầu đang tăng cao của bà con nông dân. Từ đầu năm đến nay PVFCCo đã đưa ra thị trường 640 ngàn tấn Đạm Phú Mỹ và 90 ngàn tấn NPK Phú Mỹ.  Dự kiến trong 4 tháng cuối năm, PVFCCo sẽ đưa ra thị trường thêm 500 ngàn tấn phân bón Phú Mỹ các loại.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ bà con nông dân khi sản xuất nông nghiệp đang thuận lợi, PVFCCo tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương cũng như tận dụng các kênh mạng xã hội tăng cường hướng dẫn, thông tin, giải đáp về kỹ thuật nông nghiệp nhằm sử dụng tiết kiệm vật tư nông nghiệp mà vẫn cho năng suất và chất lượng cao nhất./.

 

Thanh Tâm (t/h)
Ý kiến bạn đọc
Top