Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 5 tháng 10 năm 2024  
Thứ năm, ngày 22 tháng 8 năm 2024 | 10:32

Xây dựng chuỗi liên kết để đẩy mạnh xuất khẩu

Tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của UBTVQH chiều 21/8, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, nhiều doanh nghiệp đã tích cực xây dựng chuỗi liên kết để tạo sản phẩm “sạch từ nông trại đến bàn ăn", nhằm đẩy mạnh xuất khẩu.

Nông sản gia tăng nhận cảnh báo về ATTP

Tại phiên họp, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho rằng, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm của nông, thủy sản Việt Nam, nhất là hàng hóa xuất khẩu vẫn chưa được quan tâm đầy đủ.

Một số hàng hóa của Việt Nam bị phát hiện không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bị từ chối khi xuất khẩu, ảnh hưởng xấu đến thương hiệu hàng Việt Nam. Cần làm gì để kiểm soát, nâng cao chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng hóa nông thủy sản Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có khuyến cáo cụ thể gì đối với bà con nông dân và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ? - Đại biểu Hoàng Đức Thắng chất vấn.

Ớt là một trong 4 mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chịu kiểm tra biên giới của EU.

Trên thực tế đã có rất nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam vi phạm về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm và đang có chiều hướng gia tăng tại các thị trường trên thế giới.

Trong 6 tháng năm 2024, Việt Nam nhận số lượng cảnh báo cảnh báo an toàn thực phẩm với nông sản Việt Nam  từ Liên minh châu Âu (EU) tăng nhanh, với 57 cảnh báo, trong khi cùng kỳ năm 2023 là 31 cảnh báo, tăng khoảng 80%...

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, trong 6 tháng năm 2024 số lượng cảnh báo an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật với nông sản từ EU tăng bất thường, tăng gần 20%, nhiều nhất trong các đối tác thương mại nông sản của Việt Nam.

Cụ thể, Việt Nam nhận 57 cảnh báo trong nửa năm, trong khi cùng kỳ năm 2023 là 31 cảnh báo, tăng hơn 80%. Trong số này, TP.HCM chiếm nhiều nhất, với 23 cảnh báo.

Việc EU tăng số lượng cảnh báo khiến tần suất kiểm tra biên giới của nông sản tăng. Hiện Việt Nam còn 4 mặt hàng phải chịu, với tần suất thanh long (30%), ớt (50%), đậu bắp (50%), sầu riêng (10%). “Xu hướng này có thể tăng tiếp nếu chúng ta không có giải pháp kịp thời”, ông Nam nhận định.

Xây dựng chuỗi liên kết để tạo ra sản phẩm “sạch từ nông trại đến bàn ăn"

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho biết thời gian vừa qua, các vụ ngộ độc thực phẩm giảm, tuy nhiên vẫn có những trường hợp sản phẩm của chúng ta bị thị trường nước ngoài trả về do chưa đảm bảo an toàn thực phẩm.

Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan trả lời đại biểu (ảnh TTXVN)

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết để tạo ra sản phẩm “sạch từ nông trại đến bàn ăn.”

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ tiếp tục cùng với các Bộ, ngành liên quan để kiểm soát vấn đề này.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc xây dựng chuỗi liên kết để có được sản phẩm sạch, vượt qua các rào cản để xuất khẩu được đối với một nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ như nước ta hiện nay thì cần nhiều nỗ lực.

Cần truyền thông để nâng cao nhận thức, giám sát, đặc biệt cần truyền tải để bà con hiểu rằng chúng ta phải là người sản xuất có trách nhiệm, kể cả doanh nghiệp cũng không vì lợi nhuận mà đánh đổi sức khỏe của người tiêu dùng trong nước và hình ảnh của nông sản quốc gia.

Nguyên liệu đầu vào cần phải được chuẩn hóa

Bà Nguyễn Thị Hồng Hoa, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (NAFIQPM) chia sẻ, hiện nay, các lô hàng thủy sản của Việt Nam thường bị EU cảnh báo về việc tăng hóa chất kháng sinh và Việt Nam vẫn chưa khắc phục được “thẻ vàng” trong quy định về chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).

EU có yêu cầu cao về an toàn thực phẩm, bao gồm cả thủy sản nhập khẩu, và đòi hỏi chứng thư và kiểm soát theo cả chuỗi sản xuất. Sản phẩm cá ngừ ngâm trong nước muối chỉ được sử dụng cho công nghiệp đồ hộp.

Quy định của EU thủy sản nuôi phải được xây dựng, triển khai và công nhận Chương trình giám sát quốc gia về tồn dư hóa chất kháng sinh (HCKS). Sản phẩm nhuyễn thể hai mảnh phải có Chương trình giám sát an toàn vệ sinh vùng thu hoạch và được công nhận.

Hàng năm, cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu phải báo cáo EU về kết quả triển khai chương trình và định kỳ bị thanh tra. EU yêu cầu lập danh sách riêng cho các cơ sở sản xuất đùi ếch, ốc, và gelatin/collagen từ nguyên liệu thủy sản, và các cơ sở trong chuỗi sản xuất từ thu mua, sơ chế, kho lạnh, chế biến, tàu cấp đông đến tàu chế biến phải có trong danh sách này. Các quy định về chống khai thác IUU cũng phải được tuân thủ nghiêm ngặt.

Vừa qua, Thủ tướng phê duyệt đề án nâng cao hiệu thực thi SPS. Song song với hoạt động triển khai đề án, ông Nam kêu gọi sự vào cuộc đồng bộ của vùng trồng, vùng nuôi; doanh nghiệp, cơ sở đóng gói, chế biến; hiệp hội ngành hàng; cơ quan quản lý và địa phương.

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhấn mạnh “Không cách nào khác phải tăng cường liên kết theo hướng đồng quản lý an toàn thực phẩm, chất lượng, góp phần giúp chuẩn hóa ngay từ nguyên liệu đầu vào. Chỉ khi nào từng khâu làm tròn trách nhiệm của mình, nền nông nghiệp Việt Nam mới thoát cảnh e dè trước những thay đổi của thị trường nhập khẩu”.

Do đó, các giải pháp được đề cập tới bao gồm: hành động của vùng trồng vùng nuôi, hành động của doanh nghiệp, cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến, hành động của các hiệp hội, ngành hàng và hành động của cơ quan quản lý trung ương và cơ quan quản lý địa phương.

Để sản phẩm nông sản của chúng ta thời gian tới khi xuất khẩu bảo đảm được an toàn vệ sinh thực phẩm, không bị từ chối khi xuất khẩu, cần có sự nỗ lực phối hợp giữa các cơ quan ban ngành địa phương và trung ương cũng như các hiệp hội ngành hàng trong quá trình hỗ trợ doanh nghiệp liên quan đến hoạt động đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, tuân thủ quy định của các thị trường, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm...

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Đơn giản hóa quá trình chăm sóc sắc đẹp với sữa đậu nành tiện lợi

    Đơn giản hóa quá trình chăm sóc sắc đẹp với sữa đậu nành tiện lợi

    Nuôi dưỡng sắc đẹp không nhất thiết phải áp dụng những phương pháp cầu kỳ, tốn kém nhiều thời gian và chi phí. Bổ sung dưỡng chất từ sữa đậu nành tiện lợi là phương pháp làm đẹp được nhiều phụ nữ hiện đại lựa chọn, không chỉ giúp đơn giản hóa quá trình chăm sóc sắc đẹp mà còn xây dựng nền tảng sức khỏe vững chắc.

  • Bí quyết dưỡng nhan từ sâu bên trong của phụ nữ hiện đại

    Bí quyết dưỡng nhan từ sâu bên trong của phụ nữ hiện đại

    Sức khỏe và sắc đẹp là điều bất kỳ người phụ nữ nào cũng mong muốn sở hữu. Giữa nhịp sống hiện đại với bộn bề trách nhiệm trong gia đình, ngoài xã hội, nếu không có những bí quyết riêng thì người phụ nữ thật khó để có được cùng lúc hai điều này.

  • “Sống sành” cùng thẻ tín dụng PVcomBank Lifestyle Mastercard

    “Sống sành” cùng thẻ tín dụng PVcomBank Lifestyle Mastercard

    Nhằm tri ân các chủ thẻ tín dụng Lifestyle Mastercard, Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) mới đây vừa triển khai chương trình “Sống sành” với thông điệp “Cùng thẻ bạn yêu, làm điều bạn thích”, mang đến gần 20.000 mã ưu đãi hấp dẫn dành cho các khách hàng trên Shopee và Xanh SM.

Top