Có tới gần 80% sản phẩm đến tay người tiêu dùng dưới danh nghĩa của những doanh nghiệp nước ngoài do chưa có thương hiệu, logo, nhãn mác… Không có thương hiệu khiến nông sản Việt chịu nhiều thiệt thòi cả ở thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.
Đóng gói gạo. (Ảnh minh họa).
Đến cuối năm 2022, Việt Nam có 7 mặt hàng nông sản xuất khẩu mang về trên 3 tỉ USD. Là quốc gia có các mặt hàng nông sản xuất khẩu thuộc Top đầu thế giới, song tên tuổi, vị thế nông sản Việt vẫn chưa thể định hình trên thị trường quốc tế.
Thương hiệu nông sản Việt, không phải chỉ dán nhãn rồi xuất khẩu là xong
Câu chuyện được ông Trần Bảo Minh, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Nutifood chia sẻ tại Tọa đàm "Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt" do Báo Thanh Niên tổ chức vừa qua.
Ông Trần Bảo Minh khẳng định thương hiệu nông sản Việt, muốn có vị thế, muốn cạnh tranh được trên trường quốc tế phải bắt đầu từ phân tích lợi thế.
Việt Nam, với khí hậu, đất, nước như vậy, vị trí như vậy thì loại cây nào, loại con nào sẽ có lợi thế cạnh tranh trong dài hạn? Nếu đem táo, lê của Việt Nam cạnh tranh với Úc thì thua chắc nhưng chôm chôm, sầu riêng thì chúng ta có nhiều cơ hội. "Nếu không biết lợi thế là gì sẽ rất khó để xây dựng thương hiệu nông sản Việt vì làm nông nghiệp phải có đất, mà đất có giới hạn. Trong giới hạn đất và nước như vậy, phải tạo ra những sản phẩm có giá trị cao nhất"- ông Minh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, làm thương hiệu không chỉ có vùng sản xuất rồi dán tên vào sản phẩm và mang đi xuất khẩu. Phải xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp, mang lại giá trị lớn cho tất cả mọi đối tượng tham gia vào chuỗi giá trị, vào hệ sinh thái đó.
Ông Minh dẫn chứng Ireland là một nước nhỏ, dân số ít. Thời tiết, khí hậu tạo điều kiện cho họ nuôi bò tự nhiên năng suất rất tốt. Chỉ cần 2 người có thể nuôi cả trăm con bò. Tuy nhiên, có được lít sữa từ số bò đó, nếu chỉ bán đi đơn thuần thì không có lợi nhuận. Một lít sữa bán giá 10.000 đồng không thể gánh nổi chi phí công nhân, bao bì, marketing, vận chuyển nên không thể cạnh tranh được. Vì thế, họ phải phát triển công nghệ, xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp thực phẩm chuyên nghiệp.
"Tôi đã từng đến thăm nhà máy sữa của một công ty là lá cờ đầu của ngành nông nghiệp Ireland. Lít sữa mà người dân thu được, họ đưa vào nhà máy chế biến hiện đại, tách ra mấy chục thành phần nguyên liệu rồi đưa vào nhiều loại sản phẩm thành phẩm với giá trị rất cao. Khi đó, các thành phần nguyên liệu đã hút hết nước nên chi phí vận chuyển rẻ và xuất khẩu thoải mái. Từ lít sữa 10.000 đồng, đầu ra thành mấy trăm ngàn. Đó là lý do người tham gia chuỗi giá trị rất hạnh phúc, không bao giờ bỏ và muốn làm sữa tốt nhất để cạnh tranh khắp thế giới. Cùng với đó, Ireland truyền đi câu chuyện làm nông nghiệp nhưng không lấy đi giá trị tốt đẹp của nguồn nước, không khí mà bồi đắp môi trường để thế hệ sau có được môi trường còn tốt hơn môi trường ông cha để lại. Một tầm nhìn nông nghiệp quốc gia được truyền tải đẹp như vậy, bảo sao người tiêu dùng không yêu, không sẵn sàng bỏ tiền để mua sản phẩm đó?" - ông Trần Bảo Minh dẫn chứng.
Ví dụ khác được ông Minh chia sẻ là sâm Hàn Quốc. Một củ sâm Hàn Quốc có giá rất rẻ, chỉ vài USD nhưng không bán củ sâm đó. Hàn Quốc tạo ra cả hệ sinh thái quảng bá. Họ có các trường đại học, viện nghiên cứu liên tục ứng dụng công nghệ để tạo ra những sản phẩm sâm ứng dụng vào cho trẻ em, cho phụ nữ làm đẹp, cho người già... Sâm được đưa vào làm thành phẩm cho gần như tất cả các loại thực phẩm. Nhà nước bảo trợ cho những showroom sâm uy tín mà bất cứ đoàn du khách nào đến Hàn Quốc cũng nhất định phải tới đó để nghe câu chuyện về sâm Hàn Quốc và mua những sản phẩm được tạo ra từ các nguyên liệu thành phẩm của củ sâm. Cùng với đó, họ liên tục đưa ra khuyến nghị về lợi ích của sâm Hàn Quốc tới tất cả các nước, quảng bá qua cả phim ảnh... Với cả hệ sinh thái như thế, liệu sâm Ngọc Linh của Việt Nam có cạnh tranh được không?
Lô hàng sầu riêng chuẩn bị được xuất khẩu sang Trung Quốc của Công ty cổ phần Tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu) (ẢNH: THANH HOA)
"Nói vậy để thấy, quan trọng nhất là sản phẩm phải làm ra lợi nhuận lớn để tất cả thành phần tham gia chuỗi giá trị đều được hưởng lợi. Nếu sản phẩm đầu ra không có giá trị gấp 5 - 7 lần thì không bao giờ thành thương hiệu. Tất cả mọi đối tượng tham gia chuỗi giá trị đều được hưởng lợi, đều có lợi nhuận, đều muốn bỏ tiền vào đầu tư thì lúc đó nông sản Việt Nam mới có được thương hiệu" - ông Trần Bảo Minh nhấn mạnh.
Chọn loại nông sản để đầu tư, quảng bá
Giáo sư Võ Tòng Xuân - nguyên Chủ tịch Câu lạc bộ Xây dựng thương hiệu nông thủy sản - cho biết, Nhật Bản, Thái Lan, Campuchia đã xây dựng thành công nhiều thương hiệu gạo khác nhau trên cùng một giống lúa. Campuchia chọn giống lúa tốt nhất để xây dựng thương hiệu và được thế giới yêu thích. Cùng giống lúa Kisgihikari nhưng hàng trăm công ty lương thực Nhật Bản sản xuất ra hàng trăm thương hiệu gạo khác nhau. Tương tự, Thái Lan cũng phát triển được 5 thương hiệu gạo từ giống lúa Hom Mali…
“Nhà nước chưa quan tâm quảng bá gạo hay nông sản Việt đúng mức. Trong khi đó, lãnh đạo Malaysia đi đâu cũng quảng bá về giống sầu riêng ngon nhất thế giới của họ. Chúng ta có gạo từ giống lúa ST25 ngon, được thế giới công nhận nhưng Nhà nước cũng không chú trọng quảng bá là giống lúa ngon. Vậy doanh nghiệp (DN) nào dám khẳng định mình có giống lúa ngon mang thương hiệu quốc gia?” - giáo sư Võ Tòng Xuân đặt câu hỏi.
Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T & T Group - cho rằng, cần chọn một loại nông sản ngon nhất của Việt Nam để quảng bá khắp thế giới, từ đó mới xây dựng được thương hiệu cho nông sản Việt, như New Zealand có kiwi, Mỹ có táo Envy. Theo ông, có vẻ như Việt Nam có quá nhiều loại trái ngon và không chọn trái chủ lực để quảng bá nên chưa thành công. Do đó, cần chọn loại trái cây làm thương hiệu quốc gia để từ đó tập trung toàn nguồn lực quảng bá, đồng thời phải ứng dụng công nghệ chế biến để tạo ra nhiều sản phẩm từ một loại trái cây. Khi nào có thương hiệu nông sản quốc gia, mới có chính sách, lộ trình quảng bá. Ông dẫn chứng: “Dừa Bến Tre ăn đứt dừa Thái Lan, nhưng có DN lại mang dừa xiêm lai ra nước ngoài để cạnh tranh giá, chất lượng không ngon nên không thành công. Tôi đưa đúng dừa Bến Tre có vị ngọt thanh ra thì dần có chỗ đứng trên thị trường nước ngoài, xuất khẩu trung bình 20-30 container/tháng. Cốt yếu để xây dựng thương hiệu nông sản Việt là phải chọn được 1-2 sản phẩm làm thương hiệu quốc gia để truyền thông, quảng bá”.
Một số đại biểu cho rằng, cần tạo sự khác biệt cho sản phẩm và Việt Nam phải xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm cao hơn, được cả thế giới chấp nhận, giống như Nhật Bản xây dựng thương hiệu thịt bò Kobe. Việt Nam cũng cần có bộ phận chuyên nghiệp làm nên câu chuyện khác biệt về sản phẩm như cà phê Đắk Lắk, nước nắm Phú Quốc. Thật trớ trêu khi người Nhật mua nước mắm có thương hiệu của Thái Lan làm quà tặng, trong khi nước mắm đó là sản phẩm của Việt Nam.
Xóa lời nguyền "vô danh" cho nông sản Việt
Ông Nguyễn Đình Tùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Rau quả VN, Tổng giám đốc Vina T&T Group, kể rằng khi gạo Thái Lan đoạt giải ngon nhất thế giới, vua Thái Lan đã đích thân quảng bá, kêu gọi sử dụng và tuyên bố sẽ cung cấp khắp thế giới sản phẩm này. "VN cũng cần chọn lựa 1 - 2 nông sản đại diện cho quốc gia, kêu gọi sự đồng lòng của các tầng lớp, các bộ, ngành để chung tay quảng bá. Không chỉ là trách nhiệm của Bộ NN-PTNT hay Bộ Công thương, mà nhiều bộ ngành khác như du lịch, văn hóa... cũng phải vào cuộc. Tại Trung Quốc, khi cần quảng bá thương hiệu nào, sẽ vận động các nghệ sĩ, những người nổi tiếng cùng góp sức. Tại VN, số lượng nghệ sĩ nổi danh cũng rất đông đảo nhưng các hoạt động chung tay vì cộng đồng để quảng bá thương hiệu lại chưa có nhiều. Bên cạnh đó, ngành du lịch có thể chung tay quảng bá các tour tham quan nhà máy sản xuất, giới thiệu đặc sản của VN để có thể xuất khẩu tại chỗ…", ông Tùng nói.
Ảnh minh họa.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), cho biết: "Toàn bộ các sản phẩm quà tặng của Bộ NN-PTNT trong các hoạt động ngoại giao, hội họp, đều là sản phẩm OCOP (đặc sản địa phương) được đóng gói rất đẹp. Chúng tôi cũng khuyến cáo các DN có thương hiệu liên hệ với chúng tôi để cung cấp nguồn quà tặng. Các DN cũng có thể mở rộng hơn bằng cách liên hệ với cơ quan Chính phủ và các bộ, ngành khác để cung cấp sản phẩm quà tặng. Đó là một trong những kênh quan trọng và hiệu quả để xây dựng thương hiệu cho DN và sản phẩm quốc gia".
Ông Nguyễn Như Cường cũng thừa nhận: Lâu nay VN chủ yếu xuất thô hoặc sản phẩm thành phẩm dưới thương hiệu của nước ngoài. Hàng có thương hiệu VN chỉ mới vào các cửa hàng nhỏ lẻ của người VN ở nước ngoài mà chưa vào được các hệ thống siêu thị lớn. Ngay cả mấy năm qua chúng ta tập trung xây dựng thương hiệu "Vietnam rice" nhưng vẫn chưa xuất được sản phẩm gạo nào dưới thương hiệu này.
"Câu chuyện xây dựng thương hiệu cho nông sản VN, chúng tôi biết là đang chậm, nhưng theo tôi vẫn chưa muộn. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn thẳng vào sự thật là nền sản xuất nhỏ lẻ hiện tại cũng là vấn đề khó khăn trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu. Chúng ta cần phải có vùng sản xuất lớn, quản lý chất lượng và xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm. Đây là vấn đề về mặt chính sách, đang nghiên cứu cải thiện... Tôi tin rằng không chỉ Cục Trồng trọt hay Bộ NN-PTNT mà các cơ quan nhà nước cũng sẽ tham gia hỗ trợ hết sức mình. Chúng tôi cam kết đồng hành cùng cộng đồng DN để chung tay xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt. Về phần mình, sau hội thảo này, tôi sẽ soạn thảo báo cáo, tập hợp các ý kiến của các diễn giả để báo cáo bộ trưởng. Đồng thời, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong bộ và giữa các bộ với nhau cũng như giữa các cơ quan nhà nước và DN...", ông Cường tâm huyết./.
Ngành công nghiệp và kỹ thuật số đang phát triển mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các dự án hạ tầng quy mô lớn và môi trường pháp lý thuận lợi. Sự chuyển đổi sang hướng sản xuất giá trị gia tăng cao, cùng với khả năng logistics và trung tâm dữ liệu mở rộng, đang nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nuôi dưỡng sắc đẹp không nhất thiết phải áp dụng những phương pháp cầu kỳ, tốn kém nhiều thời gian và chi phí. Bổ sung dưỡng chất từ sữa đậu nành tiện lợi là phương pháp làm đẹp được nhiều phụ nữ hiện đại lựa chọn, không chỉ giúp đơn giản hóa quá trình chăm sóc sắc đẹp mà còn xây dựng nền tảng sức khỏe vững chắc.
Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…
Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.