Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 5 tháng 7 năm 2024 | 18:34

Xuất khẩu gạo: Chú trọng phân khúc chất lượng cao

Để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu trên 8 triệu tấn gạo, tương đương 5 tỷ USD trong năm 2024, các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng lúa gạo, mở rộng thị trường nhằm duy trì mức giá xuất khẩu cao.

Mục tiêu xuất khẩu trên 8 triệu tấn gạo, tương đương 5 tỷ USD trong năm 2024.

Tăng chất, tăng cả lượng

Là nước xuất khẩu gạo đứng thứ ba thế giới, Việt Nam cần chú trọng đến mức giá xuất khẩu với những mặt hàng gạo chất lượng cao. Đây là phân khúc hướng tới sự bền vững cho ngành hàng này.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, nửa đầu năm nay, gạo là mặt hàng đứng thứ 5 về kim ngạch xuất khẩu trong ngành Nông nghiệp (sau gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, rau quả, cà phê), đồng thời cũng là một trong những mặt hàng ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 6 tháng đầu năm 2024, cả nước thu hoạch 3,48 triệu ha lúa, tăng 0,5% so cùng kỳ năm 2023; năng suất bình quân 67,1 tạ/ha, tăng 0,7 tạ/ha; sản lượng trên diện tích đã thu hoạch đạt 23,3 triệu tấn, tăng 1,6%.

Sản lượng lúa gạo tăng là tiền đề cho gạo đạt lượng lớn xuất khẩu trong bối cảnh nhu cầu gạo thế giới đang tăng cao. Nửa đầu năm 2024, xuất khẩu gạo cả nước đạt 2,98 tỷ USD, tăng 10,4% về lượng nhưng tăng tới 32% về giá trị.

Theo dự báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2023 - 2024 sẽ đạt gần 518 triệu tấn, trong khi tổng mức tiêu thụ là 525 triệu tấn. Như vậy, dự báo thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 7 triệu tấn gạo trong năm 2024. Điều này tạo ra cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam.

Các thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam hiện nay là Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Ghana, Malaysia, Singapore… Trong đó, thị trường Philippines chiếm hơn 38% tổng lượng gạo xuất khẩu. Tuy nhiên, thời gian tới vẫn phải chú trọng tới sản lượng bởi tác động của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu là điều không thể lường trước.

Chính vì thế, Việt Nam cần đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu gạo, đảm bảo chất lượng và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, việc tăng cường nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất gạo, cũng như cải thiện quy trình bảo quản và vận chuyển sẽ giúp Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế.

Chú trọng phân khúc chất lượng cao

Mặc dù nhiều thuận lợi, song các chuyên gia dự báo, nửa cuối năm, mặt hàng lúa gạo sẽ đối diện với thách thức khi Ấn Độ gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo. Bên cạnh đó, hạn mặn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cũng là khó khăn mà ngành lúa gạo cần có giải pháp để duy trì tăng trưởng.Nhiều chuyên gia nhận định, xuất khẩu gạo Việt Nam tăng mạnh từ đầu năm đến nay do giá xuất khẩu gạo tăng. Điều thúc đẩy giá gạo tăng là vì Ấn Độ có lệnh cấm xuất khẩu gạo do sản xuất lúa gạo năm nay của quốc gia này đối diện nhiều khó khăn. Hiện, Ấn Độ chiếm tới 40% sản lượng gạo toàn cầu.

Việt Nam cần chú trọng hơn nữa đến giá xuất khẩu với những mặt hàng gạo chất lượng cao

Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường cho biết, việc Ấn Độ gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo sẽ tác động mạnh mẽ đến các nước xuất khẩu, trong đó có Việt Nam. Theo đó, giá và lượng gạo Việt xuất khẩu sẽ chịu tác động nên các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần chủ động giải pháp khi thị trường Ấn Độ xuất khẩu trở lại. Ngoài ra, sản xuất lúa gạo trong nước cũng đối diện hạn mặn xâm nhập.

Về vấn đề này, Bộ NN&PTNT đang yêu cầu các tỉnh có diện tích xâm nhập mặn thống kê để có phương án sản xuất; chỉ đạo Cục Trồng trọt ban hành tiêu chuẩn về nguồn đất và nguồn nước, tránh xảy ra tình trạng nhiễm mặn.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Đỗ Hà Nam khuyến cáo,  các doanh nghiệp cần liên kết các hợp tác xã, hộ dân tập trung vào nhóm lúa gạo chất lượng cao nhằm bảo đảm việc xuất khẩu thuận lợi. Thời điểm này là cơ hội lớn cho lúa gạo Việt Nam khẳng định vị thế trên thị trường thế giới. Là nước xuất khẩu gạo đứng thứ ba thế giới, Việt Nam cần chú trọng hơn nữa đến giá xuất khẩu với những mặt hàng gạo chất lượng cao. Đây là phân khúc phải hướng tới nhằm tạo sự bền vững cho ngành hàng này.

Đề cập về giải pháp thúc đẩy xuất khẩu gạo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng thông tin: từ nay đến cuối năm, Bộ phối hợp các bộ, ngành, địa phương rà soát kế hoạch để thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 2/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả; thực hiện Chỉ thị số 03/CT-BCT của Bộ Công Thương về việc đẩy mạnh hoạt động phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ mặt hàng gạo trong tình hình mới.

Còn theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, Bộ NN&PTNT tiếp tục phối hợp Bộ Công Thương, các tỉnh, thành phố tổ chức hội nghị đánh giá về tình hình sản xuất lúa gạo trong nước và xuất khẩu gạo những tháng cuối năm; cùng các bộ, ngành lắng nghe khó khăn trong sản xuất và xuất khẩu để có những đề xuất, giải pháp kịp thời.

Nắm bắt cơ hội tăng trưởng và làm chủ thị trường

Dự báo về tình hình xuất khẩu gạo năm 2024, Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại Việt Nam nhận định, giá gạo xuất khẩu có thể vẫn ở mức cao và không thể giảm xuống dưới 640-650 USD/tấn. Nguyên nhân là do lượng lúa gạo giao dịch trên thế giới đang khan hiếm dần, còn Việt Nam đang nắm giữ cơ hội về xuất khẩu gạo.

Theo tính toán, nhu cầu gạo của các nước trên thế giới vẫn rất lớn, trong đó có các thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia và Trung Quốc. Ấn Độ- quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới - cũng được dự báo sẽ tiếp tục duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo trong năm 2024.

Tại thời điểm hiện nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt mức 658 USD/tấn, cao hơn Thái Lan 35 USD/tấn và cao hơn Pakistan 60 USD/tấn. Tất cả những yếu tố đó cho thấy Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để vươn lên làm chủ thị trường thế giới cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu gạo.

Tuy nhiên, trong giai đoạn mới, nhu cầu về gạo của các thị trường trên thế giới cũng có nhiều thay đổi, theo hướng giảm dần gạo phẩm cấp thấp, thay vào đó là các sản phẩm đặc sản, dinh dưỡng, các sản phẩm chế biến sâu từ gạo…

Hơn nữa, các thị trường chất lượng cao, giá cao cũng nâng mức yêu cầu khi đưa ra các quy định về sản xuất và tăng trưởng xanh, phát thải thấp, đòi hỏi ngành hàng lúa gạo Việt Nam phải sớm đáp ứng để nắm bắt cơ hội tăng trưởng cũng như làm chủ thị trường ở phân khúc sản phẩm tiềm năng này.

Cơ giới hóa và mở rộng ứng dụng các kỹ thuật canh tác.

Một trong những đòn bẩy lớn để hiện thực hóa cơ hội này là Quyết định số 1490/QĐ-TTg ngày 27/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.

Theo đó, sẽ xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở đồng bằng sông Cửu Long mang tính đột phá trong tổ chức sản xuất ngành hàng lúa gạo, nâng cao giá trị gia tăng trong toàn chuỗi, bảo đảm phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, đóng góp vào tăng trưởng xanh và góp phần thực hiện các cam kết của Chính phủ tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26), hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Để sớm hình thành 1 triệu ha lúa như kỳ vọng thì sáng kiến và giải pháp công nghệ hỗ trợ nâng cấp chuỗi giá trị lúa gạo là yêu cầu cần thiết. TS Nguyễn Văn Hùng - Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế (IRRI) cho rằng: Cần có các giống lúa thích ứng biến đổi khí hậu, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu dinh dưỡng và thị hiếu của người tiêu dùng. Phát triển nhanh chóng diện tích canh tác lúa thích ứng với biến đổi khí hậu và phát thải carbon thấp. Theo đó, mở rộng ứng dụng các kỹ thuật canh tác như: tưới ngập - khô xen kẽ (AWD), gieo sạ chính xác, quản lý rơm rạ và phụ phẩm; hỗ trợ phát triển thị trường tín dụng carbon lúa gạo… Trong đó, riêng kinh tế tuần hoàn từ rơm rạ có thể giảm tới 30% phát thải carbon trên cơ sở xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ hiện trạng quản lý rơm rạ ở đồng bằng sông Cửu Long; Thực hiện các nghiên cứu khoa học về thực hành quản lý rơm rạ tốt dựa trên các yếu tố đa dạng sinh học, phát thải carbon, cân bằng dinh dưỡng; Ứng dụng công nghệ phù hợp với quy mô canh tác vào quản lý rơm rạ.

Ngoài ra, để phát triển bền vững ngành lúa gạo cũng cần ban hành quy định các nhà máy phải mua lúa có nguồn gốc để có thể thực hiện truy xuất nguồn gốc nông sản, phù hợp với các quy định của Việt Nam và thế giới. Có cơ chế hỗ trợ vốn để trang bị máy móc đồng bộ, tăng năng suất lao động nông nghiệp và giảm giá thành sản xuất lúa. Đối với máy nông nghiệp cần có nguồn vốn tài trợ trong vòng 5 năm cho các máy làm đất, máy phun thuốc, xạ giống, xạ phân, thu hoạch. Đồng thời hỗ trợ xây dựng hệ thống MRV (đo đạc, báo cáo, đánh giá) đạt chuẩn quốc tế để có thể xác nhận việc trồng lúa giảm phát thải, tạo ra chứng chỉ carbon có thể thương mại hóa trên thị trường thế giới./.

 

Thanh Tâm (T/h theo kinhtedothi, baodantoc…)
Ý kiến bạn đọc
  • Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…

  • Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị

    Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị

    Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.

  • Người mua căn hộ đang thích được sở hữu những gì?

    Người mua căn hộ đang thích được sở hữu những gì?

    Hiện tại, các chủ đầu tư gần như đang vượt qua chính mình khi phải cân bằng giữa các yếu tố đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp, sản phẩm phải chinh phục được đối tượng khách hàng là người trẻ.

Top