Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 5 tháng 6 năm 2023 | 10:7

Xuất khẩu gạo hướng tới thị trường cao cấp

Thay vì xuất khẩu gạo đạt từ 6-7 triệu tấn/năm như hiện nay, dự kiến đến năm 2030, sản lượng này giảm còn khoảng 4 triệu tấn với kim ngạch tương đương khoảng 2,62 tỷ USD. Theo đó, xuất khẩu gạo sẽ gắn với phát triển thương hiệu, nhãn hiệu Gạo Việt Nam/Vietnam Rice trên thị trường thế giới.

Xuất khẩu gạo tăng giá kỷ lục

Theo Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT), khối lượng gạo xuất khẩu tháng 5/2023 ước đạt 1 triệu tấn với giá trị 489 triệu USD. Lũy kế 5 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu được gần 3,9 triệu tấn gạo, giá trị 2,02 tỉ USD - tăng 40,8% về khối lượng và tăng 49% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là mức tăng trưởng mạnh nhất cùng kỳ các năm từ 2013 cho đến nay.

Giá gạo xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 517 USD/tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2022. Thậm chí bước sang tháng 6/2023 giá gạo xuất khẩu vẫn tiếp tục tăng do nhu cầu thế giới cao. Ghi nhận trong ngày 2/6, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đang được chào bán ở mức 498 USD/tấn còn gạo 25% tấm ở mức 483 USD/tấn. Với mức giá này, hiện gạo Việt Nam đang cao hơn từ 5 - 18 USD/tấn so với gạo cùng loại của Thái Lan.

 Giá gạo xuất khẩu liên tục tăng từ đầu năm đến nay, đạt bình quân 517 USD/tấn, cao nhất trong 10 năm qua.

Trung Quốc và các thị trường Đông Nam Á như: Indonesia, Singapore... đang tăng cường mua gạo của Việt Nam. Đặc biệt, gạo chất lượng cao chiếm phần lớn. Trong 4 tháng đầu năm, Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam đạt 1,29 triệu tấn, tương đương 647,5 triệu USD, tăng 40,6% về khối lượng và tăng 53,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất, Indonesia tăng mua gấp 26 lần so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu gạo sang châu Âu cũng tăng trưởng gần 50%, nhất là các thị trường Hà Lan, Bỉ, Ba Lan.

Những năm gần đây, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu từ 6-7 triệu tấn gạo, bình quân 500.000 – 600.000 tấn/tháng nên lượng gạo xuất khẩu năm nay gây bất ngờ cho không ít người. Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại ĐBSCL cho hay, vụ đông xuân là vụ thu hoạch chính của Việt Nam với khoảng 4 triệu tấn gạo phục vụ xuất khẩu. Mọi năm, gạo sẽ để lưu kho và xuất khẩu dần nhưng năm nay, các đối tác đều yêu cầu giao hàng ngay trong tháng 4 và 5 nên sản lượng xuất khẩu tập trung trong thời gian này. Các doanh nghiệp gần như vét sạch kho để xuất khẩu, giờ chờ thu mua gạo vụ mới thì mới có hàng giao tiếp.

Doanh nghiệp vẫn lỗ

Những ngày qua nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang đối mặt với bài toán thua lỗ - dù đây là mặt hàng đang được hưởng lợi thế về thị trường. Cụ thể, Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An trên báo cáo tài chính riêng và hợp nhất của quí đầu năm 2023 đều ghi nhận lợi nhuận sau thuế sụt giảm. Trong đó, lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính riêng quí đầu năm 2023 chỉ đạt 1,1 tỉ đồng, giảm 3,1 tỉ đồng so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính hợp nhất quí đầu năm 2023 đạt 8,5 tỉ đồng, giảm 18,6 tỉ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời – một trong những đơn vị đi đầu trong thực hiện mô hình cánh đồng lớn trên cây lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long – ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính riêng lỗ trên 55,5 tỉ đồng so với cùng kỳ năm ngoái; mức lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính hợp nhất lỗ trên 81,2 tỉ đồng trong quí đầu năm 2023 so với cùng kỳ. Tương tự, quí đầu năm 2023, Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) có mức lợi nhuận sau thuế lỗ trên 7,1 tỉ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy xuất khẩu gạo tăng giá kỷ lục nhưng vẫn còn những doanh nghiệp bị thu lỗ.

Báo cáo giải trình gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội về việc lợi nhuận sụt giảm, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do lãi vay ngân hàng quí đầu năm 2023 cao hơn cùng kỳ năm trước.

Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất- Thương mại Phước Thành IV, xác nhận tình hình kinh doanh thua lỗ hoặc sụt giảm lợi nhuận của doanh nghiệp ngành lương thực diễn ra khá phổ biến trong quí đầu năm nay, bất chấp khối lượng, kim ngạch lẫn giá bán đều tăng mạnh. Doanh nghiệp ký hợp đồng trước giao hàng sau, trong khi chân hàng của kho dự trữ không có đã tạo ra những rủi ro khá lớn cho doanh nghiệp, nhất là khi giá hàng hoá trong nước liên tục tăng cao.

Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, dù xuất khẩu gạo lập kỷ lục, giá tăng cao nhưng nhiều doanh nghiệp trong ngành không có lãi, thậm chí lỗ. Đó là những doanh nghiệp ký hợp đồng từ trước với dự báo giá gạo không cao như hiện nay. Đến thời điểm giao hàng, họ buộc phải mua gạo vào với giá cao, có những đơn hàng lỗ đến 40 USD/tấn.

Trong khi đang lỗ nặng các doanh nghiệp xuất khẩu gạo lại đau đầu bởi vụ lúa hè thu chuẩn bị bước vào thu hoạch rộ và doanh nghiệp hầu hết đã ký hợp đồng bao tiêu lúa cho bà con. Như vậy theo cam kết, doanh nghiệp sẽ tiếp tục phải thu mua lúa gạo với giá thị trường và tiếp tục chịu lỗ nếu phải thu mua bằng vốn vay với lãi cao. Bà Đặng Thị Liên, Giám đốc Công ty Lương thực Thực phẩm Long An chia sẻ, chúng tôi đã ký hợp đồng bao tiêu với bà con, nếu không mua mình sẽ mất chữ tín và vụ sau chẳng còn ai bán cho mình. Còn nếu tiếp tục thu mua với giá cao như hiện nay, doanh nghiệp sẽ lại thua lỗ tiếp.

Trước tình hình trên, các chuyên gia đều khuyến cáo các doanh nghiệp không nên ký hợp đồng chốt giá sớm, nên có sẵn hàng mới chào bán để tránh rủi ro khi giá gạo tăng "nóng" như hiện nay. Để cân đối hài hòa lợi ích cho cả doanh nghiệp lẫn người nông dân, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã kiến nghị rằng phải có chính sách “trợ vốn” cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Việc này vừa giúp doanh nghiệp thu mua hết lúa cho bà con nông dân trong những thời điểm thu hoạch rộ, lại giúp họ tránh được thua lỗ như hiện nay.

Hướng tới thị trường cao cấp

Trong 3 năm gần đây, thị trường xuất khẩu gạo thuận lợi nên sản lượng đều tăng hằng năm. Cụ thể, năm 2020, sản lượng gạo xuất khẩu đạt 6,15 triệu tấn; năm 2021 tăng lên 6,2 triệu tấn; năm 2022 tăng vọt lên 7,1 triệu tấn và 5 tháng đầu năm 2023 đã xuất khẩu gần 3,9 triệu tấn.

Trong khi đó, theo chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030 vừa được Thủ tướng ban hành thì đến năm 2030, Việt Nam dự kiến chỉ xuất khẩu 4 triệu tấn gạo, giá trị tương đương khoảng 2,62 tỉ USD. Điều này có nghĩa Việt Nam muốn tăng đơn giá gạo xuất khẩu bình quân lên 655 USD/tấn. Quan điểm của chiến lược nêu rõ xuất khẩu gạo gắn với phát triển gạo có thương hiệu, nhãn hiệu gạo Việt Nam/Vietnam Rice trên thị trường thế giới, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, phù hợp với xu hướng nhu cầu, yêu cầu, thị hiếu tiêu thụ của từng thị trường.

Dự kiến đến năm 2030, Việt Nam chỉ xuất khẩu 4 triệu tấn gạo, giá trị tương đương khoảng 2,62 tỉ USD.

Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, xuất khẩu; xây dựng ngành sản xuất gạo của đất nước theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại; lấy năng suất, chất lượng là tiêu chí hàng đầu. Chiến lược đặt mục tiêu giai đoạn 2026-2030, tỉ trọng gạo có giá trị cao như: gạo thơm, gạo japonica, gạo đặc sản chiếm khoảng 45%; gạo dinh dưỡng, gạo đồ, gạo hữu cơ, bột gạo, sản phẩm chế biến từ gạo, cám gạo và một số phụ phẩm khác từ lúa gạo chiếm khoảng 10%. Đặc biệt, Việt Nam phấn đấu tỉ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu đạt trên 40%.

Chiến lược cũng đặt mục tiêu tăng tỷ lệ gạo xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối của các thị trường lên khoảng 60%; nâng cao hiệu quả xuất khẩu qua kênh trung gian, nhất là đối với các thị trường không thuận lợi trong vận chuyển và thanh toán.

Với chiến lược, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất-Thương mại Phước Thành IV, cho rằng việc điều chỉnh giảm “lượng” tăng “chất” là chiến lược phù hợp. Bởi sản xuất lúa ở vùng trọng điểm của cả nước là ĐBSCL đã có sự thay đổi, từ sản xuất ba vụ giảm xuống còn hai vụ, hoặc từ hai vụ xuống còn một vụ. Thậm chí, có một phần khá lớn diện tích sản xuất lúa đã được nông dân chuyển sang cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản…

Theo ông Phạm Thái Bình, cùng với chiến lược, Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL, việc định hướng nâng cao giá trị, giảm sản lượng xuất khẩu là đúng đắn.

Khi đó, đến năm 2030 dù xuất khẩu chỉ 4 triệu tấn gạo nhưng giá trị vẫn đạt từ 3,5-4 tỷ USD mà không cần đến phải xuất khẩu từ 6,5-7 triệu tấn gạo như hiện nay. Bên cạnh đó, khi sản xuất để có được 6,5-7 triệu tấn gạo cũng sẽ tạo ra phát thải khí nhà kính lớn hơn nhiều so với việc chỉ sản xuất 4 triệu tấn gạo. Đây là giá trị về môi trường mà khó có thể tính toán được, ông Phạm Thái Bình đánh giá.

Theo các chuyên gia, chế biến sâu là con đường giúp nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam lên rất nhiều lần. Tuy nhiên, muốn sản phẩm chế biến có mặt ở châu Âu, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc…, đòi hỏi phải có sự đầu tư về mặt công nghệ, khoa học kỹ thuật.

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…

  • Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị

    Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị

    Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.

  • Người mua căn hộ đang thích được sở hữu những gì?

    Người mua căn hộ đang thích được sở hữu những gì?

    Hiện tại, các chủ đầu tư gần như đang vượt qua chính mình khi phải cân bằng giữa các yếu tố đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp, sản phẩm phải chinh phục được đối tượng khách hàng là người trẻ.

Top