Diện tích sản xuất hồ tiêu Việt Nam năm 2021 đạt 115,1 nghìn ha đứng thứ 3 thế giới thế giới, sản lượng đạt 288,2 ngàn tấn, thị phần xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới chiếm 60%.
Trong đó EU vẫn là thị trường tiềm năng cho xuất khẩu hồ tiêu, Hiệp định EVFTA mang đến cơ hội gia tăng xuất khẩu hồ tiêu vào thị trường này. Năm 2022, EU chiếm 23,1% thị phần xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam, đạt 53.543 tấn.
Tuy nhiên, để xuất khẩu hồ tiêu sang EU tăng trưởng bền vững, ngành hồ tiêu cần nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh sản xuất an toàn, tổ chức liên kết sản xuất, đáp ứng yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm xuất khẩu theo quy định của EU.
1. Hiện trạng sản xuất và tiêu thụ ngành hồ tiêu Việt Nam
1.1. Hiện trạng sản xuất hồ tiêu tại Việt Nam
Hồ tiêu (Piper nigrum) là cây công nghiệp lâu năm, có giá trị kinh tế cao được dùng chủ yếu trong ngành công nghiệp thực phẩm. Việt Nam liên tục là quốc gia sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu số 1 thế giới kể từ năm 2004. Theo số liệu thống kê, năm 1990, Việt Nam chỉ đóng góp 4% sản lượng hồ tiêu thế giới, nhưng đến năm 2000 đã tăng lên 14%, năm 2003 tăng lên 25%, năm 2015 là 32%, năm 2020 là 38% và năm 2021 là 36,3% sản lượng hồ tiêu thế giới (FAOSTAT, 2023).
Tham gia mô hình trồng tiêu sạch sẽ giúp bà con đảm bảo chất lượng của sản phẩm.
Diện tích sản xuất hồ tiêu Việt Nam năm 2021 đạt 115,1 nghìn ha đứng thứ 3 thế giới thế giới sau Indonesia (188,8 nghìn ha) và Ấn Độ (131,7 nghìn ha). Về sản lượng năm 2021, Việt Nam đạt 288,2 ngàn tấn, tiếp theo là Indonesia (81,2 nghìn tấn), Ấn Độ (64,8 nghìn tấn), Braxin (118,0 tấn), Trung Quốc (33 nghìn tấn) (Biểu đồ 1 và 2) (FAOSTAT, 2023). Tuy diện tích sản xuất không lớn nhất nhưng Việt Nam là nước xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới (chiếm 60%).
1.2. Tình hình tiêu thụ
Sản lượng hồ tiêu của Việt Nam chiếm hơn 40% về sản lượng và gần 60% về thị phần xuất khẩu hồ tiêu của thế giới. Khoảng 95% khối lượng hồ tiêu của Việt Nam dùng cho xuất khẩu sang các nước Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Hà Lan, Đức…, còn lại 5% tiêu thụ ở thị trường trong nước (Bảng. 1).
Mặt hàng hồ tiêu Việt Nam là nhóm nông sản xuất khẩu đạt 1 tỷ USD liên tục trong những năm 2014 - 2017, đặc biệt lập kỷ lục 1,42 tỷ USD vào năm 2016. Tuy nhiên, 3 năm qua, xuất khẩu hồ tiêu có chiều hướng giảm, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu chỉ còn 666 triệu USD. Năm 2021, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid làm đứt gẫy chuỗi cung ứng nhưng ngành hồ tiêu đã có sự khởi sắc khi xuất khẩu đạt 260.989 tấn thu về 937,849 triệu USD.
Theo số liệu Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam năm 2022 đạt 226 nghìn tấn, trị giá 963 triệu USD, giảm 13,3% về lượng, nhưng tăng 2,7% về trị giá so với năm 2021. Giá xuất khẩu bình quân hồ tiêu của Việt Nam năm 2022 đạt 4.257 USD/tấn, tăng 18,5% so với năm 2021.
Sản lượng xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam và thế giới 2005-2020 (Đơn vị: tấn)
Kết quả thống kê sơ bộ cho thấy xuất khẩu hồ tiêu tháng 07/2023 tiếp tục giảm cả lượng lẫn giá. Lũy kế khối lượng xuất khẩu hồ tiêu 7 tháng đầu năm 2023 đạt tổng cộng 167.922 tấn tiêu các loại, tăng 25.697 tấn, tức tăng 18,07 % so với khối lượng xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2022. Giá trị kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2023 đạt tổng cộng 540,16 triệu USD, giảm 98,34 triệu USD, tức giảm 15,40 % so với cùng kỳ. Giá tiêu xuất khẩu bình quân trong tháng 07/2023 đạt 3.731 USD/tấn, tăng 3,24 % so với giá xuất khẩu bình quân của tháng 06/2023.
Châu Âu hiện là một trong những nhà nhập khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 1/3 lượng nhập khẩu toàn cầu. Hàng nhập khẩu vào EU thường được chế biến sâu và có giá trị gia tăng cao. Hồ tiêu được đánh giá là gia vị quan trọng tại thị trường này. Châu Âu nhập khẩu chủ yếu là tiêu đen (chiếm 90% tổng lượng nhập), bao gồm hồ tiêu nguyên hồ; 10% còn lại là hồ tiêu xay.
Năm 2021 thị trường EU nhập từ Việt Nam 48.040 tấn, tăng 10,8% so với năm 2020 đạt 130,5 triệu USD, tăng 47% so với năm 2020. Thị phần hồ tiêu của Việt Nam chiếm 29,75% trong tổng giá trị nhập khẩu của EU, cao hơn so với 25,98% trong năm 2020. Số liệu của Tổng Cục Hải quan, sản lượng xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sang EU năm 2022 giảm xuống còn 39.762 tấn, chiếm 17,1% thị phần hồ tiêu tại thị trường EU. Trong đó, một số nước tiêu thụ hồ tiêu chính được liệt kê tại Bảng 1. Xuất khẩu sang thị trường EU trong 8 tháng đạt 34.495 tấn hồ tiêu, giảm 8% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 18,4% thị phần xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam. Năm 2022, EU chiếm 23,1% thị phần xuất khẩu Hồ tiêu của Việt Nam, đạt 53.543 tấn.
Dự báo trong 5 năm tới, nhập khẩu tiêu của thị trường này có nhiều khả năng sẽ tăng với tốc độ 1 - 2%/năm. Đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp Việt tận dụng cơ hội, mở rộng thị trường.
Nước | Lượng | Trị giá (USD) |
Anh | 5,407 | 27,021,518 |
Ba Lan | 2,521 | 10,476,092 |
Bỉ | 911 | 4,823,805 |
Đức | 9,907 | 50,256,362 |
Hà Lan | 9,047 | 47,483,884 |
Italia | 1,081 | 5,102,390 |
Pháp | 3,392 | 16,277,276 |
Tây Ban Nha | 2,756 | 12,629,119 |
Thổ Nhĩ Kỳ | 2,514 | 9,060,759 |
Ucraina | 38 | 178,009 |
Tổng | 37,574 | 183,309,214 |
1.3. Đánh giá chung
Hiệp định EVFTA được kí kết giữa Việt Nam và EU giúp giảm thuế nhập khẩu hồ tiêu xuống 0% khi xuất khẩu sang các nước EU, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội mở rộng và phát triển ở thị trường lớn, đòi hỏi các yêu cầu cao như EU.
Tuy nhiên, EU liên tục cảnh báo dư lượng thuốc trừ sâu và tăng tần suất kiểm tra mức dư lượng tối đa cho phép (MRL) đối với thực phẩm nói chung và gia vị nói riêng, trong đó có hàng xuất xứ từ Việt Nam.
2. Thuận lợi và khó khăn trong việc xuất khẩu hồ tiêu vào thị trường EU
2.1. Thuận lợi
Thứ nhất, các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA sẽ giúp ngành hồ tiêu Việt Nam tạo lợi thế cạnh tranh hơn so với các nước chưa có hiệp định như Indonesia, Malaysia, Ấn Độ. Sau khi hiệp định có hiệu lực, thuế nhập khẩu hồ tiêu xay hoặc nghiền (mã HS 0904) xuất khẩu sang EU giảm từ 4% xuống còn 0%...
Thứ hai, các nhà đầu tư trong khối EU chuyển nhà máy chế biến về Việt Nam để tận dụng nguyên liệu và nhân công giá rẻ sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu đa dạng sản phẩm vào các thị trường EU.
Thứ ba, ngành hồ tiêu Việt Nam cũng được đánh giá cao về năng lực chế biến với tỷ lệ hàng qua chế biến hiện chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Thứ tư, ngành gia vị Việt Nam nói chung và ngành hồ tiêu nói riêng đã ổn định và đang đi vào chuỗi giá trị của thế giới.
Cuối cùng, đã có hướng dẫn chi tiết về quy tắc xuất xứ và hướng dẫn cách tra cứu mức dư lượng tối đa cho phép (MRLs) do châu Âu quy định thông qua hệ thống tra cứu phiên bản tiếng Việt và sẽ được cập nhật liên tục ngay khi châu Âu có thay đổi hoặc quy định mới. Hệ thống này sẽ được Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) triển khai miễn phí cho các doanh nghiệp là thành viên của Hiệp hội trong thời gian tới.
2.2. Khó khăn
Gần đây, yêu cầu và quy định của thị trường EU về rào cản phi thuế quan tiếp tục gia tăng và ngày càng khắt khe. Hàng rào lớn nhất của ngành tiêu ở thị trường EU là tiêu chí về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón. Nội dung của hai tiêu chí này ngày càng nhiều và chặt chẽ hơn. Tất cả phải theo quy tắc, quy chuẩn, quy định về chất lượng. Các chỉ số về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật chúng ta hoàn toàn phải tuân thủ. Hiện nay EU đã ban hành hơn 500 tiêu chí về MRL (Maximum Residue Level) và tiếp tục ngày càng có nhiều tiêu chí mới ban hành. Những tiêu chí ban hành sau ngày càng khó khăn, ngặt nghèo hơn. Đồng thời, diện hoạt chất được cho phép quy định tồn lưu cũng rộng hơn. Thực tế, kết quả phân tích và kiểm định các mẫu hồ tiêu thu thập trong 2 năm 2021 và 2022 đã phát hiện một số chất cấm vẫn xuất hiện. Đa phần các mẫu hồ tiêu bị dính các hoạt chất liên quan đến việc phòng trừ sâu bệnh và nấm hại trên cây hồ tiêu. Trong đó một số hoạt chất đã được Việt Nam loại bỏ nhưng vẫn xuất hiện trong hồ tiêu như Carbendazim và Chlorpyrifos Ethyl. Điều này rất đáng lo ngại nếu như người dân vẫn tiếp tục dùng thuốc bị loại bỏ để chăm sóc cho hồ tiêu.
EU với chiến lược chung “green deal” nhằm đưa nền kinh tế không phát thải vào năm 2050. Sắp tới, chính sách mới của EU đánh thuế phát thải CO2 cho hàng hóa nhập khẩu vào thị trường này chắc chắn sẽ tạo thêm khó khăn cho các nước đang phát triển muốn xuất khẩu hàng hóa vào EU. Bên cạnh đó, EU đề ra chính sách cải cách nền nông nghiệp thông qua chiến lược “farm to fork“ (từ nông trại đến bàn ăn)“ và bảo vệ đa dạng sinh học với các mục tiêu cụ thể như giảm lượng phân bón 20%, giảm sử dụng thuốc BVTV 50%, đồng thời tăng diện tích nông nghiệp hữu cơ lên 25% đến 2030. Nền nông nghiệp EU sẽ hướng dần về canh tác sinh thái, và giá thành sản phẩm sẽ cao hơn giá thị trường thế giới. Do đó, EU sẽ nâng cao tiêu chuẩn cho các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu, nhằm bảo vệ quyền lợi của nông dân các nước trong nội khối. Tuy vậy, chúng ta nên nhìn nhận đây là cơ hội hơn là thách thức để nâng cấp chất lượng nông sản Việt Nam cung cấp vào thị trường EU, tạo lợi thế cạnh tranh so với các nước khác.
Rào cản thứ 2 là thương hiệu hồ tiêu của Việt Nam chưa đủ sức cạnh tranh so với các nước nước sản xuất hồ tiêu trên thế giới. Giá hồ tiêu Việt Nam bao gồm cả tiêu đen và tiêu trắng luôn ở mức thấp so với mặt bằng thế giới. Giá tiêu đen ở mức 4.100-4.200 USD/tấn, thấp hơn giá tiêu đen Malaysia khoảng 1.000 USD/tấn và thấp hơn tiêu Ấn Độ khoảng 2.800 USD/tấn. Trong khi đó, giá tiêu trắng của Việt Nam khoản 6.100 USD/tấn so với 7.600 USD/tấn tiêu trắng Malaysia và 7.000 USD/tấn tiêu trắng Muntok (IPC, 2020).
Thứ ba, người tiêu dùng châu Âu cũng ngày càng yêu cầu cao hơn về chất lượng, đặc biệt là tính xã hội trong sản phẩm. Khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu, hồ tiêu phải đáp ứng các yêu cầu sản phẩm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, có ghi nhãn rõ ràng, kiểm soát tạp chất trong hồ tiêu đen, không nhiễm tạp chất lạ…
Khó khăn tiếp theo là từ năm 2022 đến nay lạm phát tăng cao, nhu cầu tiêu thụ giảm ở nhiều thị trường chủ lực như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc. Dự báo trong ngắn hạn, nhập khẩu hồ tiêu của các thị trường Đức, Anh, Pháp sẽ duy trì ở mức thấp. Về dài hạn, nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu tại thị trường châu Âu sẽ tăng trở lại khi các vấn đề về năng lượng, lạm phát được giải quyết, sẽ tác động tích cực lên ngành hồ tiêu Việt Nam. Mặc dù vậy, giá hồ tiêu năm 2022 cao hơn so với năm 2021 dẫn đến trị giá nhập khẩu từ nhiều thị trường tăng.
Bên cạnh đó, bối cảnh thế giới có nhiều biến động về các yếu tố địa chính trị, chính sách tài chính tiền tệ của các nước thay đổi liên tục, tình hình lạm phát gia tăng… đã ảnh hưởng lớn đến nhu cầu tiêu dùng của thế giới. Việc này đã tác động đến xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam.
Tựu chung lại, năm 2023 và một số năm tiếp theo xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn trong bối cảnh giá thế giới chịu áp lực do nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu tiêu thụ không cao.
3. Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hồ tiêu vào thị trường EU
3.1. Từng bước đáp ứng các quy định về sản xuất an toàn, truy xuất nguồn gốc, đa dạng sinh học và sản xuất bền vững của EU
Sản xuất hồ tiêu phải đáp ứng các quy định ngày càng ngặt nghèo hơn của EU về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón, quy định về sản xuất an toàn, bền vững và chất lượng sản phẩm. Bộ Nông nghiệp và PTNT cần chỉ đạo các vùng trồng tiêu áp dụng các giải pháp đồng bộ nhất là thực hành sản xuất tốt Global GAP. Đặc biệt, ưu tiên dùng các loại thuốc, chế phẩm được EU cho phép dùng cho hồ tiêu theo đường Link https:// Eur-ex.Europa.EU/legalcontent/EN/ALL/?uri=celex%3A3A32005R0396. Trường hợp không sẵn có phải dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật được Bộ Nông nghiệp và PTNT cho phép tại Thông tư số 19 ngày 02 /12/2022 và phải tuân thủ nguyên tắc 4 đúng trong sử dụng thuốc BVTV. Đảm bảo an toàn vệ sinh sản phẩm trong quá trình từ thu hái, chế biến, đóng gói để không nhiễm vi sinh vật như E. Coli và Samonella. Hơn nữa, các vườn tiêu cần quan tâm đến các tiêu chuẩn liên quan đến môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, nhất là không trồng trên đất phá rừng.
3.2. Tổ chức liên kết sản xuất, chế biến và xuất khẩu hồ tiêu
Tổ chức các hợp tác xã sản xuất hồ tiêu an toàn, liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu hồ tiêu cho người sản xuất ở các vùng trồng hồ tiêu.
Doanh nghiệp cần đẩy mạnh liên kết sản xuất với các hợp tác xã và người sản xuất để xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, bền vững và đáp ứng được các yêu cầu về mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của các thị trường. Đồng thời, doanh nghiệp cần nâng cao tỷ lệ xuất khẩu hồ tiêu đã qua chế biến.
Các doanh nghiệp cần có giải pháp hiện đại hóa thiết bị chế biến, hoàn thiện quy trình sản xuất và chế biến hồ tiêu, đa dạng hóa sản phẩm; cập nhật thông tin thị trường bao gồm các ưu đãi thuế quan, yêu cầu kiểm dịch và an toàn thực phẩm, các rào cản kỹ thuật, quy tắc xuất xứ, các tiêu chí tăng trưởng xanh, trong toàn bộ chuỗi giá trị sản xuất tiêu thụ hồ tiêu.
3.3. Xúc tiến thương mại
Các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu trong giai đoạn hiện nay cần tiếp cận thông tin cũng như tìm hiểu thị trường để đưa ra những quyết định về xuất khẩu phù hợp nhất.
Cần tăng cường tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu và Thương vụ Việt Nam tại các nước tiếp tục cập nhật các thông tin, chính sách thay đổi của các nước sở tại để thông báo kịp thời cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cần xác định thế mạnh sản phẩm, chiến lược giá và ưu đãi trước khi tìm kiếm người mua, tiến hành nghiên cứu thị trường, quyết định phân khúc người mua nào phù hợp nhất với sản phẩm của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tích cực tham gia các hội chợ thương mại và các sự kiện trong ngành để gặp mặt trực tiếp người mua, trao đổi và xúc tiến hợp tác.
EU là thị trường phân khúc cao, sản phẩm xuất khẩu vào thị trường này là sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao. Do đó, tiềm năng, cơ hội để gia tăng xuất khẩu vào thị trường này vẫn còn nhiều. Tuy nhiên, để xuất khẩu tiêu sang EU tăng trưởng tốt và bền vững, ngành hồ tiêu cần sản xuất hồ tiêu an toàn, bền vững đáp ứng yêu cầu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm xuất khẩu theo quy định của EU.
(Bài viết sử dụng tư liệu của "Dự án cơ chế hệ thống cho thương mại an toàn hơn - The Systematic Mechanism for Safer Trade Project - SYMST")
Nuôi dưỡng sắc đẹp không nhất thiết phải áp dụng những phương pháp cầu kỳ, tốn kém nhiều thời gian và chi phí. Bổ sung dưỡng chất từ sữa đậu nành tiện lợi là phương pháp làm đẹp được nhiều phụ nữ hiện đại lựa chọn, không chỉ giúp đơn giản hóa quá trình chăm sóc sắc đẹp mà còn xây dựng nền tảng sức khỏe vững chắc.
Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…
Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.