Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 25 tháng 5 năm 2023 | 20:47

Xuất khẩu hơn 2.000 tấn vải chín sớm qua Cửa khẩu Kim Thành

Thông tin từ Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Lào Cai cho biết, hơn 2.000 tấn quả vải tươi chín sớm đã được thông quan xuất khẩu sang Trung Quốc, qua Cửa khẩu đường bộ Kim Thành bảo đảm nhanh gọn, an toàn.

Tại Cửa khẩu đường bộ Kim Thành (Lào Cai), khoảng 1 tuần trở lại đây, thời tiết nắng nóng gay gắt, tuy nhiên, mỗi ngày vẫn có khoảng 20 xe hàng chở quả vải tươi thông quan xuất khẩu sang Hà Khẩu (Trung Quốc). Quả vải chín sớm chủ yếu ở các vùng trồng của các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương.

Theo ông Trần Trung Hiếu, đại diện Công ty TNHH xuất nhập khẩu Anh Việt, từ đầu vụ vải chín đến nay, công ty đã xuất khẩu hơn 200 tấn quả vải tươi cho các đối tác là doanh nghiệp Trung Quốc. Cửa khẩu cũng mở rộng được mặt bằng, bến bãi, phân luồng, phân tuyến ưu tiên cho xe chở quả vải tươi thông quan nhanh, an toàn để bảo đảm chất lượng hàng hóa. Ban quản lý Khu kinh tế Lào Cai đã bỏ lái xe trung chuyển, lái xe hai bên có thể đi thẳng sang hai bên, rút ngắn thời gian và giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Hơn 2.000 tấn vải chín sớm đã xuất khẩu qua Cửa khẩu Kim Thành.

Dự báo số lượng quả vải tươi thông quan xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới, khi vào vụ vải chính vụ. Ngay từ trước mùa vải, các ngành chức năng của Lào Cai đã chủ động phương án gia tăng năng lực thông quan đối với mặt hàng này để bảo đảm tối đa độ tươi ngon.

Vải thiều chín sớm ở Bắt Giang đã bắt đầu cho thu hoạch từ ngày 20/5. Theo ông Ngô Văn Tiệp, Chủ tịch UBND xã Phúc Hoà, huyện Tân Yên (Bắc Giang), hiện một số vườn vải trên địa bàn xã đã cho thu hoạch. Với ưu thế chín sớm, chất lượng ngon nên được các doanh nghiệp, người dân lựa chọn, đặt hàng.

Với 680 ha vải thiều sớm, năm nay người dân xã Phúc Hòa thu khoảng 9 nghìn tấn quả tươi. Từ ngày 20/5, một số vườn vải trên địa bàn xã bắt đầu cho thu hoạch, giá bán tại vườn từ 30- 35 nghìn đồng/kg.

Ông Tiệp cho biết thêm, những ngày qua, trung bình mỗi ngày xã thu hoạch từ 200 đến 500 kg vải thiều. Toàn bộ được đóng gói để các cơ quan, đơn vị làm quà biếu. Dự kiến trong ít ngày tới, trên địa bàn có gần 20 điểm cân, thu mua vải thiều xuất khẩu.

Thương nhân mua vải chín sớm ở Phúc Hòa.

Toàn huyện Tân Yên có 1.340 ha vải thiều, trong đó diện tích vải sớm 1.170 ha; sản lượng vải năm 2023 dự kiến khoảng 16.500 tấn. Sản xuất vải tập trung  tại các xã: Phúc Hòa, Liên Sơn, Tân Trung, Hợp Đức, Liên Sơn, Liên Chung, Việt Lập, thị trấn Cao Thượng...

Trong khi đó, theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hải Dương, tỉnh này có 199 mã số vùng trồng vải được cấp với tổng diện tích 1.119 ha. Sở đang đề nghị Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cấp 5 mã số vùng trồng vải sang thị trường Trung Quốc. Riêng tại huyện Thanh Hà có 45 vùng sản xuất vải đã được cấp 168 mã số vùng trồng xuất khẩu. Huyện này đang hoàn thiện các quy định để duy trì 11 mã số cơ sở đóng gói đã được cấp và đăng ký cấp mới 3 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu sang Trung Quốc.

Hải Dương hiện có 24 mã số cơ sở đóng gói của 13 cơ sở. Trong đó, có 21 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu vải tươi. Cụ thể, thị trường Trung Quốc có 13 mã số cơ sở đóng gói, công suất 974 tấn/ngày. Còn lại, thị trường Nhật Bản, Australia, New Zealand, mỗi nơi có 2 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu vải tươi; thị trường Hoa Kỳ và Thái Lan mỗi nơi có 1 mã số cơ sở.

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top