Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 21 tháng 8 năm 2023 | 21:39

Xuất khẩu nông sản sôi động với sức bật từ doanh nghiệp

Trong bối cảnh khó khăn của kinh tế thế giới, xuất khẩu nhiều mặt hàng của Việt Nam vẫn đạt được kết quả cao, nhất là rau quả và gạo. Những nỗ lực của DN là rất lớn để duy trì hoạt động sản xuất, xuất khẩu, lưu thông hàng hóa.

Kiểm tra trái cây trước khi xuất khẩu tại Công ty Vina T&T Group. (Ảnh MINH HÀ)

Dù bức tranh xuất khẩu nông sản từ đầu năm đến nay có nhiều điểm sáng, song để cán đích mục tiêu 55 tỷ USD năm 2023 là việc không dễ. Mục tiêu này đòi hỏi ngành nông nghiệp linh hoạt thực hiện các giải pháp ứng phó với chính sách của các quốc gia nhập khẩu; đồng thời hỗ trợ DN ký kết đơn hàng mới song song với gỡ khó, vượt rào cản.

Nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu lập kỷ lục

Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và PTNT, 7 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu của nông lâm thủy sản đạt 29,1 tỷ USD, giảm 9,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi nhóm thủy sản và nhóm lâm sản đều giảm tới trên 25,5% thì nhóm nông sản xuất khẩu thu về xấp xỉ 15 tỷ USD, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kết quả này có được là nhờ giá trị xuất khẩu rau quả đạt 3,23 tỷ USD, tăng mạnh 68,1%; gạo đạt 2,58 tỷ USD, tăng 29,6%; hạt điều 1,95 tỷ USD, tăng 9,8%; cà phê 2,76 tỷ USD, tăng 6%; sản phẩm chăn nuôi đạt 276 triệu USD, tăng 27,4%.

Đáng chú ý, giá nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu tăng mạnh, lập kỷ lục lịch sử. Đơn cử, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam tháng 7/2023 ghi nhận mức cao kỷ lục đạt 2.828 USD/tấn, tăng 5,4% so với tháng 6/2023 và tăng 23,4% so với tháng 7/2022.

Tính chung 7 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê đạt mức 2.418 USD/tấn, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, giá hạt tiêu và sắn cùng xu hướng tăng mạnh.

Trong tháng 7/2023, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt mức 3.731 USD/tấn, đây là mức giá cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn ở mức 494,9 USD/tấn, tăng 6,9% so với tháng 6/2023 và tăng 9,2% so với tháng 7/2022.

Nổi bật nhất phải kể đến mặt hàng gạo xuất khẩu. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang ở mức cao kỷ lục lịch sử khi Ấn Độ và một số quốc gia cấm xuất khẩu mặt hàng này.

Dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam ngày 11/8 đạt mốc mới 638 USD/tấn, gạo 25% cũng vọt lên 618 USD/tấn. So với thời điểm trước khi Ấn Độ cấm xuất khẩu (20/7), gạo 5% tấm và 25% tấm đã tăng thêm 105 USD/tấn, đưa giá mặt hàng này lên mức cao hiếm có trong lịch sử.

Chỉ trong vòng 20 ngày, giá gạo xuất khẩu loại 5% và 25% tấm của nước ta lần lượt tăng lần lượt 19,7% và 20,5%.

Bốc xếp gạo phục vụ nhu cầu xuất khẩu.

Một mặt hàng nữa không thể không nhắc tới là trái dừa sọ của Việt Nam được cấp “visa” sang Mỹ. Ngay khi có thông tin, giá dừa tươi tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã tăng tới 50%, từ mức 15.000 - 20.000 đồng/chục quả, thì hiện nay đã tăng lên 60.000 - 65.000 đồng/chục quả.

Hiện, Việt Nam đứng thứ 7 về sản xuất dừa trên toàn thế giới. Diện tích trồng dừa vào khoảng 188.000ha, tập trung chủ yếu ở các tỉnh: Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang, Vĩnh Long.

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dừa của Việt Nam đạt 900 triệu USD, đưa nước ta trở thành quốc gia xuất khẩu các sản phẩm từ dừa lớn thứ 4 khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Hiện tại cũng có hơn 90 DN xuất khẩu sản phẩm từ dừa, trong đó, có 42 DN xuất khẩu những sản phẩm chế biến sâu. Năm 2023, ngành dừa phấn đấu xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa đạt trên 1 tỷ USD.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến cho hay, để đạt được mục tiêu xuất khẩu 55 tỷ USD năm 2023, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị các DN cần tận dụng các Hiệp định thương mại thế hệ mới để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực. Đồng thời, các bộ, ngành, cơ quan chức năng tăng cường hỗ trợ DN ký kết đơn hàng xuất khẩu mới, phối hợp bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài...

Đánh giá về bức tranh toàn cảnh của xuất khẩu nông sản, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định: Sau những tháng đầu năm sụt giảm mạnh, sang đầu quý III/2023 xuất khẩu các mặt hàng nông sản đã có chuyển biến tốt.

Thị trường lớn có nhiều tín hiệu tích cực khi nhu cầu tăng, kéo theo đơn hàng xuất khẩu tăng trở lại. Riêng về mặt hàng gạo, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng nhiều quốc gia như Ấn Độ, Nga, UAE,... hạn chế xuất khẩu là "thời cơ vàng” cho gạo Việt Nam.

Dự báo nhiều sôi động

Nhận định về yếu tố thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam, các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, thách thức lớn nhất hiện nay là nhiều quốc gia trên thế giới đang thực thi chính sách tăng cường bảo hộ sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước, đẩy mạnh sản xuất nông sản để chủ động nguồn cung.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải nhìn nhận, bức tranh thị trường chưa có tín hiệu phục hồi rõ nét, lượng tồn kho của cả các nhà nhập khẩu và DN trong nước đều ở mức cao, lượng cầu vẫn đang ở mức thấp. Bên cạnh khó khăn về xuất khẩu giảm, các thị trường xuất khẩu nói chung và thị trường châu Âu (EU) nói riêng còn đặt ra những yêu cầu ngày càng chặt chẽ.

Đơn cử như, nếu trước đây, thị trường EU yêu cầu kiểm soát theo chuỗi và truy xuất nguồn gốc để cho DN xuất khẩu đăng ký và DN này được mua qua các cơ sở sơ chế, hoặc đại lý thì theo luật mới của EU, chỉ trừ khâu sản xuất ban đầu, tất cả các khâu tiếp theo từ sơ chế, chế biến, logistics, kho lạnh tổng hợp đều phải đăng ký.

Quan tâm đến thị trường EU, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, EU là thị trường dẫn dắt những quy định của thị trường xuất khẩu thế giới. Theo đó, nếu như trước đây là các quy định liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm thì nay là các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững.

Do đó, Việt Nam cần có những chính sách quy định về truy xuất nguồn gốc để đáp ứng các yêu cầu về thị trường. Đối với các DN, bên cạnh yếu tố thương mại thì các yếu tố kỹ thuật cũng là vấn đề mà DN cần phải lưu tâm để bảo đảm đa dạng, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, Bộ Công Thương đề nghị Đại sứ quán, Tham tán Thương mại tại các nước xây dựng các kênh trao đổi, cung cấp thông tin các thị trường xuất khẩu; tăng cường xúc tiến, quảng bá đối với các sản phẩm đã được mở cửa, xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường gắn liền với các hoạt động ngoại giao của Chính phủ và của Bộ vào các thị trường lớn (Trung Quốc, Mỹ, EU, Nga, Brazil) và khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng (Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Trung Đông...).

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá, sau những tháng đầu năm sụt giảm mạnh, sang đầu quý III xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp đã có chuyển biến tốt. Thị trường lớn có nhiều tín hiệu tích cực khi nhu cầu tăng, kéo theo đơn hàng xuất khẩu tăng trở lại. Riêng về mặt hàng gạo, ông Tiến cho rằng nhiều quốc gia như Ấn Độ, Nga, UAE... hạn chế xuất khẩu là thời cơ cho gạo Việt Nam.

Các chuyên gia ngành lúa gạo cũng đưa ra nhận định, giá gạo xuất khẩu có thể tăng lên ngưỡng 800 USD/tấn, thậm chí lặp lại lịch sử năm 2008 khi mặt hàng này đạt ngưỡng giá 1.000 USD/tấn. Bởi, nguồn cung gạo toàn cầu đang căng thẳng, một số nước cấm xuất khẩu để bảo hộ an ninh lương thực quốc gia, trong khi các khu vực sản xuất lúa gạo lớn ở châu Á chịu tác động mạnh bởi El Nino khiến sản lượng mặt hàng này giảm mạnh.

Với ngành điều, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) dự báo quý III, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sẽ tăng nhờ yếu tố chu kỳ và nhu cầu nhập khẩu từ Mỹ, EU tăng trở lại. Hiện các nhà máy sản xuất trong nước ký được nhiều đơn hàng mới và nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này bắt đầu tăng trở lại. Hoạt động sản xuất diễn ra sôi động, nhiều đơn vị phải tăng công suất chế biến để kịp các đơn hàng đã ký cho 2 quý cuối năm. Việc nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm và tận dụng tốt cơ hội từ thị trường sẽ giúp cho ngành điều Việt Nam tiếp tục tăng trưởng và bứt phá.

Với mặt hàng cà phê, theo báo cáo của Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO), dự kiến toàn cầu sẽ thiếu hụt 7,26 triệu bao cà phê các loại trong niên vụ 2023-2024. Dự báo do lạm phát lan ra toàn cầu, người dân thắt chặt chi tiêu, buộc phải tìm đến những mặt hàng cùng loại nhưng giá thành hợp túi tiền hơn. Cà phê robusta của Việt Nam hưởng lợi, giá xuất khẩu bật tăng mạnh thời gian qua. Đây cũng chính là cơ hội để nước ta đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này.

Để nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản, theo Bộ Công thương cần tăng cường tổ chức sản xuất, xuất khẩu theo liên kết chuỗi; tổ chức hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn, tập trung; gắn sản xuất với với tín hiệu của thị trường; liên kết nông dân bằng mô hình hợp tác xã kiểu mới; các khâu sản xuất, thu gom, chế biến, phân phối, tiêu thụ được đặt trong một “chuỗi giá trị” với doanh nghiệp. Song hành với đó là tiếp tục đàm phán, mở cửa thị trường, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường, bao gồm những thị trường truyền thống và các thị trường mới còn nhiều tiềm năng.

Sức bật từ doanh nghiệp

Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, trong bối cảnh khó khăn của kinh tế thế giới, xuất khẩu nhiều mặt hàng của Việt Nam vẫn đạt được kết quả cao, nhất là rau quả và gạo.

Sơ chế nông sản ở Công ty TNHH sản xuất thương mại nông sản Phong Thúy (Lâm Đồng). Ảnh: QUANG HIẾU 

“Mặc dù thị trường xuất khẩu còn nhiều khó khăn, song đánh giá chung cho thấy có một điểm tích cực, đó là các DN cũng đang phát huy tốt việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) để duy trì xuất khẩu vào các thị trường chính”- ông Hải nhận xét và khẳng định, những nỗ lực của DN là rất lớn để duy trì hoạt động sản xuất, xuất khẩu, lưu thông hàng hóa. Tại thời điểm hiện nay, các DN cũng nên tiếp tục có các đánh giá và tái cơ cấu cho chiến lược hoạt động cũng như chiến lược kinh doanh.

Theo ông Hải, Việt Nam đã có kinh nghiệm ứng phó những tình huống tương tự như thế này, do đó, đây là giai đoạn mà DN cần tiếp tục vận dụng các kinh nghiệm, bài học đã thu được để nhanh chóng vượt qua khó khăn./.

 

Thanh Tâm (t/h)
Ý kiến bạn đọc
  • Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…

  • Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị

    Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị

    Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.

  • Người mua căn hộ đang thích được sở hữu những gì?

    Người mua căn hộ đang thích được sở hữu những gì?

    Hiện tại, các chủ đầu tư gần như đang vượt qua chính mình khi phải cân bằng giữa các yếu tố đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp, sản phẩm phải chinh phục được đối tượng khách hàng là người trẻ.

Top