Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến, với những giải pháp mạnh, cộng với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NNPTNT tự tin sẽ hoàn thành mục tiêu Chính phủ giao xuất khẩu nông sản năm 2023 đạt 55 tỷ USD.
Các doanh nghiệp chuẩn bị cho việc xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc. (Ảnh: Tùng Đinh)
Tự tin hoàn thành mục tiêu
Ngày 8/1/2023, Trung Quốc chính thức mở cửa biên giới trở lại sau một thời gian dài thực hiện Zero Covid với những biện pháp kiểm soát rất khắt khe. Để tận dụng cơ hội tăng tốc xuất khẩu, tạo đầu kéo cho sản xuất, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các ngành chức năng, trong đó có Bộ NN-PTNT họp với các tỉnh biên giới phải mở cửa tối đa, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp thông quan.
Nhờ đó, theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2023, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đã đạt 3,73 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt 647 triệu USD, nông sản Việt Nam đã xuất khẩu tới 200 quốc gia và vùng lãnh thổ và ngày càng được ghi nhận.
Tin vui ngay từ tháng đầu năm 2023 đã tiếp tục khẳng định nông nghiệp đang là lợi thế của Việt Nam, cần phát huy bằng cách đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng bằng chế biến và chế biến sâu thì chắc chắn sẽ có kết quả tốt hơn trong những tháng tới.
Có thể khẳng định, sản lượng, giá trị của ngành nông nghiệp đã tăng liên tục trong những năm qua với tốc độ tăng rất nhanh. Đó là kết quả tất yếu của việc chúng ta đã có một nền tảng tốt từ tổ chức sản xuất đến sơ chế, chế biến, xúc tiến thương mại.
Trong hệ sinh thái ngành nông nghiệp, ngày càng có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân cùng xây dựng mối liên kết bền chặt. Ngành nông nghiệp đã thực hiện tái cơ cấu trong 10 năm qua, từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa và từng bước chuyển sang tư duy kinh tế nông nghiệp.
Những thay đổi mang tính đột phá trong quá trình tổ chức sản xuất phải kể đến như Mỹ đã công nhận sản xuất cá tra của Việt Nam trình độ tương đương Mỹ, thị trường Nhật Bản đã chấp thuận nhập khẩu thịt gà của Việt Nam với số lượng ngày càng lớn. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn.
Dù vậy, thị trường thế giới đang có những rào cản cơ bản, biến đổi khí hậu phức tạp, nguyên liệu đầu vào tăng cao, đây là yếu tố khó khăn cho sản xuất. Trong bối cảnh lạm phát tăng cao, không có cách nào khác là nâng cao giá trị sản phẩm; cơ cấu lại gắn với truy xuất nguồn gốc và chuyển đổi số để đáp ứng yêu cầu của từng thị trường. Với những giải pháp mạnh, cộng với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT tự tin sẽ hoàn thành mục tiêu Chính phủ giao.
Thúc đẩy 7 mặt hàng xuất khẩu có lợi thế
Bộ NN-PTNT xác định, năm 2023, vẫn tiếp tục thúc đẩy 7 mặt hàng xuất khẩu có lợi thế đạt trên 3 tỷ USD dù có một số tín hiệu thị trường khó khăn. Đơn cử, tiềm năng, lợi thế của ngành lâm nghiệp tuy khó khăn trong việc khai thác các đơn hàng do lạm phát tăng nhưng vẫn có thể phát huy được và tập trung vào một số mặt hàng mới như viên nén, dăm gỗ, đây là những mặt hàng có thể đạt trên 3,5 tỷ USD.
Bên cạnh đó, cần tập trung phát triển ở nhiều thị trường để có giá trị gia tăng cao; thủy sản vẫn là một lợi thế với hai mặt hàng chiến lược là tôm và cá tra; trong đó, tiếp tục phát huy thị trường Mỹ, Trung Quốc để tăng tốc xuất khẩu cá tra.
Hình ảnh xuất khẩu lô hàng sầu riêng tươi đầu tiên sang Trung Quốc năm 2022 theo nghị định thư ký kết của Bộ NN&PTNT với phía Trung Quốc. (Ảnh: Tùng Đinh)
Đối với mặt hàng rau hoa quả, lợi thế từ các nghị định thư Việt Nam đã ký với Trung Quốc về xuất khẩu chính ngạch đã giúp xuất khẩu sầu riêng, khoai lang, chanh leo ngày càng thuận lợi. Nhờ đó, giá nhiều loại trái cây đã tăng đáng kể ngay từ đầu năm. Đây là tín hiệu đáng mừng.
Về cơ cấu thị trường, ngoài thị trường chủ lực như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản thì ghi nhận sự tăng tốc ở thị trường EU, Anh,…
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng phải lưu ý, càng hội nhập sâu thì tiêu chí của các thị trường càng khắt khe, do vậy phải tích cực đổi mới sản xuất, nâng cao chất lượng để đáp ứng được yêu cầu của từng thị trường.
Chủ động thay đổi sẽ giảm rủi ro
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, năm 2023 có thể sẽ còn khó khăn hơn trong các quy chuẩn thị trường theo hướng ngày càng khắt khe hơn.
Như thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… họ đã bắt đầu truy xuất nguồn gốc. Những sản phẩm nông nghiệp được tạo ra không chỉ được họ tiếp cận bằng chất lượng, giá cả mà còn yêu cầu cả về quy trình canh tác có tác động tới môi trường thiên nhiên, gây hiệu ứng nhà kính hay không.
Thẻ vàng IUU là một minh chứng. Người tiêu dùng hải sản không phải chỉ dựa vào độ ngon của con tôm, con mực mà con tôm, mực đó được đánh bắt như thế nào, có vi phạm luật pháp quốc tế đối với môi trường hay không... Cà phê, hạt điều cũng bắt đầu truy xuất xem trồng ở đâu, có trong những diện tích rừng bị phá hay không.
Đó là sức ép thay đổi. Nếu chúng ta chủ động thay đổi thì sẽ giảm rủi ro hơn và nó cũng là cơ hội để ta định vị lại hình ảnh của một nền nông nghiệp trách nhiệm, bền vững.
Chuẩn hóa vùng trồng để xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc
Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong năm nay sẽ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ chuẩn hóa vùng trồng để có thể xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc đối với chanh leo, khoai lang, ớt, một số cây có múi và dừa.
Hoàn thiện hồ sơ chuẩn hóa vùng trồng để có thể xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc đối với chanh leo. (Ảnh minh họa).
Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ hai của Việt Nam sau Hoa Kỳ với những mặt hàng có tiềm năng về xuất khẩu như: rau quả, thủy sản, gạo và cà phê. Hiện mỗi năm xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc đạt kim ngạch từ 2-3 tỷ USD và dư địa nhập khẩu rau quả của thị trường này là rất lớn bởi mỗi năm Trung Quốc nhập khẩu hơn 15 tỷ USD đối với mặt hàng rau quả, tuy nhiên, về chất lượng cũng ngày đòi hỏi khắt khe hơn.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lưu ý, các địa phương, doanh nghiệp và cơ sở sản xuất phải không ngừng nâng cao các tiêu chí về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, mẫu mã bao bì truy xuất nguồn gốc. Những nông sản đã được xuất khẩu chính ngạch sẽ được kiểm tra, đánh giá đột xuất để đảm bảo các mã số vùng trồng cơ sở đóng gói tuân thủ thực tế theo đúng trên hồ sơ đăng ký. Đây là cơ sở để tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu tại thị trường Trung Quốc tăng trở lại sau dịch bệnh.
“Các cơ quan chuyên môn ở địa phương và của doanh nghiệp nghiên cứu và thực hiện đúng các hướng dẫn của Bộ, Cục liên quan tới các tiêu chuẩn về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói và tuân thủ nghiêm túc để khi hồ sơ gửi về Cục Bảo vệ thực vật và gửi sang Tổng cục Hải quan Trung Quốc phải được kiểm tra và phê chuẩn, tránh để xảy ra việc khắc phục hoặc không được chấp thuận”, ông Hoàng Trung nhấn mạnh./.
Nuôi dưỡng sắc đẹp không nhất thiết phải áp dụng những phương pháp cầu kỳ, tốn kém nhiều thời gian và chi phí. Bổ sung dưỡng chất từ sữa đậu nành tiện lợi là phương pháp làm đẹp được nhiều phụ nữ hiện đại lựa chọn, không chỉ giúp đơn giản hóa quá trình chăm sóc sắc đẹp mà còn xây dựng nền tảng sức khỏe vững chắc.
Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…
Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.