Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 27 tháng 2 năm 2023 | 10:18

Xuất khẩu thanh long ruột đỏ: Phải tuân thủ theo thông lệ quốc tế

Mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu khoảng 2.000 tấn thanh long sang Nhật Bản, chiếm khoảng 80% thị phần thanh long bán tại nước này.

Tuy nhiên, gần đây việc khai thác thị trường giàu tiềm năng này bị dừng đột ngột, vì phía bạn yêu cầu giống “thanh long ruột đỏ Long Định 1”phải có mã số vùng trồng, giống và bản quyền sở hữu trí tuệ.

Lao đao vì không có bản quyền

Gần đây, một số doanh nghiệp xuất khẩu thanh long ở Long An phải dừng xuất hàng đi Nhật Bản vì không đáp ứng đủ điều kiện về mã vùng trồng.

Theo quy định của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT), để được cấp mã số thì vùng trồng phải chứng minh được tên giống, ví như đối với thanh long ruột đỏ Long Định 1 (LĐ1), phải có giấy xác nhận mua giống LĐ1 từ nơi sản xuất - Viện Cây ăn quả miền Nam. Tuy nhiên, hiện cả doanh nghiệp xuất khẩu và người dân đều không có giấy này.

Được biết,  LĐ1 đã được Viện Cây ăn quả miền Nam chuyển nhượng bản quyền cho Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit (Công ty Hoàng Phát). Do vậy, doanh nghiệp, nhà vườn nào muốn được cấp mã số vùng trồng giống có bản quyền để xuất khẩu  thì phải làm việc với Công ty Hoàng Phát nên  gây ra nhiều tranh cãi...

Tình trạng này khiến khiều nông dân trồng thanh long ruột đỏ xuất sang Nhật đứng ngồi không yên.

Một số doanh nghiệp xuất khẩu thanh long đi Nhật Bản bị dừng đơn hàng đột ngột. Ảnh: Trung Chánh

Điển hình, một lượng lớn thanh long tại Châu Thành (Long An) sẽ được thu hoạch để xuất sang Nhật Bản. Nhưng, đa số các vùng trồng thanh long của bà con không đáp ứng được yêu cầu về bản quyền giống, do vậy, doanh nghiệp chưa thể thu mua. Giờ toàn bộ số thanh long này có khả năng sẽ được bán ở chợ. Nhà vườn phải chạy đôn chạy đáo tìm thương lái.

Bà Watanabe Masumi, Giám đốc Công ty Yasaka, đơn vị xuất khẩu thanh long sang thị trường Nhật Bản, cho biết, những năm qua, công ty thu mua thanh long ở Long An, Tiền Giang, Bình Thuận. Số hộ nông dân cung cấp thanh long cho công ty khá lớn. Hiện, công ty có 5 mã vùng trồng thanh long với diện tích hơn 300ha. Việc bảo hộ giống LD1 khiến công ty thất bại trong việc đưa hơn 70 tấn thanh long sang thị trường Nhật, thiệt hại hơn 190.000 USD.

Trong tháng 2 này, Yasaka tiếp tục có nguy cơ thiệt hại khoảng 200.000 USD nếu không xuất được thanh long sang Nhật Bản. Đồng nghĩa với việc nhiều vườn thanh long có nguy cơ dư thừa. Bà Watanabe Masumi cho biết, ở Nhật Bản, việc bảo hộ giống do đơn vị nhà nước quản lý. Hiện, giống thanh long LD1 tại Việt Nam đang được một đơn vị tư nhân bảo hộ. Điều này khiến nhà sản xuất lẫn đơn vị xuất khẩu bị phụ thuộc, dẫn đến giá bán thực tế tăng, từ 2,5 USD/kg lên 3,5 USD/kg. Tình trạng này khiến xuất khẩu bị động, nhà nhập khẩu từ Nhật Bản cũng bức xúc.

Tôn trọng bản quyền trên tinh thần hợp tác

Hiện nay, hầu hết các nước phát triển như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia... đều có yêu cầu đối với bản quyền giống cây trồng.

Do đó, việc nông sản phải tuân thủ yêu cầu của thị trường nhập khẩu ở đây là bản quyền, bảo hộ cây giống là yêu cầu tất yếu. Việc này nhằm tránh vi phạm quyền bảo hộ giống cây trồng theo Luật Sở hữu trí tuệ, đồng thời đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.

Theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), việc đăng ký bản quyền giống thanh long nói riêng và các giống cây trồng khác là rất cần thiết nhằm tránh việc “xài chùa”. Bảo hộ giống cây trồng đối với nông sản Việt  là hướng đi tất yếu và rất cần thiết để có thị trường ổn địn, nâng cao chất lượng nông sản.

Trao đổi về vấn đề này,  bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Giám đốc Công ty Hoàng Phát, cho rằng, vừa qua, một số doanh nghiệp không xuất khẩu được thanh long ruột đỏ sang Nhật không phải do vấn đề bản quyền mà bởi các lý do khác như tiêu chuẩn, chất lượng.

Bà Thoa cũng cho biết, công ty sẵn sàng chia sẻ bản quyền với mức phí  10-30 đồng/kg (tùy sản lượng) đối với doanh nghiệp và nông dân có nhu cầu xuất khẩu thanh long LĐ 1 vào thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản. Doanh nghiệp cũng sẵn sàng bao tiêu xuất khẩu giống thanh long LĐ 1 sang Hàn Quốc, Nhật Bản với giá cao hơn thị trường 20-30%. Điều kiện là nông dân phải trồng theo tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu.

“Ngoài thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc, nếu nông dân và doanh nghiệp nào cần chứng minh nguồn gốc, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ chia sẻ bản quyền và không thu phí trong 5 năm, kể từ thời điểm hiện tại”, bà Thoa khẳng định.

Thời gian tới, vì mục tiêu chung, Công ty Hoàng Phát sẽ tạo mọi điều kiện để nông dân sản xuất giống thanh long LD1; hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp tiêu thụ thanh long LD1 trong thị trường nội địa, thị trường Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ. Đối với thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc thì phải liên hệ Công ty Hoàng Phát để xác định quyền và nghĩa vụ có liên quan.

Đối với các loại nông sản khác, các cơ quan, ban ngành cần có thông tin cụ thể hơn trong việc mua bán bản quyền giống cây trồng, tránh tranh chấp, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đối với các thị trường xuất khẩu.

Người dân, doanh nghiệp cần chủ động  nắm bắt thông tin, yêu cầu mới của thị trường, triển khai thủ tục hồ sơ, nghiên cứu đáp ứng yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu. Đó chính là bước đi cần triển khai để không “thuận buồm xuôi gió” khi xuất khẩu nông sản.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan nhắn nhủ các doanh nghiệp: “Một doanh nghiệp nếu có tầm nhìn trong phạm vi một thôn, một xã hay một huyện thì chỉ có thể làm ăn ở khu vực đó thôi, còn muốn làm ăn ở phạm vi quốc gia hay quốc tế cần phải có tầm nhìn vươn tầm quốc gia và quốc tế. Và một trong những cách để vươn tầm quốc gia, quốc tế thì doanh nghiệp đó phải tôn trọng bản quyền và tôn trọng luật chơi của quốc tế”

 

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
Top