Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 3 tháng 3 năm 2023 | 16:37

Xuất khẩu thủy sản có dấu hiệu khả quan, thị trường dần phục hồi

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ước tính tổng giá trị xuất khẩu thủy sản trong tháng 2 đạt khoảng 662 triệu đô la Mỹ, tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ năm 2022.

Hoạt động xuất khẩu thủy sản trong tháng 2 đã có dấu hiệu khả quan hơn so với tháng trước. (Ảnh: Trung Chánh).

Nhiều tín hiệu tích cực

Đáng chú ý, sau khi mở cửa, xuất khẩu sang Trung Quốc bắt đầu có tín hiệu tích cực. Trong tháng 2, giá trị xuất khẩu thủy sản sang thị trường này tăng 33% lên 122 triệu đô la Mỹ.

Xuất khẩu thủy sản sang Hàn Quốc, các nền kinh tế thành viên CPTPP và một số thị trường khác cũng có xu hướng khả quan hơn. Riêng thị trường Hàn Quốc, mức tăng trưởng là 26%, thị trường CPTPP tăng 14%.

Trong khi đó, thị trường Mỹ và EU vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục nên kim ngạch xuất khẩu giảm lần lượt 35% và 8% so với cùng kỳ năm 2022

VASEP nhận định, xu hướng xuất khẩu trong tháng 2 có dấu hiệu khả quan hơn so với tháng trước.

Lũy kế 2 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đạt trên 1,1 tỉ đô la Mỹ, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó cá tra vẫn giảm sâu 38% đạt 240 triệu đô la Mỹ, tôm giảm 37% đạt 350 triệu đô la Mỹ, cá ngừ giảm 27% đạt 113 triệu đô la Mỹ.

Trong các mặt hàng thủy sản, doanh thu từ mực, bạch tuộc và các loại cá biển tăng trưởng 6% mỗi loại, đạt lần lượt 103 triệu đô la và 273 triệu đô la.

Về thị trường, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 158 triệu đô la Mỹ, giảm 7% so với cùng kỳ, sang Mỹ đạt 164 triệu đô la Mỹ, giảm 53%, sang EU giảm 32% đạt 123 triệu đô la Mỹ.

Theo VASEP, nhu cầu của các thị trường đang có xu hướng hồi phục dần dần, nhất là thị trường Trung Quốc và nhiều thị trường nhỏ khác. Nguồn nguyên liệu thủy sản (tôm, cá tra) cũng sẽ tăng trong tháng tiếp theo, do vậy xuất khẩu trong tháng 3 và tháng 4 sẽ tăng dần trở lại so với những tháng đầu năm.

Bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông của VASEP, dự báo quý 1 năm nay, xuất khẩu thủy sản có thể vẫn thấp hơn khoảng 15 - 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, sau các hội chợ thủy sản quốc tế vào tháng 3 - 4, cùng với sự thích ứng và mở cửa của thị trường Trung Quốc cũng như sự điều chỉnh chiến lược của các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam, hy vọng xuất khẩu sẽ hồi phục dần từ quý 2.2023.

Nhiều giải pháp đưa xuất khẩu tôm đạt trên 4,3 tỉ USD

Theo kế hoạch sản xuất tôm năm 2023 của Bộ NN-PTNT, diện tích nuôi tôm cả nước đạt 750 nghìn ha, sản lượng tôm 1.080 nghìn tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 4,3 tỉ USD. Đó là thông tin trên được nêu tại Hội nghị phát triển ngành tôm năm 2023, nhìn lại kết quả ngành tôm năm 2022 và thảo luận nhằm tìm giải pháp để phát triển ngành tôm nước lợ năm 2023 được Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng.

Chế biến tôm phục vụ nhu cầu xuất khẩu.

Năm 2022, mặc dù đối mặt với những khó khăn về thời tiết, giá cả đầu vào tăng cao, dịch bệnh, song ngành tôm vẫn đạt được những kết quả phấn khởi. Sản lượng nuôi tôm đạt 1.080 nghìn tấn, tǎng 8,5% so với năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu năm 2022, đạt 4,3 tỉ USD, đây cũng là mức tăng trưởng kỷ lục từ trước đến nay.

Tại hội nghị, các đại biểu trình bày những khó khăn hiện nay như: Giá thành sản xuất tôm vẫn còn cao hơn so với các nước trong khu vực. Nguyên nhân là do thức ăn nuôi tôm vẫn đang chiếm tỉ lệ cao trong giá thành sản xuất (khoảng trên 65% giá thành nuôi tôm công nghiệp).

Bên cạnh đó, chi phí con giống cao do phải nhập khẩu tôm bố mẹ, phần lớn hạ tầng vùng nuôi chưa đảm bảo. Nguồn nước dễ bị ô nhiễm do quá trình sản xuất và sinh hoạt, thuốc bảo vệ thực vật từ sản xuất nông nghiệp. Tình trạng sản xuất, mua bán tôm giống trôi nổi, chưa qua kiểm dịch còn khá phổ biến một số địa phương ảnh hưởng đến chất lượng nuôi tôm,...

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị các địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả thực hiện Luật Thủy sản 2017, đặc biệt là quan tâm triển khai đăng ký đối tượng thủy sản nuôi chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng).

Tập trung ứng dụng khoa học, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng. Tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi tôm tập trung để kịp thời đưa ra khuyến cáo và cảnh báo nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tổ chức sản xuất theo hướng liên kết, sản xuất có chứng nhận chất lượng để sản xuất an toàn, hạ giá thành và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.

Tăng cường xúc tiến thương mại đối với tiêu thụ nội địa và các hình thức nuôi có chứng nhận: VietGAP, GlobalGAP, ASC, ... để nâng cao giá trị thị trường mới. Tuân thủ các quy định về sử dụng chất cấm, thuốc, hóa chất trong nuôi tôm, chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc.

Na Uy - Việt Nam không cạnh tranh mà hỗ trợ nhau trong xuất khẩu thủy sản

Phát biểu tại hội thảo Na Uy - Việt Nam: Cơ hội hợp tác trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Na Uy Erling Rimestad, xuất khẩu thủy sản Na Uy đứng thứ hai trên thế giới và Việt Nam đứng thứ ba.

"Chúng ta đang là những quốc gia xuất khẩu thủy sản hàng đầu nhưng không vì thế mà trở thành đối thủ cạnh tranh với nhau, thực tế là chúng ta bổ sung, hỗ trợ cho nhau. Na Uy xuất khẩu các loài như cá hồi, cá tuyết, cua hoàng đế và tôm từ biển. Việt Nam là nhà cung cấp lớn cá tra và tôm nuôi" - ông Erling Rimestad nói.

Dẫn số liệu từ Hội đồng Thủy sản Na Uy, ông Erling Rimestad ví xuất khẩu thủy sản của Na Uy tương đương với 40 triệu bữa ăn mỗi ngày trong năm, được phục vụ ở gần 150 quốc gia.

Những lồng HDPE nuôi thủy sản của Công ty Australis ở Khánh Hòa - Ảnh: M.CHIẾN

"Tôi không biết có bao nhiêu bữa ăn trong số đó được phục vụ ở Việt Nam, nhưng tôi biết rằng Việt Nam có mức tiêu thụ hải sản cao nhất thế giới, với 37kg mỗi người mỗi năm. Người Na Uy cần cố gắng theo cho kịp, bởi chúng tôi chỉ ăn 19,5kg mỗi năm. Chúng ta nên ăn nhiều hải sản hơn" - ông Erling Rimestad chia sẻ.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh phát triển hiệu quả, bền vững ngành công nghiệp nuôi biển là một trong những định hướng then chốt của Việt Nam trong những thập kỷ tới.

"Hội thảo là cơ hội tuyệt vời để hai bên cùng thảo luận, trao đổi và cụ thể hóa các cơ hội hợp tác mà Việt Nam và Na Uy đã đề cập trong Ý định thư - tăng cường và phát triển hợp tác trong ngành công nghiệp nuôi biển" - ông Tiến nói.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân đề nghị Na Uy hỗ trợ chuyên gia xây dựng chính sách, quy hoạch, bảo vệ môi trường trong nuôi biển quy mô công nghiệp. Xây dựng tiêu chuẩn/quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật nuôi biển công nghiệp phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

"Tổ chức diễn đàn đầu tư để kêu gọi các nhà đầu tư của Na Uy vào nuôi biển tại Việt Nam và liên kết hỗ trợ các doanh nghiệp nuôi biển tại một số tỉnh trọng điểm như Khánh Hòa, Kiên Giang, Quảng Ninh.

Hỗ trợ xây dựng thương hiệu nuôi biển Việt Nam theo kinh nghiệm phát triển sản phẩm cá hồi của Na Uy và đào tạo nghề cho phát triển nuôi biển công nghiệp tại Việt Nam…" - ông Luân kiến nghị.

Ông Nguyễn Hoài Nam, phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết năm 2022 xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Na Uy đạt khoảng 10 triệu USD nhưng ở chiều ngược lại Việt Nam đã chi 260 triệu USD để nhập khẩu thủy sản.

Do đó, Việt Nam mong muốn Na Uy tạo điều kiện để có nhiều hơn nữa sản phẩm thủy sản của Việt Nam được xuất sang.

"Nuôi trồng thủy sản biển, Việt Nam vẫn còn một số bất cập về cơ sở hạ tầng, con giống, thức ăn và đặc biệt là công nghệ nuôi nên năng suất và hiệu quả kinh tế chưa cao. Đề nghị Na Uy hỗ trợ ngành nuôi biển của Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt mong muốn Na Uy hỗ trợ công nghệ và kỹ thuật nuôi biển" - ông Nam kiến nghị./.

 

 

Thanh Tâm (T/h)
Ý kiến bạn đọc
Top