Hết tháng 7, xuất khẩu thủy sản đạt gần 5,3 tỷ USD, tăng hơn 7%. Đảm bảo chất lượng, sản lượng, khai thác tốt sẽ giúp xuất khẩu thủy sản sớm đạt 10 tỷ USD trong năm nay.
Chế biến tôm phục vụ nhu cầu xuất khẩu.
Những tín hiệu tích cực
Ghi nhận tại Đồng bằng Sông Cửu long - vựa thủy sản của cả nước, từ quý 3 này, các nhà máy đã ký được nhiều đơn hàng mới. Hoạt động thu mua, chế biến và xuất khẩu thủy sản cũng diễn ra sôi động hơn.
Hơn 500 triệu USD là kim ngạch xuất khẩu mà thủ phủ tôm Bạc Liêu đạt được. Để cán mốc 1,1 tỷ USD trong năm nay, 48 nhà máy thủy sản của tỉnh này đang đẩy mạnh chế biến và tăng cường xuất khẩu.
"Đi mạnh vào thị trường Hàn Quốc tôm nguyên con tươi, đặc biệt sắp tới đây, công ty sẽ xuất 1 container hàng tươi sang Úc", ông Trần Bé Sáu - Giám đốc Điều hành Nhà máy Chế biến Thủy sản Việt Úc cho hay.
Ông Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết: "Phải liên kết chặt chẽ với người nuôi tôm để giữ được nguyên liệu ổn định, có nguyên liệu ổn định thì nhà máy mới đủ công suất chế biến. Bạc Liêu có 48 nhà máy chế biến thủy sản, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu nguyên liệu của Bạc Liêu, 50% nguyên liệu của Bạc Liêu vẫn đi ra các tỉnh khác".
Nửa đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản nước ta mang về hơn 4,4 tỷ USD, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm 2023. Ngoài thị trường khởi sắc thì việc đầu tư chế biến sâu cũng đang là ưu thế để gia tăng giá trị xuất khẩu cho ngành thủy sản.
"Mình làm giá trị gia tăng thì nó cạnh tranh với những nước như Ấn Độ, Bangladesh, Ecuador. Những nước đó họ chuyên làm hàng thô. Sản phẩm tôm tẩm bột chuẩn bị xuất khẩu đi châu Âu. So với tôm đông lạnh nó có giá bán cao hơn 2-3 USD. Đặc biệt khi chế biến sâu thì những sản phẩm này dễ dàng chinh phục các kênh tiêu thụ hiện đại như: nhà hàng, khách sạn", ông Huỳnh Văn Tấn - Tổng Giám đốc Công ty Camimex Group chia sẻ.
Theo các doanh nghiệp thủy sản, cuối năm là thời điểm có nhiều sự kiện, lễ hội nên mức tiêu thụ mặt hàng này sẽ tăng mạnh. Việc đảm bảo chất lượng, sản lượng và khai thác tốt dư địa từ các thị trường sẽ giúp xuất khẩu thủy sản nước ta sớm đạt 10 tỷ USD trong năm nay.
Ngành hàng cá tra hứa hẹn bứt phá
Cùng với tôm, xuất khẩu cá tra đã mang về hơn 800 triệu USD trong năm nay, tăng gần 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc nâng cao chất lượng, khai thác tốt dư địa từ các thị trường sẽ giúp ngành cá tra sớm phục hồi và bứt phá vào những tháng cuối năm nay.
Hơn 90 triệu USD là tổng doanh thu xuất khẩu cá tra mà doanh nghiệp thu được. So với cùng kỳ năm ngoái, tăng khoảng 15%. Nhờ chủ động nguồn nguyên liệu, sản phẩm đảm bảo chất lượng cao, nên đơn vị có được đơn hàng xuất khẩu đều đặn cho cả năm nay.
"Sản phẩm mình được tốt thì mình được tiêu thụ nhiều, giờ người giàu, người có tiền người ta ăn sản phẩm có chất lượng, không phải càng đồ rẻ mà người ta dùng", ông Trần Văn Hùng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá, Đồng Tháp chia sẻ.
Việc nâng cao chất lượng, khai thác tốt dư địa từ các thị trường sẽ giúp ngành cá tra sớm phục hồi và bứt phá vào những tháng cuối năm nay.
Đặc biệt, Chính phủ cùng các Bộ, ngành liên tiếp có nhiều hoạt động ngoại giao, tăng cường xúc tiến thương mại cũng giúp sản phẩm cá tra nước ta tiêu thụ tốt hơn. Hiện các đối tác từ Hoa Kỳ, Trung Quốc, châu Âu đang tăng cường nhập khẩu mặt hàng này từ Việt Nam.
"Năm nay tình hình tương đối ổn định các đơn hàng, đặc biệt là Trung Quốc đang có dấu hiệu khởi sắc rất tốt. Hy vọng sẽ hoàn thành kế hoạch đặt ra của Vasep", ông Nguyễn Thanh Hải - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Hà Nội - Cần Thơ cho hay.
Ông Đỗ Lập Nghiệp - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Nam Việt cho biết: "Không ngẫu nhiên mà nói tại sao Mỹ, châu Âu, các nước khác họ tin tưởng chất lượng của mình. Do đó về dư địa tôi nghĩ rất tốt".
Việc Mỹ giảm thuế chống bán phá giá cũng đang mở ra nhiều cơ hội cho sản phẩm cá tra Việt Nam. Để sớm mốc 2 tỷ USD, các nhà máy thủy sản khuyến cáo, bà con nông dân nên thả nuôi có liên kết, đảm bảo sản lượng lớn, chất lượng cao nhằm cạnh tranh xuất khẩu vào các thị trường khó tính.
Tận dụng thị trường chiến lược
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Trung Quốc giữ vị trí chiến lược trong top thị trường xuất khẩu của nước ta, chỉ sau Mỹ. Trong 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này tăng 8,4% so với cùng kỳ.
Trong sản lượng thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc, các mặt hàng tươi, sống là điểm nhấn, góp phần tăng doanh đáng kể. Đặc biệt cá tra vẫn chiếm ưu thế với tỷ trọng lớn nhất, dù có giảm hơn 7% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn chiếm 35% tổng sản lượng xuất khẩu tương đương hơn 243 triệu USD.
Mặt hàng xuất khẩu lớn thứ 2 sang thị trường Trung Quốc trong nửa đầu năm nay là tôm hùm với gần 122 triệu USD, tăng 174% và chiếm gần 18% giá trị xuất khẩu thủy sản sang thị trường này. Theo chuyên gia dự đoán, trong thời gian tới sản lượng tôm hùm nhập khẩu vào Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng do đây là quốc gia dẫn đầu toàn cầu về tiêu thụ hải sản, người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng thích các sản phẩm hải sản chất lượng cao và có giá trị gia tăng. Đã có sự chuyển dịch từ việc mua hải sản tươi sống tại các chợ truyền thống sang mua hải sản tươi sống thông qua các kênh thương mại điện tử. Trong đó, tôm là mặt hàng hải sản được người tiêu dùng Trung Quốc mua trực tuyến phổ biến nhất.
Ngoài tôm hùm, cua sống, còn có nghêu sống (chủ yếu nghêu lụa, nghêu hoa), ốc hương sống tăng mạnh, tăng lần lượt 280% và 282% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo chuyên gia dự đoán, trong thời gian tới sản lượng tôm hùm nhập khẩu vào Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng.
Trong khi đó, một số loại thủy sản có dấu hiệu “đi lùi” như: Xuất khẩu tôm thẻ chân trắng sang Trung Quốc cũng giảm 10% chỉ đạt 117 triệu USD. Xuất khẩu tôm sú cùng giảm gần 30% đạt 38,5 triệu USD. Ngoài tôm và cá tra, có nhiều loài cá biển xuất khẩu sang Trung Quốc cũng bị sụt giảm kim ngạch trong 6 tháng đầu năm nay. Trong khi đó, nằm trong top 4 mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao nhất, mặt hàng cua sống sang Trung Quốc tăng gấp 12 lần đạt 49 triệu USD.
Trái ngược với sản phẩm tươi sống được ưa chuộng, các sản phẩm xuất khẩu dạng đông lạnh sang Trung Quốc nửa đầu năm nay hầu như bị giảm so với cùng kỳ do giá giảm, trong khi các mặt hàng thủy sản sống có dư địa tốt hơn.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có phần tác động do thị trường tôm đông lạnh của Trung Quốc đang bị tình trạng cung vượt cầu vì sản phẩm của Ecuador tràn ngập và thu hoạch tại các trại nuôi trong nước đạt mức cao. Trong nửa đầu năm nay, Trung Quốc nhập khẩu 436 nghìn tấn tôm, thì riêng tôm xuất xứ Ecuador đã chiếm 330 nghìn tấn, chiếm 75%.
Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang các thị trường chính bị áp lực cạnh tranh về giá với các nước cung cấp khác, nên giá xuất khẩu trung bình các sản phẩm chính như tôm, cá tra vẫn ở mức thấp so với năm 2023 và cả những năm trước.
Nửa đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản cả nước đạt hơn 4 tỷ USD, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, riêng xuất khẩu tôm chiếm hơn 37% với 1,6 tỷ USD, cá tra chiếm 21% với trên 918 triệu USD, cá ngừ chiếm 11% với 471 triệu USD, mực bạch tuộc chiếm 6% đạt 289 triệu USD, các loại cá khác chiếm gần 20% đạt 865 triệu USD. Đa số các sản phẩm chính có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm ngoái: tôm và cá tra tăng nhẹ 6% và 5%, xuất khẩu cua ghẹ tăng mạnh nhất 75%, cá ngừ tăng 23%. Trong khi đó, XK mực, bạch tuộc giảm nhẹ 1% và các loại cá khác giảm gần 6%.
Tổng xuất khẩu thủy sản trong 6 tháng đầu năm đang phục hồi, nhưng chỉ bứt phá mạnh vào tháng 1 (+64,5%), các tháng tiếp theo xuất khẩu tăng ở mức khiêm tốn.
Dồn lực về đích
Những con số cho thấy, những tháng cuối năm sẽ là cơ hội cho ngày thủy sản hoàn thành mục tiêu đề ra. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), hiện nay Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc là top 3 thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam, nhiều nhất là thị trường Trung Quốc.
Cá tra, tôm chân trắng, tôm hùm, cá cơm và cua là 5 loài thủy sản Việt Nam được xuất khẩu nhiều nhất sang Trung Quốc. Đặc biệt, xuất khẩu tôm hùm và cua sang thị trường này bứt phá mạnh mẽ, tôm hùm tăng gấp 11 lần, cua tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Việc Trung Quốc đang siết chặt kiểm tra tôm nhập khẩu từ Ecuador, khiến nguồn cung từ nước này giảm tạo ra dư địa cho tôm chân trắng của Việt Nam. Ngoài ra, cá tra cũng được kỳ vọng gia tăng kim ngạch tại thị trường Trung Quốc. Nguyên nhân một phần do cá rô phi - một trong những loài cá thịt trắng được ưa chuộng tại Trung Quốc có mức giá tăng cao trong khi nguồn cung thiếu hụt. VASEP dự báo, khi nguồn cung cá rô phi tại Trung Quốc khan hiếm, thì cá tra có thể là sản phẩm thay thế tiềm năng.
Theo chuyên gia của VASEP, dự báo nửa cuối năm, xuất khẩu thủy sản Việt Nam có thể quay về quỹ đạo thông thường như trước giai đoạn Covid-19. Xuất khẩu sẽ tăng so với nửa đầu năm, trong đó quý III đơn hàng sẽ tăng cao để phục vụ cho lễ tết cuối năm tại các thị trường./.
Nuôi dưỡng sắc đẹp không nhất thiết phải áp dụng những phương pháp cầu kỳ, tốn kém nhiều thời gian và chi phí. Bổ sung dưỡng chất từ sữa đậu nành tiện lợi là phương pháp làm đẹp được nhiều phụ nữ hiện đại lựa chọn, không chỉ giúp đơn giản hóa quá trình chăm sóc sắc đẹp mà còn xây dựng nền tảng sức khỏe vững chắc.
Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…
Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.