Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 11 tháng 11 năm 2022 | 21:41

Xuất khẩu thủy sản về đích trước hẹn, DN tìm cách mở rộng thị trường ngách

Với sự tăng trưởng ngoạn mục, dự báo đến cuối tháng 11, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sẽ đạt hơn 10 tỷ USD - mốc kỷ lục của ngành thuỷ sản Việt Nam sau hơn 20 năm tham gia vào thị trường thế giới. Năm nay, cả ngành dự kiến sẽ đạt con số trên 11 tỷ USD.

Xuất khẩu tôm 10 tháng qua đạt gần 3,8 tỷ USD.

Ba kịch bản với những kỷ lục mới

Ngành thủy sản đã sớm tham gia “câu lạc bộ” các mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD từ cách đây hơn 20 năm và hiện vẫn đang đứng trong top ngành hàng xuất khẩu chủ lực có kim ngạch lớn.

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản 10 tháng của năm 2022 đạt 9,5 tỷ USD, cao nhất so với cùng kỳ từ trước đến nay; mới qua 10 tháng đã vượt đỉnh cao nhất trong cả năm thiết lập vào năm 2021. Kết quả này đã góp phần giúp tổng kim ngạch của cả nước đạt mức cao với 312,82 tỷ USD, tăng 15,9% (42,92 tỷ USD) so với cùng kỳ.

Dự báo, theo kịch bản I, với giả thiết kim ngạch xuất khẩu thủy sản 2 tháng cuối năm 2022 đạt bằng mức bình quân trong 4 tháng gần đây (926,6 triệu USD), thì cả năm sẽ đạt 11,242 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm 2021.

Theo kịch bản II, với giả thiết trong 2 tháng cuối năm đạt bằng với mức của cùng kỳ năm 2021 (1,811 tỷ USD), thì 2 tháng cuối năm nay, tuy cao hơn tháng 9, tháng 10, nhưng không tăng so với cùng kỳ năm 2021 và cả năm 2022 đạt 11,2 tỷ USD, tăng 26% so với năm 2021.

Ở kịch bản III, với giả thiết bình quân 1 tháng trong 2 tháng cuối năm 2022 đạt bằng mức của tháng 10 (900 triệu USD), thì 2 tháng đạt 1,8 tỷ USD, giảm nhẹ so với cùng kỳ (0,63%); cộng với 10 tháng (9,389 tỷ USD), thì cả năm sẽ đạt 11,189 tỷ USD, tăng 25,9% so với năm 2021.

Ba kịch bản tuy ra các con số khác nhau, nhưng chênh lệch không lớn và đều vượt qua mốc 11,1 tỷ USD, tăng khoảng 26% so với năm 2021.

Kỳ vọng trên có cơ sở từ nhiều yếu tố. Ở đầu vào, Việt Nam có diện tích mặt nước lớn, bờ biển dài, cả nước có khoảng 2.900 trang trại thủy sản, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản gần 1,129 triệu ha. Toàn ngành có trên 95.000 tàu thuyền có động cơ. Sản lượng thủy sản gần như liên tục tăng lên qua các năm, riêng năm 2021 đạt trên 8,792 triệu tấn (khai thác đạt gần 4 triệu tấn, nuôi trồng đạt hơn 4,8 triệu tấn).

Trong sản lượng thủy sản nuôi trồng, phần nuôi nội địa chiếm tỷ trọng lớn hơn nuôi trồng thủy sản biển (92,3% so với 7,7%); sản lượng tôm nuôi nội địa tuy chiếm tỷ trọng nhỏ hơn cá (22,1% so với 73,2%), nhưng có giá xuất khẩu cao, hiện chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Ở đầu ra, ngoài thị trường trong nước là thị trường xuất khẩu. Thủy sản Việt Nam có mặt ở nhiều thị trường, trong đó có 52 thị trường chủ yếu. Trong số này, có 33 thị trường đạt trên 10 triệu USD, 16 thị trường đạt trên 100 triệu USD, 3 thị trường đạt trên 1 tỷ USD. Đặc biệt, có 46 thị trường đang tăng trưởng, trong đó có 5 thị trường tăng cao…

Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia đang tạo ra lợi thế lớn đối với thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế, giúp nâng cao giá trị và sản lượng xuất khẩu.

Đóng góp cho sự tăng trưởng của ngành phải kể đến cá tra với kim ngạch xuất khẩu trong 10 tháng qua đạt 2,2 tỷ USD (tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái).

Ngoài ra, mặt hàng tôm đạt gần 3,8 tỷ USD (tăng 19%); cá ngừ đạt 890 triệu USD (tăng 50%). Dự kiến năm nay, lần đầu tiên cá ngừ lọt vào danh sách ngành hàng xuất khẩu có kim ngạch trên 1 tỷ USD.

Việt Nam là quốc gia xuất khẩu lớn thứ 3

Với sự tăng trưởng ngoạn mục, dự báo đến cuối tháng 11, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sẽ đạt hơn 10 tỷ USD - mốc kỷ lục của ngành thuỷ sản Việt Nam sau hơn 20 năm tham gia vào thị trường thế giới. Năm nay, cả ngành dự kiến sẽ đạt con số 11 tỷ USD (tăng 25% so với năm 2021), đưa kim ngạch của ngành thủy sản chiếm 3% tổng xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam.

Trên bản đồ xuất khẩu thuỷ sản thế giới, hiện Việt Nam là quốc gia xuất khẩu lớn thứ 3, chỉ đứng sau Trung Quốc và Na Uy – 2 cường quốc có diện tích đất và mặt nước lớn hơn nhiều so với Việt Nam. Với kết quả của năm 2022, ước tính thuỷ sản Việt Nam sẽ chiếm trên 7% thị phần thế giới.

Kim ngạch cá tra xuất khẩu trong 10 tháng qua đạt 2,2 tỷ USD.

Theo VASEP, bước vào quý 4, các doanh nghiệp thủy sản phải đối mặt với hàng loạt khó khăn đang kìm hãm sự phát triển của ngành. Điển hình như từ giữa năm đến nay, nhiều ngân hàng đã cắt giảm mạnh tín dụng với các doanh nghiệp thủy sản mặc dù hạn mức tín dụng của nhiều DN mới chỉ giải ngân được 60-80%. Điều này khiến các doanh nghiệp không đủ tiền để thu mua nguyên liệu thủy sản, vật tư cho sản xuất phải hoạt động cầm chừng.

Mở rộng xuất khẩu thủy sản sang thị trường ngách

Ảnh hưởng lạm phát, XK thủy sản của Việt Nam sang một số thị trường chính bị ảnh hưởng đáng kể. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đã chuyển hướng mở rộng XK sang thị trường ngách.

Theo đánh giá của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), 2022 là một năm có nhiều biến động và khó khăn đối với ngành thuỷ sản. Nhiều mặt hàng XK chủ lực, thị trường XK chính bị tác động khá mạnh. Chẳng hạn mặt hàng cá tra, trong tháng 9/2022, mặc dù kim ngạch XK vẫn cao gấp đôi so với cùng thời điểm năm 2021, nhưng lại là mức thấp nhất kể từ đầu năm. Tình hình lạm phát tăng cao và sự mất giá tiền tệ tại nhiều thị trường nhập khẩu đã đến giai đoạn ngấm sâu và ảnh hưởng nặng nề đối với tầng lớp người tiêu thụ có mức thu nhập trung bình hoặc thấp, buộc phải cân nhắc, tính toán kỹ trong chi tiêu. Do vậy, đây là thời điểm lạm phát làm giảm nhu cầu đối với cả các mặt hàng thực phẩm có giá vừa phải như cá tra, vốn phù hợp với túi tiền của đại đa số người bình dân các nước, khiến mức tiêu thụ giảm đi.

Đáng chú ý, thị trường Trung Quốc vốn được đánh giá là điểm đến lạc quan nhất của doanh nghiệp cá tra trong những tháng cuối năm, nhưng XK cá tra sang thị trường này trong tháng 9, dù ghi nhận mức tăng trưởng khủng 190% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng so với tháng trước vẫn thấp hơn, cho thấy XK sang thị trường này đã bị tác động bởi lạm phát gia tăng. Theo đó, trong tháng 9/2022, Trung Quốc đã nhập khẩu cá tra Việt Nam với trị giá 49 triệu USD, thấp hơn đáng kể so với 64 triệu USD trong tháng 8 và giảm cả nhu cầu nhập khẩu với cá tra phile và cá tra nguyên con đông lạnh. Theo nhận định của các chuyên gia, mặc dù nhu cầu nhập khẩu của thị trường Trung Quốc vẫn rất cao và gần như quay trở về mức như trước đại dịch, nhưng sự rớt giá đồng NDT xuống mức thấp nhất 30 năm so với đồng USD, ảnh hưởng mạnh đến các nhà nhập khẩu nên họ cũng cầm chừng hơn khi nhập khẩu hàng.

Nhận định về thị trường này ở góc độ doanh nghiệp, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cho rằng, dư địa vào thị trường Trung Quốc còn rộng vì đây vừa là thị trường đông dân nhất thế giới, vừa có nhu cầu nhập nguyên liệu phục vụ chế biến XK. Các doanh nghiệp XK thủy sản phải tự nâng cấp sản phẩm vào thị trường Trung Quốc vì nước này đang đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng, hướng đến tiêu chuẩn của các thị trường cao cấp như EU và Hoa Kỳ.

Cùng với đó, Mỹ là thị trường XK lớn nhất sản phẩm thủy sản của Việt Nam, nhưng liên tiếp trong mấy tháng gần đây có xu hướng giảm nhập khẩu. Cụ thể, tháng 6 giảm 8%, tháng 7 giảm đến 23% so với tháng trước đó.

Trước những biến động khó lường, nhưng với sự nỗ lực vượt khó, các doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam đã biến thách thức thành cơ hội, tận dụng lợi thế của các FTA cũng như nhu cầu của thị trường để đẩy mạnh XK trong năm 2022. Với sự nỗ lực trên, các doanh nghiệp XK thủy sản đã mang về kết quả rất khả quan. Tính đến hết tháng 10, XK thuỷ sản cả nước đã mang về 9,5 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mở rộng thị trường ngách

Là một trong những doanh nghiệp XK tôm lớn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Công ty CP tập đoàn Minh Phú đã gia tăng XK tôm sang thị trường Australia. Hiện tỷ trọng tôm XK của công ty này sang Australia chiến tới hơn 15,5%. Tương tự, từ đầu năm 2022 đến nay, để gia tăng sản lượng tôm XK sau đại dịch, Công ty CP Chế biến và Dịch vụ Thủy sản Cà Mau cũng thực hiện phương án gia tăng XK sang thị trường ngách, trong đó có Australia. Hiện, tỷ trọng XK tôm của Công ty CP Chế biến và Dịch vụ Thủy sản Cà Mau đang đứng đầu danh sách các doanh nghiệp XK tôm của Việt Nam, với tỷ trọng gần 18%.

Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty CP Thủy sản Cà Mau.

Ngoài 2 doanh nghiệp nêu trên, theo VASEP, hiện nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đang gia tăng XK tôm sang thị trường Australia. Tính tới 15/10/2022, XK tôm Việt Nam sang Australia đạt gần 214 triệu USD, tăng 62% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong “top” các thị trường nhập khẩu tôm của Việt Nam. XK tôm Việt Nam sang Australia trong 9 tháng năm 2022 liên tục tăng trưởng 2 con số so với cùng kỳ năm ngoái. Ngày 19/8/2022, Bộ Nông nghiệp, Thủy sản và Lâm nghiệp Australia có thông báo bổ sung tôm tẩm bột/ breaded, battered, or crumbed (BBC) và tôm siêu chế biến chưa được làm chín/ highly processed (HP) vào danh sách các mặt hàng được hưởng ưu đãi theo Chương trình can thiệp ưu đãi (CBIS) - Cơ chế dành ưu đãi cho hàng hóa là thực vật nhập khẩu vào Australia được hưởng tỷ lệ kiểm tra an toàn sinh học ít hơn. Quy định nới lỏng này của Australia kỳ vọng sẽ giúp cho XK tôm chế biến từ Việt Nam sang Australia từ nay đến cuối năm tăng trưởng tốt hơn.

Cùng với Australia, Philippines là một trong số các thị trường tăng trưởng mạnh nhập khẩu thuỷ sản từ Việt Nam, với hơn 100 doanh nghiệp Việt Nam tham gia XK các mặt hàng thuỷ hải sản sang thị trường này. Hiện Philippines vươn lên trở thành thị trường nhập khẩu đơn lẻ lớn thứ 13 của thuỷ sản Việt Nam, tăng 10 bậc so với năm 2020.

Theo bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông của VASEP, EU và nhiều thị trường khác như Mỹ, Nhật Bản đang "ngấm đòn" nặng nề từ lạm phát. Bắt đầu vào những tháng cuối năm, giá cả hàng hoá và sinh hoạt đều tăng, do vậy người tiêu dùng phải cân nhắc và thắt chặt chi tiêu. XK thuỷ sản sang thị trường EU cũng như một số thị trường lớn khác bắt đầu chững lại từ tháng 9 và sẽ tiếp tục khó khăn hơn trong những tháng cuối năm. Đơn hàng nhập khẩu mới có xu hướng thấp hơn mọi năm, nhiều đơn hàng bị đề nghị hoãn giao hàng, gây khó cho nhà XK. Chính vì thế, việc mở rộng XK sang nhiều thị trường ngách đang là hướng đi của nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay./.

 

Thanh Tâm (T/h)
Ý kiến bạn đọc
  • Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…

  • Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị

    Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị

    Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.

  • Người mua căn hộ đang thích được sở hữu những gì?

    Người mua căn hộ đang thích được sở hữu những gì?

    Hiện tại, các chủ đầu tư gần như đang vượt qua chính mình khi phải cân bằng giữa các yếu tố đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp, sản phẩm phải chinh phục được đối tượng khách hàng là người trẻ.

Top