Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 9 tháng 11 năm 2022 | 11:10

Xúc tiến tiêu thụ gà đồi và các sản phẩm chủ lực huyện Yên Thế năm 2022

Ngày 9/11, UBND huyện Yên Thế (Bắc Giang) tổ chức Hội nghị Xúc tiến tiêu thụ gà đồi và các sản phẩm nông, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chủ lực của huyện năm 2022, công bố vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm và Niu-cát-xơn đối với gà đồi của huyện.

Tham dự Hội nghị có ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, bà Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND huyện Yên Thế cho biết, với những quyết liệt, tích cực trong chỉ đạo, điều hành; sự cố gắng vươn lên và tích cực tìm tòi, đổi mới, sáng tạo của người dân, doanh nghiệp; những năm gần đây, Yên Thế được đánh giá là một trong những huyện của tỉnh Bắc Giang đạt được khá nhiều thành tựu trên lĩnh vực nông, lâm nghiệp với những sản phẩm đặc trưng, nổi tiếng được thị trường trong và ngoài nước biết đến.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND huyện Yên Thế phát biểu tại hội nghị.

Trước hết là sản phẩm gà đồi Yên Thế. Hiện, tổng đàn gia cầm toàn huyện duy trì ổn định trên 4 triệu con (trong đó đàn gà ổn định 3,5 - 4 triệu con); cơ cấu giống gà theo hướng đa dạng sản phẩm; hằng năm cung cấp ra thị trường 10-12 triệu con, sản lượng trứng đạt khoảng 10 triệu quả (chiếm 60% giá trị ngành chăn nuôi của huyện) với gần 4.000 hộ chăn nuôi thường xuyên, quy mô từ 1.000 con/lứa trở lên. Từ nhiều năm nay, đã hình thành các vùng sản xuất chăn nuôi gà đồi tập trung với quy mô lớn, chất lượng không ngừng được nâng lên. Nhãn hiệu chứng nhận Gà đồi Yên Thế đã được bảo hộ sở hữu công nghiệp tại 3 nước gồm: Trung Quốc, Lào và Singapore. Năm 2022 được Hội Kỷ lục gia Việt Nam công nhận gà đồi Yên Thế là món ăn được chọn vào Top 100 món ăn đặc sản Việt Nam (2021-2022).

Nhiều sản phẩm chế biến từ gà đồi được trưng bày tại hội nghị.

Huyện đã hình thành vùng chăn nuôi dê thương phẩm chất lượng cao và xây dựng thành công Nhãn hiệu tập thể “Dê núi Hồng Kỳ”, tổng đàn dê trên địa bàn huyện duy trì khoảng 10.000 con, hằng năm xuất bán gần 800 tấn dê thương phẩm phục vụ các thị trường lớn như: Quảng Ninh, Ninh Bình, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Phòng...

Diện tích vùng sản xuất chè của huyện đạt trên 500 ha, tập trung chủ yếu tại xã Xuân Lương, xã Canh Nậu; sản lượng chè búp tươi hằng năm đạt gần 5.000 tấn/năm, với nhãn hiệu chứng nhận Chè khô Yên Thế được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KHCN cấp năm 2018; các HTX trên địa bàn cũng đã xây dựng nhãn hiệu riêng như: chè xanh bản Ven của HTX Thân Trường, chè Thiên Lộc của HTX Hằng Anh... Sản phẩm chè (chủ yếu là chè xanh) được chế biến tại các HTX, tổ hợp tác và các hộ gia đình kết hợp giữa thủ công và cơ giới, giữa công nghệ hiện đại và bí quyết truyền thống của người đồng bào dân tộc vùng Cao Lan (chè xanh bản Ven). Đây đều là những sản phẩm hấp dẫn, có giá trị sử dụng cao đối với người tiêu dùng.

Hiện, Yên Thế đã có 23 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó 4 sản phẩm đạt 4 sao, 19 sản phẩm đạt 3 sao.

Nhãn được xác định là một trong những cây ăn quả chủ lực của Yên Thế, với diện tích gần 500 ha, sản lượng năm 2022 đạt trên 2.500 tấn, trong đó chủ yếu là diện tích nhãn chín muộn chiếm trên 70% được trồng bằng các giống Miền Thiết, Hà Tây... Năm 2022, sản phẩm nhãn của huyện đã được Cục Sở hữu trí tuệ Bộ KHCN cấp Chứng nhận nhãn hiệu Nhãn chín muộn Yên Thế với vùng sản xuất tập trung đạt tiêu chuẩn VietGAP và được cấp mã vùng trồng xuất khẩu đi Australia; sản phẩm Nhãn chín muộn của huyện đã được xuất khẩu đi Australia và được đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã.

Với sự quan tâm của huyện và các ngành chức năng đến nay Yên Thế đã có 23 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó 4 sản phẩm đạt 4 sao, 19 sản phẩm đạt 3 sao; nhóm sản phẩm chế biến từ gà đồi Yên Thế chiếm số lượng lớn nhất với các sản phẩm giò gà, xúc xích gà, chả gà; đặc biệt, năm 2022 sản phẩm OCOP về Du lịch sinh thái - Văn hóa bản Ven được công nhận là sản phẩm đạt 3 sao, đây là sản phẩm đầu tiên của tỉnh Bắc Giang về lĩnh vực du lịch đạt sản phẩm OCOP.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang thăm khu trưng bày các sản phẩm hội nghị.

Ngoài ra, gỗ và các sản phẩm chế biến từ gỗ rừng trồng cũng là một trong những thế mạnh của huyện. Với diện tích rừng trồng kinh tế trên 14.000 ha, trong đó 2.300 ha đã được cấp chứng chỉ rừng quốc tế (FSC); sản phẩm gỗ rừng trồng của huyện đã được sơ chế, chế biến đa dạng sản phẩm như ván ép, viên nén để xuất khẩu,...; Trên địa bàn huyện đã hình thành vùng sản xuất giống cây lâm nghiệp có chất lượng cao; hàng năm cung cấp ra thị trường 15-20 triệu cây giống các loại chủ yếu là keo lai, bạch đàn giống mới. Đặc biệt huyện cũng đang bắt đầu phối hợp để triển khai thực hiện Đề án “Phát triển huyện Yên Thế trở thành trung tâm sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp của tỉnh Bắc Giang”.

Ông Sơn mong muốn, tại sự kiện này, chúng tôi trân trọng đề nghị các bộ, ngành Trung ương; Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành tỉnh Bắc Giang tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo và định hướng, kết nối với các doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm để mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và hướng tới xuất khẩu các sản phẩm nông lâm sản của huyện; hỗ trợ quảng bá, giới thiệu các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của huyện Yên Thế đến với người tiêu dùng.

Rất mong các doanh nghiệp, thương nhân, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, các sàn giao dịch điện tử tiếp tục kết nối, bàn bạc, ký kết hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhóm hộ sản xuất, bao tiêu sản phẩm, tạo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ; tạo mối liên kết bền vững giữa người dân chăn nuôi gà đồi và sản xuất nông nghiệp nói chung với các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn huyện.

Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang đã trao giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh động vật cho 19 cơ sở, xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đã công bố và trao giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm và Niu-cát-xơn đối với gà đồi huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang.

Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Thế Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, đây là dịp để Yên Thế quảng bá sản phẩm, giới thiệu quy trình chăn nuôi, chăm sóc, chế biến các sản phẩm gà đồi, dê chất lượng cao, an toàn thực phẩm và các nông sản chủ lực, đặc trưng, sản phẩm OCOP, tiểu thủ công nghiệp của địa phương; tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài tỉnh tìm hiểu, khảo sát, tìm kiếm đối tác, ký kết tiêu thụ sản phẩm nông sản cho nhân dân trên địa bàn.

Ông Phan Thế Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đánh giá cao việc huyện Yên Thế tổ chức hội ghị.

Thời gian tới, để tiếp tục phát huy thế mạnh của vùng sản xuất các sản phẩm nông sản nổi tiếng, có chất lượng cao, thúc đẩy mở rộng thị trường trong và ngoài nước, tôi đề nghị UBND huyện Yên Thế tiếp tục chỉ đạo, thực hiện tốt một số nội dung.

Cần nhất quán và xuyên suốt lấy chất lượng, an toàn thực phẩm làm tiêu chí sản xuất, tiêu thụ bền vững, tạo thế mạnh, chỗ đứng vững chắc trên thị trường; huyện tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và PTNT chủ động xây dựng và duy trì vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm và Niu-cát-xơn; đẩy mạnh triển khai sản xuất, chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học, phát triển kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ chăn nuôi hoàn thiện, chuẩn hóa bao bì, tem nhãn và truy xuất nguồn gốc; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm lâm nghiệp, định hướng phát triển huyện trở thành trung tâm sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp của tỉnh Bắc Giang trong thời gian tới.

Tại hội nghị đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ, hợp tác, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm gà đồi và dê.

Phối hợp chặt chẽ với Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và PTNT, các cơ quan liên quan để tiếp tục chủ động trong khâu kết nối, xúc tiến tiêu thụ, đa dạng hóa thị trường trong và ngoài tỉnh, cả trên các kênh truyền thống (chợ, siêu thị...) và các sàn thương mại điện tử, trên nền tảng online, mạng xã hội... giúp các sản phẩm nông sản của huyện được quảng bá rộng rãi, tiêu thụ thuận lợi, nhanh chóng tới tay người tiêu dùng.

Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để triển khai, đẩy mạnh hoạt động du lịch gắn với quảng bá, tiêu thụ nông sản của huyện; tiếp tục phát huy, đẩy mạnh xây dựng các sản phẩm du lịch, các tour, tuyến mới thu hút du khách qua các hoạt động du lịch sinh thái, trải nghiệm cùng với quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm chủ lực, đặc trưng, sản phẩm OCOP, qua đó giúp sản phẩm gà đồi Yên Thế, dê, chè Bản Ven... được giới thiệu, lan tỏa rộng khắp tới cộng đồng trong và ngoài tỉnh.

Lễ cắt băng xuất hành sản phẩm gà và dê.

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…

  • Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị

    Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị

    Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.

  • Người mua căn hộ đang thích được sở hữu những gì?

    Người mua căn hộ đang thích được sở hữu những gì?

    Hiện tại, các chủ đầu tư gần như đang vượt qua chính mình khi phải cân bằng giữa các yếu tố đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp, sản phẩm phải chinh phục được đối tượng khách hàng là người trẻ.

Top