Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 26 tháng 4 năm 2023 | 20:0

Xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà năm 2023

Để chủ động các phương án tiêu thụ và nâng cao các giá trị của sản phẩm vải thiều, Sở Công Thương Hải Dương và UBND huyện Thanh Hà vừa tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2023; trong đó có lễ ký kết hợp tác tiêu thụ vải năm 2023 giữa các hợp tác xã, hộ sản xuất và doanh nghiệp.

Sản lượng ước đạt 40.000 tấn

Hiện Thanh Hà có 3.265 ha vải; trong đó 1.700 ha vải sớm. Chất lượng vải thiều không ngừng được nâng cao. Toàn huyện có khoảng 500 ha vải đã được công nhận đạt tiêu chuẩn GAP; trong đó có 400 ha VietGAP và 50 ha GlobalGAP còn hiệu lực. Năm 2023, dự kiến tiếp tục sản xuất và chứng nhận đạt chuẩn GAP khoảng 200ha.

Toàn cảnh hội nghị.

Năm nay thời tiết khá thuận lợi cho cây vải sinh trưởng nên tỷ lệ vải ra hoa, đậu quả cao, đạt trên 95%. Vải u trứng đang quả non đến bắt đầu làm cùi. Vải u hồng, u thâm, tàu lai và vải thiều chính vụ đang ra quả non. Sản lượng vải Thanh Hà  ước đạt khoảng 40.000 tấn. Vải u trứng trắng cho thu hoạch sớm nhất, khoảng nửa cuối tháng 5. Vải thiều chính vụ sẽ cho thu hoạch từ giữa tháng 6.

Bà Hoàng Thị Thúy Hà, Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Hà,  cho biết, từ nay đến khi thu hoạch, địa phương tiếp tục tuyên truyền, khuyến cáo các hộ dân tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăm sóc; phân công cán bộ chuyên môn giám sát vùng sản xuất; giám sát việc ghi nhật ký vườn cây… Huyện cũng kiểm tra điều kiện phục vụ du khách tham quan du lịch tại vùng vải thiều và tiểu khu du lịch sinh thái.

Chủ động nâng cao chất lượng

Bà Lương Thị Kiểm, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hải Dương, cho biết, để xuất khẩu thuận lợi, ngành Nông nghiệp đã chủ động phối hợp đơn vị liên quan cấp mã số vùng trồng, mã số đóng gói phục vụ xuất khẩu. Đến nay, toàn tỉnh có 199 mã số vùng trồng vải được cấp với tổng diện tích 1.119 ha. Sở cũng đang đề nghị Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cấp 5 mã số vùng trồng vải sang thị trường Trung Quốc.

Sản lượng vải Thanh Hà năm 2023 ước đạt khoảng 40.000 tấn.

Toàn tỉnh đã có 21 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu sang Trung Quốc, Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Nhật Bản và Thái Lan. Hiện, Sở đang đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cấp mới 3 mã số cơ sở đóng gói vải xuất khẩu sang Trung Quốc với công suất 500 tấn/ngày. Riêng Thanh Hà có 45 vùng sản xuất vải đã được cấp 168 mã số vùng trồng xuất khẩu. Huyện này đang hoàn thiện các quy định để duy trì 11 mã số cơ sở đóng gói đã được cấp và đăng ký cấp mới 3 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu sang Trung Quốc.

Theo bà Kiểm, mỗi thị trường xuất khẩu có một tiêu chí riêng nên ngành Nông nghiệp cần khuyến cáo người trồng trong quá trình chăm sóc vải thiều. Bên cạnh giám sát, tập huấn trực tiếp cho người trồng vải, Hải Dương tổ chức ký cam kết với hệ thống các cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật, tập huấn cho đội ngũ này để biến đây là "cánh tay nối dài", giúp cơ quan chuyên môn tư vấn cho người trồng sử dụng đúng và hiệu quả thuốc bảo vệ thực vật trong phòng trừ sâu bệnh cho vải thiều.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại

Ông Trần Văn Hảo, Giám đốc Sở Công Thương Hải Dương cho biết, ngay từ đầu mùa vải, ngành Công Thương đã sớm triển khai xúc tiến thương mại. Đề phòng dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp, tỉnh sẽ duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu. Đồng thời, xác định tập trung thị trường nội địa. Ngành công thương đã kết nối với các tỉnh thành phố, trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị lớn, sàn thương mại điện tử để giới thiệu, quảng bá chất lượng, sản lượng vải Hải Dương và thông qua hội nghị quốc tế để giới thiệu quả vải Thanh Hà tới thị trường mới.

Ký kết hợp tác sản xuất, tiêu thụ giữa doanh nghiệp với các hợp tác xã, tổ sản xuất vải của huyện Thanh Hà.

Theo ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ameii Việt Nam, doanh nghiệp luôn chú trọng giá trị về mặt văn hóa của quả vải thiều Thanh Hà trong quá trình xúc tiến thương mại, giới thiệu đến người tiêu dùng quốc tế. Năm nay, chuẩn bị cho việc xuất khẩu vải sang thị trường cao cấp, doanh nghiệp này đã đầu tư thêm dây chuyền công nghệ sơ chế, đóng gói. Bên cạnh những đối tác tiêu thụ ở niên vụ trước tiếp tục đặt hàng số lượng lớn, doanh nghiệp cũng kỳ vọng niên vụ vải năm nay sẽ mở rộng được thị trường mới, gia tăng sản lượng xuất khẩu.

Tại hội nghị, Công ty CP Amei Việt Nam đã ký kết hợp đồng nguyên tắc thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vải với tổ sản xuất số 6, xã Thanh Xá; Công ty TNHH MTV Rau củ quả an toàn Thanh Hà ký với HTX Dịch vụ nông nghiệp Hợp Đức (Thanh Quang); Công ty Rồng Đỏ ký kết với tổ sản xuất số 1 xã Thanh Quang.

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top